"Mình bắt đầu tiết kiệm từ năm 3 đại học, đến khi ra trường thì có tròn 100 triệu" | Vietcetera
Billboard banner

"Mình bắt đầu tiết kiệm từ năm 3 đại học, đến khi ra trường thì có tròn 100 triệu"

Nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau, Người Kể Chuyện sẽ chọn làm y tá hoặc công nhân vệ sinh.
"Mình bắt đầu tiết kiệm từ năm 3 đại học, đến khi ra trường thì có tròn 100 triệu"

Nguồn: Vũ Hoàng Long

Vũ Hoàng Long, 23 tuổi, là chủ bút của blog Người Kể Chuyện (116 ngàn người theo dõi), là tác giả của hai cuốn sách và một số nghiên cứu trong nước và quốc tế. Anh cũng là tác giả của nhiều bài viết được đón nhận trên Vietcetera.

Long đang học cao học ngành truyền thông và làm nghề viết toàn thời gian. Ngồi cùng Vietcetera dịp này, anh chia sẻ góc nhìn của bản thân về tiền bạc. Là người sống vì gia đình, mọi kế hoạch tài chính của Long đều được lập ra nhằm hướng đến sự hạnh phúc và an toàn cho những người thân của anh.

1. Anh đã kiếm 100 triệu đầu tiên như thế nào?

Mình mới có ý thức tiết kiệm từ đầu năm 3 đại học, và cho đến khi ra trường thì có tròn 100 triệu. Con số này không là gì so với nhiều bạn bè đồng trang lứa với mình, nhưng với bản thân mình thì ý nghĩa của nó rất lớn. Vì lúc đó gia đình mình chưa trả hết nợ, và tiền mình tiết kiệm cho bản thân cũng chỉ nhỏ giọt.

Để có được số tiền này, mình làm nhiều thứ: làm báo, ghost writer, quay phim, chụp ảnh, chạy sự kiện, làm truyền thông cho tổ chức, NGOs, v.v. Mình không có khiếu kinh doanh và đầu tư, nên số tiền này chính xác là tiền bán máu.

2. Món nợ lớn nhất trong quá khứ của anh là gì?

Mình nợ bố mẹ sự sống của mình, nên mình quan niệm rằng cuộc sống của gia đình mình cũng là cuộc sống của mình.

Món nợ lớn nhất mình từng gánh cũng là món nợ bố mẹ mình từng gánh. Gia đình mình từng phá sản. Món nợ nhiều hơn 9 số 0 một xíu và lúc đó mình mới 16 tuổi. Dù biết cũng chẳng giúp bố mẹ được bao nhiêu, nhưng mình đi làm thêm từ cấp 3 với mong muốn phụ giúp, và thực tế là có thể trang trải một phần tiền học và tiền tiêu vặt của bản thân.

Gia đình mình hết nợ và cuộc sống quay trở lại bình thường khi mình lên đại học, nhưng chân thành là, mình chưa từng thoát khỏi nỗi ám ảnh đó.

3. Thứ gì rất đắt mà anh đã mua và thấy đáng tiền?

Chiếc máy ảnh cơ mình mua năm 16 tuổi. Dù chỉ là một chiếc máy có chất lượng trung bình, song nó đem cho mình nhiều cơ hội công việc. Mình mày mò tự tập chụp, mang theo nó bên người hàng ngày, và khi có công việc đầu tiên là viết tin, đôi lúc mình cảm thấy chiếc máy là người bạn duy nhất mình có.

Mình nghĩ với nhiều đồng nghiệp lúc ấy, chiếc máy ảnh có giá trị hơn mình. Nếu không có chiếc máy, mình không thể lao động và không tạo ra giá trị gì cho người khác, mình thực sự từng nghĩ vậy.

4. Mức lương đầu tiên mà anh nhận là bao nhiêu?

Mình từng nhận được 2.1 triệu tiền nhuận bút cho tháng đầu tiên làm việc, hồi mình 16 tuổi. Đó cũng là lúc mình nhận ra chỉ viết theo đúng những gì cơ quan yêu cầu thôi thì người viết không đủ sống.

Sau một thời gian ngắn không cân bằng được việc học và việc làm, mình trượt đội tuyển học sinh giỏi quốc gia và lúc đó dành toàn tâm toàn ý vào công việc. Mình tự luyện ngôn ngữ viết để “triển” được các kiểu bài đa dạng, mình làm ghost writer để thông thạo cách tư duy của người khác. Lúc đó mình viết ẩn danh hoặc bài viết đứng tên người khác là chính, không có tiếng nhưng có miếng.

Cũng trong cấp 3, có tháng mình đã tăng được con số khởi điểm trên lên 4 lần.

5. Nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau thì anh sẽ làm nghề gì?

Mình sẽ làm y tá hoặc công nhân vệ sinh, vì mình nghĩ công việc chăm sóc (care-giving) là rường cột của xã hội. Mình muốn dành sự chăm sóc tỉ mỉ nhất đến cho người khác, và có lẽ muốn chăm sóc cả thành phố theo cách làm nó sạch hơn.

Care-giving job hiện nay cũng không được coi trọng và mình nghĩ đây là bất công rất lớn đối với cả những người đang thực hiện chúng, và với toàn thể xã hội đang cần chúng nhưng không dám thừa nhận rằng chúng quan trọng. Mình nghĩ nên đặt trí óc và chân tay ngang bằng nhau.

Khi không còn sự phân tầng này thì con người ta cũng không ngại lao động, và không ngại nói với người khác về công việc của mình.

Nguồn: Vũ Hoàng Long.

6. Anh có nắm được số tiền chi tiêu hằng tháng của mình không?

Con số đó là 1.5 triệu. Tất nhiên không tính những đầu tư lớn hơn như mua laptop hoặc điện thoại mới, mình tính đó là chi tiêu cho lâu dài.

Với 1.5 triệu và khả năng chi trả khéo léo, mình có thể đi hầu hết các quán cafe bình dân ở Hà Nội để đặt máy tính làm việc mà vẫn đủ tiền đổ xăng. Thậm chí mình có thể vào thư viện đại học hoặc thư viện quốc gia Hà Nội cả ngày để làm việc, chỉ mất tiền ăn trưa.

Dĩ nhiên thu nhập của mình cao hơn con số đó, nhưng sau biến cố phá sản, cả nhà mình quyết định không còn ai có tài sản riêng nữa. Vì vậy mỗi tháng mình sẽ đưa về cho mẹ tiền lương - 1.5 triệu. Tài khoản ngân hàng của mình luôn chỉ có từng ấy tiền, nếu tiêu hết, mình sẽ không tiêu nữa.

7. Trong một thế giới hoàn hảo, anh sẽ nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi?

Mình sẽ nghỉ hưu năm 49 tuổi. Năm đó có lẽ con mình đã trưởng thành. Mình sẽ rút tiền bảo hiểm và tiền tiết kiệm lại gia đình, rồi đi một nơi nào đó thật xa khỏi xã hội loài người.

Có lẽ lúc đó mình sẽ tìm được sự giác ngộ chăng?

8. Anh sẽ làm gì nếu trúng số 100 tỷ?

Mình sẽ cân đối xem mình cần bao nhiêu trong 100 tỷ đó để tồn tại cho đến khi chết. Chắc chắn con số đó sẽ không nhiều. Rồi mình dùng số tiền còn lại để đóng góp vào một viện nghiên cứu trong đại học của mình mà không đòi hỏi có lại điều gì.

Mình tin vào giáo dục công lập mà sẽ tốt hơn nếu cơ sở nghiên cứu thuộc trường đại học vẫn thuộc về và phục vụ lợi ích công, thay vì được xã hội hoá. Số tiền của mình cũng sẽ chỉ là giọt nước bỏ bể nếu phải so sánh với số tiền nuôi khoa học công lợi. Nên mình nghĩ nó giống như một lời thuyết phục vào niềm tin giáo dục công hơn là một khoản trợ cấp.

9. Nếu mai là tận thế, hôm nay anh sẽ mua gì?

Nếu ngày mai là tận thế và ai cũng biết, thì thị trường sẽ sụp đổ từ trước hôm nay một khoảng thời gian dài và mình sẽ chẳng mua gì được.

Nếu đường phố không rơi vào tình trạng hỗn mang, phi chính phủ, thì mình sẽ tìm một chiếc ống nhòm và một ly cafe khiến mình tỉnh táo nhất có thể khi cái chết ập đến.

10. Nghề nghiệp yêu thích hồi nhỏ của anh là gì?

Mình từng có mong muốn làm kỹ sư cơ khí giống bố mẹ. Cả nhà mình là kỹ sư/người làm trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Mình theo chuyên Vật lý hồi phổ thông cũng vì lẽ này. Việc chuyển sang ngành khoa học xã hội và nhân văn khiến gia đình mình khá sốc, và có lẽ cả bản thân mình trong quá khứ cũng thấy vậy nếu nó biết lựa chọn của mình.

Nhưng bên trong mình thì vẫn luôn là một người thợ cơ khí, một người tỉ mẩn, không phải với máy móc thì cũng là với con người, với tự sự, với cảm xúc và với con chữ.

Nguồn: Vũ Hoàng Long.

11. Tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi, anh có đồng ý với quan điểm này không?

Mình cho rằng tiền không có tội lỗi gì cả. Nó chỉ là những mảnh giấy được con người quy ước giá trị để thị trường hàng hoá lưu thông dễ hơn.

Đến cả của cải vật chất tự thân nó cũng không có tội lỗi, vì tự thân nó không có giá trị, cho đến khi con người cướp nó khỏi thiên nhiên và gán vào nó những mác dán. Toàn bộ thế giới này tồn tại không cần đến nghĩa và giá trị trước khi con người gán nghĩa và giá trị vào nó. Thế nên nguồn gốc của tội lỗi là ở con người.

Chúng ta nhân danh điều này, và đổi lỗi cho điều khác, chỉ để che giấu một chuyện rằng mình khao khát quyền lực và sự điều khiển người khác như thế nào. Cái ác nằm ở bản thân cách chúng ta tự cho mình là sếp của thế giới này và vận hành nó. Chứ bản thân tiền chỉ lưu thông trong hệ thống ta tạo ra, nó chẳng có lỗi lầm gì cả.

12. Nếu được hỏi Thần Đèn 1 câu bất kỳ về tiền thì anh sẽ hỏi gì?

Mình sẽ hỏi Thần Đèn xem mình sở hữu bao nhiêu của cải vật chất là đủ. Mục tiêu của cuộc đời mình không phải tiền, vì thế mình sẽ chỉ cố gắng để đủ sống, với sức khỏe tốt và danh dự.

Nhưng mức trần và mức sàn của số tiền mình phải kiếm là bao nhiêu thì mình không làm được. Có lẽ do mình vẫn còn dục vọng. Và khi lòng tham ấy gây ra hậu quả thì con người thường có xu hướng đổ lỗi cho thần linh. Mình nghĩ Thần Đèn tồn tại ở đây là vì lẽ đó - mình đẩy sự vô minh của mình sang ông ta.