Hãy thử tưởng tượng kịch bản này:
Bạn nhận được thông báo là công ty A đang tuyển một vị trí Senior duy nhất ở chuyên môn mà bạn đang theo đuổi. Đây là công ty mà bạn rất mong muốn được làm việc, thế nhưng bạn tự đánh giá mình chỉ đang ở cấp độ Junior. Lúc này bạn sẽ…
- Đăng ký ngay, còn phù hợp không tính sau
- Chuẩn bị kỹ càng, rồi sau đó đăng ký
- Không đăng ký vì mình không phù hợp
Hãy chậm lại, chọn lựa một cách trung thực.
Mình tạm gọi đây là một tình huống trắc nghiệm để kiểm tra “niềm tin cốt lõi” của bản thân, xem ta đang định nghĩa “tài nguyên” là thế nào. Với mình, mỗi niềm tin dù là nhỏ nhất cũng có sức mạnh biến đổi cuộc sống của chúng ta, thế nên cần cẩn thận với thứ bản thân đang tin.
Để mình nói rõ hơn thông qua giải thích các lựa chọn trên nhé.
Niềm tin “tài nguyên hữu hạn”
Nếu bạn chọn phương án 1 (đăng ký ngay), đó có thể là vị bạn tin rằng chỉ có một số lượng cơ hội, vị trí, và tài nguyên nhất định. Vì vậy, bạn cảm thấy áp lực, lo lắng về việc bị thay thế và phải nhanh chóng giành lấy cơ hội trước khi ai khác lấy mất. Bạn quyết định đăng ký dành chỗ cái đã, rồi tính tiếp.
Mặt sáng của niềm tin này là nó cung cấp cho bạn một nguồn động lực rất lớn đến từ sự canh tranh. Động lực này giúp bạn tận dụng được tối đa mọi cơ hội có được, cũng như nâng cao hiệu suất làm việc.
Mặt tối của niềm tin này là nó có thể đặt tâm trí bạn vào trạng thái căng thẳng, lo lắng quá mức về việc bỏ lỡ cơ hội (FOMO). Áp lực phải vượt trội, phải cạnh tranh cũng làm hạn chế khả năng sáng tạo, tư duy dài hạn. Tệ hơn nữa là gây ra mâu thuẫn, đứt gãy các mối quan hệ cá nhân và đồng nghiệp.
Niềm tin “tài nguyên vô hạn”
Nếu bạn chọn phương án 3 (không đăng ký), bạn đang tin rằng tài nguyên là vô hạn. Vì cho rằng vẫn còn những cơ hội khác đang chờ đợi mình, nên bạn cảm thấy không cần phải cạnh tranh với người khác.
Mặt sáng là niềm tin này cho bạn một thái độ bình tĩnh. Bạn dễ đối mặt với cảm giác thất vọng hơn khi cơ hội qua đi, vì bạn tin rằng chỉ cần bản thân sẵn sàng, cơ hội khác sẽ xuất hiện.
Mặt tối của nó là bạn có thể “nuông chiều” bản thân quá đà, thiếu động lực để phát huy tối đa tiềm năng của mình. Sự chủ quan cũng làm bạn mất đi những loại cơ hội “chỉ xuất hiện 1 lần” như là: cơ hội ký kết dự án lớn, thời điểm vàng để tỏ tình,… (Đương nhiên là những cơ hội này cũng không dễ nhận biết.)
Nguy hiểm hơn nữa, là bạn dễ dàng từ bỏ một mục tiêu đang không thuận lợi, chỉ vì nghĩ rằng những cơ hội khác vẫn đang chờ.
Điểm cân bằng
Nếu bạn chọn phương án 2 (vẫn đăng ký, nhưng có chuẩn bị), bạn đang cảm thấy không cần phải vội vàng, mà muốn dành thời gian để chuẩn bị hồ sơ, tìm kiếm thêm lời khuyên cho việc ứng tuyển cho vị trí cao hơn năng lực hiện tại.
Đó là vì bạn tin rằng cơ hội là có hạn, nhưng đồng thời, dù có bao nhiêu người cùng ứng tuyển, vẫn sẽ luôn có một cơ hội dành cho bạn nếu bạn dám thử sức, và nỗ lực hết mình để trở thành người phù hợp.
Đây là trạng thái cân bằng khi chúng ta có thể điều chỉnh niềm tin một cách linh hoạt, tránh cực đoan nghiêng về một phía, vì chúng đều đi kèm với những mặt tối khác nhau.
Đương nhiên là phương án 2 cũng sẽ không bảo đảm bạn chắc chắn được nhận vào vị trí Senior đó. Bởi vì vẫn có khả năng bạn chuẩn bị kỹ quá, lỡ mất thời gian nhận hồ sơ, hoặc đã có người phù hợp được nhận trước mất rồi.
Tuy nhiên việc làm rõ niềm tin cốt lõi hiện tại của bản thân có thể giúp bạn hiểu mình, hiểu hoàn cảnh, và hiểu thế giới hơn, nhờ đó mà việc đưa ra chọn lựa cũng phần nào hiệu quả.
Liên quan đến việc vươn đến vị trí Senior, bạn có thể đọc thêm bài viết trước của mình: 6 Tư duy để đi làm sớm lên trình senior