3 Triệu 2 may áo dài rồi không có dịp trưng diện | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

3 Triệu 2 may áo dài rồi không có dịp trưng diện

Khi đến Úc tôi mới nhận ra, không có một dịp nào thích hợp để mình diện áo dài.
3 Triệu 2 may áo dài rồi không có dịp trưng diện

Nguồn: Pexels

Năm 22 tuổi, tôi sang Úc du học theo diện trao đổi sinh viên của trường. Vì là lần đầu sống xa quê, tôi hỏi rất kỹ những người bạn và anh chị đi trước kinh nghiệm chuẩn bị các loại quần áo.

Hầu như ai cũng khuyên tôi nên mang theo một bộ áo dài để dành mặc trong lễ tết hoặc những dịp đặc biệt của trường. “Mặc áo dài giữa bầu trời hải ngoại thì cảm giác tự hào tăng lên gấp 10 lần”, một người bạn của tôi bảo vậy. Thế là tôi quyết định sắm cho mình một bộ, dù trước đó tôi…chưa từng mặc áo dài bao giờ.

Hồi phổ thông tôi học trường quốc tế, nên cũng không phải mặc áo dài trắng đi khai giảng như ở đa số trường công. Chính vì vậy mà tôi cũng có chút FOMO, bởi là con gái Việt Nam nhưng chưa từng một lần khoác lên tà áo truyền thống của dân tộc.

Vì số đo cỡ người hơi đặc biệt, tôi được cửa hàng tư vấn nên may đo thay vì mua áo dài có sẵn. Tiền vải và công may cộng lại hết 3 triệu 2 - một con số khá cao so với mặt bằng chung, và với mức tài chính của tôi hồi ấy. Nhưng tôi không thắc mắc gì nhiều, bởi là “lính mới” trong lĩnh vực này nên tôi không biết gì về kiểu dáng, màu sắc hay chất liệu phù hợp với mình.

Tất cả những gì tôi quan tâm chỉ là có được chiếc áo dài ưng ý để “sống ảo” hết mình ở trời Tây. Tôi hào hứng muốn cho bạn bè quốc tế biết, tà áo dài Việt đẹp và độc đáo như thế nào.

Nhưng khi đặt chân đến Úc thì mọi việc không như tôi tưởng. Tôi không nhận ra một dịp nào thích hợp để mình mặc áo dài. Ở Úc chủ yếu đi bộ và phương tiện công cộng, nên tôi phải ăn mặc gọn nhẹ, linh hoạt để dễ di chuyển. Đây là những yếu tố mà áo dài và những phụ kiện đi kèm nó (quần vải xéo và giày cao gót) đều không đáp ứng được.

Tôi tham gia hội sinh viên Việt Nam ở trường, định bụng sẽ mặc nó vào dịp Trung Thu hoặc Tết Nguyên đán. Nhưng khi hoạt động trong ban hậu cần, tôi nhận ra nó cũng không phù hợp để chạy qua lại và quán xuyến mọi việc.

Lúc này hiệu ứng chi phí chìm bắt đầu xuất hiện. Tôi chỉ nghĩ, đã bỏ hơn 3 triệu may áo dài thì phải cố tìm thời điểm mà mặc không phí. Thế là tôi quyết tâm mặc chiếc áo dài hồng đào của mình đến dạ hội của khoa, dù dress code được đưa ra cho nữ là màu đỏ.

Khi đến nơi, tôi mới thấy mình đã sai lầm. Áo dài của tôi dù đẹp, nhưng nó lạc quẻ hẳn so với những bộ đầm kiểu phương Tây mà các bạn khác mặc. Những bạn không mặc đầm xòe thì cũng mặc váy ngắn đơn giản mà thanh lịch. Chưa kể lúc khiêu vũ tôi phải liên tục cúi xuống nhìn để tránh giẫm vào tà áo, trong khi các bạn nhảy uyển chuyển và thoải mái. Tôi thực sự đã trở nên nổi bật, nhưng theo cách mà tôi không mong muốn chút nào.

Chung quy lại là không có một hoàn cảnh nào thích hợp cho tôi diện áo dài. Nhưng cũng chính những lúc này, tôi nhận ra nó không phải cách duy nhất để thể hiện mình là người Việt. Tôi vẫn có nhiều cách khác để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với bạn bè các nước.

Trong dịp tết Trung thu năm đó, tôi đã làm 10 chiếc đèn lồng khung tre để trang trí và làm giải thưởng trò chơi. Các bạn quốc tế đến quầy của chúng tôi đều thích thú, thậm chí xếp hàng cầm đèn chụp ảnh. Có bạn còn bảo sao hội làm ít đèn quá, nếu làm thêm để bán thì các bạn sẵn sàng mua về rồi. Tôi cũng hướng dẫn các bạn chơi nhảy sạp, kéo co và nhiều trò chơi dân gian Việt Nam khác.

Ở một câu lạc bộ khác, tôi là thành viên người Việt duy nhất trong ban điều hành. Trong một dịp cuối tuần mà chúng tôi tổ chức tiệc potluck (mỗi người nấu 1 món ăn rồi chia sẻ với tất cả), tôi đã chiêu đãi các bạn món nem rán truyền thống. Các bạn không những khen ngon mà còn hào hứng nhờ tôi hướng dẫn gói nem, dù “thành quả” của họ là những chiếc nem ngắn hoặc dài bất thường. Trong giây phút đó, tôi cảm thấy tự hào vô cùng.

05sep2022135865436102175278921243387521846065089230628njpg
Đĩa nem với chiếc nem “dài bất thường” mà cậu bạn Ấn Độ của tôi gói.

Vì vậy mà trong lần quay lại Úc năm 2020 để hoàn thành chương trình thạc sĩ, tôi quyết định không mang áo dài nữa. Một phần vì nó đã hơi chật, phần vì tôi đã nhận ra nó không phải là biểu tượng duy nhất của con gái Việt Nam.

Dù vậy, tôi không còn quá tiếc 3 triệu 2 tôi bỏ ra để may nó. Tôi hiểu rằng đó là học phí để học cách tránh tiêu tiền vì FOMO, và học nhìn nhận vấn đề một cách toàn cảnh hơn. Không phải cứ có tấm ảnh áo dài tung bay nơi xứ người mới có thể tự hào về chất Việt của mình. Những lời khen ngợi của các bạn quốc tế về đèn lồng tôi làm, những kỷ niệm đáng nhớ của các bạn khi ăn nem tôi cuốn đã mang lại những giá trị tinh thần không hề kém cạnh.