Được chuyển ngữ từ bài viết “The Fear of Missing Out: Or How I Learned to Stop Worrying and Love Instagram” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Tôi từng gặp phải một vấn đề với biểu hiện giống như một cơn nghiện, chỉ khác là tôi không tiêu thụ cái gì cả. Đúng hơn thì nó là cơn nghiện việc muốn tiêu thụ những thứ mà tôi không thể. Tôi chẳng lấy gì làm tự hào về việc này, và từng giấu không cho người thân hay bạn bè biết về nó. Dù vậy, nó đã ăn mòn tôi từ bên trong.
Đó chính là nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO - Fear of Missing Out). Bạn có thể đã nghe về nó, hoặc có khi chính bạn cũng từng mắc phải nó ở một dạng nào khác.
Tôi của vài năm trước từng FOMO về những chuyến du lịch. Chỉ cần đưa tôi một bức ảnh tuyệt đẹp ở đâu đó, phản ứng tức thời của tôi sẽ là “mình phải đến đây ngay lập tức.” Tôi sẽ bồn chồn nhận ra mình đã quá lãng phí thời gian, đã bỏ lỡ một nơi quá đẹp.
Nhiều lúc tôi quên cả việc bức ảnh có thể đã bị photoshop. Có thể nhiếp ảnh gia đã được trả 10 tỷ đô để chỉnh màu nước biển sao cho xanh hoàn hảo, và hòn đảo ở cách tôi nửa vòng trái đất. Nhưng mặc kệ chúng, TÔI - PHẢI - ĐẾN - ĐÓ!
Và tôi đã làm thật. Dù không đi du lịch quá thường xuyên (nếu không chắc tôi sống cả đời trên máy bay luôn), nhưng tôi cũng đi tương đối nhiều. Tôi đã tiêu vài chục nghìn đô cho những chuyến bay đến những chân trời góc bể xa lạ, để có đủ ảnh sống ảo trên Facebook và Instagram hàng ngày như một người đánh lô lần nào cũng trúng.
Một số nơi đúng là đẹp ngoạn mục, nhưng đa số còn lại thì không - nếu không muốn nói là khiến tôi thất vọng tràn trề. Khi không còn các bộ lọc (filter) như trên ảnh, khi thời tiết mây mù và khi hàng loạt du khách chen chúc làm hỏng khoảnh khắc trên Snapchat của bạn, thì chuyến đi bạn hằng mơ ước bỗng trở nên hết sức tầm thường. Chắc bạn đang nghĩ rằng sau vài lần “vỡ mộng” như thế, thì cơn FOMO của tôi sẽ chìm xuống.
Nhưng không. Thậm chí thời gian đầu, nó còn khiến tôi FOMO nặng hơn. Nó khiến tôi tin rằng mình đã tới không đúng chỗ. Rằng mình chưa tìm đúng ảnh trên Instagram. Rằng tôi thậm chí còn bỏ lỡ nhiều hơn những gì tôi nghĩ. Rằng những nơi tôi đến chưa đủ độc đáo, các cuộc phiêu lưu của tôi chưa đủ mạo hiểm. Rằng tôi chưa nghiên cứu kỹ trước đó và chưa tiêu đủ tiền.
Và rồi như mọi khi, tôi quay lại với cỗ máy sản xuất dopamine mang tên internet để tiếp tục lướt mạng và nhìn thấy những “thiên đường” khác mà tôi có thể mơ mộng về.
Tôi làm điều này trong suốt nhiều năm, và đúng là tôi đã có nhiều chuyến đi đáng nhớ. Nhưng tôi cũng thường xuyên gặp phải một vấn đề đặc biệt, là đi đến những nơi tôi không thực sự thích, và tiêu tiền cho những thứ bản thân không thực sự quan tâm.
Theo thiên kiến nhận thức muộn (hindsight bias), thứ thúc đẩy tôi không phải là niềm vui được nhìn thấy một điều gì tuyệt vời. Mà trái lại, nó là nỗi sợ không được nhìn thấy điều đó. Nghe thì có vẻ giống nhau, nhưng thực chất đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác biệt (mà tôi không nói đùa).
FOMO là mong muốn có tính ép buộc bản thân phải có được một trải nghiệm nào đó. Nó được thúc đẩy không phải bởi thứ bạn có thể đạt được (nhờ trải nghiệm đó), mà bởi thứ bạn SỢ mình có thể sẽ mất.
Và nỗi sợ mất mát này chủ yếu do ta tự tưởng tượng, nên FOMO bản chất là sự tra tấn tâm lý ta tự gây ra cho mình.
Đó là niềm tin phi lý rằng mọi người xung quanh lúc nào cũng sống vui hơn bạn. Rằng khoảnh khắc đáng nhớ nhất cuộc đời luôn ở gần kề, và bạn sẽ là một đứa ngốc nếu ở nhà và không ra tận hưởng nó. Rằng địa điểm tiếp theo bạn đến hay người tiếp theo bạn gặp sẽ hoàn hảo nhất, nên việc tập trung vào hiện tại sẽ khiến bạn bỏ lỡ chúng.
Đó là việc gặp cả chục người bạn mỗi tuần, và chẳng thấy thân thiết với ai trong số họ. Là việc đi 5 quán bar trong một tối thứ Sáu, và thấy chỗ nào cũng chán vì nghĩ rằng một quán bar khác mà bạn của bạn đang đi thú vị hơn.
FOMO đang trở thành một vấn đề lớn với thế hệ chúng ta, vì một thực tế đơn giản là chúng ta có quá nhiều lựa chọn. Điều này vốn nổi tiếng với cái tên “nghịch lý của lựa chọn,” và nó chính là nguyên nhân vì sao càng có nhiều lựa chọn, chúng ta càng ít hạnh phúc hơn.
Nếu bạn chỉ có 2 loại bánh kẹp để lựa chọn ăn sáng, bạn sẽ chọn cái nào trông ngon hơn và chẳng nghĩ gì về nó nữa. Nhưng nếu thực đơn có 40 loại bánh kẹp khác nhau được làm thủ công với nguyên liệu hữu cơ, bạn sẽ phát khùng vì không biết phải chọn loại nào. Rồi bạn tiếp tục hành hạ bản thân trong 5 tiếng sau đó vì không biết mình đã chọn loại ngon nhất chưa, và rồi phải quay lại n lần để thử những loại khác. Dù chẳng còn thấy đói nữa, và thực ra bạn cũng chẳng thích thú gì bánh kẹp, nhưng bạn vẫn nghĩ mình không đủ thời gian để thử hết những điều “tuyệt vời” này.
Vấn đề của FOMO nằm ở chỗ nó khiến bạn không thực sự đắm chìm trong trải nghiệm đang có. Nghe có vẻ buồn cười, vì nỗi sợ này thúc đẩy người ta thử nhiều thứ nhất có thể. Nhưng cũng chính nó lấy đi những điều ý nghĩa mà các trải nghiệm đó mang lại. Hệ quả là FOMO khiến chúng ta ra quyết định dựa trên ý nghĩa tưởng tượng thay vì thực tế của các trải nghiệm đó.
Ví dụ bạn được rủ đi ăn tối cùng đồng nghiệp, nhưng bạn không thực sự muốn đi. Bạn lại sợ sẽ bỏ lỡ một đêm tuyệt vời, nơi mọi người thân thiết và yêu thương nhau như bạn tri kỷ. Thế nên bạn vẫn đi, song bạn không thấy vui vẻ gì cho cam và cũng chẳng thân thiết được với ai. Thay vào đó, bạn ngồi lướt điện thoại và nghiền ngẫm về những điều tuyệt vời khác mà đáng nhẽ bạn có thể làm nếu không dự bữa tối nhạt nhẽo này.
Theo cách này, người bị FOMO sẽ nhồi nhét một lịch trình hoạt động dày đặc, trong khi không thực sự “enjoy cái moment này” với bất cứ hoạt động nào. Để bù đắp cho nỗi ám ảnh đến tuyệt vọng với những trải nghiệm chất lượng, họ chọn cách gia tăng số lượng trải nghiệm nhiều nhất có thể.
Quay trở lại khoảnh khắc tôi đắm chìm vào những bức ảnh biển xanh cát trắng hay dãy núi hùng vĩ trên Instagram. Lúc đó tôi thực sự không nghĩ đến các công đoạn chuẩn bị hành lý, ngồi máy bay, mất ngủ, thuê hướng dẫn viên, mua giày mới, khảo giá khách sạn… để đổi lấy cảnh vật hay trải nghiệm nơi này sẽ mang lại. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là trông nó tuyệt vời hơn chỗ tôi đang ở hay việc tôi đang làm lúc bấy giờ, và như vậy là quá đủ lý do để tôi phải đến đó.
Giờ nhìn lại mới thấy đó là một quyết định vô cùng non nớt và bốc đồng. Chỉ vì trông nơi đó đẹp hơn, tôi đã lập tức kết luận rằng nó thực sự đáng để tôi đầu tư thời gian và năng lượng của mình.
Nhiều năm về trước, tôi từng đưa ra nhiều lời khuyên về hẹn hò và các mối quan hệ. Trong quá trình này, tôi nhận ra những dấu hiệu FOMO ở nhiều người trẻ và chưa trưởng thành.
Chẳng hạn một chàng trai nhìn thấy một cô gái quyến rũ. Cậu lập tức có suy nghĩ “mình phải làm mọi cách để cưa đổ được cô ấy” mà không hề tự vấn rằng cô là người thế nào, có phải kiểu người cậu thích hay không, có thể hòa hợp được hay không…Thậm chí cậu chẳng thèm thắc mắc cái vấn đề quan trọng nhất là cô gái ấy có đang độc thân hay không nữa. Dường như trong trí não cậu, hai suy nghĩ “cô ấy thật quyến rũ” và “tôi muốn ở bên cô ấy” kết hợp làm một.
Đây chính là dấu hiệu FOMO đến lu mờ lý trí trong tình yêu. Đối với chàng trai, một cô gái quyến rũ đáng giá hơn mọi việc cậu làm lúc bấy giờ. Và vì quanh cậu luôn có những người mới và quyến rũ hơn, cậu chẳng bao giờ hài lòng với bất cứ cô gái nào cậu gặp trong thực tế.
Đó là một trò chơi bệnh hoạn mà cậu và nhiều người trẻ khác tự chơi với chính mình. Nói chính xác, đây là lối tư duy vật hóa (objectification) kinh điển về đối tượng mà họ muốn hẹn hò.
Và đó cũng là miêu tả ngắn gọn nhất về FOMO: vật hóa cuộc sống của bạn và 7749 thứ quanh bạn. Bạn coi cuộc đời mình như một cái checklist dài vô tận, hoặc một trò chơi điện tử mà bạn phải giành nhiều điểm nhất có thể để “chiến thắng.” Nhưng thực tế cuộc sống không như vậy. Khi bạn qua đời, chẳng có bảng điểm nào đợi bạn ở ngưỡng cửa thiên đường. Và bạn cũng chẳng thể mang theo đống thành tích trên mạng xã hội của mình sang thế giới bên kia.
Cuộc đời là một chuỗi những trải nghiệm phức tạp, nó mang lại những niềm vui, nỗi buồn và cả sự đấu tranh. Nó là một chặng đường dài mà ta chỉ có thể vừa đi, vừa đánh giá quãng đường mình đi và quyết định hướng đi tiếp theo dựa trên những cảm xúc và giá trị ta theo đuổi. Vì FOMO bắt nguồn từ sự bất an của chúng ta, nó làm nhiễu loạn khả năng xử lý hoặc đối phó với những vấn đề này.
Tôi biết sự thật nó không gợi cảm như bức hình bãi biển trong xanh hay cô gái chân dài mặc chiếc quần đùi ngắn mà bạn thấy trên mạng. Có thể đó là lý do vì sao con người ta rất tệ trong việc chấp nhận nó. Bởi vì internet chỉ giỏi mang lại cho bạn những hình ảnh gợi cảm, chứ không phải hình ảnh thật sự của cuộc sống.
Cách để thoát khỏi FOMO là xóa sạch những mộng tưởng hão huyền đang được bạn trao cho quyền điều khiển những quyết định của mình.
Chẳng có bãi biển nào là hoàn hảo. Cũng chẳng có người nào thật sự “hoàn hảo” để bạn hẹn hò. Tương tự như vậy, những khái niệm về một buổi tối hoàn hảo, một bữa tiệc hoàn hảo hay một nhóm bạn hoàn hảo đều không tồn tại.
Thực ra “tốt hơn” và “tệ hơn” là hai khái niệm mang tính tương đối cao. Nó phụ thuộc vào nhiều thứ hơn là những gì tốt đẹp bạn thấy trên văn bản hay màn hình điện thoại. Bạn có thể đi nghỉ ở nơi tuyệt vời nhất quả đất, nhưng nếu cún cưng của bạn qua đời trước đó 1 ngày, đó sẽ là một chuyến đi thảm họa. Bạn không thể làm gì để thay đổi điều đó. Rất nhiều thứ khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hay xấu xí là những yếu tố khó đoán, nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta.
Những trải nghiệm tuyệt vời của cuộc sống đều đi kèm những chi phí liên quan. Chúng đòi hỏi sự đầu tư và hy sinh, và đôi lúc bạn sẽ không muốn cam kết với chúng. Điều này là hoàn toàn bình thường, nó không có nghĩa bạn phải chịu mất bất cứ cái gì. Nghĩ kỹ thì thực tế bạn luôn thiếu một thứ gì đó, và có những lúc việc bỏ lỡ chúng sẽ tốt hơn cho bạn hơn là cố tìm cách sở hữu chúng.
Cũng chính nhờ nhận ra điều này mà tôi cuối cùng đã thoát khỏi FOMO. Đúng là tôi đã luôn “chạy trốn” khỏi thực tại để tới những địa điểm tuyệt vời. Nhưng điều đó đồng nghĩa tôi phải từ bỏ sự ổn định và tính cộng đồng đi kèm với việc xây dựng tổ ấm. Tôi đã từ bỏ việc trở nên thân thiết với mọi người, và việc luôn ở đó để những người tôi thương có chỗ dựa tin tưởng. Tôi đã từ bỏ khả năng tập trung trong thời gian dài - thứ đáng nhẽ tôi có thể áp dụng để phát triển sự nghiệp xa hơn và phát huy hết tiềm năng của mình.
Những trải nghiệm đáng giá rất đa dạng. Một số rất thú vị và xứng đáng được chia sẻ trên Snapchat, số còn lại thì không. Nhìn lại thì có lẽ tôi học được nhiều điều từ những cuốn sách tôi đọc ở Bali hơn là việc đi nghỉ ở đó. Dù thấy đau lòng khi thừa nhận điều đó với chính mình, nhưng tôi phải công nhận nó đúng.
Có những trải nghiệm khác đáng giá nhưng không gợi cảm, chẳng hạn việc dành thời gian ở một mình, duy trì tình bạn hay giáo dục bản thân. Bạn sẽ chẳng bao giờ thấy chúng trên Instagram, bởi đơn giản bạn không thể chụp hình chúng. Những trải nghiệm này không nằm bên ngoài để bạn đi tìm, mà bạn phải tự xây dựng chúng từ bên trong.
Và quá trình xây dựng này sẽ bắt đầu khi bạn nhận ra, cuộc sống không phải là quá trình tích lũy càng nhiều trải nghiệm càng tốt. Thay vào đó, hãy tập trung thật tốt vào số ít trải nghiệm mà ta thấy chất lượng nhất với mình.