4 Cấp độ an toàn tâm lý khi đi làm, bạn đang ở đâu? | Vietcetera
Billboard banner

4 Cấp độ an toàn tâm lý khi đi làm, bạn đang ở đâu?

Công thức giúp bạn soi chiếu mối quan hệ giữa mình và công ty!
4 Cấp độ an toàn tâm lý khi đi làm, bạn đang ở đâu?

4 cấp độ giúp bạn kiểm tra độ thoải mái tâm lý của mình nơi công sở, bạn đang ở đâu? | Nguồn: Phương Thảo @therabbit.archive cho Vietcetera.

Bạn năng nổ hòa nhập nhưng vẫn cảm thấy mình không là một phần của tập thể?

Bạn mong muốn đóng góp xây dựng nhưng chẳng ai lắng nghe?

Cảm giác được tự do cống hiến và sống thật ở công sở được gói gọn trong thuật ngữ “an toàn tâm lý” (psychology safety), bao gồm 4 cấp bậc để bạn xác định mức độ tương hợp giữa mình và doanh nghiệp, rồi tìm ra bến đỗ sự nghiệp như ý.

Thang đo được phát triển bởi Nhà tâm lý Timothy R. Clark trong cuốn sách nổi tiếng “The 4 Stages of Psychological Safety” của ông.

Trong đó, một “ma mới” sẽ cần trải qua đủ 4 giai đoạn tâm lý để rũ bỏ lớp áo giáp, cảm thấy an toàn và tự tin phát triển lâu dài. Mô hình này đã được các Giám đốc Nhân sự trên thế giới ứng dụng vào nâng cao hiệu suất và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên, theo Forbes.

Nếu vẫn chơi vơi trong chính mối quan hệ giữa mình và… công ty, hãy cùng điểm qua 4 cấp độ an toàn tâm lý xem bạn đang ở đâu. 4 cấp độ bao gồm:

Cấp độ 1: An toàn hòa nhập (Inclusion safety)

Cấp độ đầu tiên nhắm đến nhu cầu xã hội cơ bản nhất của con người: cảm giác thuộc về.

Bạn được công ty chào đón, đồng nghiệp quan tâm, sếp hướng dẫn, tất cả mọi người xem bạn là một phần của tập thể. Sự tồn tại của bạn có ý nghĩa nhất định với đội nhóm, và bạn cảm thấy mình có một nơi để thuộc về.

alt
Bạn được ngẫu nhiên nhắc đến bởi đồng nghiệp như một phần của tập thể, mà không cần cố gắng thay đổi chính mình quá nhiều.

Một số biểu hiện tuy “nhỏ mà có võ” của an toàn hòa nhập:

  • Đồng nghiệp luôn nghĩ đến bạn khi rủ đi ăn trưa, đi dạo, happy hour.
  • Dù bạn im lặng ít giao tiếp, đồng nghiệp vẫn nhắc đến bạn trong một ngữ cảnh ngẫu nhiên nào đó.
  • Đồng nghiệp hỏi ý kiến bạn về một vấn đề chung của nhóm, cần sự đóng góp từ bạn.
  • Sếp đối xử công bằng giữa bạn và những người senior hơn bạn.

Ngược lại nếu thiếu đi an toàn hòa nhập, bạn sẽ luôn cảm thấy có khoảng cách giữa mình và đồng nghiệp, thậm chí “thấp cổ bé họng” nhất trong mọi giao tiếp hàng ngày.

Hãy kiên nhẫn quan sát xem sự xa cách này có giảm theo thời gian hay không. Nếu không, bạn có thể đang ở môi trường coi trọng cấp bậc hoặc phân biệt đối xử nhân viên trên nhiều đặc điểm bạn có: ma mới, vị trí trong công ty (junior so với senior), gia cảnh, ngoại hình,...

“Gãy cánh” ngay từ cấp độ an toàn 1, cũng phản ánh một phần red flag ở môi trường công sở. Đây là tín hiệu đầu tiên để bạn xem xét lại mối quan hệ, nếu không muốn bị tổn thương ở các cấp độ sau.

Cấp độ 2: An toàn học hỏi (Learner safety)

Hòa nhập xong bạn có thể tự do hỏi đáp, trải nghiệm, vấp ngã và được trao cơ hội “làm lại”. Nói cách khác, bạn được tạo điều kiện học và phát triển tối đa, bất kể xuất phát điểm bạn giỏi hay không.

alt
Sếp cho phép bạn "hỏi bao nhiêu cũng được" và không ngại sai sót, vì ai cũng cần trăm sai để trở về một đúng.

Những biểu hiện bạn đã đạt cấp độ an toàn 2:

  • Bạn được sếp khuyến khích đặt câu hỏi và tò mò càng nhiều càng tốt.
  • Bạn không bị phán xét hay dập tắt câu hỏi dù cho nó… ngớ ngẩn (và bạn không ý thức được nó ngớ ngẩn).
  • Khi mắc lỗi, bạn không bị sếp chê trách năng lực yếu kém, trái lại sếp sẽ phân tích nó trên góc độ bài học kinh nghiệm.
  • Bạn được thoải mái thừa nhận rằng bạn “không làm được” để sếp hỗ trợ, thay vì giả vờ thể hiện.

Khi đã đáp ứng đầy đủ cấp độ 2, bạn dần xây dựng nội lực và sự tự tin ở bản thân.

Tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm rồi, bạn bắt đầu tin vào những gì mình đọc, nghe, và chia sẻ ra với người khác. Từ đó, cấp độ 3 là nơi bạn tỏa sáng trước tập thể.

Cấp độ 3: An toàn cống hiến (Contributor safety)

Học hỏi xong bạn có đất dụng võ, với môi trường thúc đẩy bạn vận dụng tài năng của mình. Mặc dù chức vụ mỗi người mỗi khác, ai cũng được động viên để thử dấn thân với các phần việc mới lạ nếu muốn.

Quản lý làm tốt cấp độ 3 sẽ tạo nên văn hóa đội nhóm tích cực, cầu tiến với thành tích cao.

alt
Bạn nảy ra ý tưởng mới và không hề ngần ngại để chia sẻ nó với cả team, vì bạn biết đồng đội sẽ lắng nghe mình.

Các biểu hiện của cấp độ 3, an toàn cống hiến:

  • Bạn có không gian để chia sẻ ý tưởng trong phòng họp, mọi người đều được phát biểu ngang nhau.
  • Dù lầm lì ít nói, bạn cũng không bị dán nhãn là người yếu kém. Sếp bạn luôn có cái nhìn công bằng.
  • Bạn không còn sợ hãi khi đóng góp ý kiến.
  • Góp ý của bạn được lắng nghe, tôn trọng và khen thưởng nếu thành tích tốt.

Ở cấp độ 3, bạn không cần phải “gồng” tỏ ra can đảm để phát biểu ý kiến, hay xem phòng họp như một trận chiến. Ngược lại, bạn thoải mái ung dung và tự tin đóng góp.

Bạn hiểu rõ ý kiến của mình được tôn trọng ngay cả khi chúng chưa đạt yêu cầu. Bạn cũng trân trọng đóng góp của đồng đội khác, để hợp tác với nhau một cách công bằng hơn.

Cấp độ 4: An toàn thử thách (Challenger safety)

Thời gian dài cống hiến giúp bạn xây dựng sự vững vàng về năng lực chuyên môn, để sẵn sàng “thử thách” ngược lại những gì quen thuộc.

Cấp độ này cho phép bạn phản biện, đề xuất giải pháp mới, và đưa ra quyết định với ít sự trợ giúp từ cấp trên hơn.

alt
Kỹ năng phản biện và đề xuất giải pháp của bạn được phát huy tối đa, bạn dám nói "không" khi đã tự tin vào dẫn chứng của bản thân mình.

Bạn cũng sẵn sàng thăng tiến lên senior nếu làm tốt ở cấp độ 4. Cấp độ thử thách này bao gồm:

  • Mọi ý tưởng bạn cải tiến sản phẩm, quy trình,... đều được công nhận và xem xét.
  • Bạn được trao quyền để tham gia vào các cuộc họp mang tính quyết định, được kỳ vọng sẽ đưa ra giải pháp tối ưu cùng sếp.
  • Đồng đội cho phép bạn phản biện cả ý tưởng của những seniors với thâm niên.
  • Cấp trên khuyến khích bạn bước ra khỏi vùng an toàn sau thời gian dài với tính chất công việc lặp lại.

Ở cấp độ 4, bạn thấy an toàn ngay cả khi phản biện lại những quy trình cũ của công ty và cải tiến nó. Đây là giai đoạn không phải ai cũng được trải qua, vì nó đòi hỏi kỹ năng dẫn dắt và đào tạo xuất sắc từ cấp quản lý.

Sẽ ra sao nếu bạn không đạt đủ 4 cấp độ an toàn?

Không dễ để đạt 4/4 cảm giác an toàn tuyệt đối, tuy nhiên đạt 2-3 điểm cũng đủ khiến một môi trường làm việc hài hòa và dễ chịu với phần lớn nhân sự.

Cuối cùng, mô hình này còn lý giải nguyên nhân mâu thuẫn của các đội nhóm. Cùng một phòng ban, bạn có thể hài lòng công việc ở cấp 1 (hòa nhập) nhưng đồng nghiệp đã thấy thỏa mãn cấp 3 (cống hiến), dẫn đến cảm giác xa cách khi cả 2 không có cùng một trải nghiệm văn hóa.

Sự chênh lệch này tùy thuộc vào tính cách cá nhân và xu hướng lãnh đạo của quản lý. Những gì bạn có thể làm là đối chiếu các tác động ngoại cảnh (văn hóa, đồng nghiệp, công việc) với cảm nhận cá nhân (sở trường, tính cách, mối quan tâm). Từ đó bạn có thể quyết định tốt hơn khả năng gắn kết dài hạn giữa mình và công ty.