4 Điều nhà sáng lập cần làm sau khi gọi vốn thành công | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 08, 2022
Sự NghiệpXu Hướng Kinh Doanh

4 Điều nhà sáng lập cần làm sau khi gọi vốn thành công

Sohun Bae - Quản lý đầu tư của quỹ Ascend Vietnam Ventures chia sẻ những ưu tiên mà các nhà sáng lập mới nhận vốn cần lưu ý.
4 Điều nhà sáng lập cần làm sau khi gọi vốn thành công

Ascend Vietnam Ventures đã đầu tư vào Kilo - nền tảng marketplace nhằm kết nối các nhà bán buôn và nhà phân phối với các cửa hàng bán lẻ. | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

ISEV x Vietcetera

Ngày nay, bất cứ khi nào một startup Việt thành công huy động những khoản đầu tư lớn, thì dù quy mô to nhỏ hay độ nhận diện chưa rộng rãi, đều nhận được sự chú ý của truyền thông và xã hội. Từ công nghệ giáo dục (edtech), công nghệ tài chính (fintech), cho đến công nghệ nông nghiệp (agritech), giới startup trong nước tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu và đóng góp không nhỏ vào quá trình số hoá nền kinh tế Việt Nam.

StartupBlink (trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu) đã công bố bảng xếp hạng hệ sinh thái startup các quốc gia năm 2022. Trong đó, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 ở khu vực Đông Nam Á (tăng một bậc so với năm ngoái) và thứ 54 trên thế giới (tăng 5 bậc). Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam đã tích cực hồi phục kinh tế và không ngừng đầu tư vào đổi mới sáng tạo từ khi tái mở cửa biên giới vào cuối quý 1 năm nay.

Trong một tập của Shark Tank phiên bản Mỹ, tỷ phú “cá mập” Mark Cuban có nói, "Huy động vốn là bước bắt buộc, chứ không phải thành tựu gì cả." Một cá mập khác cũng đồng ý, "Giới truyền thông không nên tung hô những tin tức rót vốn, nhất là khi số vốn đó chưa mang lại lợi nhuận."

alt
Sohun Bae, Quản lý đầu tư của quỹ Ascend Vietnam Ventures (AVV).

Để giúp người đọc nắm rõ hơn cách thức làm việc của các nhà sáng lập (founder) và quỹ đầu tư mạo hiểm trong các vòng gọi vốn, Vietcetera đã trao đổi với ông Sohun Bae, quản lý đầu tư tại quỹ Ascend Vietnam Ventures (AVV), để tìm hiểu suy nghĩ của một người trong ngành về những nhận định trên.

Anh chia sẻ "Nhìn chung, tôi đồng ý với ý kiến của Mark Cuban. Nhưng cũng cần phải công nhận sự cố gắng mà những founder và đội ngũ của họ bỏ ra để gây quỹ, và ta không nên xem nhẹ những nỗ lực này. Đây cũng là một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của một startup, nên tự hào ăn mừng cũng chẳng có gì sai."

Sohun cũng nói thêm, các founder cần phải hiểu rằng "Kêu gọi vốn thành công không phải là giải pháp cho vấn đề họ gặp phải, mà chỉ là khởi đầu cho chặng đường trắc trở phía trước. Nhận đầu tư không có nghĩa là bạn đã xây dựng một doanh nghiệp thành công và bền vững. Các khoản đầu tư đi kèm với nhiều trói buộc, có nhiều bên liên quan mới gia nhập, và cam kết thêm những kỳ vọng mới."

Sohun là có một góc nhìn khác về tác động của truyền thông. Ông cho rằng việc truyền thông đưa các tin tức về huy động vốn cũng “khá hữu ích,” đặc biệt là cho những startup trong giai đoạn đầu cần thiết lập tên tuổi và chỗ đứng trong ngành.

"Với các startup nhận tài trợ gần đây, truyền thông là một nền tảng hiệu quả giúp nhân rộng độ hiện diện thương hiệu và lan truyền đi những vấn đề tồn đọng họ đang giải quyết bằng công nghệ tới công chúng. Ngoài ra, một số nhà sáng lập còn thông qua các tin tức này để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai và các ứng cử viên chất lượng cao.”

Theo Sohun, ngay cả những founder giàu kinh nghiệm nhất vẫn cảm thấy lo lắng vào ngày công bố khoản tài trợ "bởi vì họ biết đây chỉ là khởi đầu của một chương khác trong hành trình tiếp theo." Tấm séc không phải là vé thông hành miễn phí, nó đi kèm một cấp độ trách nhiệm hoàn toàn mới với nhiều người hơn. "Giờ bạn mang trong mình nhiều nghĩa vụ hơn, cần phụ trách nhiều bên liên quan hơn, do đó áp lực sẽ càng tăng lên gấp bội."

Cả Mark Cuban, những vị “cá mập” khác, và Sohun đều chứng thực rằng, phần việc nặng nhọc chỉ bắt đầu ngay sau khi nguồn tài trợ được thông qua. Sohun cũng có một số lời khuyên cho những founder vừa bỏ túi một khoản tài trợ mới.

Quay lại làm việc

Không phải founder nào cũng giống nhau, nhưng nhìn chung bước đầu tiên sau khi vừa nhận đầu tư là: quay lại với công việc. Có thể là tinh chỉnh lại sản phẩm để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, phát triển cơ sở khách hàng, điều chỉnh đơn vị kinh tế (unit economics). Hãy bắt tay vào làm bất kì điều gì, vì đây không phải là thời gian để chìm đắm trong chiến thắng.

Ngoài ra, các nhà sáng lập nên né tránh tư duy, tiền có thể giải quyết tất cả vấn đề. Đúng là có một nguồn vốn dồi dào sẽ giúp ích rất nhiều, nhưng nguồn vốn này cần được phân bổ cẩn thận. Đây không phải là lúc tiêu tiền liều lĩnh.

alt
Founder không nên bị cuốn vào guồng quay tuyển dụng, chỉ nên nhắm vào những người giỏi nhất | Nguồn: Shutterstock

Tuyển người vì chất lượng, không vì số lượng

Ngay cả khi bạn đã huy động được hàng triệu đô la Mỹ, đừng lập tức tuyển dụng ồ ạt. Founder không nên bị cuốn vào guồng quay tuyển dụng, chỉ nên nhắm vào những người giỏi nhất và đạt được nhiều thành tựu nhất ở những doanh nghiệp nhỏ.

Dù nhìn từ bên ngoài có vẻ ấn tượng, nhưng một đội ngũ đông đúc có thể gây ra nhiều vấn đề quản lý tổ chức mà nhiều founder và quản lý non trẻ khó đảm đương. Quản lý quy mô lớn đòi hỏi sự đầu tư vào thiết kế cơ cấu tổ chức và đảm bảo cấp quản lý có thể giúp nhân viên phát triển trong công việc. Đừng hấp tấp, vì cái giá phải trả có thể rất đắt và còn gây ra những rào cản không cần thiết cho startup giai đoạn này.

Vậy founder nên ưu tiên tuyển dụng những vị trí nào? Điều này phụ thuộc vào từng doanh nghiệp. Nếu founder không có chuyên môn kỹ thuật, họ cần phải tìm một người vừa có chuyên môn vững chắc và vừa có khả năng lãnh đạo vào vị trí cấp cao như Giám đốc công nghệ (CTO). Cần nhìn vào nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để xác định vị trí nào thực sự quan trọng cần tìm người, và đừng sa đà vào những lựa chọn cảm tính.

Theo Sohun, một founder giải quyết vấn đề theo hướng tuyển dụng không phải là tín hiệu tốt. Những người trong đội ngũ lãnh đạo và nhân viên của bạn đều dõi theo bạn, nên founder cần phải lập tấm gương tốt. Cách cơ bản nhất khi tiếp nhận vấn đề là phải sáng tạo và tháo vát trong giải quyết tình huống, chứ không phải tuyển thêm người.

Tuyển dụng không nên là giải pháp cho mọi vấn đề. Bạn phải biết tận dụng những gì có trong tay một cách sáng tạo. Dĩ nhiên là sẽ có trường hợp ngoại lệ, ví dụ như khi một doanh nghiệp vận hành cần mở rộng quy mô để đạt được mục tiêu lớn hơn.

Suy nghĩ kỹ về cách phân bổ nguồn vốn

Trong bài đăng trên LinkedIn, Erik Matlick (founder và CEO của Bombora), có viết, "Mỗi khi huy động vốn, người doanh nhân phải cẩn trọng khi đưa ra các quyết sách, vì chúng sẽ ảnh hưởng đến quyết định rót thêm vốn hay rút lui của nhà đầu tư trong tương lai.

Và khi gọi vốn nhà đầu tư thiên thần, tương lai doanh nghiệp sẽ mở ra vô số viễn cảnh, có thể là bán công ty, niêm yết cổ phiếu hoặc cuối cùng là thực hiện một vòng liên doanh.”

Sohun cũng tán thành ý kiến trên. Trong suốt hành trình đầu tư, các founder nên nghĩ kỹ những tác động mà vòng gọi vốn này mang lại, theo hướng tốt hơn hay xấu hơn, cho vòng gọi vốn kế tiếp. Một nhà đầu tốt và vững chắc sẽ giúp bạn nhìn rõ những viễn cảnh có thể xảy ra trong tương lai.

alt
Bao nhiêu nhà đầu tư là quá nhiều? | Nguồn: Shutterstock

Tìm nhà đầu tư mới

Có bao nhiêu nhà đầu tư là quá nhiều? Câu trả lời tuỳ thuộc vào từng startup. Ở những giai đoạn đầu của các startup có tiềm năng nhất, một nhà đầu tư sẽ muốn tự rót vốn vào toàn bộ vòng gọi vốn. Điều này có nghĩa là, startup có thể tìm thêm các nhà đầu tư có thể mang lại cho họ những giá trị độc đáo như mạng lưới kết nối hay hỗ trợ mở rộng sang thị trường mới.

Tiền bao nhiêu là quá nhiều? Chẳng gì tuyệt hơn nếu bạn nhận được nhiều yêu thương và là người nổi tiếng nhất trong bữa tiệc đầu tư, khi nhà đầu tư xếp hàng để được rót vốn vào startup của bạn. Tuy nhiên, founder cần ý thức rằng nhận quá nhiều vốn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây khó khăn cho vòng gọi vốn tiếp theo.

Có một nhà đầu tư đáng tin cậy giúp bạn nhìn ra những tình huống trên và giữ kỷ luật sẽ giúp cho startup của bạn thành công trên chặng đường phía trước.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Chuyển ngữ bởi Bích Trâm