5 Cách siêu chán để... hết chán! | Vietcetera
Billboard banner

5 Cách siêu chán để... hết chán!

Sáng tạo và điên rồ, chúng không hề đi cùng nhau như gừng và bia, pho mát lâu năm và rượu vang hảo hạng. Sáng tạo thực chất là một quá trình có rất nhiều công việc nhàm chán.
5 Cách siêu chán để... hết chán!

Đạo diễn Hayao Miyazaki tại bàn làm việc. | Nguồn: GKids

Chuyển ngữ và chỉnh sửa từ bài viết 5 Boring Ways to Be More Creative đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Tôi có một người bạn thời đại học nuôi mộng trở thành tiểu thuyết gia nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp, anh đã mua chiếc vé một chiều đến Paris rồi cố tình trở thành người vô gia cư trong khoảng 3 tuần. Đó là vì anh tin rằng, phải đau khổ đến tột cùng trong một bầu không khí lãng mạn mới may ra có cảm hứng nghệ thuật.

Vài năm sau, tôi gặp một anh chàng nọ trong một ban nhạc punk ở Boston. Anh ta khẳng định rằng việc mình dùng đến heroin không phải do nghiện, mà nó là một phần trong quá trình sáng tạo của mình. Vì như anh ta nói, “Có cái gì hay ho đã từng được viết ra trong lúc người ta tỉnh táo cơ chứ.”

Và chắc chắn, nếu nhìn lại những thiên tài sáng tạo vĩ đại nhất trong lịch sử, chúng ta sẽ tìm được vô số các giai thoại khác kể về việc họ là những kẻ điên rồ “siêu cấp vũ trụ” thế nào.

Steve Jobs được cho là đã ngâm chân trong bồn vệ sinh để đầu óc tỉnh táo trước các cuộc họp. Vincent Van Gogh đã cắt tai của mình và - vì không muốn lãng phí - đã gói chiếc tai này lại rồi tặng cho cô gái điếm yêu thích của mình như một kỷ vật.

Vâng, “nhàm chán” là từ cuối cùng bạn sẽ dùng để mô tả những thiên tài sáng tạo trên thế giới.

Nhưng tôi sẽ tranh luận. Tôi sẽ nói rằng quá trình sáng tạo thực ra khá nhàm chán. Và đó là tin tốt cho tất cả chúng ta. Vì nhàm chán, quá trình sáng tạo mới được “tái sản xuất.” Nhờ đó mà bạn và tôi cũng như bất kỳ ai khác có thể luyện tập và trở nên vượt bậc.

Ủa mà, sáng tạo nghĩa là sao?

Sáng tạo là một “vũ điệu” tinh tế giữa tính mới mẻ và tính giá trị.

Sáng tạo là tạo ra cái mới từ việc “nấu” cái cũ

Chúng ta hay nghĩ sáng tạo là tạo ra một thứ gì đó hoàn toàn mới, nhưng thực tế thường không phải vậy. Hầu hết những món mới mà chúng ta biết chỉ đơn giản là lôi ra những món cũ và phối chúng lại theo cách mới.

Ví dụ điển hình là hợp âm trong bài Canon in D của nhà soạn nhạc Johann Pachelbel vào thế kỷ 17 đã được phối lại hàng trăm lần với các nhạc cụ hiện đại, để tạo ra hàng chục bài hát nổi tiếng chỉ trong vài thập kỷ qua.

Các nhà nghiên cứu gọi đây là “tư duy phân kỳ” (divergent thinking), một trong những kỹ năng tốt nhất để học nếu bạn muốn sáng tạo hơn. Thay vì hỏi “Làm cách nào để tạo ra thứ gì đó mới mẻ?” hãy tự hỏi, “Làm thế nào để biến một thứ gì đó từ cũ kỹ thành mới mẻ?”

Sáng tạo là phải tạo giá trị gia tăng

Công việc sáng tạo được gọi là “sáng tạo” không chỉ vì nó tạo ra cái mới, mà còn vì nó khai sáng, tạo thêm giá trị cho thế giới.

Tôi có thể viết một bản giao hưởng từ tiếng xì hơi kéo dài hàng tiếng đồng hồ, hoặc phát minh ra một loại thức uống dành cho người ăn kiêng từ nước và gỉ ở rốn. Mặc dù những thứ này chắc chắn sẽ là “sáng chế của nhân loại,” nhưng chúng hiển nhiên chỉ có “giá trị” thô thiển.

Đối với những thứ có giá trị gia tăng nhưng không mới, tôi gọi chúng là sản phẩm bóc lột. Hãy nghĩ đến những bộ phim Hollywood đã làm lại 18 lần mà bạn vẫn trả tiền để đi xem dù biết sẽ chẳng có gì quá độc đáo ở phần mới đi.

Với các định nghĩa trên, dưới đây là một số việc siêu chán nhưng vô cùng quan trọng mà bạn có thể làm để sáng tạo hơn.

Quaacute trigravenh saacuteng tạo khocircng phải luacutec nagraveo cũng đầy phấn khiacutech
Quá trình sáng tạo không phải lúc nào cũng đầy phấn khích.

1. Vào việc, không chờ cảm hứng chớp nhoáng

Lý thuyết chọn lọc tự nhiên của Charles Darwin đã được xuất bản cách đây hơn 160 năm và vẫn được coi là một trong những ý tưởng sáng tạo - nếu không muốn nói là - sáng tạo nhất trong lịch sử khoa học. Nhưng Darwin không thực sự có một “khoảnh khắc eureka” nào về ý tưởng đó.

Sự thật khá nhàm chán là: Darwin đã nghiên cứu hàng nghìn loài thực vật và động vật khác nhau trên nhiều lục địa trong vài thập kỷ. Ông ghi chép, vẽ tranh, đi du lịch khắp nơi, nói chuyện với người dân địa phương và thư từ với các nhà khoa học khác.

Ông viết theo từng mảng về lý thuyết chọn lọc tự nhiên trong nhiều năm nghiên cứu thầm lặng. Ngay cả khi đã có một lý thuyết gần như đã hoàn chỉnh, ông vẫn ngồi suy nghĩ thêm về nó. Nói chung, Darwin đã dành hơn 20 năm cuộc đời để nghiên cứu về lý thuyết chọn lọc tự nhiên.

Thái độ “ngậm miệng lại và làm việc đi” này dường như được hầu hết các nhà sáng tạo vĩ đại áp dụng. Người làm sáng tạo không “tìm thời gian” để sáng tạo — họ dành thời gian để sáng tạo.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhìn vào những thiên tài để tìm ra điểm chung, bạn sẽ thấy rõ ràng rằng họ đã làm việc nhiều hơn hầu hết những người khác.

  • Mozart và Beethoven mỗi người đã sáng tác hơn 600 bản nhạc. Hầu hết những người cùng thời với họ chỉ sáng tác được khoảng 100 bản trong suốt sự nghiệp.
  • Picasso đã tạo ra một lượng tác phẩm mà đến nay các học giả nghệ thuật thậm chí vẫn không thể đếm hết được. Một số ước tính cho rằng ông đã tạo ra hơn 50.000 tác phẩm nghệ thuật trong suốt cuộc đời của mình. Hầu hết các nghệ sĩ chuyên nghiệp khác tạo ra nhiều nhất là vài trăm đến vài nghìn tác phẩm.
  • Mark Twain đã viết một tập thơ, một cuốn tự truyện, 22 cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, hàng chục cuốn sách phi hư cấu với hàng loạt bài tiểu luận, hồi ký và châm biếm khác. Tổng cộng, Twain đã xuất bản gần 80 cuốn sách trong vòng chưa đầy 50 năm, một mức đầu ra đáng kinh ngạc đối với bất kỳ tác giả nào.
Twain đatilde sung matilden đến mức đến nay ocircng được ghi cocircng vigrave đatilde noacutei ra mọi thứ
Mark Twain viết nhiều đến mức nào?

Hóa ra bí mật của những người vĩ đại không phải họ là những thiên tài sáng tạo, mà hơn thế nữa, họ là những thiên tài về đạo đức làm việc.

2. Làm việc thường, như “người thường”

Các thiên tài sáng tạo thường bị cho là lập dị. Vâng, chắc chắn là đôi khi họ vậy thật. Nhưng thông thường thì không.

Ernest Hemingway có lẽ là một trong những tác giả Mỹ được yêu thích nhất trong thế kỷ qua. Mọi người thích hình ảnh Hemingway đang đánh chữ trong một ngôi nhà gỗ tối tăm nào đó ở Cuba, vào lúc nửa đêm, bên cạnh một chai rượu rum.

Có lẽ đó đúng là những gì ông ấy đã làm trong những năm cuối đời, nhưng thực tế trong phần lớn cuộc đời mình, Hemingway đi bộ nhiều hơn.

Nhagrave văn Ernest Hemingway
Nhà văn Ernest Hemingway.

Ông đã từng là một người viết chuyên nghiệp ở Thành phố Kansas trước khi rời đến mặt trận Ý trong Thế chiến thứ nhất làm tài xế xe cứu thương. Sau chiến tranh, ông hoạt động chủ yếu ở nước ngoài cho một số đơn vị xuất bản, nơi đã hỗ trợ ông trong quá trình ông viết nên một số tác phẩm nổi tiếng nhất của mình.

Nói cách khác, Hemingway có một công việc “chính thức” ngoài giờ theo đuổi sự nghiệp văn chương của mình.

Điều này phổ biến hơn mọi người nghĩ. Hầu hết thông tin trên internet sẽ khiến bạn tin rằng những công việc ổn định nhàm chán bằng cách nào đó sẽ giết chết sự sáng tạo. Nhưng trong nhiều trường hợp, cuộc sống công sở nhàm chán thực sự cho phép mọi người kiếm sống và đồng thời theo đuổi công việc sáng tạo.

3. Cho phép mình buồn chán, không phải mất tập trung

Có lẽ cách nhàm chán nhất trong những cách nhàm chán để bớt nhàm chán và sáng tạo hơn… chính là sự nhàm chán.

Plato đã viết rằng buồn chán là người mẹ của mọi phát minh. Trí óc của chúng ta trở nên sáng tạo vì nó giúp ta tránh khỏi nỗi lo lắng cố hữu về sự tồn tại của chính mình. Khi chán không còn việc gì để làm, bạn sẽ nhận ra rằng bạn có quyền quyết định cuộc sống mình. Điều này nghe đầy quyền lực nhưng cũng đáng sợ không kém.

[Đây có là những gì xảy ra trong đầu bạn khi ngồi không?]

Mình có đang làm điều gì đó mới mẻ không ta? Điều gì có thể cứu lấy đời mình, hoặc không? Điều gì đó mà mình giỏi giang… hoặc dở thậm tệ? Mình chỉ ngồi đây thôi à? TRỜI ƠI, THÔI ĐI. ĐIỆN THOẠI CỦA TUI ĐÂU RỒI???

Xã hội hiện đại, với tất cả những thứ hào nhoáng, thực sự thành công trong việc đánh lạc hướng chúng ta khỏi nỗi buồn chán và lo lắng hiện sinh này. Nhưng trong điều kiện thích hợp, chính nỗi chán nản và lo lắng đó sẽ thúc đẩy con người ta sáng tạo.

Hai năm trước, khi đang viết Everything is F * cked: A Book About Hope, tôi đã đăng ký một chỗ ở không gian làm việc chung gần căn hộ của mình. Điều này nghe thật ngu ngốc, nhưng tôi làm thế vì có quá nhiều thứ phiền nhiễu ở nhà.

Mỗi ngày, khi đến văn phòng làm việc chung, tôi sẽ để điện thoại ở nhà. Tôi thiết lập chặn tất cả các phương tiện truyền thông xã hội và những thứ gây xao nhãng khác trên laptop của mình. Sau đó, khi ở đó, tôi sẽ ngồi trong tình trạng “tê liệt” kéo dài (chẳng hạn như nhìn chằm chằm vào trang soạn thảo trắng) từ vài phút đến vài giờ, cho đến khi tôi bắt đầu viết.

4. Tìm những người sáng tạo nhất trong lĩnh vực của bạn và “ăn cắp” từ họ

Picasso đã để đời câu nói nổi tiếng: “Nghệ sĩ giỏi vay mượn, nghệ sĩ vĩ đại ăn cắp.” Ý của ông là không có gì thực sự mới ngoài kia đâu, và những nghệ sĩ vĩ đại hiểu điều đó. Họ hiểu rằng sáng tạo không phải là phát minh, mà là tái tạo.

Nghiên cứu cho thấy rằng quá trình sáng tạo bắt đầu bằng việc bạn đắm mình trong lĩnh vực mà mình quan tâm. Các nhạc sĩ làm điều này khi tìm hiểu các bài hát của người khác. Các nhà văn làm điều này khi họ đọc sách của các nhà văn khác và cố gắng viết giống họ. Các doanh nhân làm điều này khi họ sao chép một mô hình kinh doanh đã thành công và điều chỉnh nó.

Steve Jobs không phát minh ra máy tính cá nhân. Ông không phát minh ra máy nghe nhạc MP3 hay điện thoại thông minh. Ông không phát minh ra máy tính bảng, máy tính xách tay hay thiết bị đeo thông minh. Ông không thực sự phát minh ra gì cả. Ông chỉ nâng cấp (lên nhiều lần) những thứ đã có.

Còn phần bạn, hãy tìm những người bạn muốn cạnh tranh và bắt đầu bắt chước, mô phỏng sản phẩm họ tạo ra. Học việc với một người có nhiều kinh nghiệm hơn bạn, làm mọi thứ họ bảo bạn phải làm — sau đó tự mình làm thêm.

Bạn không phát triển phong cách cá nhân của mình từ hư vô. Bạn phát triển nó bằng cách hiểu phong cách của người khác trước, sau đó tạo nên sự khác biệt cho phong cách của riêng bạn.

5. Nhìn các ý tưởng sáng tạo như một nhà đầu tư: Mua thấp, bán cao

Thế giới đầu tư chắc chắn không được xem là điểm đến của sự sáng tạo. Cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, thuế, báo cáo hàng quý, báo cáo hàng năm, kế hoạch tài chính, điều chỉnh lạm phát… Tất cả những thứ này có thể khiến bạn chán nản đến mức muốn đập đầu vào gối, nhưng quy tắc vàng của đầu tư - mua thấp, bán cao - thực sự có thể dạy chúng ta điều gì đó về sự sáng tạo.

Rõ ràng, khi bạn thực hiện bất kỳ hình thức đầu tư tài chính nào, mục tiêu thường là mua với giá thấp nhất có thể, bán nó với giá cao nhất có thể, rồi bỏ túi phần chênh lệch. Cụ thể, các nhà đầu tư hiểu biết sẽ đặt tiền vào những công ty có tiềm năng nhưng chưa được biết đến quá nhiều. Sau đó họ sẽ bán khi nhận thức của thị trường về công ty đó trở nên chính xác hơn.

Điều tương tự cũng xảy ra trong thế giới sáng tạo. Khi mới nghe đến một ý tưởng mới lạ, nhiều người thường phá lên cười và cho rằng nó lố bịch, kỳ quặc, không cần thiết, hoặc đơn giản là ngu ngốc. Ở đây, người nghệ sĩ có thể “mua” ý tưởng kỳ quặc đó với giá thấp, sau đó tìm cách tân trang và biến nó thành một thứ có giá trị hơn mà thế giới có thể hiểu và đánh giá cao.

Indie punk thường chỉ được biết đến như một thể loại nhạc nhỏ, chơi bởi các thanh thiếu niên nổi loạn, cho đến khi Kurt Cobain biến nó thành grunge rock chính thống. Máy tính cá nhân được coi là quá đắt và không thực tế cho đến khi Bill Gates tạo ra loại phần mềm đủ đơn giản và phổ biến để mọi người thấy chúng có giá trị.

Và đó cũng là lý do tôi bật cười khi nhận được lời chỉ trích, “Anh chả nghĩ ra cái quái nào trong số những lời khuyên này!” Tất nhiên là tôi không rồi.

Nhưng bạn có đọc chiếc email tóm tắt những điểm chính từ 700 trang triết học Đức không? Bạn có muốn nghe kể những câu chuyện tuyệt vời về những anh hùng điên rồ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai mà chưa ai từng nghe đến không?

Tôi đang thực hành nghệ thuật mua thấp, bán cao đây. Hiểu thị trường của mình. Học cách phát hiện những ý tưởng và nội dung bị đánh giá thấp. Phát triển kỹ năng tái sử dụng chúng, biến chúng thành thứ mà mọi người thích thú và đánh giá cao.

Đấy. Sáng tạo là vậy đó.