6 Dấu hiệu bạn vẫn đang phát triển trong công việc sáng tạo | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
12 Thg 07, 2021
Thăng Tiến

6 Dấu hiệu bạn vẫn đang phát triển trong công việc sáng tạo

Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy bạn đang âm thầm phát triển, ngay cả khi bạn không cảm thấy như vậy.

6 Dấu hiệu bạn vẫn đang phát triển trong công việc sáng tạo

Minh họa bởi: vektorjuice/freepik.

Trong giai đoạn cách ly toàn xã hội này, phần lớn chúng ta đang mắc kẹt ở nhà. Việc ít được tiếp xúc với đồng nghiệp hay khiến chúng ta có tâm lý FOMO và trở nên quá nội tâm. Mà thường suy nghĩ quá nhiều thì rất dễ tự nghi ngờ bản thân.

Đây là lúc bạn dễ cảm thấy tù đọng, rồi tự hỏi: “Liệu mình có đang tiến triển gì trong công việc?”

Cách rõ nhất để thấy được sự phát triển là đạt được thành tích, mục tiêu được đo lường, hay hoàn thành những mốc quan trọng. Nhưng mấy thứ này lại không đến sớm và liên tục như vậy, chúng cần thời gian, khá nhiều là đằng khác. Đặc biệt lại càng khó khi việc góp ý giữa các đồng nghiệp đang có nhiều hạn chế.

Để mình nói với bạn điều này, sự phát triển của chúng ta cũng giống như đám cây mình trồng ở nhà vậy. Sẽ không có chuyện tối đi ngủ, sáng đã thấy 1 chiếc lá to đẹp ngay trước mắt. Mình phải học cách quan sát các dấu hiệu tốt hoặc xấu, thấy vui khi chúng phát triển thuận lợi, tìm cách xử lý ngay khi có vấn đề như úng rễ, nấm lá… Và tự mình cũng ngạc nhiên với sự kiên nhẫn của chính mình.

Vì vậy, bạn hãy khoan lo lắng nếu đã lâu rồi không thấy mình tiến bộ. Sự phát triển sẽ có những dấu hiệu của riêng nó, nhìn thấy được chúng sẽ giúp bạn giữ đc niềm vui và thích thú với công việc hàng ngày.

Bên dưới là những dấu hiệu cho thấy bạn đang âm thầm phát triển, ngay cả khi bạn không cảm thấy như vậy.

1. Bạn đang hiểu hơn về sự sáng tạo

it1
Minh họa bởi: Timo Kuilder.

Sáng tạo là một kỹ năng sinh tồn, nó cần thiết vì nó giúp giải quyết vấn đề của tất cả chúng ta. Loại kỹ năng này tương đối khó khi điều kiện và nguyên liệu nó đòi hỏi lại khác nhau rất nhiều ở từng người. Những người được xem là có khả năng sáng tạo cao, thường lại có cách thức khác nhau để duy trì và cải thiện sự sáng tạo.

Chúng ta nhìn đời bằng cửa sổ thế giới quan của mình, rồi vẽ lên mặt kính những suy nghĩ từ bên trong.

Sự sáng tạo sẽ phát triển cũng với thế giới quan của từng người. Bạn càng có nhiều phương pháp sáng tạo hiệu quả, bạn càng hiểu ra sáng tạo không phải là nghĩ ra những thứ viễn vông, và dần có những thói quen tốt cho nó.

Đây rõ ràng là một dấu hiệu tốt, cho sự trưởng thành của chính bạn.

Bài viết đọc thêm:

2. Bạn hơi xấu hổ khi nói về những sản phẩm cũ

it2
Minh họa bởi: Timo Kuilder.

Dù trước đây mình từng nói:

“Mình luôn tự hào với tất cả sản phẩm mình làm ra, bất kể ở giai đoạn nào của sự nghiệp. Vì đó đều là những sản phẩm mình hoàn thành với khả năng tốt nhất thời điểm đó”.

Nhưng không có nghĩa là mình không cảm thấy xấu hổ khi xem lại những thiết kế từ thời còn chập chững:

  • Xấu hổ vì chúng trông thật xấu do nhồi nhét
  • Xấu hổ vì chúng quá tham lam muốn giải quyết nhiều vấn đề một lúc
  • Xấu hổ vì mình thể hiện kỹ năng không tốt như bây giờ

Bạn cũng cảm thấy thế? Chúc mừng nhé! Điều này không có nghĩa là những sản phẩm cũ quá "ẹ", mà nghĩa là kỹ năng thiết kế của bạn đã tốt hơn.

Chẳng nhà phê bình nào đánh giá bạn nhiều như bạn đang đánh giá chính mình. Sự xấu hổ ở góc độ tích cực sẽ là động lực để chúng ta luôn tìm cách cải thiện bản thân.

Bài viết đọc thêm:

3. Bạn thấy sản phẩm sáng tạo của mình “sai sai”, ngay cả khi không biết làm sao cho đúng

it3
Minh họa bởi: Timo Kuilder.

Quá là điều bình thường luôn, vì chẳng ai có thể làm đúng ngay từ những lần đầu tiên. Sự thay đổi chỉ diễn ra khi chúng ta cảm thấy có cái gì đó “sai sai”, cái cảm giác bất mãn thôi thúc ta tìm cho ra lẽ điều gì đang còn chưa đúng.

Điều đáng sợ không phải là hỏi mà không có câu trả lời. Đáng sợ chính là không thể nhìn thấy câu hỏi cần phải hỏi.

Cảm giác sai sai sau khi hoàn thành thiết kế là một cảm giác có ý nghĩa, vì mình biết mình có thể làm tốt hơn, vì mình không chấp nhận một tiêu chuẩn “vừa phải”.

Cảm giác sai sai chứng tỏ mình vẫn đang hướng tới một tiêu chuẩn cao hơn so với khả năng hiện tại. Khi đó, mình sẽ thoải mái hơn để hỏi thêm suy nghĩ từ người khác, tư duy cũng mở hơn để đón nhận những lời góp ý chân thành.

Bài viết đọc thêm:

4. Bạn đang cảm thấy mình chậm lại

it4
Minh họa bởi: Timo Kuilder.

Phát triển nhanh không phải lúc nào cũng tốt, không gì tệ hơn là đi nhanh mà đi sai, bạn sẽ burn out trước khi kịp đổi hướng. Sự nghiệp là đường chạy marathon, không phải nước rút. Vì thế bạn không cần phải lúc nào cũng vội vã, hay sốt ruột khi thấy người ở sau vượt qua.

Thỉnh thoảng bạn cần nghỉ ngơi 1 chút

Thỉnh thoảng bạn cần cẩn thận nhìn lại xem cách nào hiệu quả, cách nào không.

Và trong những khoảng chậm rãi này, bạn sẽ tìm ra được cách sạc lại năng lượng cho cột mốc tiếp theo. Đấy là sự chậm lại có chủ động, khác với chậm lại vì sợ hãi.

Đọc thêm bài viết:

5. Bạn đang nghi ngờ những điều sắp tới

it5
Minh họa bởi: Timo Kuilder.

Chẳng có một kịch bản thành công nhất định nào ở mỗi người, cách mà Bill Gate và Elon Musk trở thành tỷ phú thế giới là khác nhau.

Nhưng thất bại thì thường giống nhau: sợ hãi rồi bỏ cuộc.

Nếu những thứ sắp tới không khiến cho bạn cảm thấy nghi ngờ, thì chỉ có 2 lý do:

  • Hoặc là nó quá an toàn, với kết quả rõ ràng
  • Hoặc là nó quá quen thuộc, hoàn thành khá dễ

Cả hai thứ này đều sẽ cho bạn những kết quả bình thường, hay giá trị nhỏ.

Để đạt được những thứ chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm. Con chim sẽ không thể tập bay nếu nó không vượt qua được nỗi sợ hãi phải nhảy ở lần đầu tiên. Phải nhảy, thì nó mới biết cách sử dụng đôi cánh của mình.

Nghi ngờ là tốt, nhưng hãy học cách chống chọi sự buồn chán dọc đường, và biết rõ khi nào nên từ bỏ.

Đọc thêm:

6. Bạn đã biết cách xác lập mục tiêu rõ ràng hơn

it6
Minh họa bởi: Timo Kuilder.

“Hạnh phúc là ở hành trình, không phải đích đến”

Điều này đúng ở khía cạnh hành trình bạn đang đi là cuộc đời, ở đó đích đến mọi người đều giống nhau – cái chết. Nên có thể nói, khi tới đích mọi thứ còn lại chỉ là vô nghĩa – hành trình mới là điều quan trọng.

Nhưng trong hành trình cuộc đời, sẽ có 1 đoạn khá dài mang tên sự nghiệp. Và như mình đã nói ở trên nó là đường chạy marathon, bạn cần xác định khoảng cách và thời gian cut-off (thời gian quy định phải hoàn thành, trễ hơn sẽ bị loại) giữa các check-point (cột mốc) để phân bổ năng lượng cho hợp lý.

Khi bạn bắt đầu biết cách xác lập những mục tiêu rõ ràng, nghĩa là kỹ năng đo lường đang phát triển một cách âm thầm bên trong bạn. Nhờ đó, những mục tiêu của bạn cũng trở nên dễ hoàn thành hơn.

Đọc thêm:

Suy nghĩ cuối cùng

it7
Minh họa bởi: Timo Kuilder.

Hành trình phát triển sự nghiệp của mình chia thành 3 giai đoạn:

  • 2 năm đầu: Tích lũy kinh nghiệm – Nói "có" với tất cả mọi thứ.
  • 4 năm tiếp theo: Xây dựng nền tảng – Tích lũy kiến thức.
  • Những năm sau đó: Hệ thống kiến thức – Học hỏi từ những người giỏi nhất.

Đã có những thời điểm, sự phát triển của mình chậm rãi, khô khan hay thậm chí chán nản với những kết quả không như mong muốn. Điều may mắn là nhờ nhận ra những dấu hiệu kể trên đã giúp mình thêm kiên trì với những điều mình đang làm, muốn làm, và sẽ làm.

Giai đoạn cách ly này tuy dễ làm ta nản chí, nhưng với tư duy đúng đắn, khoảng lặng này có thể sẽ là một sự kiện đầy ý nghĩa cho tương lai sự nghiệp của chúng ta. Mình hy vọng qua bài viết này, bạn có thể tự nhìn ra những dấu hiệu phát triển ở bản thân, và thôi lo lắng nếu thấy mình đang dậm chân tại chỗ.