Từ bỏ lúc nào? Kiên trì lúc nào? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Từ bỏ lúc nào? Kiên trì lúc nào?

Vạn sự khởi đầu nan. Gian nan, nản...
Từ bỏ lúc nào? Kiên trì lúc nào?

Nguồn: Pexels.

3 km đầu tiên của cuốc chạy bộ luôn là quãng đường dài nhất đối với mình. Ngay khi cơ thể xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi, cái bụng sôi lên và đôi chân bắt đầu trì lại, những suy nghĩ kiểu này sẽ hiện ra:

  • Chà hôm nay ăn trễ quá nên không có sức, hay về thôi.
  • Tuần này bận rộn ghê, chắc là chạy chút về nghỉ.
  • Hôm bữa đá bóng bị chấn thương, giờ vẫn còn đau, lẽ ra mình không nên chạy.

Tuy được che đậy bởi những lý do khác nhau, nhưng nhìn chung chúng là suy nghĩ về sự “từ bỏ”. Và chúng không chỉ xuất hiện ở những việc ngắn hạn như hít đất (cái thứ 30), plank (giây thứ 40),… mà còn ở những thứ dài hạn hơn như duy trì 1 thói quen tốt trong cuộc sống, hay trong công việc hàng ngày.

Điều dễ thấy là khi chúng ta theo đuổi 1 mục tiêu nào đó mà vướng phải khó khăn, hay thất bại, mặc nhiên chúng ta thường nghĩ tới "từ bỏ”.

Nhưng tại sao chúng ta luôn nghĩ tới “từ bỏ” là phương án đầu tiên? why

Phải thừa nhận là khi đối diện với khó khăn, điều dễ làm nhất là từ bỏ mục tiêu đang làm khó mình để chuyển qua mục tiêu khác. Dưới đây là những lý do mà mình nghĩ nó khiến cho chúng ta luôn nghĩ tới “từ bỏ”:

  • Kỳ vọng khiến chúng ta thất vọng: Khi mới bắt đầu thực hiện một mục tiêu, ta đã nghĩ tới viễn cảnh khi nó được hoàn thành: ta sẽ hoàn thiện hơn, thành công hơn, tốt hơn. Kết quả quá tươi sáng khiến ta "quên" lường trước những trở ngại trên đường tới đích, và hừng hực trong khí thế rằng mình sẽ thực hiện nó một cách suôn sẻ.

Nhưng định luật Murphy đã nói “Khi một điều xấu có thể xảy ra, nó sẽ xảy ra”: cuốc chạy 5 km tưởng đơn giản lại gặp trở ngại khi chấn thương tái phát; dự án cứ nghĩ là dễ xơi lại có người đưa ra góp ý không có khiếu thẩm mỹ; hay sự nghiệp đang suôn sẻ tự nhiên lại gặp một dự án thất bại. Và khi thất vọng với điều gì đó, ta chọn bỏ cuộc.

  • Sự tự tin của bản thân bị tổn thương. Như từng nói trong bài viết 7 Kinh nghiệm về sự tự tin trong sáng tạo. Chúng ta cần sự tự tin để tồn tại, để vượt qua sự sợ hãi. Và có lẽ nỗi sợ sâu thẳm nhất trong chúng ta chính là “Liệu mình có đủ sự tài giỏi để đạt được những điều mình muốn?”

Chưa kể, theo Nguyên tắc Khoái cảm (pleasure principle) của Freud, não bộ chúng ta dễ đưa ra những lựa chọn nào làm nó “sung sướng” nhất. Nghĩa là nó luôn đòi hỏi những phần thưởng nhanh chóng. Khi không đạt được kết quả ngay lập tức, niềm tin dễ dàng bị tổn thương, dẫn đến lo lắng và muốn từ bỏ.

  • Nghĩ rằng sẽ có những lựa chọn khác tốt hơn. “Nếu mình bỏ công việc này, mình sẽ có thể gặp chỗ khác tốt hơn, đồng nghiệp sẽ dễ thương hơn, và chẳng cần phải chịu đựng ông sếp kỳ cục này.” Rõ ràng, suy nghĩ “đứng núi này trông núi nọ” sẽ luôn thúc đẩy chúng ta nghĩ tới sự “từ bỏ”.

Tới đây thì bài viết đã khá dài, bạn đã nghĩ tới “từ bỏ” đọc nó chưa? Nếu chưa, để mình nói cho bạn biết vì sao “từ bỏ” đôi khi lại tốt, và kiên trì cũng vậy.

Từ bỏ, đôi khi cũng tốt... quit

...Vì nó thực sự giúp ta có được sự lựa chọn tốt hơn. Năm 20 tuổi mình đã từ bỏ game, thứ mà khi ấy là niềm đam mê duy nhất. Mình chơi game nào cũng lên được top nên việc kiếm tiền từ đó cũng dễ dàng.

Lựa chọn từ bỏ để theo đuổi thiết kế có vẻ đã giúp mình tạo ra nhiều giá trị hơn. Mặc dù lựa chọn này cũng không ít khó khăn, nhưng tới giờ mình chưa từng hối hận.

Vì nếu không từ bỏ thì có thể ta đang lãng phí thời gian và sức lực cho những thứ không thể tạo ra giá trị thật. Giống như cố chấp theo đuổi người không yêu mình, hay đem muối bỏ biển vậy.

Việc không thể từ bỏ những mục tiêu ấp ủ cũng làm hại tới sức khỏe của chúng ta. Theo một nghiên cứu, những người bị mắc kẹt với những mục tiêu bất khả thi có xu hướng dễ bị trầm cảm, đau đầu và vấn đề về tiêu hóa.

À mà, kiên trì cũng tốt (hiển nhiên rồi) kiecircn trigrave

Chắc là mình chẳng cần nói nhiều tới việc kiên trì đang được xã hội ủng hộ mạnh mẽ như thế nào. “Grit” - tạm dịch là “can trường” - được định nghĩa là sự kiên trì và đam mê với các mục tiêu dài hạn, và cũng là một yếu tố quan trọng cho thành công.

Sự can trường giúp ta có nhìn nhận khác về thách thức và hạn chế: chúng trở thành cơ hội để học hỏi và phát triển tốt hơn trong dài hạn.

Điều cuối cùng, một lúc nào đó vận may có thể sẽ đến với người đủ sự kiên trì. Nghiên cứu về sự nghiệp của 29000 nghệ sĩ, nhà làm phim và nhà khoa học cho thấy hầu hết trong số họ đều có 1 thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp, nhưng nó lại xảy ra 1 cách ngẫu nhiên không theo quy tắc, không liên quan tới tuổi tác, kinh nghiệm hay năng suất. Họ chỉ cần đủ kiên trì cho tới khi nó xảy ra.

Vậy khi nào nên từ bỏ? when

Đừng mong đợi bài viết này sẽ trả lời chính xác được câu hỏi trên, vì chính mình vẫn chưa chắc sẽ luôn đưa ra những chọn lựa đúng. Nhưng mình thấy, chúng ta phải suy xét lý do đằng sau ý định từ bỏ.

Đừng từ bỏ vì:

  • Lười, muốn thoải mái: Lý do phổ biến nhất, nhưng cũng tồi tệ nhất để từ bỏ điều gì đó.
  • Muốn sớm thành công: Dục tốc bất đạt. Còn nếu mục tiêu có thể nhanh chóng đạt được, có lẽ bạn nên xét lại xem mình đặt mục tiêu đủ lớn hay chưa.
  • Thấy thứ khác "có vẻ" hấp dẫn hơn: Nếu cứ từ bỏ vì lý do này, có thể bạn mãi mãi sẽ không thể hoàn thành được điều gì.
  • Cảm thấy cô đơn trên hành trình: Hãy thử đọc bài này “Nếu sợ cô đơn, hãy chạy bộ”

Có thể từ bỏ vì:

  • Bạn không còn đặt trái tim mình vào đó nữa: Không bắt buộc là bạn phải vui và thoải mái với mọi khía cạnh của việc mình đang làm, nhưng bạn phải hoàn toàn đắm chìm vào nó.
  • Nó không còn phù hợp với mục tiêu của đời bạn: giống như lúc mình bỏ game vì mục tiêu sống mình đã thay đổi.
  • Nó đang làm hại cả thể chất lẫn tinh thần: điều này là hậu quả của việc trái tim của bạn không còn ở đó nữa.
  • Chỉ đơn giản là vì nó thất bại: Ngay cả khi bạn đã đặt trái tim mình vào đó, cố gắng 150% sức lực nhưng vẫn không thể hoàn thành thì đây là lúc bạn cần thừa nhận nó không phải dành cho mình. Hãy từ bỏ để tránh lãng phí thời gian và công sức.

Kết last thought

Việc bạn chọn kiên trì hay từ bỏ mục tiêu nào đó sẽ không phản ánh hoàn toàn về khả năng hay con người bạn, cũng không nói lên được việc bạn có thành công hay không. Cần nhớ là cuộc sống này hữu hạn và chúng ta không có nhiều thời gian như chúng ta vẫn tưởng. Quá nhiều lựa chọn sai sẽ khiến ta lãng phí nhiều điều vui vẻ trong cuộc sống này.

Cảm ơn vì đã không từ bỏ đọc bài viết này, bài viết nhắc nhở bản thân trong những ngày tháng nghĩ quá nhiều đến sự “từ bỏ”.