8 Sai lầm sự nghiệp tuổi 20 mình đã tha thứ cho bản thân | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

8 Sai lầm sự nghiệp tuổi 20 mình đã tha thứ cho bản thân

Những năm 20, chúng ta biết quá ít để không phạm phải nhiều lỗi lầm...
8 Sai lầm sự nghiệp tuổi 20 mình đã tha thứ cho bản thân

Nguồn: Larm Rmah/Unsplash.

Vào những năm 20, phần lớn chúng ta đều vẫn còn rất non dại, có người thì vừa chập chững với công việc đầu đời, có người vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Nếu may mắn, bạn đã tìm thấy mục tiêu cuộc đời và tự tin với hành trang đã chuẩn bị trong thời gian qua. Nếu không may (như phần lớn người trẻ), những năm 20 với bạn là một giai đoạn rất “khó chịu”.

“Khó chịu” vì chưa quen với cái mác “người trưởng thành”, “khó chịu” vì nhìn thấy trên cuộc đời toàn những người thành công này, mình vẫn chưa có chút kiến thức hay kinh nghiệm nào để biết mình là ai.

Những quyết định mà chúng ta đưa ra trong giai đoạn này dường như luôn có gì “sai sai”, không có cái nào khiến ta cảm thấy thỏa mãn.

Nhìn lại quá trình 10 năm làm việc, mình nhận thấy mình có những quyết định đúng đắn, dù nhiều người lúc đó cho là “dại dột”. Nhưng cũng có những sai lầm mắc phải ở thời điểm chỉ có sự bồng bột tuổi trẻ, và tâm trạng bồn chồn muốn thấy mình đi thật nhanh trong sự nghiệp.

Có sai lầm mắc phải vào buổi chiều, mất ngủ vào buổi tối và làm mình mệt mỏi vào hôm sau. Có sai lầm làm tổn hại đến cả dự án, khiến mình nổi giận với bản thân và tự dằn vặt trong thời gian dài.

Nhưng thật sự, những sai lầm này có đáng để mình hối tiếc?

Sai lầm 1: Đánh cược với sức khỏe của bản thân

it5
Nguồn: Elijah O'donnell/Pexels.

Để mau có nhiều kinh nghiệm, mình đã nhận làm tại 3 công ty một lúc.

Điều này đồng nghĩa với làm việc từ 8h30 tới 5h30 chiều, và 10h tối tới 6h sáng trong hơn 2 năm liên tục. Điều này cũng đồng nghĩa với một sức khỏe xuống dốc. Mình thiếu ngủ và bị ám ảnh bởi những đầu việc chưa hoàn thành, do đó cảm xúc luôn bất ổn và hệ tiêu hóa cũng có vấn đề.

Mình đoán động lực để có thể làm được như vậy cũng là áp lực tới từ những khó khăn ban đầu khi theo đuổi ngành thiết kế. Mình bắt đầu trễ hơn 2 năm so với phần lớn người cùng trang lứa, không được gia đình ủng hộ, tự thấy không giỏi giang bằng bạn bè, cộng với sự hiếu thắng muốn chứng tỏ bản thân với người khác.

Có lẽ đây là sự đánh cược, đem sức khỏe của tuổi trẻ để đổi lấy kinh nghiệm làm việc. “Canh bạc” này đã thành công, nhưng đây đã có thể là một sai lầm rất lớn nếu ngày đó sức khỏe mình không đủ.

Sai lầm 2: Đồng ý làm mọi việc dù biết là bị lợi dụng

"Hãy để em làm 3 phương án rồi gửi anh, nếu không chọn cái nào em sẽ không lấy tiền"

Đây luôn là cách tiếp cận của mình trong những năm đầu khi thấy ai đó cần tìm thiết kế. Mình sẵn sàng làm miễn phí chỉ để có thêm sản phẩm trong portfolio, dù nhiều lần mình đã bị người ta lợi dụng chất xám.

Đã có những lần không được trả tiền dù họ sử dụng thiết kế của mình.

Đã có những công việc phải làm dù không thuộc phận sự của mình.

Nhưng điều mình từng buồn nhất, đó là vì quá ôm đồm nhiều việc mà không thể đảm bảo chất lượng, đã khiến cho những người đặt niềm tin vào mình thất vọng.

Nếu mình may mắn luôn thành công trong thử thách giới hạn sức khỏe, thì lại thất bại nhiều lần về mặt năng lực. Những lần này giúp cho mình hiểu bị lợi dụng cũng không sao, nhưng cái đáng sợ là mình đã không thể đảm bảo những việc quan trọng được hoàn thành thật tốt.

Sai lầm 3: Ngại đứng lên vì nhu cầu của mình

it4
Nguồn: Tato Villanova/Pexels.

Mình từng được tăng lương liên tục 3 lần trong 6 tháng.

Đương nhiên, việc tăng lương không đủ thể hiện được môi trường công việc tốt hay xấu. Nhưng mình thật sự may mắn khi đã được làm việc ở những công ty này trong sự nghiệp: TQDesign, YoungWorld, IgnitionDeck, InteractiveLabs và bây giờ là GEEK Up.

Tăng lương liên tục thể hiện được ta đã có người sếp luôn công nhận nỗ lực của nhân viên. Nhưng điều này lại vô tình tạo ra áp lực, khiến cho mình nghĩ là mình giỏi, được ưu ái nên phải là người cống hiến nhiều nhất. Việc gì mình cũng làm dù có những việc mình rất ghét, hay có mệt mỏi cũng không dám than vãn chia sẻ với ai.

Mình cũng từng 3 năm không được tăng lương.

Được đãi ngộ với mức lương khởi điểm cao hơn nhiều so với công ty trước, mình đã nghĩ như vậy là đã đủ chỉ cần chuyên tâm vào làm việc và nâng cao năng lực bản thân.

Mình cố gắng hoàn thành thật tốt công việc, dù của mình hay của người khác. Mình hi sinh nhiều sự thoải mái của bản thân để bảo đảm cho chất lượng mọi thứ được đạt như kỳ vọng của sếp.

Mặc dù mình cũng có nhiều benefit khác như hỗ trợ mua laptop, hỗ trợ học phí,... Nhưng sau một thời gian, mình không thấy được sự tiến bộ trong công việc của mình chỉ bởi vì lúc đó mình nghĩ sự nghiệp phát triển hay không được thể hiện qua mức lương tăng giảm. (sau này còn có cả những dấu hiệu này nữa)

Lẽ ra phải xin phép được nghỉ ngơi khi cảm thấy quá tải, đề xuất được tăng lương khi thấy bản thân đã tiến bộ rõ rệt.

Mình đã từng chưa thương thân vậy đó!

Sai lầm 4: Vì bận rộn mà mất nhiều mối quan hệ

it3
Nguồn: Dương Nhân/Pexels.

Với lịch làm việc kín mít như vậy, mình không có thời gian để nghỉ ngơi thật sự, nói gì là duy trì các mối quan hệ khác. Mình gần như mất hết bạn bè từ thời đi học, và cũng không tạo được thêm những mối quan hệ mới.

  • Đã có những cao điểm, bạn mình nói nếu lần này không đi cùng, sẽ không bao giờ rủ mình nữa.

  • Đã có những thành tựu đạt được, nhìn lại không biết phải chia sẻ với ai.

  • Đã có những thời điểm mình cảm thấy rất cô đơn khi ngừng nghĩ về công việc.

Nhưng hẳn là quá tham lam nếu mình tìm kiếm một hoàn cảnh lý tưởng, cân bằng ở mọi mặt. Cuộc sống này cơ bản xoay quanh sự đánh đổi. Khi ra quyết định, đơn giản là mình đang bỏ một thứ xuống, để cầm thứ khác lên.

Nên mình chọn cách cho bạn bè biết ở thang giá trị hiện tại, ta đang muốn đạt được điều gì nhiều hơn.

  • Những người bạn chịu hiểu cho ta thì tới giờ vẫn còn là bạn.

  • Những người đã thôi không liên lạc thì ta cũng vui vẻ ngừng bận tâm.

Tới một lúc nào đấy ta nhận ra, dù có sự nghiệp làng nhàng hay vẻ vang thì số giờ một ngày cũng không thay đổi. Và mình chỉ có thể dành thứ tài sản hạn hẹp này cho những người thật sự quan tâm mình.

Sai lầm 5: Cư xử không đúng mực với đồng nghiệp và sếp

"Thiết kế của anh đẹp, đã được công nhận nên nếu em thấy không đẹp thì coi lại thẩm mỹ của em đi."

Đây là phản ứng của mình với một bạn lập trình trong team khi bị feedback thiết kế không đẹp.

Sự công nhận của sếp, sự tán thưởng của mạng xã hội đã đẩy cho cái tôi của mình lên cao ngất. Vì muốn bảo vệ niềm tin thiết kế của mình mà chẳng nể nang gì đồng nghiệp.

Bây giờ nhìn lại, mình đã may mắn khi mắc lỗi này từ rất sớm khi cái tôi còn chưa quá lớn. Nhờ sự góp ý của mọi người, tự đọc thêm các lời khuyên khác từ sách vở, mình đã học được cách tối ưu cái tôi của mình trong công việc.

Một sai lầm khác về giao tiếp nữa là tỏ ra quá thân mật với sếp trong không khí làm việc. Cho tới giờ, mình chưa gặp một "anh sếp" xấu xa nào cả, và tới nay vẫn còn giữ liên lạc với nhau như anh em. Nhưng chính vì sự thân thiết như vậy mà mình đã có những đùa giỡn vượt quá giới hạn trước mọi người.

Phong thái chuyên nghiệp, là có những cư xử phù hợp trong ngữ cảnh phù hợp. Thân thiết được với đồng nghiệp là tốt, nhưng cũng phải giúp họ giữ được hình ảnh chuyên nghiệp, nhất là khi họ có vị trí cao trong tổ chức.

Sai lầm 6: Luôn nghĩ rằng phát triển là đi lên - không phải đi ngang

Mình từng cho rằng sự phát triển của sự nghiệp là tịnh tiến đi lên, đi kèm với thành tựu, tiền bạc và danh tiếng. Vì vậy nên chỉ tập trung phát triển chuyên môn, mà không quan tâm đến các kỹ năng khác.

Trừ khi bạn đang làm một lĩnh vực đòi hỏi tính thủ công tỉ mỉ cao và sản phẩm cuối cùng được hoàn thành phần lớn từ khả năng của một người, thì việc phát triển chuyên sâu kỹ năng chuyên môn vẫn có thể đưa bạn lên vị trí nghệ nhân, có thể xem là đỉnh cao ở một ngành nghề nào đó.

Nhưng thiết kế sản phẩm thì khác, đây là kết quả của rất nhiều team với chuyên môn trải dài. từ Kinh doanh, Thiết kế, Marketing, Bán hàng, Lập trình, Vận hành,... vì vậy để có thể tạo ra giá trị tối đa cho những việc đang làm, mình phải tìm và phát triển thêm các kỹ năng mềm.

Sai Lầm 7: Ngại hỏi, vì sợ người ta nghĩ hỏi nhiều là không thông minh

it2
Nguồn: Sindy Sussengut/Unsplash.

Đây là một sai lầm kéo dài từ lúc còn đi học cho tới khi đi làm của mình. Mình đã rất ẩu tả trong giai đoạn tiếp nhận công việc vì tự cho là bản thân thông minh, sẽ tự tìm được cách để hiểu vấn đề.

Mình cũng từng nghĩ là nếu hỏi quá nhiều, thì người khác sẽ nghĩ mình nghiệp dư, với năng lực chuyên môn cũng không cao.

Tác hại là đã phải luôn tốn nhiều thời gian hơn để tự làm rõ, hay thậm chí làm sai yêu cầu công việc được giao. Đây có thể xem là lỗi “work hard” nhưng không “work smart”.

Sai lầm 8: Tin tưởng thái quá vào người khác

Tự tin với bản thân, mình cũng đem sự tự tin đó áp lên người khác.

Nghĩ rằng tin tưởng vào đồng đội là một việc đúng đắn, hóa ra nếu tin tưởng không đúng cách hậu quả của nó lại nguy hại khôn lường:

  • Tin tưởng khác với kỳ vọng, quá tin tưởng sẽ dẫn tới quá kỳ vọng, rồi khi thất vọng mình sẽ đâm ra trách móc người khác.

  • Tin tưởng khác với bỏ mặc, quá tin tưởng sẽ khiến bạn nghĩ rằng đồng đội tự giải quyết được vấn đề của họ, mình không cần theo sát. Rồi bỏ qua luôn cơ hội hỗ trợ để hoàn thành dự án suôn sẻ hơn.

Trải qua nhiều lần sai lầm này, mình hiểu tin tưởng là điều kiện đầu tiên để ta có thể làm việc trong một tập thể, nhưng cần phân biệt giữa 2 dạng niềm tin:

  • Tin là tất cả mọi người đều muốn hoàn thành dự án tốt nhất, là niềm tin đúng đắn.

  • Tin vào năng lực toàn diện của đồng đội, thay vì hiểu là ai cũng sẽ có điểm mạnh điểm yếu, là niềm tin sai trái.

Một bài học khác mình nhận được khi mắc phải sai lầm này, đó là khi đứng trước những người đang quá tin tưởng vào ta, hãy cho họ biết được mình cũng có những hạn chế nào từ sớm. Điều này giúp ta duy trì ngưỡng kỳ vọng hợp lý, từ đó cũng giúp các mối quan hệ bền chặt hơn.

Suy nghĩ cuối cùng

it1
Nguồn: Varvara Grabova/Unsplash.

Chắc chắn, mình sẽ còn mắc thêm nhiều sai lầm nữa. Nhưng mình nghĩ chẳng có gì xấu hổ khi mắc phải sai lầm trên con đường phát triển bản thân, không học được gì từ chúng mới là điều đáng phải hối tiếc.

Những sai lầm này giúp hình thành những đặc điểm của mỗi người, vì đó là những trải nghiệm khác biệt. Nó chứng minh chúng ta đã có những giây phút dũng cảm dám thử rồi học từ thất bại, còn hơn là không bao giờ biết kết quả của hành động đó là gì.

Và cuối cùng thì học được cách đối mặt với những sai lầm của bản thân một cách nhẹ nhàng, sẽ giúp bạn dễ dàng tha thứ hơn cho sai lầm của người khác.