Điều gì đưa một doanh nghiệp Việt vào top công ty công nghệ hàng đầu Nhật Bản? | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 10, 2024

Điều gì đưa một doanh nghiệp Việt vào top công ty công nghệ hàng đầu Nhật Bản?

Tổng giám đốc FPT Japan Đỗ Văn Khắc chia sẻ bí quyết “Nhật tiến" thành công của FPT Japan trong gần 2 thập kỷ qua.
Điều gì đưa một doanh nghiệp Việt vào top công ty công nghệ hàng đầu Nhật Bản?

Ông Đỗ Văn Khắc - Tổng Giám đốc của FPT Japan trong phiên thảo luận tại sự kiện Vietcetera Goes Abroad tại Nhật Bản. | Nguồn: Vietcetera

Thành lập vào cuối năm 2005, FPT Japan là một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam có quy mô lớn nhất tại Nhật với 3.500 nhân sự đa quốc tịch, làm việc trực tiếp tại 17 văn phòng.

Hiện FPT Japan đang cung cấp dịch vụ và giải pháp toàn diện cho hơn 450 khách hàng trên thế giới, hỗ trợ chuyển đổi số thông qua các dịch vụ tư vấn chiến lược và các giải pháp công nghệ tiên tiến như AI, học máy và điện toán đám mây.

Một trong những nhân vật góp mặt vào sự thành công vượt trội của FPT Japan là ông Đỗ Văn Khắc - Tổng Giám đốc của FPT Japan.

Đồng hành cùng FPT từ khi tốt nghiệp kỹ sư ngành Khoa học Máy tính tại đại học Bách Khoa Hà Nội vào năm 1999, ông Khắc đã trải qua hơn 20 vị trí, được thử sức với nhiều công việc và có nhiều trải nghiệm. Cuối năm 2022, ông được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của FPT Japan.

Dưới sự lèo lái của ông Khắc, FPT Japan đã vượt qua những khó khăn trong đại dịch và đạt mức tăng trưởng doanh số cao nhất (50,1%) vào năm 2023, hướng đến top 20 các công ty  IT tại  thị trường Nhật Bản trong năm 2024.

alt
Ông Đỗ Văn Khắc - Tổng Giám đốc của FPT Japan | Nguồn: Vietcetera

Trong sự kiện Vietcetera Goes Abroad tại Nhật được tổ chức vào tháng 9 vừa qua, ông Khắc đã góp mặt ở phiên thảo luận "Vietnam Innovator: Making it in Japan" và chia sẻ về hành trình gần 20 năm “mang chuông đi đánh xứ người" của tập đoàn CNTT FPT cũng như cơ hội nào cho người trẻ Việt gia nhập thị trường lao động tiềm năng này.

Cùng nhìn lại những chia sẻ của ông Khắc trong phiên thảo luận vừa qua.

Muốn đi xa, phải biết nhìn xa

Khách hàng Nhật nổi tiếng khó tính và có tiêu chuẩn rất cao. Tuy nhiên, theo ông Khắc thì làm với đối tác Nhật vừa có cái khó, vừa có cái dễ. Ông chia sẻ:

"Các công ty phần mềm ở Nhật thường chia một dự án ra làm nhiều công đoạn nhỏ và uỷ thác cho nhiều bên. Đó là cái dễ, cũng là cái bẫy. Nếu chúng tôi cứ lặp đi lặp và lấy làm hài lòng với những công việc đơn giản ấy thì sẽ mãi dậm chân tại chỗ, không thể phát triển lên. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong thời đại số hoá hiện nay, khi những công đoạn đơn giản có thể được AI và các công nghệ tự động hoá xử lý dễ dàng.

Cái khó ở đây là làm sao mở rộng năng lực của doanh nghiệp để có thể cung cấp được dịch vụ đầu cuối (end to end) cho khách hàng. Đây là điều cực khó đối với doanh nghiệp IT vì đòi hỏi rất nhiều yếu tố và cần một tầm nhìn xa. Rất may là tập đoàn FPT có anh Bình (ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT Software), một người có tầm nhìn xa.

Chúng tôi nhìn vào những công ty CNTT lớn ở Nhật, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu và đặt ra kế hoạch từng bước một. Câu hỏi đầu tiên là, làm thế nào để người Việt đáp ứng được các yêu cầu công việc về phân tích, thiết kế sản phẩm, tư vấn cho khách Nhật và dĩ nhiên phải biết tiếng Nhật."

alt
Ông Đỗ Văn Khắc trò chuyện với host Hương Trần - nhà đầu tư từ Pacific Light. | Nguồn: Vietcetera

Đầu tư vào đào tạo để giải quyết bài toán năng lực

Để giải quyết bài toán năng lực và ngôn ngữ, thì không có cách nào ngoài việc đào tạo. Đây là luận điểm mà ông Khắc và FPT Japan nói chung luôn lấy làm kim chỉ nam.

Ông cho biết: "Tại Nhật thì chúng tôi có trường Nhật ngữ FPT Japan Academy để tự đào tạo. Ngoài ra FPT Japan cũng kết hợp với các trường đại học và trung tâm Nhật ngữ khác. Nhờ vậy, các nhân viên nước ngoài tại FPT Japan đều có trình độ N2 trở lên.

Hiện tại thì chúng tôi đang đào tạo khoảng 13.500 kỹ sư bằng tiếng Nhật từ cả phía Nhật lẫn Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng đào tạo hàng trăm người làm chuyên viên phân tích nghiệp vụ (Business Analyst), tư vấn triển khai SAP và Dynamics 365."

Nhờ đó, FPT Japan có sẵn một nguồn lực đáp ứng được những công việc có mức độ khó của khách hàng.

Cơ hội nào dành cho người trẻ Việt?

Trong tình hình dân số liên tục giảm suốt 15 năm qua, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) nhận định Nhật đang thiếu hụt gần 370.000 kỹ sư CNTT vào năm 2023.

Ngoài ra, nhu cầu ủy thác phát triển phần mềm của Nhật Bản mỗi năm khoảng hơn 30 tỷ USD. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm khoảng 6-7% thị phần (số liệu IPA).

Ngược lại với tình hình thiếu hụt nhân lực tại Nhật Bản, Việt Nam có gần 400.000 kỹ sư công nghệ thông tin và hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm (theo báo cáo “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số” của FPT Digital).

alt
Hơn 200 khán giả cả Việt và Nhật tại sự kiện Vietcetera Goes Abroad dành sự quan tâm đến những chia sẻ của ông Khắc và các cơ hội việc làm mà FPT Japan mở ra. | Nguồn: Vietcetera

Nhận thấy đây là thời điểm vàng để khai thác cơ hội từ thị trường Nhật Bản, FPT Japan đã cùng các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại Nhật Bản thành lập Hiệp Hội Chuyển Đổi Số Việt Nam - Nhật Bản (VADX Japan). VADX Japan sẽ tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ số tiên tiến cho các thành viên trong hiệp hội.

Đối với việc phát triển nguồn lực, VADX Japan đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ hàng chục ngàn kỹ sư chất lượng cao tại Nhật và hàng trăm ngàn kỹ sư thành thạo tiếng Nhật tại Việt Nam, đặc biệt là phát triển nhân sự trong các mảng công nghệ mới như công nghệ đám mây, dữ liệu lớn (Big Data), AI, chất bán dẫn,...

Trước những nỗ lực của FPT Japan cũng như tình hình thị trường lao động tại Nhật, ông Khắc đưa ra cái nhìn lạc quan: "Nếu nhìn vào khoảng trống nhân lực tại Nhật, thì các bạn cứ tham gia học tiếng Nhật, học IT hoặc bất cứ ngành nào mà xã hội Nhật cần thì các bạn sẽ có việc. Hiện tại, có khoảng 2000 công ty Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam, nên bạn cũng có cơ hội phát triển sự nghiệp tại quê hương sau một thời gian làm việc tại Nhật Bản."