Bàn chuyện tiền nong với Tiến sĩ Võ Đình Trí | Vietcetera
Billboard banner

Bàn chuyện tiền nong với Tiến sĩ Võ Đình Trí

Với TS. Trí, lập ngân sách và quản lý tiền là hai kỹ năng quan trọng cần có trong cuộc sống.
Bàn chuyện tiền nong với Tiến sĩ Võ Đình Trí

Nguồn: TS. Võ Đình Trí cho Vietcetera.

#TheMoneyDate là nơi những nhân vật chia sẻ góc nhìn của họ về tài chính cá nhân, sự nghiệp và cuộc sống.


TS. Võ Đình Trí hiện đang giảng dạy và nghiên cứu về tài chính tại IPAG Business School Paris, đồng thời là giảng viên của ĐH Kinh tế TPHCM, thành viên Ban Tài chính của Tổ chức AVSE Global. Anh thường xuyên cộng tác với các báo ở Việt Nam, bao gồm Vietcetera.

Làm về thị trường tài chính, nhưng anh có hứng thú đặc biệt với các chủ đề tài chính cá nhân (đầu tư, lập kế hoạch tài chính, chi tiêu v.v..), cũng như sự tương quan giữa sức khỏe tài chính với cuộc sống tích cực.

TS. Trí là chủ kênh podcast Chàng-Ngốc-Già. Mới đây, anh cũng cho ra mắt kênh youtube cá nhân. Qua các nội dung của mình, TS. Trí mong góp một phần nhỏ giúp giới trẻ Việt Nam sống tích cực, tự chủ, và có trách nhiệm.

1. Mua nhà hay thuê nhà?

Ban đầu thì mình cũng thuê nhà, sau thì mua vì lãi suất ngân hàng giai đoạn đó xuống rất thấp. Lúc đó mình cũng thấy rằng đã đến lúc cần có một không gian sống thoáng đãng hơn.

Mình quan sát ở Pháp, thì thấy có một con đường khá phổ biến: ra trường đi làm thì thuê hoặc mua căn hộ, sau đó mua nhà có vườn, sau đó quay về lại căn hộ. Cũng có người chọn viện dưỡng lão.

2. Thứ gì rất đắt mà anh đã mua và thấy đáng tiền?

Căn nhà. Nó không chỉ khiến mình hài lòng với môi trường sống hiện tại, mà còn giúp mình tránh ở suốt trong 4 bức tường khi nước Pháp phong tỏa, thời Covid mà.

Ngoài ra, từ khi có Covid thì giá nhà vùng ven thủ đô cũng tăng mạnh.

3. Anh đã tiêu tháng lương đầu tiên của mình như thế nào?

Hồi sinh viên mình có đi làm thêm là dạy kèm, lại có thêm tiền tiêu vặt nên không nhớ.

Khi đi làm chính thức thì tháng lương đầu tiên về mình có tặng 1 món quà nhỏ cho ba má, còn lại thì có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Lúc đó cũng còn dốt và dại về tiền lắm.

Nguồn: TS. Võ Đình Trí.

4. Anh có nắm được số tiền chi tiêu hằng tháng của mình không?

Dĩ nhiên rồi! Nhưng cũng tương đối thôi. Tuy vậy mình luôn đảm bảo nguyên tắc “live under your means”, nghĩa là chi tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được.

Mỗi năm mình duyệt lại một lần vì nhu cầu và thu nhập thay đổi. Mình cũng lập bảng tính để có kế hoạch chi tiêu trong năm đó luôn.

5. Những người giàu thường có điểm chung gì?

Siêng năng. Họ là những người của công việc, làm, làm, và làm.

Bên cạnh đó họ là những người biết quản lý tiền và biết đầu tư. Đầu tư ở đây không chỉ là tài chính, mà còn là các mối quan hệ, sức khỏe, kiến thức.

6. Theo anh, có gì mà tiền không mua được?

Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền (cười).

Nói vậy chứ những gì đã qua là không thể mua lại được. Ví dụ như sức khỏe, tình yêu thương, kỷ niệm, và niềm tin.

7. Trên thang điểm từ 1-10, việc tiết kiệm quan trọng ở mức nào? Vì sao?

Hơn cả 10. Người ta nói “1 đồng tiết kiệm bằng 2 đồng làm”. Bởi vì tiết kiệm thì mình kiểm soát được, còn thu nhập thì không.

Hơn thế nữa, tiết kiệm giúp hình thành thói quen tốt là mình kiểm soát được chi tiêu. Tiết kiệm cũng là cách để tăng tích lũy, từ đó có đầu tư và gia tăng tài sản.

Nguồn: TS. Võ Đình Trí.

8. Kiến thức mới nhất mà anh học được?

Mạng xã hội, cách làm truyền thông. Mình muốn làm giáo dục qua mạng xã hội, giúp các bạn trẻ nhận được nhiều điều bổ ích hơn từ môi trường này.

Mình bắt đầu thì cũng như trẻ mẫu giáo, có quá nhiều điều phải học, phải thử và điều chỉnh. Rất may là được các bạn trẻ ủng hộ, động viên và cả giúp đỡ một số việc.

9. Một kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống mà trường học không dạy?

Kỹ năng lập ngân sách và quản lý tiền. Cái này mình gọi là xóa mù tài chính.

Ở Việt Nam có một thời gian tiền bạc là chủ đề “tối kỵ”, người ta ít nói đến tiền. Chính vì không có suy nghĩ đúng về tiền nên không quản lý nó được. Cuốn sách “Psychology of money” cũng nói về vấn đề này rất hay.

10. Một lời khuyên cho bản thân năm 23 tuổi?

Biết được sức mạnh của savings rate (tỉ lệ tiết kiệm), vì savings rate giúp tăng nhanh tài sản, và rút ngắn con đường độc lập tài chính.

Mình mà quen với savings rate, tăng dần nó lên thì nhu cầu chi tiêu cũng tự nhiên được chế ngự. Ví dụ trước khi mua cái gì đắt là phải cân nhắc, so sánh. Khi nhu cầu chi tiêu không nhiều thì độc lập tài chính khi thu nhập tăng cũng tới rất nhanh.