Sau 2 năm vật lộn với “siêu chu kỳ giá hàng hóa” do COVID-19, chính sách “zero-COVID” của Trung Quốc, và gần đây nhất là chiến sự Nga - Ukraine, thị trường tài chính đang đối mặt với những rủi ro đáng kể.
Nổi bật trong đó là lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Điều này có thể sẽ kéo dài hơn dự báo, hoặc duy trì ở mức cao trong thời gian dài tới.
Lịch sử thị trường cho thấy rằng có một số loại tài sản có khả năng chống chịu tốt với lạm phát như trái phiếu, hàng hóa (commodities), cổ phiếu của một số doanh nghiệp đặc thù, hay thậm chí là bất động sản.
Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett có một cái nhìn rất thú vị về chuyện này. Từ góc nhìn của ông, chúng ta có thể đầu tư vào đâu khi lạm phát tăng cao?
1. Đầu tư vào chính bản thân mình
Không ít lần trước công chúng Warren Buffett đã nhấn mạnh việc đầu tư vào bản thân. Đặc biệt, ông cho rằng các kỹ năng làm việc, thăng tiến trong công việc là cách tốt nhất để chống lại lạm phát cao.
Kỹ năng nghề nghiệp là thứ lạm phát không đụng đến được
Cụ thể, theo Warren, nếu một ai đó có những kỹ năng mà người khác cần, thì dù giá trị đồng tiền có thay đổi như thế nào, nhu cầu vẫn luôn tồn tại. Nó đồng nghĩa với việc, người có kỹ năng tốt vẫn duy trì được thu nhập và sức mua của mình.
Khi lạm phát cao, kinh tế khó khăn hơn thì nhu cầu chi tiêu sẽ giảm. Tuy nhiên với những dịch vụ hay hàng hóa xuất phát từ những người có kỹ năng cao thì luôn có một phân khúc thị trường cho họ.
Bởi vì, khi ai đó thích sản phẩm hay dịch vụ mà mình còn có khả năng chi trả, thì họ cũng sẽ sẵn lòng mua, dù mức giá thay đổi như thế nào.
Ví dụ, một người thợ làm tóc giỏi, bình thường đắt gấp đôi gấp ba mức trung bình của thị trường, khi điều chỉnh tăng giá theo lạm phát, những khách hàng hài lòng với dịch vụ cũng sẽ tiếp tục sử dụng.
Đầu tư vào bản thân bắt đầu từ đâu?
Đầu tư vào bản thân chính là đầu tư vào kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và mạng lưới các mối quan hệ (tài sản vô hình của một người).
Nhiều người có lẽ sẽ ngạc nhiên khi biết Warren dành phần lớn thời gian trong ngày của mình là để đọc và suy nghĩ. Các kiến thức hiện nay nhiều hơn, tiếp cận dễ dàng hơn từ kiến thức tổng quát đến kiến thức chuyên ngành.
Với sự hỗ trợ của Internet và công nghệ, các khóa học hay huấn luyện trong một thời gian ngắn là cách mà nhiều người chọn để hoàn thiện, nâng cao giá trị của mình.
Khác với một số loại tài sản khác có rủi ro giảm giá, hư hỏng, mất cắp, những tài sản vô hình không chỉ tránh được những rủi ro trên, mà nó còn tích tụ gia tăng giá trị theo thời gian.
Một người có chuyên môn giỏi, theo thời gian thì thu nhập chỉ có tăng. Nếu họ có đổi việc thì cũng là vì có tổng lợi ích kinh tế gia tăng so với trước đó. Không những thế, tài sản vô hình của một con người là một thứ đặc biệt có thể kết hợp với đòn bẩy (leverage).
Ví dụ, kiến thức và kỹ năng của một kỹ sư lập trình có thể được áp dụng trong nhiều dự án được triển khai cùng lúc với nhau.
2. Đầu tư vào những doanh nghiệp có lợi thế (economic moat)
Quan điểm này dựa trên nhận định rằng khi một ai đó hay một doanh nghiệp có cái mà thị trường cần, dù giá cả biến động thế nào cũng không ảnh hưởng đến thu nhập/ doanh thu. Điều này còn đúng hơn với những người, doanh nghiệp có lợi thế vượt trội.
Đó là lý do tại sao trong danh mục đầu tư của mình, Berkshire Hathaway nắm giữ nhiều cổ phiếu có lợi thế vượt trội hay người tiêu dùng luôn có nhu cầu.
Ở thời điểm này, đứng đầu trong danh mục của Berkshire Hathaway là Apple, Bank of America, American Express, Chevron, và Coca-Cola. Đây là những doanh nghiệp có hàng hóa và dịch vụ mà rất nhiều người tiêu dùng ưa thích, sử dụng.
Các sản phẩm của Apple luôn là niềm mơ ước của hàng triệu người trên thế giới. Thẻ American Express có một lượng khách hàng đáng kể. Và người ta uống Coca-Cola là vì cái tên hơn là khẩu vị.
Một doanh nghiệp có lợi thế vượt trội và người tiêu dùng đã gắn chặt với hàng hóa hay dịch vụ thì dù có lạm phát cao thì cũng không gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí có khi còn là cơ hội phát triển của doanh nghiệp.
Khi mặt bằng giá tăng thì doanh nghiệp sẽ tăng các chi phí đầu vào, đưa vào giá thành để người tiêu dùng gánh chịu theo cơ chế passthrough. Có những doanh nghiệp còn lợi dụng vị thế độc quyền của mình tăng giá với tỷ lệ cao hơn tỷ lệ lạm phát, như trường hợp lạm phát tăng 5% mà giá tăng 10%.
3. Ngoài ra, ta cũng có thể đầu tư vào một số loại tài sản khác
Trên thị trường tài chính, nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy khi lạm phát cao thì có một số loại tài sản có khả năng đề kháng như trái phiếu bảo vệ lạm phát (TIPS), kim loại quý (phổ biến là vàng), thị trường hàng hóa (commodities) và bất động sản.
Tuy vậy, việc tiếp cận các loại hình tài sản này phụ thuộc nhiều vào sự tiếp cận dễ dàng, như có được mua bán thuận tiện dễ dàng hay không, cũng như yêu cầu về vốn đầu tư.
Chẳng hạn như thị trường hàng hóa giao ngay đòi hỏi phải có lượng vốn lớn, chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thị trường bất động sản nếu không có các quỹ ủy thác (REITs) thì cũng đòi hỏi một số vốn khá lớn.
Lời khuyên quan trọng nhất là hãy để ý đến các loại phí giao dịch và thuế trong việc lựa chọn tài sản để trú ẩn lạm phát. Đó là vì nếu không tính toán kỹ, tổng chi phí phải gánh chịu có khi bằng hoặc lớn hơn lợi ích có được.
Ví dụ với lạm phát 5%, tỷ suất sinh lợi của tài sản là 7% và tổng chi phí giao dịch mua bán là 2% thì tính ra lợi nhuận trong trường hợp này là 0%. Lợi ích nếu có là tài sản không bị bào mòn bởi lạm phát.
Với những bạn còn trẻ, khi tài sản tích lũy chưa được nhiều thì lo ngại lạm phát là ở sức mua (purchasing power) của mình chứ không đặt nặng ở tài sản. Vì vậy, trong trường hợp này cần chú ý đến việc gia tăng thu nhập, suy nghĩ tìm ra những cách tăng thu nhập hiệu quả và bền vững.
Kết
Dù bạn có đang đầu tư theo cách nào và vào bất cứ đâu, thì hãy hãy luôn nhớ đến lời khuyên giá trị của Warren Buffett. Đó là hãy đầu tư vào bản thân, đầu tư vào các tài sản vô hình, liên tục tăng thu nhập và tái đầu tư.
Một khi đã tích lũy được một lượng tài sản đáng kể, thì lúc đó hãy nghĩ đến việc đầu tư và phòng ngừa lạm phát thông qua một số loại tài sản khác.
Cuộc thi đầu tư Go Crypto - Path For Financial Freedom là chương trình đầu tiên kích hoạt chuỗi hoạt động của Remitano dành cho sinh viên. Với hơn 3 triệu người dùng & có mặt tại hơn 50 quốc gia, Remitano tự hào là một trong những sàn giao dịch tiền điện tử tiên phong và có uy tín lâu đời nhất.
Với sứ mệnh đưa tiền mã hoá đến gần hơn với giới trẻ thông qua sân chơi đầu tư thực tế, mang đến trải nghiệm thật, rủi ro bằng 0, Go Crypto hy vọng sẽ xây dựng một nền tảng kiến thức & kinh nghiệm vững chắc, từ đó giúp các bạn trẻ tự tạo nên hạnh phúc & tự do tài chính cho riêng mình.
Với tổng giá trị giải thưởng lên đến 100tr VND, bắt đầu hành trình đầu tư tại đây