Các nhà văn kiếm tiền như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Các nhà văn kiếm tiền như thế nào?

Các nhà văn có thu nhập từ đâu để duy trì cuộc sống của mình và theo đuổi nghiệp viết?
Các nhà văn kiếm tiền như thế nào?

Các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Ocean Vuong, J.K.Rowling, Haruki Murakami

Khi được hỏi, David Foenkinos - nhà văn đương đại nổi tiếng của Pháp cho biết, có tới 99% nhà văn ở Pháp không sống bằng nghề của mình. Khi nhắc đến vấn đề này, chúng ta thường có một quan niệm truyền thống về sự nghèo túng, khó khăn của nhà văn.

Văn đàn Việt Nam đã từng có người thốt lên: “Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ”(Xuân Diệu) hay “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” (Tản Đà). Trên thế giới, cũng không ít nhà văn từng lên tiếng về sự hạn chế của nguồn thu nhập.

Tuy nhiên, cũng có không ít những người viết, cây bút đã và đang sống bền bỉ với nghề, với danh xưng một nhà văn. Vậy đâu là sự khác biệt, và đâu là nguồn thu mang đến nhiều lợi nhuận và danh tiếng nhất cho các nhà văn?

Hợp tác, in sách với các nhà xuất bản, thương hiệu sách

Đây có thể được xem là một trong những bước đầu tiên để các nhà văn xây dựng tên tuổi và kiếm tiền từ tác phẩm của mình. Ở các nước phát triển, nhiều cây bút có cơ hội ký kết hợp đồng độc quyền với các nhà xuất bản lớn, nếu tác phẩm của họ có tiếng vang hoặc họ là những nhà văn tên tuổi.

Với mỗi tác phẩm của mình, các nhà văn, tác giả thường sẽ nhận được nhuận bút = 10-12% x giá bìa x số lượng bản in. Với các tác giả mới, thường số lượng sẽ là khoảng 2.000 cuốn in lần đầu. Những cây bút tên tuổi hơn có thể lên đến 4.000 - 5.000 bản và con số 10 -12% có thể lên đến 15-20%.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (bên phải) là một trong số ít những nhà văn Việt Nam sở hữu tác phẩm với số bản bán ra lên đến hàng trăm nghìn

Với giá bìa sách ngày nay dao động từ 80.000 - 150.000VND, mỗi nhà văn với tác phẩm in lần đầu thường sẽ nhận được 20.000.000 - 40.000.000 cho một cuốn sách của mình.

Ở nước ngoài, con số nhuận bút sẽ rơi vào khoảng vài ngàn đến chục ngàn đô. Ngoài ra, khi sách tái bản, các tác giả có thể nhận thêm khoản tiền in gối tiếp sau đó.

Tuy nhiên, không phải nhà văn nào cũng có sức viết và tác phẩm được in liên tục. Một tác phẩm sau khi được in với tác giả ít tên tuổi thường sẽ mất một đến vài năm để bán hết sau đó mới có thể tái bản hay in tiếp.

Ở Việt Nam, số ít những nhà văn sống được bằng nghề là Nguyễn Nhật Ánh (chỉ cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, tái bản lần thứ 66, riêng năm 2018 đã đem về cho nhà văn hơn 4 tỷ đồng), Dương Thụy (cuốn “Oxford thương yêu”, tái bản 115.000 bản, năm 2018), Nguyễn Ngọc Tư (tác phẩm “Cánh đồng bất tận” tái bản 40 lần, đạt con số 158.247 bản).

Trên thế giới có số ít những nhà văn như Dan Brown, J.K.Rowling hay James Patterson,.. với thù lao khoảng vài triệu đến chục triệu đô một năm. Vì vậy, việc in sách chỉ là bước đầu trong quá trình xây dựng tên tuổi để các nhà văn có thể kiếm tiền.

Tiền bản quyền khi sách chuyển thể thành phim

Ngày nay, việc chuyển thể phim dựa trên những tác phẩm, tiểu thuyết của các nhà văn lớn có lẽ đã trở nên quá quen thuộc với độc giả và khán giả. Từ phim bộ đến phim điện ảnh, từ châu Á đến châu Âu, việc phát triển song song của ngành giải trí nghệ thuật cũng mang đến cho những nhà văn một khoản tiền không nhỏ.

Margaret Atwood là một trong những nhà văn rất thành công trong việc viết kịch bản chuyển thể từ tác phẩm của mình

Ở thị trường Trung Quốc, các tiểu thuyết gia, nhà văn mỗi năm có thể thu đến hàng triệu NDT nhờ việc bán các tác phẩm để chuyển thể thành phim. Những bộ phim như “Tam sinh Tam thế”, “Bên nhau trọn đời”, hay “Bộ bộ kinh tâm” đều không còn xa lạ gì với khán giả.

Thị trường Việt Nam những năm gần đây, khán giả xôn xao với những tác phẩm như “Mắt Biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đều được chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh.

Trước đó, có những bộ phim như “Cánh đồng bất tận”, “Quyên” chuyển thể từ sách của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Thọ cũng rất được đón chờ. Điều này đã mang đến thêm một nguồn thu nhập khấm khá cho các nhà văn từ tiền tác quyền lên đến vài chục triệu.

Trên thế giới, các văn sĩ nổi tiếng và thành công như Margaret Atwood, Gillian Flynn hay George R.R. Martin đã và đang chuyển sang viết những kịch bản chuyển thể từ các tác phẩm của họ. Những bộ phim như “Trò chơi Vương Quyền” hay “The Handmaid’s Tale” đều làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ.

Stephen King từng là một trong những nhà văn kiếm nhiều tiền nhất thế giới

Những nhà văn đã và đang kiếm tiền nhiều nhất thế giới như J.K.Rowling hay Stephen King đều sở hữu nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim nổi tiếng.

Ví dụ, bốn tập đầu của Harry Potter có doanh thu gần 3,5 tỷ USD, với lợi nhuận 2,5 tỷ USD. Trong đó J.K.Rowling có khoảng 10% lợi nhuận. Như vậy Rowling nhận khoảng 250 triệu USD từ những tập phim đó.

Các giải thưởng, danh hiệu hàng năm

Ở Việt Nam hiện nay, các giải thưởng cho văn học hay viết lách thường không nhiều và mức thưởng không quá lớn. Tiêu biểu hàng năm có các giải thưởng như Dế Mèn, Văn học tuổi 20, giải thưởng của Hội Nhà văn.

Mặc dù về mặt tiền bạc không nhiều, nhưng đây là cơ hội tốt để các nhà văn xây dựng tên tuổi, mở rộng các mối quan hệ hợp tác và tăng giá trị hợp đồng in ấn với các nhà xuất bản. Song song với đó là các lời mời hợp tác về văn hoá nghệ thuật, cũng như cơ hội quảng bá sách rộng hơn.

Nhà thơ người Mỹ Louise Gluck nhận giải Nobel Văn học năm 2020 với giải thưởng lên đến 1.000.000 USD

Đối với các nhà văn nước ngoài, hàng năm có các giải thưởng như Pulitzer, Man Booker hay Nobel Văn học. Đây đều là những giải thưởng với mức thưởng khá lớn.

Theo báo cáo, năm 2020, với quỹ tài chính ổn định, tiền thưởng cho Nobel văn học lên đến hơn 1 triệu USD. Trong khi đó giải Man Booker là 60.000 bảng Anh và Pulitzer khoảng 15.000 USD.

Bên cạnh đó, với các giải thưởng nhỏ hơn, đa dạng hơn ở các quốc gia khác nhau như Giller, Miles Franklin, Neustadt hay Women Prize, các nhà văn được gọi tên có thể bỏ túi từ khoảng 10.000 - 100.000 USD.

Làm diễn giả, thỉnh giảng tại các toạ đàm, lớp học

Khi đã là một tác giả lớn có lượng người hâm mộ đông đảo và sức ảnh hưởng với độc giả, giới trẻ, các nhà văn sau đó thường sẽ tham gia vào những buổi tọa đàm, chia sẻ về viết lách, dịch thuật hoặc một vấn đề chuyên môn nào đó.

Ngày nay, với sự mở rộng và đa dạng hoá của các nền tảng, chủ đề và nhu cầu khác nhau, các nhà văn vì thế cũng có nhiều lời mời và nguồn thu hơn. Với mỗi buổi trò chuyện hay làm diễn giả trong các toạ đàm, tụ điểm văn hoá, hội thảo, nhà văn sẽ nhận được từ 5.000.000 - 20.000.000 tuỳ vào quy mô chương trình và tên tuổi nhà văn.

Nhà văn Viet Thanh Nguyen là gương mặt quen thuộc trong những buổi trò chuyện, toạ đàm của sinh viên và độc giả. Tác phẩm Sympathizer của anh cũng sắp được đạo diễn Park Chan Wook chuyển thể thành phim

Với các nhà văn nổi tiếng ở nước ngoài từng giành các giải thưởng lớn như Ocean Vuong hay Viet Thanh Nguyen, con số có thể lên đến hàng ngàn đô một giờ cho các buổi thỉnh giảng hay chia sẻ ở trường đại học. Những cây viết có tác phẩm thuộc best seller như Malcolm Gladwell, mỗi buổi nói chuyện ở The New York Times cũng dao động trong con số đó.

Ngoài ra, các nhà văn còn có thể bán các khóa học về phương pháp làm việc, viết lách qua các nền tảng như MasterClass. Ở Việt Nam, không ít những nhà văn cũng mở những lớp dạy viết nhỏ và ngắn hạn để có thêm thu nhập.

Trở thành cây bút cho các tờ báo khi đã có tên tuổi

Nguồn nhuận bút dài hơi và đều đặn hơn so với tiền in sách của các nhà văn thường đến từ việc viết báo. Các nhà văn khi đã có tên tuổi hay mối quan hệ với các đơn vị xuất bản, người trong ngành sẽ chuyển dần sang viết báo chuyên nghiệp.

Với sự am hiểu sâu về một lĩnh vực, khả năng diễn đạt trôi chảy và sức viết tốt, nhà văn thường cộng tác với nhiều báo, diễn đàn khác nhau. Việc này nhằm lấp kín các khoảng trống do tòa soạn đặt ra trong việc cộng tác với một tác giả.

Ví dụ ở Việt Nam, các nhà văn như Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thuý đóng góp một lượng bài viết lớn và đều đặn cho các chuyên trang như Văn nghệ Quân Đội. Không khó để bắt gặp những bài phê bình mang tính chuyên môn của nhà văn Trương Quý ở các tập san, trên những chuyến bay của Bamboo Airway hay Vietnam Airlines.

Nguyễn Bình Phương là một trong những nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam đương đại, đồng thời anh cũng là cây bút quen thuộc của tờ Văn nghệ Quân Đội.

Ở nước ngoài, các tờ như The Paris Review, The New Yorker luôn là nơi góp mặt của các cây bút trẻ trên văn đàn. Tác giả Ocean Vuong cũng đã từng xuất bản những bài thơ mới của mình trên tờ Harper's. Joan Didion cũng là một nữ nhà văn cộng tác thường xuyên cho The Atlantic và The New Yorker.

Tuỳ vào số lượng chữ, nội dung, độ sâu và chủ đề cũng như khả năng chi trả của các tờ báo, các nhà văn sẽ nhận được thù lao, nhuận bút theo từng bài viết, số báo.

Kết

Văn chương từ xưa đến nay gần như là một cuộc chơi, một thứ đam mê phi lợi nhuận. Mà bản bản chất của nghệ thuật vốn dĩ cũng phi lợi nhuận.

Những khó khăn, eo hẹp của cuộc sống vật chất là phổ biến, nhưng không thiếu những nhà văn bằng tài năng của mình đã có thu nhập ổn định, là tên tuổi đáng ngưỡng mộ cả về văn chương lẫn cuộc sống.

Kiếm sống và không ngừng nuôi dưỡng đam mê, đâu đó, những người viết vẫn có ước mơ của riêng mình. Vấn đề ở đây là nhà văn phải thực sự có tài và có được sự yêu quý của độc giả.