1. Clout chaser là gì?
Clout chaser /klaʊt ˈtʃeɪsər/ chỉ kiểu người theo đuổi sự nổi tiếng và quyền lực một cách bất chấp. Từ này thường dùng trên không gian mạng, nơi sự chú ý được đong đếm và có thể kiếm lời.
Trên mạng xã hội, các clout chaser thường khoe những hình ảnh “giả trân,” khác xa con người thật để chiếm được tình cảm của số đông. Hoặc họ có thể hưởng ké tiếng thơm nhờ việc tương tác với những người có tầm ảnh hưởng hơn.
Điểm khác biệt của clout chaser với những người mong muốn thành công đơn thuần nằm ở sự thiếu trung thực và không màng hậu quả. Giữa thời buổi lên ngôi của những nền tảng như YouTube, Facebook, Tiktok, một số clout chaser lợi dụng lỗ hổng trong việc kiểm duyệt, tạo ra nội dung “bẩn,” tin rác, quảng cáo bất chấp nhằm câu view, kiếm chác.
Một số thuật ngữ tương tự như clout chaser, có thể kể đến clout leech (con đỉa bám fame), poser (kẻ khoe mẽ), performative activist (nhà hoạt động biểu diễn), attention seeker (kẻ tìm kiếm sự chú ý).
2. Nguồn gốc của clout chaser?
Từ clout bắt nguồn từ tiếng Anh cổ. Định nghĩa nguyên thủy là mẩu kim loại hoặc mảnh vải để vá lỗ, sau đó thêm nét nghĩa là cú đấm, vũ lực. Đến giữa thế kỷ 20, báo chí Mỹ mới nhắc đến clout với nghĩa tương tự hiện thời, để chỉ sức ảnh hưởng về chính trị.
Clout cũng được biến tấu đa dạng tùy theo các nền tảng xã hội. Trên Twitter, clout tương đương với “retweet” - một cách thức để lôi kéo người theo dõi mới. Nó đặc biệt trở thành tiếng địa phương của cộng đồng Stan Twitter, nơi người hâm mộ “đu bám” thần tượng vì lợi ích cá nhân.
Chủ nhân thực sự của nguyên cụm “clout chaser” còn là ẩn số nhưng nó nổi lên từ giới hip hop Mỹ. Điển hình là việc các rapper công kích Eminem để trở thành tâm điểm của những bàn tán.
3. Vì sao clout chaser phổ biến?
Năm 2019, Cardi B nhắc đến những chiêu trò nổi tiếng trong bài Clout. Đoạn điệp khúc “Họ làm mọi thứ để nổi tiếng (mọi thứ)” lặp đi lặp lại nhằm châm biếm căn bệnh Instagram, những kẻ lập dị, điên rồ trên các bài tweet.
Snoop Dogg cũng từng cho ra mắt chương trình tài liệu mang tên Clout Chaser để vạch trần những kẻ đánh bóng tên tuổi bằng cách lợi dụng và tạo tài khoản giả. Dù gây nhiều tranh cãi nhưng nhờ chương trình, cụm từ này được biết đến nhiều hơn.
Trên Tiktok, các video gắn hashtag #clout và #cloutchaser đang tung hoành với hơn tỷ lượt xem. Clout cũng xâm chiếm kho sách self-help với đa dạng chủ đề như Clout: The Art and Science of Influential Web Content, Clout: Finding and Using Power at Work, và Clout: Discover and Unleash Your God-Given Influence.
Có thể nói sự phát triển của Internet là chất xúc tác cho xu hướng “đi săn” danh tiếng. Mạng xã hội trở thành một thảm đỏ rộng mở. Ai cũng có thể nổi tiếng nhưng không phải ai cũng nổi tiếng đúng cách. Một ví dụ nổi bật là những người kiếm danh dựa vào việc chỉ trích, hay thậm chí, body shaming người nổi tiếng.
Về nguyên nhân chủ quan, clout chaser có thể đang cố bảo vệ lòng tự trọng trước sự phân biệt thứ cấp (rankism). Bảng xếp hạng mức độ nổi tiếng giờ đây không chỉ dành cho người của công chúng. Độ “viral” và những con số là thước đo vị thế cao, thấp, đôi khi để định giá lợi nhuận.
Những yếu tố từ môi trường nuôi dưỡng cũng tác động đến nhu cầu gây chú ý. Lớn lên với sự khinh thường, hạ thấp sẽ thúc đẩy mong muốn chứng minh bản thân. Hoặc một tuổi thơ được dành mọi sự quan tâm sẽ tạo quán tính duy trì vị thế ấy khi trưởng thành. Ngoài ra, clout chaser còn gắn liền với người ái kỷ. Cả hai đều làm mọi thứ để trở thành trung tâm.
Có một số trường hợp clout chaser là những người gặp bất ổn tâm thần. Người rối loạn lưỡng cực và rối loạn nhân cách giới thường mất kiểm soát về hành vi và cảm xúc, dẫn đến những hành động quá khích, khác thường, thu hút nhiều sự chú ý.
4. Dùng clout chaser như thế nào?
Tiếng Anh
A: Look, Tung checked in at Google again. He’s obviously not an employee there but still acts like he is.
B: He's such a clout chaser.
Tiếng Việt
A: Nhìn này, Tùng nó lại đăng ảnh ở Google. Nó đâu phải nhân viên ở đó và cứ ra vẻ như đúng rồi.
B: Nó đúng là một đứa “hám fame.”