Attention seeker - Có gì đằng sau một người thích được chú ý? | Vietcetera
Billboard banner

Attention seeker - Có gì đằng sau một người thích được chú ý?

Tranh cãi xung quanh phát ngôn của một ai đó, liệu bạn có đang vướng phải "chiêu trò" của những người thích được chú ý?
Attention seeker - Có gì đằng sau một người thích được chú ý?

Nguồn: Variety

1. Attention seeker là gì?

Attention seeker là từ chỉ người làm mọi thứ để lôi kéo sự chú ý từ kẻ khác, thường bằng những phát ngôn gây sốc. Từ này thường được dùng với nghĩa tiêu cực.

2. Nguồn gốc của attention seeker?

Từ attention đã bắt đầu được sử dụng với ý nghĩa hiện tại của nó từ cuối thế kỷ 14, có nguồn gốc từ tiếng Latin là attentionem. Còn seek được biến đổi từ tiếng Anh cổ - secan - ý chỉ mong muốn mãnh liệt.

Không rõ từ attention seeker được bắt đầu sử dụng từ lúc nào. Nhưng từ những năm 2000, ở 2wiki đã có meme về những attention whore (một từ cũng dùng để chỉ những kẻ thèm muốn sự chú ý, nhưng nặng nề hơn).

3. Vì sao attention seeker phổ biến?

Năm 2010, từ attention seeker trở nên phổ biến vì nó được đặt tên cho một tập của Dr.Phil - chương trình nổi tiếng được Oprah Winfrey tạo dựng, với người dẫn là Phil McGraw. Tại đây, McGraw đã nói chuyện và đưa ra lời khuyên cho các khách mời, bằng kinh nghiệm của một nhà tâm lý học pháp y và lâm sàng.

Vì là động vật xã hội, con người đã có sẵn bản năng muốn có sự chú ý và công nhận từ người khác. Thậm chí, nó là một chức năng có sẵn trong não, chúng ta không thể ngừng việc muốn được chú ý đến.

Tuy nhiên, các attention seeker thì sẵn sàng làm nhiều thứ hơn người bình thường để có được điều đó, bao gồm:

  • Giả vờ khiêm tốn dù đạt thành tích để nhận được lời khen
  • Tìm cách gây tranh cãi để kích động các phản ứng trái chiều
  • Phóng đại và thêu dệt những câu chuyện về bản thân để được khen hoặc cảm thông
  • Tỏ vẻ yếu đuối, không biết cách làm điều gì đó để được giúp đỡ hoặc được người khác công nhận sự nỗ lực của mình

Một trong những cách dễ nhận biết attention seeker có thể kể đến việc tìm cách gây tranh cãi để mọi người nhắc nhiều đến mình.

Gần đây, chúng ta có đạo diễn Lê Hoàng luôn gây bão cộng đồng mạng vì những câu nói phân biệt giới, chẳng hạn "Phụ nữ càng có học thức càng ít khóc."

Các phát ngôn này có thể đoán trước là sẽ tạo làn sóng tranh luận. Vậy nên có thể đây là một biểu hiện của việc muốn được cộng đồng chú ý.

Một attention seeker được sinh ra từ nhiều lý do, có thể đến từ lòng ganh tị, sự cô đơn, hoặc thậm chí là vì bản thân họ có lòng tự trọng thấp. Ngoài ra, cũng có sự tương quan giữa các attention seeker và người ái kỷ. Trên mạng xã hội, người ái kỷ luôn tìm cách khiến họ nổi bật hơn những người xung quanh, dù bằng cách này hay cách khác.

Attention seeker phổ biến đến mức trở thành hình mẫu điển hình trong việc xây dựng nhân vật của nhiều bộ phim. Các attention seeker trong phim ảnh có thể kể đến Rachel của Glee, hay Sharpay của High School Musical khi liên tục tìm cách để càng nhiều người chú ý, khen ngợi mình càng tốt.

Attention seeker không chỉ là những người phiền nhiễu, bởi đằng sau họ có thể là nhiều rối loạn về sức khỏe tâm thần. Người mong muốn được chú ý có thể bởi họ bị rối loạn nhân cách ranh giới hoặc rối loạn lưỡng cực, dẫn đến sự mất kiểm soát về cảm xúc và hành vi. Kanye West - một trong những người từng bị chỉ trích vì luôn làm những hành động quá khích để gây chú ý - cũng mắc bệnh rối loạn lưỡng cực.

4. Dùng attention seeker như thế nào?

Tiếng Anh:

A: Did you see Tam's latest post? She keeps saying controversial things.

B: That's just another trick to get attention. What an attention seeker!

Tiếng Việt:

A: Mày thấy bài mới của Tâm chưa? Sao nó toàn nói mấy thứ dễ gây tranh cãi vậy?

B: Lại một cách mới để mọi người chú ý tới mình. Đúng là một đứa thích được chú ý.