Có khi nào bạn cảm thấy ngày làm việc bị gián đoạn bởi quá nhiều cuộc họp, khiến bản thân không có thời gian hoàn thành những công việc cần ưu tiên?
Đối với nhân viên Đại học RMIT Việt Nam, tuần làm việc giờ đây đã có thêm nhiều khoảng thời gian quý giá dành cho công việc đòi hỏi sự tập trung, nhờ sáng kiến “Less meeting Fridays” được ra mắt từ tháng 2/2023.
Theo đó, nhà trường khuyến khích cả đội ngũ quản lý và cán bộ giảng viên hoãn hoặc từ chối các cuộc họp không gấp vào ngày thứ Sáu. Điều này giúp họ có thêm thời gian và không gian để tập trung vào các đầu việc quan trọng, thực hiện nghiên cứu hay phát triển chuyên môn mà không bị gián đoạn.
Đây chỉ là một trong nhiều sáng kiến hỗ trợ làm việc linh hoạt tại Đại học RMIT Việt Nam - trường đại học 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Sau 23 năm hoạt động, trường hiện có hai cơ sở chính ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng một trung tâm ngoại ngữ tại Đà Nẵng, với tổng cộng 1.200 nhân viên, 12.000 sinh viên và 20.000 cựu sinh viên.
Theo lãnh đạo nhà trường, các nhân viên của RMIT dù đảm nhiệm vị trí giảng dạy, nghiên cứu, hay hỗ trợ vận hành đều luôn mong muốn tạo ra sự khác biệt. Đó là vì sứ mạng của RMIT là đem đến những trải nghiệm giúp sinh viên thay đổi toàn diện để chuẩn bị cho cuộc sống và công việc. Nhà trường luôn khích lệ các phương pháp học tập và làm việc mới, đồng thời khuyến khích những thay đổi tạo ra tác động tích cực.
Với mục tiêu tiếp tục đầu tư vào phúc lợi và sự phát triển của nhân viên, Đại học RMIT Việt Nam đã giới thiệu thêm nhiều sáng kiến mới cho nhân viên trong một vài năm gần đây.
Song song với dịch vụ tư vấn tâm lý trực tuyến cho nhân viên đã triển khai từ nhiều năm nay, nhà trường đã giới thiệu dịch vụ tư vấn tâm lý theo hình thức trực tiếp tại nơi làm việc, đảm bảo mọi nguyên tắc bảo mật và riêng tư. Chuyên gia tư vấn có thể hỗ trợ nhân viên trong nhiều lĩnh vực khác nhau như cải thiện giao tiếp trong gia đình, cân bằng giữa cuộc sống và công việc, tư vấn sang chấn tâm lý, giải quyết căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm, v.v.
Bên cạnh việc triển khai chính sách làm việc linh hoạt về cả địa điểm lẫn thời gian, nhà trường đã cung cấp thêm năm ngày nghỉ phép có lương cho toàn thể cán bộ giảng viên trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp nhất.
Với mong muốn nâng cao tính đa dạng, công bằng và hòa nhập, bộ phận Nhân sự của nhà trường đã thực hiện khảo sát nhân viên bằng hình thức phỏng vấn nhóm trực tiếp. Dựa trên kết quả phỏng vấn, bộ phận Nhân sự đã tổ chức 10 hội thảo về trí thông minh văn hóa trong năm 2023. Chuỗi hội thảo thu hút khoảng 150 cán bộ giảng viên, giúp nâng cao sự đồng cảm và hiểu biết giữa các nền văn hóa khác nhau.
Bên cạnh đó, bộ phận Nhân sự đã chủ động lấy ý kiến và thành lập một loạt cộng đồng nhân viên dựa trên những sở thích và mối quan tâm chung, ví dụ: cộng đồng những người làm cha mẹ tại RMIT, cộng đồng yêu thích thiền định, cộng đồng yêu ngoại ngữ v.v., nhằm thúc đẩy kết nối trong nội bộ tổ chức, đồng thời cải thiện sức khỏe và tâm lý của cán bộ giảng viên.
Đặc biệt, Tuần lễ Tự hào RMIT Việt Nam chính thức trở thành một hoạt động thường niên nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ giảng viên và sinh viên về cộng đồng LGBTIQAP+. Với nhiều hoạt động đa dạng, Tuần lễ Tự hào nhằm tháo gỡ các vấn đề và rào cản đối với việc hòa nhập, tạo không gian gắn kết và chia sẻ những câu chuyện có sức mạnh kết nối mọi người.
Với những sáng kiến như vậy, RMIT Việt Nam đã nhận giải “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” năm 2023 do tạp chí HR Asia trao tặng. Trước đó vào năm 2020, Đại học RMIT Việt Nam là trường đại học đầu tiên được vinh danh với giải thưởng này ở đất nước hình chữ S.
Theo ban tổ chức, các doanh nghiệp thắng giải được công nhận nhờ “cống hiến không ngừng nghỉ cho sự hài lòng, phúc lợi và phát triển của nhân viên”, đồng thời “đặt ra chuẩn mực để các doanh nghiệp khác noi theo bằng cách củng cố môi trường làm việc tích cực nơi người lao động có thể phát triển và gặt hái thành tựu xuất sắc”. Đặc biệt, chủ đề của giải thưởng năm nay là "Tôn vinh sự đa dạng, công bằng và hòa nhập”.
Giáo sư Claire Macken, Tổng giám đốc Đại học RMIT Việt Nam cho biết: “Văn hóa tổ chức tại RMIT được xây dựng dựa trên mục đích chung, sự tôn trọng lẫn nhau và niềm tin vào đội ngũ cán bộ giảng viên – những người đã đóng góp năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn quan trọng cho thành công của RMIT trong thời gian qua”.
“Xây dựng văn hóa hòa nhập và đa dạng cho cán bộ giảng viên và sinh viên là một trong những giá trị cốt lõi của RMIT, vì vậy chủ đề giải thưởng năm nay rất phù hợp với tôn chỉ hoạt động của chúng tôi”.
Giáo sư Claire Macken chia sẻ: “Danh hiệu HR Asia - Nơi làm việc tốt nhất châu Á là động lực để chúng tôi tiếp tục cung cấp nơi làm việc tốt nhất cho cán bộ giảng viên. Chúng tôi sẽ nỗ lực thu hút và giữ chân những nhân tài muốn xây dựng sự nghiệp, thể hiện khả năng lãnh đạo và kiến tạo cơ hội tại một trường đại học có tác động to lớn ở Australia, châu Á và hơn thế nữa”.