Fudgel - Khi văn phòng trở thành “vở kịch” năng suất | Vietcetera
Billboard banner

Fudgel - Khi văn phòng trở thành “vở kịch” năng suất

Không phải lúc nào chăm chú nhìn màn hình và gõ phím lia lịa cũng đồng nghĩa với làm việc năng suất.
Fudgel - Khi văn phòng trở thành “vở kịch” năng suất

Nguồn: Open Academics @ Twitter

1. Fudgel là gì?

Fudgel là thuật ngữ chỉ hành động giả vờ làm việc chăm chỉ nhưng thực ra là không làm gì. Microsoft cũng tạo ra thuật ngữ “productivity theater” (nhà hát kịch năng suất) với hàm ý tương tự về hiện tượng “diễn” vẻ năng suất khác xa với thực tế của nhân viên.

Đối với dân văn phòng, điều này không quá khó khi họ đã nắm bắt được hình mẫu chăm chỉ của các sếp. Đặc biệt, một số công ty sẽ có yêu cầu khắt khe về việc phải có mặt thường xuyên. Và đây là cách các nhân viên fudgel:

Khi làm việc online: thường xuyên cập nhật trạng thái trên Slack, di chuyển chuột để giữ đèn xanh trong Microsoft Teams, cài đặt video ngồi làm việc nghiêm túc làm hình nền Zoom.

Khi làm việc offline: lướt mạng với vẻ mặt đăm chiêu, đôi tay đánh máy lia lịa, bày giấy tờ lên bàn giả bộ đọc chăm chú, nhấn chuột đổi tab này qua tab kia.

2. Nguồn gốc của fudgel

Theo nhà văn Mark Forsyth, từ này xuất hiện vào khoảng thế kỷ 18 nhưng đã bị lãng quên một thời gian sau đó. Đến năm 2015, fudgel được đưa vào từ điển Urban Dictionary, từ đó được nhiều người biết đến hơn.

Do nguồn dữ liệu hạn hẹp nên các thông tin về nguồn gốc của fudgel chưa được xác thực. Nhiều khả năng thuật ngữ bắt nguồn từ fudge (nói dối một cách vụng về) hoặc từ tiếng Scottish cổ fadge (kẻ lừa đảo).

Một giả thuyết khác cho rằng fudgel liên quan đến cuốn sách Curiosities of Literature (1791) của nhà văn Isaac D’Israeli. Trong đó, ông có trích dẫn câu chuyện về một thủy thủ người Anh chuyên nói dối. Sau mỗi lần đi biển trở về, thủy thủ này lại bịa một đống chuyện trên trời dưới biển. Ông bị dân làng la “You fudge it!” (Ông lại bốc phét!) và đặt cho cái tên là Captain Fudge.

3. Vì sao fudgel trở nên phổ biến?

Fudgel đã có màn “comeback” ngoạn mục khi được nhiều trang báo như Bored Panda xếp vào danh sách những từ ngữ cổ nên được hồi sinh.

Lý do chính khiến fudgel được nhiều người quan tâm trở lại là vì nó phản ánh vấn đề hiện thời. Xuất phát từ dịch COVID-19, các nhân viên phải xoay xở “trăm công nghìn việc”: kiếm tiền, chăm con, dọn nhà và nấu ăn. Trong khi đó, một số công ty vẫn áp dụng motif chấm công, tăng buổi họp và buộc nhân viên liên tục online như lúc đi làm.

Theo chuyên trang nghiên cứu nhân sự Gartner, điều này đã khiến số nhân viên “làm việc ảo,” tìm cách lách luật tăng lên gấp đôi. Chẳng hạn, họ chỉ vào Zoom rồi đi làm việc khác, soạn trước và hẹn giờ gửi tin nhắn lên Slack.

Giữa năm 2022, Elon Musk đã đăng một tweet bóng gió về những hành vi “lươn lẹo” khi làm việc từ xa: “Nếu muốn giả vờ thì hãy đi chỗ khác.” Đồng thời, ông bắt buộc nhân viên phải quay lại làm trực tiếp và sẽ đuổi hết những người không tới văn phòng.

07feb20231654086819414jfif
Nguồn: Elon Musk @ Twitter

Trang Qatalag and GitLab cho rằng, đằng sau những cuộc “điểm danh” không hồi kết là văn hóa ưu tiên người có mặt (presenteeism). Nhiều lãnh đạo thường đo lường hiệu suất làm việc của nhân viên bằng thời gian hiện diện tại văn phòng, thay vì kết quả công việc.

Theo tâm lý học, sự đánh giá chủ quan này có thể được lý giải theo 2 thiên kiến nhận thức:

Về phía người làm công, đây là 2 nỗi lo chính khiến họ chấp nhận rơi vào bẫy ưu tiên sự có mặt:

  • Nỗi lo “cơm áo gạo tiền”: Nếu họ bị nhìn nhận là dư thừa, thiếu quan trọng và không đóng góp cho công ty, họ có thể bị thay thế bất cứ lúc nào.
  • Áp lực công việc: Vòng lặp công việc không ngừng nghỉ khiến một số người e sợ cảm giác nhận thêm việc. Một khi họ nói “xong”, công việc khác lại ập tới. Việc kéo dài những đầu việc nhỏ là để trì hoãn nỗi sợ với những đầu việc lớn.

Khoảng thời gian “chết” của nhân viên là điều kiện để tâm trí họ nghỉ ngơi, não bộ chuyển sang chế độ phân tán (diffuse mode). Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (Bureau of Labor Statistics), trong 8 giờ hành chính, một người chỉ thực sự làm việc khoảng 3 giờ đồng hồ. Dù có thời gian dư dả, công việc vẫn bắt họ phải ngồi từ sáng đến tối.

07feb2023overtimejpg
Nhiều nhân viên bị áp lực phải “có mặt” ở văn phòng dù đã xong việc. | Nguồn: Japantimes

Dường như thành ngữ “thời gian là tiền bạc” phù hợp hơn vào thời đại nông nghiệp. Khi đó, thời gian một người ở trên cánh đồng càng nhiều thì sẽ càng trồng được nhiều cây.

Người nông dân lao động thuận theo trời đất: mặt trời mọc, họ ra đồng; mặt trời lặn, họ tan ca. Nhưng bây giờ, một ngày làm nông có thể chỉ bằng vài giờ máy chạy. Con người cũng không còn định mức chắc chắn về thời gian tối thiểu để làm việc.

Ngoài ra theo giáo sư Scott Sonenshein, những ngành nghề liên quan tới trí tuệ hay sáng tạo khó mà tìm được thang đo cụ thể cho kết quả làm việc. Vì thế, câu hỏi mà các quản lý nên đặt ra không phải là nhân viên có mặt bao nhiêu giờ, mà là họ đã làm được những gì và chất lượng từng đầu việc ra sao.

4. Cách dùng fudgel

Tiếng Anh

A: Call Tam out for lunch, too. She seems really focused!

B: No, she’s just fudgeling. When I passed her desk, she was reading some kind of manga.

Tiếng Việt

A: Gọi Tâm đi ăn trưa luôn. Con bé có vẻ tập trung quá!

B: Không đâu chị, nó chỉ đang “giả vờ giả vịt” thôi. Em vừa mới đi qua bàn nó thấy nó đang đọc truyện tranh gì đấy.