12 Thiên kiến thường gặp: Nguyên nhân của những sai lầm mà bạn đang mắc phải | Vietcetera
Billboard banner
07 Thg 01, 2021
Tâm Lý Học

12 Thiên kiến thường gặp: Nguyên nhân của những sai lầm mà bạn đang mắc phải

Đâu là những thiên kiến nhận thức (cognitive bias) mà bạn thường hay mắc phải dẫn đến những sai lầm trong tư duy và đưa ra quyết định?
12 Thiên kiến thường gặp: Nguyên nhân của những sai lầm mà bạn đang mắc phải

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Mỗi ngày, chúng ta luôn phải suy nghĩ và đánh giá nhiều vấn đề khác nhau, nhưng thường bị ảnh hưởng bởi những thiên kiến nhận thức không dễ nhận ra. Chúng là những suy nghĩ “gây nhiễu” tư duy trong quá trình tiếp nhận và xử lí thông tin, ảnh hưởng đến các quyết định và đánh giá sau đó.

Có rất nhiều loại thiên kiến nhận thức, và sau đây là 12 dạng thường gặp nhất. Việc nhận biết chúng sẽ giúp bạn hiểu được cách chúng xen vào tư duy của bạn và ngăn chặn phù hợp.

1. Confirmation bias: Thiên kiến xác nhận

Thiên kiến xác định xảy ra khi bạn cho rằng suy nghĩ của bản thân là đúng và có xu hướng tìm kiếm, tiếp nhận, và ghi nhớ những thông tin củng cố cho quan điểm của mình.

alt
Thiên kiến xác nhận vô cùng phổ biến

Ví dụ, bạn tin rằng người thuận tay trái sáng tạo hơn người thuận tay phải. Mỗi lần gặp ai đó vừa thuận tay trái vừa sáng tạo, bạn sẽ cho rằng đây là bằng chứng chứng minh quan điểm của mình là đúng và bỏ qua những yếu tố khác.

2. Optimism bias: Khuynh hướng lạc quan

Optimism bias là xu hướng lạc quan quá mức, đánh giá thấp khả năng xảy ra các kết quả không mong muốn và đánh giá cao khả năng những điều thuận lợi đến với mình. Khuynh hướng lạc quan có thể khiến bạn lờ đi những yếu tố rủi ro, dẫn đến những quyết định sai lầm.

alt
Lạc quan quá mức khiến bạn lơ đi yếu tố rủi ro

Ví dụ, bạn cho rằng bản thân không cần một khoảng tiền khẩn cấp và thường xuyên tiêu dùng vô độ, đến khi rủi ro ập đến khiến bạn trở tay không kịp.

3. Pessimism bias: Khuynh hướng tiêu cực

Khuynh hướng tiêu cực (Pessimism bias) là xu hướng đánh giá cao khả năng những điều tiêu cực xảy đến với mình. Khuynh hướng này có thể ngăn cản bạn thử thách những điều mới, lo lắng nhiều hơn và cảm thấy tồi tệ về những sự kiện đã qua.

alt
Quá tiêu cực khiến tâm lý ảnh hưởng trước khi làm gì đó

Ví dụ, bạn sắp có một cuộc phỏng vấn xin việc. Mặc dù bạn đủ tiêu chuẩn cho công việc đó và đã từng thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn trước đây, nhưng việc rơi vào khuynh hướng tiêu cực khiến bạn thấy tự ti. Kết quả buổi phỏng vấn cũng có thể bị ảnh hưởng.

4. Logical fallacy: Ngụy biện trong lập luận

Ngụy biện là lập luận sai về mặt logic. Nói cách khác, ngụy biện là vi phạm các quy tắc trong lập luận để giành phần lợi trong tranh luận, trong đối thoại, từ đó có thể biến sai thành đúng, biến đúng thành sai.

Nguyên nhân khiến ta mắc lỗi ngụy biện thường do tâm lý háo thắng, do thói quen nói chuyện thông thường, hoặc do nhiễm cách lý luận của báo chí.

alt
Trong cuộc sống chúng ta rất thường gặp lỗi ngụy biện

Ví dụ, công kích cá nhân là một kiểu nguỵ biện thường thấy trong tranh luận. Thay vì tập trung vào chủ đề chính, bạn bắt đầu quay sang công kích đối phương nhằm làm giảm uy tín của họ. Những kiểu câu thường gặp cho kiểu ngụy biện này là “Có làm được chưa mà nói?”, “Chưa làm được gì thì nói gì ai?”...

Ngụy biện là lỗi thường gặp trong giao tiếp nhưng lại khó nhận ra. Phát hiện ra ngụy biện giúp bạn nhìn nhận cuộc trò chuyện chính xác hơn và đưa ra những lập luận phù hợp.

5. Empathy gap: Khoảng cách thấu cảm

Khoảng cách thấu cảm (Empathy gap) xảy ra khi một người trong trạng thái tâm lý này không hiểu một người đang ở trong trạng thái tâm lý khác. Từ đó, họ có xu hướng đưa ra những quyết định thỏa mãn cảm xúc riêng của bản thân.

alt
Khoảng cách thấu cảm khi một người không hiểu cảm xúc người khia

Ví dụ, bạn vốn là một người bình tĩnh. Vì vậy khi đối diện với một vấn đề, bạn không hiểu được vì sao người bên cạnh lại có thể hoang mang đến thế và cho rằng người kia đang làm quá mọi thứ.

6. Misinformation effect: Hiệu ứng sai lệch thông tin

Hiệu ứng này xảy ra khi trí nhớ về một sự việc bị can thiệp bởi những thông tin sau sự kiện đó. Trong quá trình gợi nhớ (recall), nếu câu hỏi bao gồm một thông tin không chính xác, trí nhớ ban đầu sẽ bị ảnh hưởng và hình thành sự sai lệch. (Nguồn: verywellmind)

alt
Đôi khi câu hỏi với thông tin sai lệch sẽ "dắt mũi" trí nhớ bạn

Ví dụ, bạn chứng kiến một vụ tai nạn xe hơi. Sau đó, bạn được hỏi rằng khi ấy các cửa kính ô tô có bị vỡ không. Thay vì nhớ về hiện trường ban đầu, não bộ của bạn lại liên kết “tai nạn xe hơi” với “cửa kính bị vỡ”, mặc dù thực tế hiện trường không hề như vậy. Câu hỏi "cửa kính vỡ" có khả năng làm lời khai của bạn bị sai lệch.

7. Framing effect: Hiệu ứng đóng khung

Hiệu ứng đóng khung (Framing effect) xảy ra khi quyết định của chúng ta bị ảnh hưởng bởi cách thông tin được trình bày. Thông qua cách diễn đạt, những thông tin tương tự nhau có thể trở nên thu hút hơn.

alt
Trình bày thông tin một cách thu hút cũng làm một thủ thuật của Marketing

Ví dụ, với thông tin là sản phẩm sữa chua A có chứa một lượng chất béo nhất định, nhà sản xuất có 2 cách trình bày như sau:

  • Sữa chua chứa 20% chất béo
  • Sữa chua được giảm 80% chất béo

Mặc dù nội dung là như nhau, chúng ta có xu hướng bị thu hút bởi cách viết thứ hai hơn.

8. Gender bias: Thành kiến về giới

Đây là khuynh hướng đưa ra nhận định dựa trên giới tính, cho rằng giới tính này hơn giới tính kia. Trong xã hội hiện đại (đặc biệt là môi trường công sở), thành kiến về giới thường được thể hiện qua việc thiên vị nam giới.

alt
Dù thời đại bình đẳng nhưng thiên kiến này vẫn còn tồn tại

Ví dụ, có nhiều nhận định rằng phụ nữ không phù hợp với những công việc đòi hỏi khả năng lãnh đạo bởi họ dễ bị chi phối bởi cảm xúc.

9. Stereotyping: Khuynh hướng khuôn mẫu

Stereotyping là khuynh hướng ghi nhận thành viên của một nhóm xã hội có những đặc điểm nhất định. Đặc điểm đó có thể là tính cách, sở thích, ngoại hình hoặc khả năng. Những đặc điểm này có thể không cụ thể và thiếu chính xác.

alt
Đây còn được gọi là "vơ đũa cả nắm"

Ví dụ, khi nghe về ngôi trường A, bạn cho rằng những học sinh đó thường có gia thế, phải học rất nhiều và rất tự cao dù không có thông tin nào chính xác.

10. Survivorship bias: Thiên lệch kẻ sống sót

Thiên lệch kẻ sống sót (Survivorship bias) xảy ra khi chúng ta đánh giá về một tình huống nào đó dựa trên sự thành công của một người (hoặc một nhóm người) mà bỏ qua những người còn lại.

alt
"Giai thoại" về Bill Gates và Mark Zuckerberg đã từng khiến nhiều người tin bỏ học đại học là sẽ thành công.

Ví dụ, Bill Gates hay Mark Zuckerberg đều bỏ học và thành công. Nhưng bên cạnh họ, có rất nhiều người không lựa chọn con đường đại học và đang gặp nhiều khó khăn. Chỉ một số người thành công với con đường này không có nghĩa rằng ai cũng có thể.

11. Self-serving bias: Thiên kiến vị kỷ

Thiên kiến vị kỷ xảy ra khi một người ghi nhận công sức và nỗ lực của bản thân khi đạt kết quả tốt, và đổ lỗi cho những nhân tố bên ngoài nếu gặp kết quả tồi tệ.

alt
Tại người, tại hoàn cảnh, tại số phận

Ví dụ, khi đi học, bạn được điểm 10 và tin rằng bạn đã ôn bài chăm chỉ để đạt được điều đó. Nhưng nếu một bài kiểm tra khác có kết quả không như ý, bạn sẽ cho rằng thầy cô ra đề khó hoặc chấm điểm không công bằng.

12. Halo effect: Hiệu ứng hào quang

Hiệu ứng hào quang (Halo effect) còn được xem là nguyên tắc “cái gì đẹp thì cũng tốt”, xảy ra khi bạn có ấn tượng tốt về một người và mặc định rằng các khía cạnh khác của họ cũng tốt.

alt
Nhiệt tình và năng lực không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau

Ví dụ, trong môi trường làm việc, thái độ tích cực và sự nhiệt tình của một người có thể làm lu mờ đi sự thật rằng người đó chưa có nhiều kiến thức và kĩ năng liên quan. Điều này khiến những đồng nghiệp đánh giá cao biểu hiện của người đó hơn năng lực thực tế.