Goldbricker: “Không làm nhưng vẫn có ăn” là có thật! | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
05 Thg 04, 2023

Goldbricker: “Không làm nhưng vẫn có ăn” là có thật!

Hội người công sở, trông rất cày deadline nhưng thực chất là cày nốt series mới nổi trên Netflix.
Goldbricker: “Không làm nhưng vẫn có ăn” là có thật!

Nguồn: South China Morning Post.

1. Goldbricker là gì?

Goldbricker là kiểu nhân viên chểnh mảng, đến văn phòng để làm bất cứ thứ gì trừ công việc. Họ trông có vẻ bận rộn, nhưng là bận lướt web, mua sắm, làm việc riêng, giải trí tự nhiên như ở nhà.

Được ghép từ “gold” và “brick” là những viên mạ vàng nhưng thực chất bên trong là… cục gạch rỗng tuếch. Goldbricker có thể qua mặt cấp trên bằng cách tỏ ra năng suất, chuyển tab liên tục, với vẻ ngoài trầm tư suy xét dù công việc bên trong chẳng hề đụng đến.

Làm gánh nặng vô hình cho công ty song vẫn sống sót hưởng lương đều đặn, những goldbrickers luôn hiểu rõ tính chất công việc của họ để luồn lách. Họ thường là nhân viên văn phòng với chuỗi nhiệm vụ lặp đi lặp lại, tác vụ đơn giản, không cần sáng tạo và ít phải giao tiếp.

alt
Tính chất công việc của một goldbricker thường đơn giản, nhàm chán, ít phải xã giao từ đó dễ qua mặt cấp trên | Nguồn: Unsplash

Khác với khái niệm "fudgel" chỉ hành động lơ là ở công sở, goldbricker là danh từ chỉ người, những đối tượng "con sâu làm rầu nồi canh" ẩn mình sau sự thất thoát của công ty.

Giữa thời đại hybrid working nơi nhân viên được tự do cả về không gian lẫn thời gian, goldbrickers đang xuất hiện ngày một nhiều và trở nên khó kiểm soát cho cấp trên khi phải gián tiếp lãnh đạo họ từ xa.

2. Goldbricker bắt nguồn từ đâu?

Thuật ngữ goldbricking vốn chỉ hành vi phủ lớp vàng giả lên gạch để biến chúng thành vàng nguyên khối, phục vụ cho buôn bán phi đạo đức. Đến đầu thế kỷ 20, goldbricking mở rộng nghĩa về những thủ thuật lừa đảo, giả mạo và che mắt thiên hạ.

Từ này tiếp tục được phổ biến trong Thế chiến thứ hai, khi lính Mỹ mượn goldbrickers để mô tả những đồng đội lười biếng, giả vờ bận bịu nhưng thực chất chẳng đóng góp gì cho nhóm.

Sau chiến tranh, goldbricking và goldbrickers bắt đầu xuất hiện trong đời sống công sở. Nếu một người được gọi là goldbricker, rất có thể họ đang dành 8 tiếng mỗi ngày tiêu thụ tài nguyên của công ty mà không mang lại giá trị gì cho doanh nghiệp.

alt
Qua mặt được sếp 1-2 lần, cấp độ "ăn chơi" giữa giờ làm của goldbrickers sẽ tăng lên | Nguồn: Tom's Guide.

Lạ lùng thay, hành tung của các “nhân viên đào vàng” này thường ít bị phát hiện. Kết quả là mỗi năm, báo cáo các doanh nghiệp Mỹ tốn hàng tỷ đô để nuôi ong tay áo với các goldbrickers ẩn mình.

Bạn đã bao giờ gặp một goldbricker “ngồi mát ăn bát vàng” trong hoạt động đội nhóm chưa?

3. Vì sao goldbricker phổ biến?

“Không làm mà vẫn có ăn” có vẻ là một món hời đối với các nhân viên công sở. Tuy nhiên không phải ai cũng cố ý chểnh mảng để đào vàng công ty. Những nhân viên văn phòng đã vô thức biến thành goldbricker như thế nào?

Đầu tiên, sự hấp dẫn của mạng xã hội ở thời đại smartphone đang tạo nên những thế hệ sống cuộc đời online. Khảo sát Chỉ số Công việc năm 2021 cho thấy nhân viên dành đến 58% thời gian hành chính để… mất tập trung với những công việc vô ích, trong đó có lướt web như Facebook, Instagram, TikTok.

Goldbrickers còn được hình thành từ văn hóa công ty. Một số doanh nghiệp quen với việc họp hành liên miên, họp bất chấp giờ giấc dù không đi đến một kết luận nào cụ thể. Tổng thời gian lãng phí cùng sự đình trệ sau mỗi cuộc họp sẽ tác động lên tâm lý muốn “chây lười” và chán nản công việc ở nhân viên sau này.

alt
Dịch: Khi bạn tham dự một cuộc họp nữa, đáng ra đã có thể cô đọng trong một chiếc mail | Nguồn: Twitter.

Cuối cùng, xu hướng làm việc từ xa cũng khiến nỗ lực giám sát nhân viên 24/7 của các sếp trở nên vô nghĩa. Né được ánh mắt kìm kẹp từ sếp và sự quan sát từ đồng nghiệp, goldbrickers sẽ dễ hành động tùy ý và bị bản năng chi phối mình trì trệ hơn.

Để đối phó, các doanh nghiệp đã cài phần mềm theo dõi lên laptop, giúp họ kiểm tra lịch sử truy cập của nhân viên ngay cả khi dùng máy cá nhân. Song, việc cài cắm “gián điệp” vào máy nhân viên va phải không ít các bất cập như:

  • Vi phạm quyền riêng tư cá nhân.
  • Không thực sự hiệu quả vì nhân viên có thể chuyển sang… lướt điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị khác.
  • Không thể xác định 100% tình trạng nhân viên làm việc, vì họ có thể đăng xuất khỏi nền tảng công ty (như Slack) nhưng vẫn đang chăm chú làm, và ngược lại.

Từ những vấn đề này, Investopepia có ra 3 lời khuyên cho các doanh nghiệp khi lãnh đạo goldbrickers:

  • Lập khung giờ ngắt - nghỉ cố định: Khắc phục sự mơ hồ giờ giấc, hạn chế đi trễ, và cho phép nhân viên nghỉ ngơi hợp lý.
  • Tinh giản các cuộc họp vô nghĩa: Tránh để thời gian chết, nhân viên nản và công việc trì trệ.
  • Tập trung vào kết quả thay vì thời gian: Nhân viên làm việc bất cứ lúc nào họ muốn, miễn xong việc đúng hạn và chất lượng đảm bảo.

4. Dùng goldbricker như thế nào?

Tiếng Anh

A: I don’t want to work. Shall we leave early and go buy something?

B: Come on, don't be a goldbricker. You were given a job, so you need to see it through!

Tiếng Việt

A: Tôi hết muốn làm việc rồi. Hay mình về sớm đi mua gì đó ăn không?

B: Thôi nào, đừng hành xử như một goldbricker vậy. Công việc còn tồn đọng thì làm cho xong đã!