Đó là năm 2008, giữa cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế lấy đi cơ hội nghề nghiệp của rất nhiều tân cử nhân bấy giờ, trong đó có Max Bergman. Anh chàng vừa tốt nghiệp với tấm bằng Thạc sĩ từ Đại học Kinh tế Stockholm.
“Sau 6 tháng chạy việc không chính thức, tôi có được công việc đầu tiên tại ngân hàng trong bối cảnh tuyển dụng đình trệ của ngành tài chính,” Max chia sẻ.
Ngày nay, Max Bergman là CEO và đồng sáng lập của fram^, một tập đoàn phát triển công nghệ và kinh doanh khởi nghiệp có trụ sở tại Việt Nam.
Fram^ nghiên cứu những mô hình kinh doanh công nghệ có khả năng nhân rộng cao với thành công ban đầu trên thế giới. Từ đó, họ hỗ trợ doanh nghiệp trẻ xây dựng bộ máy vận hành vững chãi để trở thành những kẻ dẫn đầu thị trường. Hiện tại trong vườn ươm của họ có 11 doanh nghiệp, đa số đặt trụ sở tại Việt Nam, vươn ra toàn Đông Nam Á.
Tuy nhiên, như bao nhiêu nhà khởi nghiệp khác, quá trình đến với fram^ của Max không phải là một con đường bằng phẳng. Sau những năm tháng làm ngân hàng tại Thụy Điển rồi London, Max quyết định thử vận may ở một chân trời mới, bên ngoài châu Âu. Trong 6 năm tiếp theo, Max thử qua rất nhiều công việc tại Malaysia và Sri Lanka trước khi theo đuổi con đường khởi nghiệp, cùng với anh bạn Christopher Beselin.
Và chính chặng đường trở thành doanh nhân, người thủ lĩnh đầy gian truân của Max Bergman là nguồn cảm hứng để Vietcetera tiếp tục thực hiện số tiếp theo của series How I Manage…
Tốt nghiệp với tấm bằng kinh tế, điều gì đã đưa anh đến con đường khởi nghiệp công nghệ?
Sẽ có một lúc nào đó trong đời bạn tự vấn những bài thuyết trình PowerPoint dông dài, và đó là lúc tôi khi quyết định rời bỏ công việc tại London. Tiếp sau đó tôi đại diện Rocket Internet đến Malaysia để thiết lập đội ngũ nòng cốt cho Zalora, một nền tảng kinh doanh thời trang trực tuyến.
Sau khi đưa công ty cán mốc 1.500 đơn hàng/ngày, tôi chuyển đến Sri Lanka hậu chiến tranh và sinh sống trong 5 năm. Tại đây, tôi cùng cộng sự dựng lên công ty bán bảo hiểm trên nền tảng di động lớn nhất cả nước. Chúng tôi đã bán ra 3 triệu gói bảo hiểm cho người dân nơi đây và xử lý hơn 10.000 trường hợp bồi thường, một thành tích tôi vẫn luôn tự hào.
Sri Lanka cũng là nơi niềm đam mê khởi nghiệp của tôi nảy mầm. Đến năm 2017, tôi có cuộc gặp gỡ đầu tiên với người cộng sự Christopher Beseline, bấy giờ là cựu CEO và đồng sáng lập Lazada Vietnam, để chào sàn fram^ và đặt trụ sở tại Việt Nam.
Ba từ mô tả phong cách lãnh đạo của anh?
Thẳng thắn, công bằng, và hài hước.
Ai là nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong sự nghiệp của anh?
Tôi chưa bao giờ trực tiếp làm việc với Oliver Samwer. Thế nhưng chính nhờ quãng thời gian làm ở vườn ươm Rocket Internet của ông ấy mà tôi bén duyên với phong trào khởi nghiệp tại các thị trường tăng trưởng mạnh. Đây có thể nói là bước ngoặt của cuộc đời tôi. Vậy nên có thể nói, ông ấy là người có sức ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của tôi.
Cuốn sách nào đã góp phần định hướng phong cách làm việc của anh?
Đó là The Checklist Manifesto by Atul Gawande (được xuất bản ở Việt Nam dưới tựa “Phút Dừng Lại Của Người Thông Minh”), một cuốn cẩm nang tiện lợi trong công việc nói riêng và cuộc sống nói chung. Hầu hết mọi người quá tự tin cho rằng mình không cần liệt kê khối lượng công việc hằng ngày. Nhưng nếu những phi công và bác sĩ cừ nhất còn cần đến danh sách đầu việc thì tại sao chúng ta không thử?
Ngoài ra, tôi cũng thích đọc tự truyện của những binh lính trong quân đội đặc nhiệm trên toàn thế giới. Tôi bị cuốn hút bởi tinh thần “sứ mệnh hàng đầu” của họ – nó lớn mạnh hơn mọi động lực vật chất tôi biết.
Mô tả người nhân viên lý tưởng của anh.
Chăm chỉ, khiêm tốn, chân thành.
Lời khuyên tâm đắc nhất anh dành cho các tân quản lý?
Tôi không nghĩ có lời khuyên nào đủ để chuẩn bị bạn cho một vị trí quản lý. Nhưng có một điều tôi rút ra được là đừng bao giờ suy diễn chủ quan. Hãy luôn giao tiếp rõ ràng với đội ngũ của mình và đảm bảo các bên hiểu rõ nhau.
Điều gì anh thấy khó khăn nhất trong công việc của mình?
Tôi ước mình có đủ thời gian để chăm chút cho từng công ty mầm trong vườn ươm khởi nghiệp của mình tận tụy hơn nữa.
Theo anh, trong kinh doanh, quyền lực nên được trao cho mọi người hay phân chia theo cấp bậc?
Câu hỏi này khó đây. Một mặt, tôi thấy phong cách lãnh đạo trao quyền đang thịnh hành ở phương Tây không hẳn lý tưởng, vì nó dẫn đến sự thiếu quả quyết và rành mạch trong các quyết định. Mặt khác, hệ thống cấp bậc đồ sộ trong một tổ chức thường khiến nhân viên sợ sệt không cần thiết và phản tác dụng.
Nếu phải chọn, tôi tin vào sự kết hợp của hai phong cách lãnh đạo trên với một chút nghiêng về hệ thống cấp bậc, đặc biệt là nghĩa vụ và trách nhiệm của người cầm đầu. Một người sếp thực thụ luôn sẵn sàng đứng mũi chịu sào nếu đội ngũ của người đó thất bại.
Anh tổ chức các buổi họp một đối một với nhân viên của mình như thế nào?
Email và Skype là hai cách hiệu quả để lưu lại thông tin cuộc họp nếu chúng tôi cần, nhưng tôi vẫn thích gặp trực tiếp hơn, dù họp với một hay nhiều nhân viên.
Trong những buổi họp toàn đội ngũ, anh thường chia sẻ những thông tin gì tới nhân viên của mình?
Vì vườn ươm của chúng tôi đã lên sàn chứng khoán với 11 công ty dự án, cấu trúc doanh nghiệp của chúng tôi hơi khác công ty bình thường. Chúng tôi phải đảm bảo đội ngũ bên trong và nhà đầu tư bên ngoài nắm được tình hình kinh doanh. Trong nội bộ công ty, chúng tôi có những buổi thảo luận hàng tuần về tiến độ công việc, chỉ số đo lường hiệu quả (key performance indicator – KPI) để kịp thời điều chỉnh hướng đi của mình.
Bước đầu tiên để khắc phục một vấn đề nảy sinh giữa nhiều bên khác nhau là gì?
Nếu vấn đề nảy sinh giữa đội ngũ của bạn và một bên ngoại bộ, bạn cần tìm hiểu động cơ của cả hai bên: đâu là thứ họ cần?
Mọi người thường mắc kẹt trong nỗ lực phân bua tới lui qua email. Tôi thấy tốt nhất là nhấc điện thoại lên và nói chuyện trực tiếp với nhau.
Anh có thường nghĩ về các mục tiêu dài hạn không?
Xây dựng công ty từ nền móng đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn. Một mẹo hữu ích là kết hợp chiến lược trong những quyết định thường ngày, và luôn tự hỏi bước đi này đóng vai trò gì trong quãng đường phía trước.
Tôi cũng thường chọn những phương án có tính linh hoạt để ứng biến khi thế cuộc thay đổi. Tôi thấy nhiều người có xu hướng tập trung quá nhiều vào tầm nhìn xa mà bỏ qua quãng đường ngay trước mắt.
Điều gì níu giữ anh ở lại Việt Nam?
Tôi bị mê hoặc bởi tốc độ thay đổi chóng mặt của Việt Nam. Sự hỗn độn nơi đây luôn đi kèm những pha hành động bất ngờ. Trong thâm tâm, tôi thực sự yêu thích quá trình xây dựng công ty. Tại Việt Nam, tôi có thể cùng những người đồng chí tạo nên một đế chế. Với tôi, không gì hào hứng và ý nghĩa hơn vậy.
Bài viết được dịch bởi Mieu Cao.
Xem thêm:
[Bài viết] How I Manage: Giám đốc sáng tạo PNJ – Nhà thiết kế Anna Võ
[Bài viết] How I Manage: CEO Kambria – Tiến sĩ công nghệ Vũ Duy Thức