Giám đốc sáng tạo PNJ - Nhà thiết kế Anna Võ | Vietcetera
Billboard banner
27 Thg 11, 2018
Kinh DoanhLãnh ĐạoHow I Manage

Giám đốc sáng tạo PNJ - Nhà thiết kế Anna Võ

Nhà thiết kế Anna Võ chính thức chào sân làng thời trang Việt Nam với thương hiệu mang tên mình từ năm 2012. Chưa dừng lại tại đó, cô hiện còn đang giữ vai trò Giám đốc sáng tạo của PNJ, cũng như giáo viên tại Đại học RMIT và Đại học Hoa Sen. Cùng Vietcetera tìm hiểu về phong cách quản lý của Anna.

Giám đốc sáng tạo PNJ - Nhà thiết kế Anna Võ

Giám đốc sáng tạo PNJ - Nhà thiết kế Anna Võ

Năm 2012, nhà thiết kế Anna Võ chính thức chào sân làng thời trang Việt Nam với thương hiệu thời trang mang tên mình. Trưởng thành trong một gia đình có mẹ là nhà thiết kế thời trang Thuý Nga, cộng với khoảng thời gian 10 năm du học các chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Mỹ và Thạc sĩ Thiết kế thời trang tại Ý, theo nhà thiết kế chia sẻ, “thời trang đã ngấm vào máu của tôi.

Sau 6 năm hoạt động không mệt mỏi, Anna cho mọi người thấy khả năng biến hóa ở rất nhiều cương vị khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là nhà thiết kế thời trang. Những lúc không ở “atelier” của mình, Anna sẽ đứng trên bục giảng tại trường Đại học RMIT và Đại học Hoa Sen, hoặc không thì ở những buổi toạ đàm dành cho phụ nữ, những sự kiện liên quan đến thời trang và giáo dục. Bởi theo Anna, triết lý sáng tạo của cô là tổng hòa của ba yếu tố: thời trang, giáo dục, và cống hiến.

Những tưởng bấy nhiêu là đã đủ chiếm hết quỹ thời gian và sức sáng tạo của Anna, nhưng không, tháng 11/2018 này sẽ là cột mốc kỷ niệm hai năm ngày cô chính thức trở thành Giám đốc sáng tạo của thương hiệu PNJ (Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận). Ấy vậy mà khi chúng tôi ngỏ lời phỏng vấn, cô vẫn vui vẻ nhận lời và chia sẻ một cách tường tận, thấu đáo.

Bài học đầu tiên từ Anna: “Hoặc là nói không. Còn nếu đã gật đầu làm gì đó, thì phải làm cho ra trò!”

How I Manage Giaacutem đốc saacuteng tạo PNJ Nhagrave thiết kế Anna Votilde0
Giám đốc sáng tạo PNJ, nhà thiết kế Anna Võ.

Dùng ba từ để mô tả về phong cách quản lý của chị?

Biết tôn trọng người khác, cởi mở trong giao tiếp và mang lại ảnh hưởng tích cực.

Chị thích làm việc và kết bạn với những người như thế nào?

Tôi tin rằng những người xung quanh là tác nhân rất lớn ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta. Vì vậy, hãy ở bên những người truyền cảm hứng và thúc đẩy chúng ta trở nên hoàn thiện hơn.

Tôi luôn thích làm việc cùng những người cộng sự chăm chỉ, tận tụy với công việc bởi họ sẽ tạo động lực để thúc đẩy chúng ta cố gắng mỗi ngày. Những cuộc cạnh tranh lành mạnh như thế sẽ mang đến hiệu quả trong công việc và những thay đổi tích cực trong thói quen làm việc của cả nhóm. Đối với tôi, so sánh thành tựu cá nhân là khập khiễng, thay vào đó, hãy so sánh xem mình đã nỗ lực và chăm chỉ được như người khác chưa.

Những yếu tố quan trọng tiếp theo là tự tin và có suy nghĩ tích cực. Chúng ta đều là con người, việc tách biệt giữa cảm xúc và công việc đôi khi là điều không thể. Vậy nên những người cộng sự lạc quan sẽ giúp chúng ta trở nên phấn chấn hơn, và đôi khi còn có thể giúp chúng ta tìm ra giải pháp cho những vấn đề. Và cuối cùng, họ phải là người có tầm nhìn rộng và đa chiều để giúp đỡ lẫn nhau trong việc nâng cao kiến thức và kinh nghiệm.

Tuy nhiên, sự thay đổi trong môi trường làm việc và những mối quan hệ là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống. Vậy nên, bản thân chúng ta cần phải sống tích cực, chăm chỉ và có nhận thức rõ ràng để có thể tạo dựng cuộc sống mà mình mong muốn.

How I Manage Giaacutem đốc saacuteng tạo PNJ Nhagrave thiết kế Anna Votilde1
“Tôi tin rằng những người xung quanh là tác nhân rất lớn ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta. Vì vậy, hãy ở bên những người truyền cảm hứng và thúc đẩy chúng ta trở nên hoàn thiện hơn.”

Hiệu suất công việc của chị phụ thuộc vào những yếu tố nào?

Tôi thấy mình làm việc có hiệu quả nhất là khi được tự do chia sẻ ý kiến cũng như tranh luận về các vấn đề cùng động nghiệp của mình. Hơn bao giờ hết, số lượng thành viên trong đội trở nên vô cùng quan trọng. Theo tôi, một đội ngũ sáng tạo chỉ nên có từ 10-12 người. Với từng ấy thành viên, chúng tôi sẽ dễ dàng giao tiếp cũng như nắm bắt tâm lý, khả năng của nhau hơn.

Là những người làm sáng tạo, chúng tôi thấy mình không phù hợp với việc ngồi lì trong văn phòng từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Thay vào đó, chúng tôi thường làm việc ở quán cà phê, không gian làm việc chung và thư viện. Thỉnh thoảng, tôi rủ đồng nghiệp cùng ra ngoài xem triển lãm, đến phòng tranh, các buổi trình diễn nghệ thuật hoặc đến lớp dự giảng. Tôi tin rằng, sự sáng tạo sẽ nảy sinh khi chúng ta quan sát và ý thức được những vấn đề đang diễn ra xung quanh, trong đó có cả kinh tế, chính trị đến xã hội, chứ không phải chỉ bó buộc trong kiến thức chuyên ngành.

Chị có thể chia sẻ về cách mình xây dưng môi trường làm việc lý tưởng được không?

Tôi khá hãnh diện khi xây dựng thành công môi trường làm việc lý tưởng cho cả thương hiệu thời trang riêng và bộ phận sáng tạo của PNJ. Ở “atelier” của tôi, hiện có khoảng 50 nhân viên phụ trách tất cả các mảng, từ thiết kế, cắt rập đến sản xuất và kiểm kê. Mỗi người đều có không gian làm việc riêng và có thể trang trí, sắp xếp tùy ý, miễn là vẫn giữ cho tổng thể đơn giản, hài hòa là được. Cá nhân tôi cho rằng màu sắc tạo nên cảm xúc và năng lượng nên chọn tông màu nổi bật cho phòng thiết kế, và những gam màu trung tính cho phòng cắt rập..

How I Manage Giaacutem đốc saacuteng tạo PNJ Nhagrave thiết kế Anna Votilde2
“Theo tôi, một đội ngũ sáng tạo chỉ nên có từ 10-12 người. Với từng ấy thành viên, chúng tôi sẽ dễ dàng giao tiếp cũng như nắm bắt tâm lý, khả năng của nhau hơn.”

Còn ở PNJ, chúng tôi cùng nhau xây dựng một “không gian sáng tạo”. Trước hết, không khí ở đây lúc nào cũng phải nhẹ nhàng, thoải mái và vui tươi. Thay vì sắp xếp theo cách truyền thống, chúng tôi bố trí một sofa lớn, ghế lười, máy chiếu, thư viện và cả một chiếc tủ lạnh với đầy đủ đồ ăn vặt, thức uống… để mọi người có thể vừa sáng tạo vừa thư giãn. Trên tường còn có moodboard, những câu nói truyền cảm hứng và đặc biệt là khu vực “Hôm nay bạn cảm thấy thế nào?” với khoảng 5-6 hũ kẹo được dán nhãn cảm xúc vui, buồn, yêu, căng thẳng,… Mọi người trong công ty có thể đến lấy kẹo và giải tỏa cảm xúc của mình.

Ai là người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của chị?

Đó là bố mẹ tôi. Tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi được sinh ra trong một gia đình vừa có truyền thống thời trang, vừa có truyền thống kinh doanh. Năm tôi lên 10, mẹ dạy tôi may chiếc đầm đầu tiên bằng vải rèm. Trong khi đó, bố tôi – một người làm kinh doanh – dạy tôi tính quyết đoán và biến những ý tưởng kinh doanh thành hiện thực. Ông từng nói: “Bố biết việc cân bằng giữa sáng tạo và kinh doanh là rất khó, nhưng nếu những thứ đẹp đẽ con làm ra không bán được, thì để làm gì? Điều tất yếu là doanh nghiệp nào cũng phải duy trì sự sống.” Vì vậy, tôi luôn ý thức được sự cân bằng trong kinh doanh và sáng tạo.

Bố mẹ tôi cũng dạy phải biết đặt chữ “Kính” lên làm đầu, biết tôn trọng bản thân và những người làm việc chung. Thành công là khi chúng ta nhận được sự kính trọng từ mọi người.

How I Manage Giaacutem đốc saacuteng tạo PNJ Nhagrave thiết kế Anna Votilde3
“Tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi được sinh ra trong một gia đình vừa có truyền thống thời trang, vừa có truyền thống kinh doanh.”

Chị có thường đặt ra những mục tiêu dài hạn không? Và nếu có, thì đó là những mục tiêu gì?

Để có được ngày hôm nay, tôi đã bắt đầu đề ra mục tiêu từ những ngày vừa tốt nghiệp. Nhưng nếu bạn hỏi về mục tiêu dài hạn trong vòng 5 năm sắp tới, tôi nghĩ là nó sẽ không xoay quanh công việc. Tôi là người độc lập, có định hướng và đam mê với những công việc mình đang làm, nhưng gia đình vẫn là trên hết. Đi làm cả ngày, nhưng tôi vẫn thích dành thời gian để chuẩn bị bữa tối cho người thân hằng ngày. Và gia đình chúng tôi cùng nhau đề ra những mục tiêu để vun đắp cho tương lai.

Ngoài ra, tôi cũng còn một mục tiêu khác. Đó là xây dựng một tổ chức hỗ trợ các bạn trẻ Việt Nam – những người giàu tài năng nhưng kém may mắn, hoặc vừa mới tốt nghiệp. Bằng cách truyền đạt cho họ những kỹ năng liên quan đến thời trang, tôi hy vọng có thể dẫn dắt và đồng hành cùng các bạn trong giai đoạn đầu tiên của sự nghiệp. Theo tôi, những giá trị tinh thần này cũng là cách để xây dựng một môi trường thời trang bền vững.

Chị có thể chia sẻ về công việc của mình ở cương vị Giám đốc sáng tạo của PNJ được không?

Công việc chính của tôi là xây dựng định hướng chiến lược và ý tưởng chủ đạo cho các dòng trang sức chính của PNJ, bao gồm: CAO Fine Jewelry, PNJ Gold, PNJ Silver và Export; giám sát đội ngũ và quy trình thiết kế 2D, 3D; đồng thời liên kết với các phòng ban khác để xây dựng kế hoạch quảng bá và kinh doanh sao cho phù hợp với từng bộ sưu tập (BST). Mỗi năm chúng tôi cho ra mắt khoảng 50 BST, bao gồm 33 bộ BST cho dòng Gold, 3-4 BST cho dòng Silver, và 4 BST chính cho CAO và 2 BST cho dòng Export.

How I Manage Giaacutem đốc saacuteng tạo PNJ Nhagrave thiết kế Anna Votilde4
“Tôi cũng còn một mục tiêu khác, đó là xây dựng một tổ chức hỗ trợ các bạn trẻ Việt Nam – những người giàu tài năng nhưng kém may mắn, hoặc vừa mới tốt nghiệp.”

Theo chị, ngành thời trang Việt Nam sẽ phát triển như thế nào trong vòng 5 năm sắp tới, và vai trò của chị trong làn sóng phát triển này?

Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh, và đặc biệt là thị trường thời trang bán lẻ đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn với sự xuất hiện của hàng loạt các thương hiệu quốc tế, và sự bùng nổ của các nền tảng bán hàng trực tuyến.

Giữa bối cảnh này, theo tôi, Gen Z sẽ là thế hệ mang Việt Nam vươn ra thế giới. Bản chất của Gen Z là sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ thông tin, vì vậy, họ thích tương tác, dễ dàng thích nghi trong môi trường đa văn hóa và có nhiều cơ hội để trải nghiệm hơn các thế hệ đi trước. Chính vì vậy mà họ rất nhạy bén và không dễ dàng bị thuyết phục bởi các chiêu thức quảng cáo đơn thuần.

Điều này thúc đẩy người làm thương hiệu phải chú trọng nhiều hơn vào cảm xúc của Gen Z cũng như những giá trị mà họ quan tâm, điển hình là sự nghiệp, tính nhân văn, bình đẳng, toàn cầu hóa và cá nhân hóa trải nghiệm.

Gen Z cũng là thế hệ làm nhiều hơn nói, và họ khao khát được làm gì đó hoàn toàn mới lạ so với người tiền nhiệm. Đó có thể là những ý tưởng, sản phẩm đề cao văn hóa địa phương được hiện thực hóa bằng phương thức hiện đại và bền vững. Đây chắc chắn sẽ là tiền đề để Việt Nam chinh phục thị trường thế giới trong vài năm sắp tới.

Và vai trò của tôi là góp một phần công sức để biến những dự đoán này thành hiện thực, bằng cách dẫn dắt thế hệ trẻ bằng tư tưởng hiện đại, tiến bộ nhưng đồng thời cũng không quên bảo tồn những nét đẹp truyền thống.

Chúng tôi nên trò chuyện với ai tiếp theo?

Người bạn thân của tôi, chị Nguyễn Trần Hoàng Anh, hiện là Quản lý đối tác của The Purpose Group – một đội ngũ cực kỳ tài năng trong việc sáng tạo ra các sản phẩm quảng cáo đa văn hóa. Chị là một người tài giỏi và có gu thời trang tinh tế, trang nhã. Hoặc anh Romain Leclef. Trước đây, anh từng là nghệ nhân nước hoa hợp tác với nhiều thương hiệu lớn trên thế giới và hiện là CEO của Tournaire Asia Pacific. Hãy hỏi anh ấy cách để làm việc trong một môi trường đa quốc gia.

Xem thêm:

[Bài viết] How I Manage: Giám đốc sáng tạo Leo Burnett Việt Nam Vũ Quân Nguyễn

[Bài viết] How I Manage: Phó Tổng giám đốc tập đoàn Kido Kelly Wong