1. Humble-brag là gì?
Humble-brag là hành động tỏ ra khiêm tốn (humble) để tranh thủ khoe khoang (brag). Đây là nghệ thuật gián tiếp tâng bốc bản thân bằng cách hạ mình khiêm nhường, lùi 1 bước tiến 2 bước.
Một số ví dụ đơn giản của humble-brag:
- “Tại sao nhiều người crush tôi thế nhỉ? Tôi có gì đặc biệt đâu?”
- “Tớ giảm cân dữ quá nên giờ hết mặc vừa quần áo rồi, chán thật!”
- “Không tin nổi anh được 8.0 IELTS luôn đó! Chẳng học gì mà có ngày tốt nghiệp loại giỏi 8.0 IELTS?!”
Tuýp người khiêm tốn khoe khoang có thể là đồng nghiệp, bạn bè, người thân ở quanh ta. Điều gì khiến ta vô thức trở thành một humble-bragger, thích khoe một cách... cồng kềnh như vậy?
2. Nguồn gốc của humble-brag?
Năm 2011, Harris Wittels - nhà văn kiêm diễn viên hài người Mỹ - đã mở một tài khoản Twitter mang tên "Humble-brag" để đá xoáy giới showbiz.
Mỗi tháng một lần, ông sẽ tổng hợp top 10 những pha khoe mẽ đi vào lòng đất của giới nghệ sĩ. Và dĩ nhiên chúng luôn viral vì chạm đúng nỗi lòng khó nói của người xem khi phải nghe humble-brag.
Một trong số chúng là pha “flex” của Tila Tequila “Tôi ghét con Lamborghini của mình ghê! Hễ ra đường thì cảnh sát lại bắt tôi vì nghĩ ai đi Lamborghini cũng chạy quá tốc độ”.
Thuật ngữ hài hước này dần được yêu thích và nổi lên như một hiện tượng, thậm chí humble-brag đã được Hiệp hội Phương ngữ Mỹ (The American Dialect Society) bầu chọn là "Từ vựng Hữu ích nhất" năm 2011. Từ này được dùng chủ yếu như động từ, còn được viết là humblebrag.
Nhờ sự lan truyền của mạng xã hội, humblebrag tiếp tục xuất hiện rộng rãi hơn đặc biệt ở môi trường công sở nơi nhân viên tận dụng kỹ năng khoe khoang để gây ấn tượng với cấp trên.
Song, không phải người khiêm tốn nào cũng được yêu quý và người khoe khoang nào cũng gây mất điểm. Đâu là những hậu quả khi ta giả vờ khiêm tốn để humblebrag?
3. Vì sao humble-brag phổ biến?
Chúng ta đều quen với câu hỏi phỏng vấn kinh điển "Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?".
Giờ đây hãy tưởng tượng bạn là ứng viên. Nếu "điểm yếu" của bạn là "cầu toàn, kỹ tính, tham công tiếc việc, nghiện OT và cày KPI,..." trong khi thực chất bạn không phải như thế, thì khả năng cao bạn đã lọt vào “hiệp hội” humblebraggers giả vờ khiêm tốn khi phỏng vấn.
Nghiên cứu từ Harvard Business School (HBS) chỉ ra có đến 77% sinh viên được khảo sát chọn “khoe điểm yếu” bản thân bằng một loạt các tính từ có phần tích cực như họ cầu kỳ, tinh tế, kỹ lưỡng, và “perfectionist” (người theo chủ nghĩa hoàn hảo).
Từ góc độ Tâm lý, humblebrag được ưa chuộng bởi vì… nó là sự lựa chọn an toàn nhất cho đôi bên, khi bạn đang băn khoăn giữa khiêm nhường và khoe mẽ.
Francesca Gino - Giáo sư từ đơn vị Đàm phán, Tổ chức & Thị trường tại Harvard Business School chỉ ra rằng một câu khoe khoang khiêm tốn luôn được cấu thành từ 2 vế: 1 vế hạ thấp bản thân và 1 vế tự hào khoe thành tích. Không muốn trông tự mãn, ta sẽ thêm vào vế than phiền để tìm kiếm sự đồng cảm và thể hiện sự chân thành trong lời nói.
Một lý do khác để ta chọn khiêm tốn, là vì sợ cảm giác xấu hổ khi khoe khoang. Theo Psychology Today, một số nền văn hóa không khuyến khích sự ồn ào khoe mẽ, từ đó dù có tự hào đến đâu ta vẫn luôn phải “lùi 1 bước”để tạo thiện cảm. Văn hóa này sản sinh ra những người, một là thật lòng khiêm tốn đến mức tự ti, hai là quyết tâm humblebrag đến cùng để chứng minh thực lực.
Vì vậy, không phải tất cả những ai dìm hàng bản thân khi đạt được thành tựu đều là humblebraggers. Ta có thể dựa vào thái độ, cử chỉ và cách dùng từ trong câu để xác định xem họ đang khiêm tốn thật hay không.
Ví dụ “Tôi cũng là người bình thường thôi” và “Tôi cũng bình thường nhưng lại liên tục được sếp khen, sếp tôi còn chẳng khen ai bao giờ!” ta có thể thấy được sự thay đổi ý nghĩa ở câu thứ 2.
Hạ mình xuống để ghi điểm, song chính chiến thuật này lại khiến ta mất điểm. Nghiên cứu từ HBS đã chứng minh humblebrag còn tệ hơn cả công khai brag (khoe khoang thẳng thắn), vì ít nhất người dám khoe là người thành thật, humblebrag chỉ khiến bạn trông đáng ngờ, gượng ép và kém thuyết phục hơn.
Không nên tự cao cũng chẳng nên humblebrag, dưới đây là những cách bạn không cần humblebrag mà vẫn xây dựng được hình ảnh bản thân:
- Nói thật, làm thật: Mạnh dạn nói về điểm yếu thật của bản thân trong phỏng vấn. Chú ý chọn những điểm yếu mà bạn đang tập cải thiện dần, như: Hay quên, dễ mất tập trung, trì hoãn,... rồi đi kèm hướng giải quyết. Đây là cách để nhà tuyển dụng thấy được sự nỗ lực thật lòng và phẩm chất tốt ở bạn.
- Khiêm tốn đúng nghĩa: Một câu khiêm tốn có thể giúp bạn gây thiện cảm, và dừng lại ở đấy trước khi bản thân bắt đầu chèn thêm một câu kể lể thành tích. Vế khoe khoang sẽ khiến sự khiêm tốn ban đầu của bạn giảm giá trị.
- Thừa nhận những thành công thực sự: Nếu bạn đã cất công đạt được một kết quả mỹ mãn, hãy thoải mái thừa nhận nó. “Tôi rất vui vì công sức cày KPI kỳ này đã được đền đáp” - bằng sự chân thành này, mọi người sẽ hiểu và quý mến bạn hơn.
4. Sử dụng humble-brag như thế nào?
Tiếng Anh
A: I’m so terrible with money, I spent $2,000 only on a purse!
B: Are you trying to humblebrag?
Tiếng Việt
A: Chắc tôi không biết cách tiêu tiền rồi, hôm trước mới mua cái ví hết 2.000 đô.
B: Rồi bà đang khoe hay đang khiêm tốn?