Không phải Millennials hay Gen Z, nhân lực trẻ cần một cái tên mới | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
31 Thg 03, 2021

Không phải Millennials hay Gen Z, nhân lực trẻ cần một cái tên mới

GenPRO mới là thế hệ chúng ta nên đặt hy vọng về một lực lượng lao động người Việt có trình độ và tác phong chuyên nghiệp.
Không phải Millennials hay Gen Z, nhân lực trẻ cần một cái tên mới

Nguồn: Unsplash

Cuộc chiến so sánh Millennials (Gen Y) và Gen Z xem phía nào chuyên nghiệp hơn vẫn không ngừng.

Một bên là những người đi đầu cuộc cách mạng số. Một bên là thế hệ sinh ra giữa cuộc cách mạng số.

Một bên khai phá và làm chủ mạng xã hội. Một bên lớn lên với hai xã hội thật-ảo song song.

Một bên sở hữu kinh nghiệm với cách thức ứng xử trong môi trường công sở truyền thống ở Việt Nam. Một bên thử thách các thói quen ứng xử đó và hội nhập dễ dàng với các mô hình cấu trúc tổ chức toàn cầu.

Vậy thế hệ nào mới đại diện cho lực lượng lao động trẻ và chất lượng cao ở Việt Nam? Và có nhất thiết phải chia họ thành Millennials và Gen Z?

Millennials và Gen Z có nhiều điểm tương đồng

Trong 10 năm làm việc trong tập đoàn đa quốc gia ở Thụy Điển, tôi không ít lần được dẫn dắt các bạn trẻ Việt. Rồi 3 năm gần đây, tôi lại có dịp cộng tác với các bạn trong các chương trình về chuyển đổi số và truyền thông số.

Nhìn chung, tôi thấy các bạn ở Việt Nam chủ động, đưa ra kế hoạch mạch lạc, chuyên nghiệp, phản hồi kịp thời. Đôi lúc các bạn cũng hoang mang trước thay đổi, thiếu kiên nhẫn khi phải làm quen với các mô hình tổ chức hay các quy trình quy củ.

Và tôi nhận ra, “các bạn” mà mình đang nói đến là cả Gen Z với Millennials! Tuy hình ảnh của hai thế hệ được khắc họa khác xa nhau trên truyền thông, trong thực tế họ lại có khá nhiều điểm tương đồng.

Cùng thích nghi với quá trình chuyển đổi doanh nghiệp

Khi so sánh giới trẻ châu Âu và Việt Nam, tôi thấy nhiều sự khác biệt (khác chứ không phải là hơn/kém nhé), chủ yếu là do văn hóa, giáo dục, và bối cảnh kinh tế.

Millennials và Gen Z tạo nên bộ phận đông đảo nhất trong lực lượng lao động ở Việt Nam (theo thetalentconsultants.com). Về hoàn cảnh, hai thế hệ này cùng đứng giữa bước chuyển từ mô hình tổ chức công ty truyền thống Việt Nam sang mô hình tổ chức toàn cầu, từ mô hình dự án cấp bậc (waterfall) sang mô hình linh hoạt (agile).

alt

So với waterfall, agile là mô hình phẳng hơn, cho phép dự án phát triển song song và dễ chỉnh sửa giữa chừng. Điều này đòi hỏi các cá nhân phải biết hoạt động độc lập, song vẫn có thể làm việc và giao tiếp theo nhóm.

Cùng chịu những ảnh hưởng của đại dịch

COVID-19 cũng đã giúp Millennials và Gen Z tìm được những điểm chung. Bởi cả hai thế hệ đều bị ảnh hưởng nặng nề. Theo một khảo sát được đăng trên Reuters, năm 2020 tại Mỹ, 40% Millennials và 50% Gen Z đã mất việc hoặc có người nhà bị mất việc do đại dịch. Cũng theo Pew Research Center, 70% những người mất việc tự tin rằng mình có đủ trình độ để tìm việc mới.

Trải qua đại dịch, họ buộc phải làm quen với sự bất ổn thường trực và sẵn sàng chuyển đổi trước bất kỳ làn sóng nào. Cả hai thế hệ đều bắt nhịp và đánh giá cao xu thế làm việc tại nhà; hơn một nửa cũng mong muốn tiếp tục hình thức làm việc này kể cả khi đại dịch qua đi. Họ kết nối và làm việc hiệu quả hơn qua các nền tảng trao đổi / lưu trữ trực tuyến.

Cùng là những thế hệ hoài nghi

Millennials và Gen Z được coi là hai thế hệ hoài nghi; họ cần được kiểm chứng trước khi đặt lòng tin vào điều gì đó.

Khảo sát Thiên Niên Kỷ toàn cầu của Deloitte năm 2019 cho biết tận 26% Millennials và 24% Gen Z không tin vào các lãnh đạo doanh nghiệp; tận 27% Millennials và 30% Gen Z không tin vào báo chí truyền thống.

Theo Forbes, ở Việt Nam, 70% Gen Z chỉ tin vào các nguồn tuyệt đối uy tín như bố mẹ hoặc chuyên gia, và chỉ 13% tin vào thông tin trên mạng.

Cùng mối quan tâm về môi trường

Cả hai thế hệ này đều quan ngại về vấn đề môi trường. Cũng theo báo cáo năm 2020 của Deloitte, cả hai thế hệ đều cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề hàng đầu.

Theo Global Web Index, 63% Millennials và 64% Gen Z sẵn sàng chi thêm để mua các sản phẩm thân thiện môi trường. Điều này cũng một phần giải thích xu hướng work-from-home, bởi nó giảm tác động môi trường từ việc di chuyển.

Thử thách của Millennials cũng là của Gen Z

Bên cạnh các yếu tố trên, hai thế hệ này, đặc biệt ở Việt Nam vẫn còn có những thiếu sót. Theo khảo sát của Anphabe Việt Nam, thế hệ Z ở Việt Nam có khả năng chịu áp lực kém hơn hẳn so với các anh chị đi trước.

Dù thích học hỏi, khám phá nhưng họ ngại phê bình, không thoải mái khi có quá nhiều thay đổi. Cũng trong khảo sát này, Gen Z tự tin với các kỹ năng làm việc độc lập hoặc theo nhóm, xây dựng mối quan hệ, nhưng lại thiếu tự tin ở các kỹ năng Anh ngữ, lãnh đạo hay thương lượng.

genpro1
Dù thích học hỏi, khám phá nhưng họ ngại phê bình, không thoải mái khi có quá nhiều thay đổi. | Nguồn: Unsplash

Trong khi đó, Millennials ở Việt Nam được gọi là “thế hệ nhảy việc.” Theo khảo sát Gen Y Việt Nam bởi Navigos Group, 69% trả lời rằng họ đang cân nhắc chuyển việc, và 70% làm việc trung bình dưới 4 năm tại một công ty. Cũng trong báo cáo này, 77% cho rằng nền công nghiệp 4.0 mang lại cho họ nhiều cơ hội thăng tiến hơn là nguy cơ.

Hai thế hệ "về chung một nhà"

Gen Z và Millennials tại Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Sự tập hợp của cả hai mới là thế hệ lao động mà ta có thể đặt kỳ vọng để nâng cao giá trị nhân lực Việt. Vì lý do này, tôi tin rằng họ xứng đáng có một "mái nhà chung" - một cái tên mới.

Deloitte gọi tập hợp này là “resilient generation — thế hệ phục hồi.” Họ là thế hệ có thể nhanh chóng phục hồi, đứng lên và giải quyết các vấn đề thế giới.

Còn tôi gọi họ là GenPRO — thế hệ chuyên nghiệp mới, với hy vọng vào thế hệ nhân lực được hoàn thiện từ thử thách và mang trong mình tất cả lợi thế của Millennials và Gen Z.

Bạn có thuộc GenPRO?

Sự chuyên nghiệp thường bị đánh đồng với trình độ cao. Sự chuyên nghiệp không nằm ở công việc bạn làm mà là cách bạn làm việc.

Chính vì thế, GenPRO là thế hệ bao gồm cả nhóm lao động văn phòng lẫn công nhân, nhóm nhân lực có trình độ cao lẫn nhóm phổ thông với kỹ năng cơ bản. GenPRO cũng là thế hệ dung hoà được cả kỹ năng cứng lẫn mềm.

Đây là 7 điểm chung tôi thấy thế hệ chuyên nghiệp thường có.

1. Năng lực là khả năng tự học

Năng lực là yếu tố kiên quyết của một nhân sự chuyên nghiệp. Thế nhưng, có thể nói, đây là thời điểm khó đoán biết năng lực nào là cần thiết nhất nữa.

Các dự đoán về việc làm của tương lai đang thay đổi nhanh chóng bởi tốc độ tự động hóa, khi công việc của người dần được thay thế bởi robot, thuật toán và trí thông minh nhân tạo (AI). PWC dự đoán rằng đến giữa thập niên thứ 4 của thế kỷ, 44% công việc hiện tại của con người sẽ được tự động hóa. Đến cả nghề viết hay sáng tạo nội dung cũng bị AI rập rình.

Công nghệ thay đổi nhanh đến nỗi năng lực duy nhất người ta còn chắc chắn là năng lực tự học. Để khi bản thân và công việc thấy cần, chúng ta sẵn sàng tiếp thu, học năng lực mới.

2. Kiến thức đến mọi lúc, từ mọi nơi, trên mọi nền tảng

GenPRO không chỉ hiểu được giá trị của kiến thức mà còn coi cơ hội được học là yếu tố quan trọng để lựa chọn nơi làm việc. Theo kết quả nghiên cứu của Gallup, 59% người tìm việc ở Mỹ coi cơ hội được học và phát triển kiến thức là yếu tố quan trọng họ cân nhắc khi ứng tuyển cho một vị trí công việc.

Thế nhưng kiến thức đến với GenPRO từ nhiều đường.

genpro2
GenPRO không chỉ hiểu được giá trị của kiến thức mà còn coi cơ hội được học là yếu tố quan trọng để lựa chọn nơi làm việc. | Nguồn: Unsplash

ATAWAD — học mọi lúc (anytime), mọi nơi (anywhere), trên mọi thiết bị (any devices) — là từ khóa trong đào tạo nhân lực kể cả từ trước cơn sóng COVID-19. GenPRO kết nối internet trên thiết bị di động, và học trên Youtube hay podcast. Họ áp dụng hình thức học này nhiều hơn bất kỳ hoạt động truyền thống nào.

Ngoài ra, khi việc học trở nên linh hoạt với các module thông tin nhỏ và cách tiếp cận kiến thức thực tế hơn, GenPRO sẽ tận dụng khoảng thời gian trống và xen kẽ như trên đường về nhà, hay thời gian chờ đợi để học tập và trau dồi.

3. Luôn không ngừng tìm ra cách làm việc tối ưu

Nếu trước đây, nhân sự Việt Nam thường được đánh giá là chăm chỉ thì thế hệ chuyên nghiệp mới sẽ không thể hiện sự tận tâm qua những đêm dài thức trắng. Thay vào đó, nó được thể hiện ở nỗ lực hoàn thành công việc một cách hiệu quả bởi cả hai thế hệ đều đề cao việc cân bằng công việc và cuộc sống.

Riêng Gen Z xem việc linh hoạt về giờ giấc làm việc là một đòi hỏi chính đáng. 33% nói rằng họ sẽ không làm việc cho các công ty cứng nhắc về giờ giấc. Số khác khẳng định rằng họ chỉ làm việc tốt nhất khi được tự chủ về thời gian, cách thức và địa điểm làm việc.

Ngoài ra, GenPRO không xem việc có mặt ở văn phòng là một thước đo của sự tận tâm. Họ di chuyển linh hoạt hơn giữa nhiều địa điểm, nhưng ngược lại, bạn dễ dàng tiếp cận với họ hơn nhờ công nghệ. Trên thực tế, sau COVID-19, 70% các công việc trên máy tính vẫn được duy trì hiệu quả từ xa.

Sự hiệu quả của GenPRO cũng không nên chỉ được đo đếm bằng thời gian hoàn thành công việc, mà còn ở giá trị tối đa mà khoảng thời gian đó mang lại và giá trị lâu dài của công việc. GenPRO sẽ chọn cách giải quyết hiệu quả và có lợi ích bền vững, lâu dài thay vì chọn cách thức nhanh nhưng ngắn hạn.

4. Uy tín đến từ sự thực tế

Giữ chữ tín đã từng được coi là hạn chế của nhân sự Việt.

Trong khi nhân sự phương Tây có thể quản lý công việc và thời gian tốt, nhân sự trình độ cao người Việt lại thường không đúng hẹn. Môi trường làm việc ở Việt Nam tương đối du di về mặt thời gian. GenPRO mang theo hy vọng thay đổi cái nhìn này.

McKinsey gọi Gen Z là “Thế hệ thực chất” (True Gen) bởi họ lớn lên trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Gen Z bộc lộ rằng mình thực tế hơn thế hệ đi trước. Millennials cũng vừa phải đối mặt với sự bất ổn do đại dịch gây nên, vì thế họ cũng dần nhận thức ra sự khó đoán của ngoại cảnh.

Theo Deloitte, sau đại dịch, số người tự tin rằng họ có đủ kỹ năng cho tương lai giảm từ 9% xuống 7%. Số lượng Millennials muốn nhảy việc cũng có xu hướng giảm từ 49% (2009) xuống 31% (2020).

Từ đây, chúng có có quyền hy vọng hai thế hệ này kết hợp tạo ra một thế hệ thực tế và cẩn trọng hơn trước khi hứa hẹn.

5. Tôn trọng sự khác biệt

Millennials lẫn Gen Z đều nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường làm việc đa dạng. Theo kết quả khảo sát của The Manifest năm 2020, 70% người được hỏi muốn tìm việc trong các công ty có sự đa dạng về văn hóa, giới, tuổi tác, cách nhìn…

Về tuổi tác, đây là thời điểm hiếm hoi lực lượng lao động ở Việt Nam pha trộn cả ba thế thế hệ Gen X, Gen Y và Gen Z.

Về văn hóa và kinh nghiệm, các chương trình thu hút nhân tài như Come Home Phở Good hướng tới 650.000 người Việt trẻ đang làm việc ở nước ngoài về làm cho các công ty trong nước. Đồng thời, hiện nay có hơn 90.000 người nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam. Dự báo, nhu cầu tuyển dụng người nước ngoài sẽ tiếp tục tăng cao ở mức trên 20% trong mỗi năm tới.

Đây cũng là thời điểm của những chia rẽ sâu sắc về quan điểm và là giai đoạn các quan điểm về sắc tộc, bình đẳng giới, môi trường, chính trị, thậm chí cả y tế được đưa ra thảo luận rộng rãi và mạnh mẽ.

genpro3
Đây là giai đoạn mà sự đa dạng hoá trong môi trường công sở có điều kiện nở rộ hơn rất nhiều. | Nguồn: Unsplash

Chính vì thế, đây là giai đoạn mà sự đa dạng hoá trong môi trường công sở có điều kiện nở rộ hơn rất nhiều. Theo Navigos, hai yếu tố làm các ứng viên nước ngoài hài lòng nhất khi làm việc ở Việt Nam là mối quan hệ với đồng nghiệp bản xứ và cảm giác thuộc về (inclusion). GenPRO nhận thức được sự đa dạng này và nhận ra đây là thế mạnh của tập thể. Họ đề cao sự tôn trọng, cẩn trọng trong giao tiếp để tránh gây tổn thương và cùng phát huy thế mạnh đó.

6. EQ được đề cao như IQ

Sự chuyên nghiệp không thể được đánh giá khi bạn ở một mình. Sự chuyên nghiệp thể hiện khi bạn làm việc và giải quyết các vấn đề liên quan đến đồng nghiệp, đối tác, khách hàng, đối thủ… Chính cách bạn hiểu, đàm phán và giải quyết vấn đề với họ làm nên sự chuyên nghiệp của bạn.

EQ (trí tuệ cảm xúc) luôn nằm trong top các kỹ năng cần có trong công việc và được đánh giá cao như IQ. Nhưng nếu IQ có thể được đánh giá nhanh chóng bằng một bài kiểm tra thì EQ chỉ có thể đánh giá được qua thời gian và có thể trau dồi để phát triển.

GenPRO được mong chờ là thế hệ có EQ cao: có thể hiểu, giao tiếp và thuyết phục được những người xung quanh. Đối với GenPRO, EQ là thứ duy nhất mà máy móc không thể thay thế được con người.

7. Tự tin trong từng bước đi

Gen X được coi là thế hệ người Việt đầu tiên làm việc trong môi trường toàn cầu nên còn nhiều bỡ ngỡ, rụt rè. Sinh ra sau đổi mới, sau khi các hạn ngạch cấm vận đã bị dỡ bỏ, lớn lên khi Internet phổ biến và toàn cầu hóa mạnh mẽ, Millennials đi từng bước tự tin hơn và Gen Z thì có trước mắt mình cả con đường rộng mở.

GenPRO được kỳ vọng là thế hệ có bước đi có thể cẩn trọng nhưng chắc chắn và tự tin. Họ đánh giá tình hình, nội lực, đặt ra mục tiêu phù hợp và tự tin thực hiện các bước đến mục tiêu đó.

Cũng nhờ việc chứng kiến sự phát triển của công nghệ từ thời kỳ tiền internet đến những bước chuyển chóng mặt của công nghệ, GenPRO ở Việt Nam cũng được kỳ vọng là thế hệ tự tin chấp nhận thử thách mới, tự tin thay đổi, tự tin thử nghiệm hơn.

Bạn hỏi tôi tìm đâu ra GenPRO?

Xin mời bạn đứng lên, tìm cái gương gần nhất và nhìn vào đó. Bạn có thấy trong gương là một người trẻ Việt, một người còn rất nhiều thời gian để học hỏi, một người sẵn sàng thay đổi để trở nên chuyên nghiệp hơn, một người khát khao hoàn thiện để thành công?

Nếu có, xin chào bạn, một nhân sự mới thuộc GenPRO!