Kiếm tiền nuôi thân khi đi du học như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 01, 2020
Kinh DoanhTài Chính Cá Nhân

Kiếm tiền nuôi thân khi đi du học như thế nào?

Những 'cao thủ' du học sinh với từ 3-10 năm kinh nghiệm trả lời câu hỏi hóc búa của chuyện du học: "Đầu tiên là tiền đâu?".

Kiếm tiền nuôi thân khi đi du học như thế nào?

Kiếm tiền nuôi thân khi đi du học như thế nào?

Đối với nhiều du học sinh, nỗi lo về tiền len lỏi vào từng khoảnh khắc của trải nghiệm du học.

Có thể bạn có học bổng, nhưng vẫn phải chi trả một phần chi phí du học. Có thể bạn đi du học bằng tiền cha mẹ tích cóp ở Việt Nam, một nền kinh tế với GDP bình quân đầu người kém 20-30 lần quốc gia bạn đang sống.

Đi chợ, bạn cầm lên đặt xuống mớ rau giá 70.000 đồng, đắn đo giữa sức khỏe của mình và học phí kỳ sau. Đi chơi, bạn lên mạng so sánh menu và giá cả của cả chục nhà hàng. Giáng sinh là mùa ăn chơi của người bản xứ và mùa “cày” của bạn.

Là du học sinh mình rất hiểu cảm giác bất an về tài chính
Là du học sinh, mình rất hiểu cảm giác bất an về tài chính.

Là du học sinh Việt ở Canada, mình rất hiểu cảm giác bất an về tài chính. Để trả lời câu hỏi “Đầu tiên là tiền đâu?”, mình đã trò chuyện với một loạt du học sinh có từ 3-10 năm kinh nghiệm.

Sau đây là cách mà cộng đồng du học sinh Việt trên thế giới kiếm tiền nuôi thân, và một số lời khuyên dành cho các bạn đang hoặc có ý định đi du học.

1. Biết được mình cần bao nhiêu tiền để sống

Các bạn du học sinh cần đảm bảo là mình có cách chi trả mọi thứ từ học phí đến sinh hoạt phí.

Vì thế, chuyện nên làm là dự trù kế hoạch chi tiêu cho ba thời điểm:

1. Trước khi đi du học

Nếu được bố mẹ hậu thuẫn về tài chính thì bạn thật may mắn. Tuy nhiên, bạn cần quan tâm xem họ có thể hỗ trợ bao nhiêu và trong bao lâu.

Du học sinh chúng mình đồng ý với nhau rằng trước khi du học, có 4 điều bạn cần làm rõ:

  • Học phí: Tổng số tiền mình cần để chi trả học phí, sách vở, tài liệu là bao nhiêu? Một số quốc gia (Úc, Canada, Singapore) áp dụng mức học phí cho sinh viên quốc tế cao hơn sinh viên bản xứ. Một số quốc gia có các trường đại học công lập miễn phí học phí nhờ phúc lợi xã hội tốt (Đức, Na Uy).
  • Mức sống trung bình: Mỗi tháng mình cần bao nhiêu tiền để sống? Bạn có thể khảo giá trên mạng qua Numbeo, trang web của trường, hoặc những anh chị sinh viên đi trước.
  • Chính sách làm thêm cho du học sinh: Du học sinh được làm thêm bao nhiêu giờ/tuần? Lương cơ bản là bao nhiêu? Thử tính xem với sức lực và độ khó của chương trình học, bạn có thể đi làm mấy buổi/tuần, và số tiền kiếm ra đáp ứng được bao nhiêu % sinh hoạt phí/tháng?
  • Học bổng: Nếu được học bổng toàn phần thì quá tốt. Nếu không, hãy tìm hiểu xem sau mỗi học kỳ, trường có cấp học bổng cho sinh viên xuất sắc hay không.

2. Mới sang và chưa có việc làm

Khi thiết lập bản kế hoạch tài chính cho thời gian này, có một số điều bạn cần cân nhắc:

  • Bạn có thể sống nhờ tiền học bổng, tiền tiết kiệm hoặc tiền hậu thuẫn hay không? Nếu có, thì trong bao lâu?
  • Cần bao lâu để kiếm việc làm? Cần bao nhiêu tiền để sống tới khi kiếm được việc?
  • Ở nước ngoài, bạn có người thân nào có thể hỗ trợ trong khoản thời gian mới sang hay không?

Minh Trí (Paris, Pháp) gợi ý là trong thời điểm này, bạn nên:

  • Nghiên cứu nhiều chợ và mua những món giảm giá của tuần.
  • Đừng mua sắm những đồ không có giá trị thiết thực.
  • Đừng chạy theo những buổi tụ tập trong thời gian này nếu chưa thực sự thoải mái về tài chính.

3. Sau khi tìm được việc làm

Ở Canada và Mỹ, chính phủ giới hạn du học sinh chỉ được làm tối đa 20 tiếng một tuần. Vì thế bạn nên tìm công việc với số tiền lương vừa đủ cho những nhu cầu thiết yếu. Tiết kiệm vẫn nên là chính sách hàng đầu.

Bạn không nên làm hơn vì bạn sẽ mệt, căng thẳng và khả năng tập trung cho việc học sẽ giảm xuống. Du học sinh cần thành tích tốt để được cân nhắc cho một công việc thực tập hay một công việc ổn định sau khi tốt nghiệp.

Một người bạn của cậu mình đã gọi cho mình ngay khi công ty cô làm cần thêm kế toán viên
Một người bạn của cậu mình đã gọi cho mình ngay khi công ty cô làm cần thêm kế toán viên.

2. Tìm việc làm qua các mối quan hệ

Du học sinh nào cũng nên xây dựng các mối quan hệ trong và ngoài trường. Người quen có thể giúp đỡ và giới thiệu cho bạn những cơ hội việc làm.

Một người bạn của cậu mình đã gọi cho mình ngay khi công ty cô làm cần thêm kế toán viên. Còn Thiên Nhật (Sydney, Úc), nhờ thường xuyên trò chuyện với giảng viên và có thành tích học xuất sắc, bạn đã được chọn làm trợ giảng và người hỗ trợ trong phòng thí nghiệm.

Đồng thời để tạo thêm kết nối, bạn có thể tham gia các hoạt động từ thiện, cộng đồng vào những kì nghỉ hè hay các ngày lễ. Nhờ làm tình nguyện tại tổ chức giáo dục kỹ năng mềm cho trẻ em (LILALU), Mỹ Linh (Munich, Đức) kết thân được với nhiều người bản xứ sẵn sàng giới thiệu việc làm cho bạn.

Bạn có thể theo dõi mục Careers trên website của công ty và nộp đơn trực tiếp khi thấy một công việc phù hợp
Bạn có thể theo dõi mục Careers trên website của công ty và nộp đơn trực tiếp khi thấy một công việc phù hợp.

Một cách khác để tạo mối quan hệ là tham gia những ngày hội việc làm do trường hoặc các doanh nghiệp tổ chức.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia những kì thi thách thức kĩ năng chuyên ngành. Đây là dịp để bạn kết nối với các thầy cô hoặc ban giám khảo, vốn là những người có hàng chục năm kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ rộng.

3. Tìm việc qua các nhóm trên Facebook dành cho du học sinh Việt

Các bạn muốn đi du học nên tham gia vào những group trên Facebook dành cho du học sinh hay dành cho cộng đồng người Việt tại chỗ.

Trên những diễn đàn đó, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều chia sẻ về kinh nghiệm sống và kinh nghiệm xin việc. Những chia sẻ này sẽ giúp bạn quen dần với môi trường mới. Đồng thời đó cũng là nơi đăng tin tuyển dụng tại các nhà hàng, tiệm làm móng hay những công ty có người Việt. Nếu bạn chưa tự tin về khả năng ngoại ngữ, bạn có thể bắt đầu từ đây.

4. Xin trợ cấp tài chính từ trường

Một cách khác để có tiền nuôi thân là xin trợ cấp tài chính (Financial Aid) từ trường. Ở Mỹ, Quế Anh (Texas) và Anh Đào (Minnesota) có đề cập rằng khi đăng ký xin Financial Aid, bạn sẽ được quyền chọn tham gia Work-Study Program (Chương Trình Làm và Học).

Anh Đào lấy ví dụ về Work-Study Program tại trường St.Olaf ở Minnesota.

“Học phí là $50,000/năm, nhưng bạn sẽ được thưởng khoảng $2000/năm nếu tổng số giờ làm việc tại trường đủ theo yêu cầu. Làm càng nhiều thì bạn được thưởng càng nhiều. Bạn có thể chuyển thẳng số tiền đó cho trường để giảm học phí. Hoặc bạn đóng cho trường học phí cao hơn để được cấp phép đi làm, và được đăng ký chuyển số tiền được thưởng kia vào tài khoản riêng cho các chi tiêu cá nhân,” Anh Đào chia sẻ.

Lợi ích của Work-Study Program là bạn có thể chọn lựa công việc phù hợp với thời khóa biểu. Bạn cũng dễ được linh hoạt về giờ làm hơn khi đến mùa thi, khi bạn đi làm trễ vì giảng viên giữ lại lớp.

Hồ sơ xin việc của bạn sẽ dễ gây chú ý với người tuyển dụng hơn so với những bạn không có kinh nghiệm đi làm nào.

5. Tìm việc qua hệ thống hỗ trợ sinh viên của trường

Xin việc trong trường

Trên trang web của các trường thường có hướng dẫn du học sinh tạo hồ sơ. Qua đó bạn dễ dàng nộp đơn xin việc tại trường. Như Quế Anh, bạn ấy tìm được công việc hỗ trợ IT tại thư viên trường trong thời gian còn đi học. Hoặc bạn có thể gửi đơn đến các công ty có liên kết với trường.

Xin việc ngoài trường, thông qua trường

Các trường Đại học thường có một văn phòng hỗ trợ việc làm (Career Support) cho sinh viên, nhất là du học sinh. Văn phòng này là cổng tuyển dụng của nhiều công ty trong thành phố có nhu cầu tuyển nhân viên làm thêm, hoặc sinh viên mới ra trường.

Bạn có thể đến gặp những người tư vấn trong Career Support để nhờ họ giúp lên CV sao cho phù hợp với văn hóa tuyển dụng địa phương. Bạn cũng có thể được hướng dẫn và tập phỏng vấn. Văn phòng này của trường còn giúp bạn gửi CV đến những công ty đang đăng tuyển dụng.

6. Có mặt trên LinkedIn

Ở thời điểm công nghệ số hiện nay, các du học sinh nên tạo cho mình một bản sơ yếu lý lịch online trên LinkedIn và Indeed. Bạn nên tìm và giữ liên lạc với những bạn học cùng trường hay các giảng viên. Khi nhà tuyển dụng yêu cầu thư giới thiệu hoặc những lời đề cử, bạn sẽ dễ được hỗ trợ hơn.

Rất nhiều công việc đang đợi bạn trên LinkedIn
Rất nhiều công việc đang đợi bạn trên LinkedIn.

Những trang web này còn giúp bạn dễ liên lạc trực tiếp với bộ phận nhân sự của các công ty hay các đại lý tìm việc. Cũng nhờ LinkedIn và Indeed, nhà tuyển dụng có thể tìm đến bạn sau khi họ đọc qua hồ sơ.

7. Theo dõi mục tuyển dụng của những công ty bạn thích

Bạn có thể theo dõi mục Careers trên website của công ty và nộp đơn trực tiếp khi thấy một công việc phù hợp.

Hãy ưu tiên làm những công việc đúng ngành học, vì nó sẽ tô đẹp hồ sơ xin việc của bạn sau tốt nghiệp.

Ngoài nộp đơn xin việc qua mạng ra thì bạn cũng có thể làm theo cách truyền thống đó là nộp đơn tại chỗ. Bạn có thể mang hồ sơ của mình đến tận các công ty hay cửa hàng có treo sẵn bảng tuyển nhân viên trên cửa. Hoặc nếu may mắn được người quen giới thiệu và giúp sắp xếp một buổi phỏng vấn trực tiếp thì hãy chụp lấy ngay cơ hội.

Kết

Tất cả chúng mình, những người đã đi du học từ 3 đến 10 năm đều đồng ý là ngoài tiền ra, đi làm sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm thực tế, cải thiện ngôn ngữ, và giúp bạn dạn dĩ hơn.

Chỉ tiêu tiền khi cần thiết. “Tiết kiệm là quốc sách,” vì nếu không bạn rất dễ vướng vào vòng luẩn quẩn: đi làm quần quật, kiếm nhiều, tiêu nhiều, rồi lại đi làm, mà không tập trung học được.

Mỹ Linh cũng gửi lời nhắn cuối đến các bạn đang hoặc sẽ du học, “Đừng bao giờ quên rằng mình đang cần làm gì, với mục đích gì, mình muốn hướng đến đâu. Và đừng quên mình đến từ đâu.”

Bài viết được thực hiện bở Rosie-Ân Hồ.

Xem thêm:

[Bài viết] Du học đã dạy tôi điều gì?

[Bài viết] Vì sao bạn nên đi làm từ khi còn ngồi ở giảng đường đại học?