Mơ hồ trong công việc: Nên làm gì khi không biết làm gì? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Mơ hồ trong công việc: Nên làm gì khi không biết làm gì?

Đâu chỉ nhiều việc mới áp lực, mông lung không rõ cần làm gì cũng đau đầu chẳng kém.
Mơ hồ trong công việc: Nên làm gì khi không biết làm gì?

Nguồn: Pexels

Một ngày đi làm của bạn có đang bắt đầu mà không biết mình phải làm gì? Công việc chưa xong hết đâu nhưng sếp không có thông báo gì mới. Nên mình dù muốn rốt ráo giải quyết xong công việc nhưng chỉ có thể ngồi chờ thấp thỏm, chẳng biết bao giờ việc sẽ ập tới.

Trước giờ khi nói đến áp lực trong công việc, mọi người hay nhắc tới những nguyên nhân chính là do khối lượng công việc bị quá tải, gặp phải mâu thuẫn với sếp hay đồng nghiệp không hợp tác,... Nhưng nếu bạn đồng cảnh ngộ với tình huống phía trên, vậy thì bạn sẽ hiểu trạng thái mơ hồ chôn chân tại chỗ cũng căng thẳng chả kém.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động như hiện nay, theo Tạp chí công thương, hàng loạt doanh nghiệp đã phải tái cấu trúc để thích nghi. Điều này khiến cho các nhân viên càng thêm mông lung, họ có tỉ lệ gặp áp lực cao gấp đôi so với những nhân viên ở công ty không trải qua biến động.

Bài viết dưới đây sẽ phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về sự mơ hồ của mình và xua tan được mây mù để có cái nhìn rõ ràng về công việc của mình.

Bạn có đang cảm thấy mơ hồ trong công việc của mình?

Theo một khảo sát của Gallup, chỉ có 60% nhân viên đồng ý rằng họ nắm được yêu cầu dành cho công việc hiện tại. Nếu như không có sự rõ ràng về vai trò của bản thân, mục đích của đầu việc mình đảm nhiệm hay tiến độ tổng thể công việc… sẽ khiến cho nhiều người thấy mệt mỏi vì phải dò dẫm từng bước với chính phần việc của mình.

Theo nhiều nghiên cứu tâm lý, thay vì những yếu tố khác, đây mới là nguyên nhân chính dẫn đến cảm giác áp lực trong công việc. Dưới đây là một số dấu hiệu cụ thể để bạn nhận biết bản thân có đang cảm thấy mơ hồ trong công việc hay không:

  • Bạn phải đợi các thành viên khác hoàn thành việc của họ thì mới có thể bắt đầu làm phần việc của mình.
  • Bạn biết yêu cầu chung chung, nhưng không biết lúc nào đạt được kết quả mong muốn để dừng đầu việc.
  • Việc được giao khác với nhiệm vụ mà bảng mô tả công việc đề ra.
  • Những thay đổi khác của công ty mà bạn không được thông báo: môi trường, định hướng sứ mệnh, thuyên chuyển thành viên trong nhóm,...
alt
Đi làm 3 tháng, đột nhiên bạn trở thành nhân viên “lão làng” nhất do những đồng nghiệp cũ đột ngột rời công ty

Sự mơ hồ đó không chỉ xảy đến ở cấp độ của các nhân viên, mà còn diễn ra với cả công ty. Giáo sư Jeffrey Pfeffer đến từ khoa quản trị của Stanford thừa nhận rằng thay đổi là điều khó tránh trong thời đại ngày nay.

Tuy nhiên, sự tái cơ cấu của các công ty đôi khi không phải kết quả hoạch định được tính toán cẩn thận mà đơn giản là bắt nguồn từ tâm lý sao chép lẫn nhau, thấy các công ty khác thực thi thì mình cũng triển khai. Do đó, dẫn đến tình trạng giao tiếp không rõ ràng trong quá trình đưa thông tin xuống các bộ phận nhân sự cấp dưới.

Vượt qua biển mây mù trong sự nghiệp bản thân

1. Xác định loại mơ hồ bạn đang gặp phải và “ngọn hải đăng” tương ứng

Theo Forbes, có hai kiểu phản ứng với áp lực là Active và Escape Coping (Ứng phó chủ động và Ứng phó trốn chạy). Hai trạng thái này phản ánh khả năng xoay sở của bạn trước những áp lực. Active Coping - chủ động đối diện và điều hướng vấn đề thường sẽ được cho là lành mạnh cũng như hiệu quả hơn so với trốn tránh và dửng dưng trước nó.

Vì thế, chủ động xác định bản thân đang gặp phải dạng mơ hồ nào và tìm hướng giải quyết sẽ thay đổi rất nhiều cách chúng ta phản ứng với tình huống tương tự trong tương lai. Stanley Budner đến từ Học viện Tâm thần học New York đã nhận định rằng có 3 dạng mơ hồ gây ảnh hưởng đến tâm lý của chúng ta.

Giả sử với tình huống rằng có một người sếp mới phụ trách nhóm của bạn, các dạng mơ hồ có thể diễn ra như sau:

  • Bạn hoàn toàn không có một thông tin gì về điều xảy ra: bạn không biết background của người sếp này và vì sao lại được giao cho quản lý nhóm của bạn. Lúc này bạn có thể chủ động tìm kiếm thông tin từ người khác, hoặc so sánh với những người sếp trước xem có điểm gì giống nhau. Nên nhớ là khi hoàn toàn mù mịt thông tin bạn nên đi từng bước nhỏ để tránh rủi ro xảy ra.
  • Bạn có quá nhiều thông tin: người sếp mang đến nhiều dự án mới cùng lúc, đưa ra nhận xét và đánh giá từng loại dự án một cách chi tiết không cần thiết. Khi đó, bạn nên đơn giản hoá những gì cần hiểu và lọc ra những việc ưu tiên cần làm. Những phương pháp đánh giá như kẻ bảng pros & cons, ma trận Eisenhower… sẽ giúp bạn hình dùng rõ ràng và có sự đánh giá khách quan hơn.
alt
Ma trận Eisenhower giúp bạn phân loại công việc theo thứ tự ưu tiên và loại bỏ những yếu tố gây lãng phí thời gian.
  • Bạn biết phải làm gì, nhưng điều này chưa từng có tiền lệ trước đây: người sếp này áp dụng cấu trúc, quy tắc quản lý khác với người sếp trước. Điều này đòi hỏi ở bạn khả năng ứng biến nhanh nhạy hơn. Bạn có thể chủ động trao đổi kỹ hơn với sếp để hiểu về phong cách làm việc và những kỳ vọng của sếp về nhân viên. Tìm hiểu thêm về những dự án cũ, những người từng làm việc cùng sếp để nâng cao hiệu quả làm việc giữa đôi bên.

Tuy nhiên, nếu bản thân bạn không thể tự mình vượt qua những mây mù trong công việc, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ xung quanh.

2. Giữ quan hệ với những “thuyền viên" khác

Đứng trước những thay đổi chóng mặt, giao tiếp chính là ngọn hải đăng giúp bạn ra khỏi biển mây mù. Điều này sẽ giúp bạn biết rằng mình không cô đơn, xóa nhiễu được thông tin và mở ra cho bạn những cơ hội mới.

Nếu công ty đang trải qua nhiều thay đổi, bạn với vai trò nhân viên nên đặt ra những câu hỏi và xây dựng lại bản hợp đồng tâm lý với sếp để nắm rõ tình hình và giảm bớt áp lực.

  • Làm thế nào chúng ta biết mình đã hoàn thành những yêu cầu được đưa ra?
  • Dự án thành công cần đạt các thông số như thế nào?
  • Những số liệu đó sẽ được đo lường như thế nào?
  • Ai chịu trách nhiệm thực hiện phép đo đó?
  • Khi nào hoạt động đó sẽ diễn ra?
  • Quyết định nào sẽ được đưa ra sau khi có kết quả?
  • Ai là người phê duyệt quyết định đó?

Đồng thời, hãy tự đối thoại với chính mình, bạn có định hướng và kỳ vọng gì cho sự nghiệp của bản thân. Nếu bạn cảm thấy những thay đổi quá nhanh của công ty đang khiến mình đi chệch khỏi mục tiêu hay sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, hãy thẳng thắn trao đổi với sếp.

Bên cạnh đó, bạn có thể lựa chọn những đồng nghiệp đáng tin cậy để chia sẻ băn khoăn của mình. Chí ít bạn sẽ có thêm góc nhìn đa chiều giúp giải quyết vấn đề tốt hơn thay vì nghe ngóng thông tin phong thanh từ đâu đó.

3. Học cách hành động ngay cả khi mơ hồ

Những sự biến động liên tục sẽ đi kèm với không ít rủi ro gây ra ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn. Nhưng đồng thời thay đổi cũng mang đến nhiều cơ hội cho người thức thời và linh hoạt. Giữa biển mơ hồ hãy tìm ra một thứ mình đang có thể nắm bắt, và tập trung làm tốt điều đó.

Nếu không có ngọn hải đăng nào dẫn lối ngoài kia thì chuyển hướng dành thời gian quay về phát triển bản thân. Tự mình hành động và chuẩn bị thuyền cứu hộ cho bản thân sẽ tăng thêm khả năng thành công thoát khỏi rủi ro cho bạn.

Đầu tiên, bạn cần ngồi xuống và đánh giá mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi này đến khối lượng công việc, môi trường làm việc và định hướng của bạn. Nếu có thể, hãy nhìn vào bức tranh rộng hơn xem trước đây công ty đã có những thay đổi như thế này chưa và dự đoán những rủi ro có thể xảy đến trong tương lai: cắt giảm, đổi địa bàn hoạt động,...

Sau đó, dựa trên phương pháp "positive & negative testing", với đầu việc bạn đang làm tốt hiện tại (dù là rất nhỏ), hãy tiếp tục dành 70-80% thời gian cho công việc ấy, còn khoảng thời gian còn lại để học những kỹ năng mới, phù hợp với thay đổi có thể diễn ra. Ngược lại, nếu cảm thấy thay đổi lần này có ảnh hưởng nhiều đến vị trí công việc như bị đuổi việc, cắt giảm lương… đừng ngần ngại tiến ra ngoài vùng an toàn.

Ví dụ bạn là một kỹ sư phần mềm có chuyên môn và công ty đang áp dụng trí tuệ nhân tạo để tự động hoá một phần công việc, hãy tiếp tục làm tốt việc của mình và dành thời gian học một khoá ứng dụng công nghệ ấy. Ngược lại, nếu phần trăm tự động hoá cao, hãy dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về nó hoặc chuẩn bị trước kế hoạch thuyên chuyển vị trí nếu cần.

Kết

Những biến động sẽ khiến bạn phải đối diện với sự mơ hồ và áp lực. Nhưng cũng đừng quên, đi kèm với đó là không ít những cơ hội có thể đến với bạn. Điều quan trọng là bạn cần nắm được bản thân muốn gì, phát triển theo hướng nào và bước đi cần thiết để ứng phó trong thời điểm hiện tại.

Hãy để Bamboo Careers đồng hành cùng bạn vượt qua biển mây mù. Ứng dụng tra cứu lương sẽ cung cấp những thông tin về thị trường đồng thời đưa ra những lời khuyên về sự nghiệp, góp ý viết email trao đổi với sếp… để bạn có thể tự tin đưa ra quyết định sự nghiệp cho mình.