"Mua đất 3 năm không tăng giá thì lời được kinh nghiệm về bất động sản" | Vietcetera
Billboard banner

"Mua đất 3 năm không tăng giá thì lời được kinh nghiệm về bất động sản"

Với anh Thông, mỗi sự thay đổi thói quen nhỏ đều sẽ mang lại một kết quả quản lý tài chính tốt hơn.
"Mua đất 3 năm không tăng giá thì lời được kinh nghiệm về bất động sản"

Nguồn: Duy Thông.

#TheMoneyDate là nơi những nhân vật chia sẻ góc nhìn của họ về tài chính cá nhân, sự nghiệp và cuộc sống.


Duy Thông là đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Dentsu Redder - cái tên liên tục giữ vị trí Creative Agency of The Year tại Việt Nam những năm gần đây, nổi tiếng qua các chiến dịch văn hoá nổi bật như #ProudlyMadeinVietnam, Đi Để Trở Về, Chuyện Cũ Bỏ Qua,...

Dentsu Redder cũng là agency đứng sau hàng trăm chiến dịch lớn của các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Pepsi và Coca-Cola, đồng thời tham gia đổi mới sản phẩm cho các doanh nghiệp nội địa như Biti’s, Minh Long và Viettel.

Anh Thông đã có 15 năm làm việc trong ngành quảng cáo, với nhiều lĩnh vực như sự kiện, PR, sáng tạo và chiến lược, cùng hơn 2 năm điều hành một doanh nghiệp sữa tại Việt Nam. Từ đây, anh cùng Dentsu Redder trở thành agency nằm trong top 50 khu vực, góp phần giúp Việt Nam có thứ hạng đáng kể trong bản đồ sáng tạo châu Á.

1. Bạn đã kiếm 100 triệu đầu tiên như thế nào?

100 triệu đầu tiên tôi kiếm được nhờ đứng ra tổ chức thi lấy bằng lái xe máy cho các bạn đại học.

Cách đây 20 năm khi còn là sinh viên, nhận thấy nhiều bạn trong lớp chưa có bằng lái xe máy, tôi đã đề xuất với hội sinh viên tổ chức thi lấy bằng tại trường. Sau khi trực tiếp liên hệ cơ quan tổ chức thi để được giảm giá cho sinh viên, tôi tiếp tục liên hệ Đại học Y dược để khám sức khoẻ trước khi thi sát hạch, với mức hỗ trợ giảm chi phí tăng dần theo số lượng sinh viên tham gia.

Mỗi bạn sinh viên được thi ngay tại trường, với mức thi giảm 20% và khám sức khỏe giảm 40% so với thông thường. Đồng thời, tôi nhận được 12 nghìn đồng/hồ sơ (sau khi đã trích chi phí hỗ trợ tổ chức cho hội sinh viên).

Sau 4 tháng tổ chức, tổng cộng có gần 10 nghìn sinh viên đã tham gia. Số tiền tôi kiếm được vì thế tổng cộng được hơn 100 triệu.

2. Khoản đầu tư nào bạn thấy đáng tiền nhất?

Tôi luôn tìm ra mọi lợi ích từ các khoản đầu tư. Ví dụ tôi mua đất nhưng 3 năm vẫn không tăng giá, tôi sẽ lời được kinh nghiệm về bất động sản (cười).

Nên tôi nghĩ hầu hết các khoản đầu tư đều đáng tiền. Một trong những khoản tôi thấy “hời” nhất là mua vé máy bay hạng thương gia cho vợ (vì hết vé) để cô ấy có thể về sớm 1 tiếng, đổi lại cả gia đình đã kịp có một buổi tối sinh nhật quây quần bên nhau.

3. Nếu tất cả công việc đều trả lương giống nhau thì bạn sẽ làm nghề gì?

Tôi hiểu câu hỏi trên theo hướng "Nếu tiền không phải là tiêu chí để lựa chọn công việc, vậy những thứ gì là quan trọng để bạn có được công việc phù hợp?"

Nếu theo ý hiểu như vậy thì tôi sẽ tìm kiếm một công việc có những tiêu chí sau:

  • Tất cả khả năng của tôi được tận dụng và coi trọng.
  • Tôi thấy mình tạo được giá trị dù lớn hay nhỏ.
  • Mỗi ngày đều có những thách thức và cơ hội mới
  • Tôi có được sự tự do và linh hoạt để lựa chọn điều đúng đắn.
  • Có những đồng nghiệp “lành tính”, cùng một niềm tin và tôn trọng lẫn nhau.

Và tôi tin rằng nơi làm việc hiện tại của tôi cũng đang đáp ứng những điều kiện đó.

4. Nghề nghiệp yêu thích hồi nhỏ của bạn là gì?

Từ nhỏ tới lớn tôi khá nhất quán. Tôi muốn làm “superman”, muốn mình có siêu năng lực, có thể làm nhiều điều lớn lao, giải cứu thế giới. Hồi đấy tôi nghĩ rằng đó là một nghề nghiệp nghiêm túc, có thể dễ dàng kiếm tiền và nhiều thứ mình muốn.

Đến giờ tôi vẫn muốn như vậy. Dù nhận ra năng lực mình có hạn, tôi đang cố gắng thực hiện điều to lớn hơn bằng cách kết nối rất nhiều “superman” lại với nhau. Khi những ngôi sao sáng kết nối, bạn sẽ có cả một dải ngân hà, và tập thể đó có thể làm những điều thực sự có ý nghĩa lớn lao.

5. Bạn xem những khoản nợ nào là tốt, và những khoản nào là xấu?

Bất kể khoản nợ nào, dù là vay mua xe, mua nhà, vay đóng học phí cho con cái, hay vay mua quà cho vợ đều sẽ được xem là nợ tốt nếu khoản nợ đó trả lại nhiều hơn khoản lãi mà bạn phải chịu.

Tôi thường làm như sau: sau khi trừ nợ gốc, lãi rồi cân nhắc các lựa chọn thay thế khác để sử dụng khoản tiền vay, tôi tự hỏi liệu rằng chi phí đó vẫn hợp lý? Liệu rằng mình có thể làm gì tốt hơn trong cùng khoảng thời gian, với cùng số tiền nợ phải trả? Liệu rằng mình sẽ kiếm được nhiều hơn những thứ sẽ mất?

Sau khi cân nhắc tất cả yếu tố, tôi xác định được rằng nợ tốt là khoản nợ mang lại nhiều hơn những gì phải bỏ ra.

Nguồn: Duy Thông.

6. Bạn muốn làm việc với một người như thế nào?

Những người tôi làm việc cùng thường tập trung vào việc thiết lập tầm nhìn (bao gồm mục tiêu và phương hướng hành động). Sau khi đặt ra được tầm nhìn và đưa ra định hướng, tất cả thành viên trong team sẽ được tự lựa chọn phương thức làm việc, miễn sao mang lại hiệu quả. Vai trò của người leader chủ yếu là đảm bảo rằng công việc đang đi đúng hướng, hoặc hỗ trợ khi có vấn đề phát sinh.

Vì thế, một người làm việc hiệu quả với tôi là người có tầm nhìn xa được thực hiện một cách kiên định, nhưng vẫn đảm bảo công bằng và có tính thức thời. Tầm nhìn của họ thường được thiết lập sẵn, nhưng họ luôn cởi mở để lắng nghe ý kiến, và sẵn sàng thay đổi kế hoạch nếu một ý tưởng mới mang lại hiệu quả cao hơn.

7. Bạn cân bằng thế nào giữa công việc và cuộc sống?

Tôi muốn trả lời câu hỏi này bằng trải nghiệm làm việc của chúng tôi tại Dentsu Redder.

Trước giờ ta hay chú ý đến work-life balance - cân bằng và rạch ròi thời gian dành cho công việc và cá nhân. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi đang cố gắng xây dựng ở Dentsu Redder, đặc biệt thể hiện rất rõ qua nửa năm làm việc tại nhà vừa qua, là work-life integration.

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống (work-life balance) tìm cách đạt được trạng thái lý tưởng mà công việc và cuộc sống cá nhân cùng tồn tại và phát triển riêng biệt. Ngược lại, work-life integration là mang công việc và cuộc sống đến gần nhau hơn.

Ở tầng nghĩa đơn giản nhất, chúng tôi cố gắng không quy định work time (thời gian dành cho công việc) và life time (thời gian dành cho cuộc sống riêng). Thay vào đó, chúng tôi hướng đến thời điểm tốt nhất để làm những việc này. Ví dụ, bạn có thể dành buổi sáng để chăm sóc con cái, nhưng khi cảm thấy tập trung nhất vào ban đêm, bạn có thể viết chiến lược truyền thông.

Ở một tầng nghĩa sâu hơn, chúng tôi tạo mọi điều kiện để bạn có thể linh động làm việc từ xa, cũng như xây dựng mô hình làm việc tại văn phòng thật thoải mái, khiến mọi người tận hưởng không gian làm việc và cảm thấy thư giãn khi đến văn phòng.

Và đây cũng là cách mọi người, trong đó có tôi, làm hài hòa giữa công việc và cuộc sống.

8. Một bài học hay lời khuyên về tài chính mà bạn tuân theo?

Cần nhận biết được thu nhập và các khoản chi phí hàng tháng. Quản lý tài chính bắt đầu bằng việc ý thức chi tiêu. Ví dụ, tôi biết mình đang dành bao nhiêu tiền cho các hoạt động không thiết yếu, các hoạt động giải trí hay ăn uống bên ngoài. Từ đó, tôi có thể cân nhắc điều chỉnh thói quen nếu muốn tích lũy hoặc đầu tư.

Bất kể mục tiêu tài chính lớn hay nhỏ thì cũng cần có kế hoạch, và cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Mỗi sự thay đổi thói quen nhỏ đều sẽ mang lại một kết quả quản lý tài chính tốt hơn.

9. Thứ gì thúc đẩy bạn cố gắng trong thời gian qua?

Có nhiều người từng hỏi tôi “What is your purpose of life?” (Mục tiêu cuộc đời của bạn là gì?), và thật tình tôi vẫn không dám nghĩ tới.

Tôi luôn nghĩ rằng mình là nhân tố quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn đến những người tôi yêu thương. Nên điều tôi cố gắng mỗi ngày, là làm sao mình có một cuộc sống thể chất và tinh thần thật tốt.

Khi mình có được trạng thái cá nhân tốt nhất, mình sẽ có thể chăm sóc và giúp đỡ những người quan trọng với mình.

10. Một kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống mà trường học không dạy?

Tôi nghĩ hầu hết các trường học hiện nay đều hướng đến mục tiêu là trang bị kiến thức. Trong khi với sự phát triển của xã hội hiện tại và tương lai, kiến thức là thứ dễ dàng được tìm thấy mọi lúc, mọi nơi và miễn phí.

Vì vậy, có rất nhiều thứ cuộc sống đòi hỏi ở chúng ta mà trường không dạy, ví dụ như giá trị của đồng tiền. Chúng ta không được trường học hướng dẫn cách chi tiêu, cách để tận dụng các khoản vay, hay lợi ích của việc xây dựng kế hoạch tài chính,...

Ngoài ra, những kỹ năng vô cùng quan trọng khác như làm sao để sáng tạo, hay kỹ năng thấu hiểu - đồng cảm hoặc đối mặt với thất bại vẫn chưa được đa số nhà trường quan tâm đến. Trên thực tế, trong thời đại của máy móc, kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo, chính những kỹ năng trên mới giúp chúng ta tạo nên sự khác biệt, trở nên có giá trị với xã hội.