Với những người trẻ, nhu cầu thể hiện bản thân và tạo sức hút với người khác là hết sức tự nhiên. Và cách dễ nhất là thông qua hình thức bên ngoài như quần áo, đồ dùng, phương tiện đi lại.
Khổ nỗi, khi còn trẻ thì thu nhập thường chưa cao mà đồ hiệu thì giá lại chót vót. Có cách nào không?
Những món đồ được "yêu lại từ đầu"
Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi thấy một anh chàng đồng nghiệp cứ 1, 2 tháng là đổi xe mới, mà toàn những xe hiệu như Audi, BMW, Mercedes. Khi hỏi ra thì mới biết đó là xe đã qua sử dụng, và mua bán xe ô-tô hạng sang là nghề tay trái của chàng.
Cùng với một người họ hàng có am hiểu về ô-tô, họ đã lập một doanh nghiệp siêu nhỏ để thuận lợi hơn trong các vấn đề hóa đơn, thuế. Họ tham gia các cuộc đấu giá, mà ở đó xe bán là của các công ty ký gửi. Vì rất nhiều công ty mua sắm xe hạng sang cho các cấp quản lý, sau 3 hay 5 năm là khấu hao xong là họ cần thanh lý.
Việc mua một chiếc xe đã qua sử dụng có thể tiết kiệm cho người mua từ 30% đến 50% so với xe mới cùng loại. Và điều đặc biệt là về mặt tâm lý, người ta thường để ý người khác đi xe hiệu gì hơn là xe mới hay cũ.
Chẳng hạn nếu như người nào đó mua một chiếc xe hạng sang đã qua sử dụng 3-5 năm, hiếm người biết người đó đang đi xe đã qua tay lần 2. Vì với xe mua mới, sau khoảng vài tháng là nhiều người không thấy nhiều khác biệt với xe đã chạy vài năm.
Và điều này cũng áp dụng được cho xe gắn máy ở Việt Nam. Sự lịch lãm, sang trọng vẫn hơn khi ai đó chạy một chiếc Honda Spacy, Piaggio, Honda SH cũ so với một chiếc Yamaha hay Honda dòng bình dân còn chạy rô-đa. Tương tự như vậy là các mặt hàng điện tử, công nghệ như latop, điện thoại, máy ảnh, thiết bị chơi games v.v… Một người hoàn toàn có thể mua một chiếc Macbook, ThinkPad X1, Iphone dạng refurbished hay đã qua sử dụng.
Các mặt hàng cá nhân cao cấp khác như túi xách, đồng hồ, phụ kiện thời trang, thậm chí nước hoa mỹ phẩm cũng có thị trường hàng đã qua sử dụng. Các cửa hàng mua bán đồ cá nhân xa xỉ đã qua sử dụng bây giờ không khó tìm ở các thành phố lớn trên thế giới.
Thậm chí, đã có những công ty tạo tiếng tăm như Collector Square (Pháp), Milan Station (Trung Quốc). Hiện nay, ngày càng có nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam nhờ bạn bè, người thân ở nước ngoài mua những mặt hàng này. Không những thế, cũng đã có một số người kinh doanh chuyên nghiệp các mặt hàng này ở Sài gòn hay Hà Nội.
Một thống kê cho thấy thị trường đồ dùng cá nhân xa xỉ (luxury) đã qua sử dụng năm 2020 đạt giá trị 28 tỷ USD, tăng 64% so với 5 năm trước đó. Thị trường đồ đã qua sử dụng đang là xu hướng phát triển mạnh ở nhiều quốc gia vì yếu tố quan trọng là giá cả nhưng thêm vào đó, còn là ý thức bảo vệ môi trường.
Đến hẹn lại sale
Có một cách khác để mua đồ hiệu giá hợp lý là vào các đợt giảm giá định kỳ trong năm, chẳng hạn như ở Pháp là vào tháng 1 và tháng 6. Các mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách thường giảm 20-30%, có khi lên đến 50%.
Nhiều người tiêu dùng quen với việc này nên chỉ mua sắm vào dịp này, và ngân sách cũng tiết kiệm được kha khá. Ở những nước không có mùa giảm giá mạnh thì nhiều người sẽ tranh thủ vừa đi du lịch nước ngoài, vừa mua sắm.
Bên cạnh đó, ở nhiều nước còn có hệ thống các trung tâm Outlets, quy tụ các cửa hàng của nhiều nhãn hiệu khác nhau, họ bán những sản phẩm còn lại của mùa trước với giá giảm trung bình 30%. Đến những đợt giảm giá lớn, mức giá còn giảm thêm nhiều nữa. Nhiều người nếu không đến được trực tiếp, có thể nhờ người thân hay bạn bè mua giùm.
Ý tưởng outlets cũng đã được chuyển sang thương mại điện tử, với những trang web chuyên bán đồ hiệu giảm giá như Veepee, Showroomprive ở Pháp và một số nước châu Âu.
Các mặt hàng mang tính thời trang, theo mùa như quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện thường giảm giá mạnh vào cuối mùa. Những người khéo lựa chọn, và phối đồ tốt thì khả năng tiết kiệm được rất nhiều khi mua được đồ hiệu với giá rất ưng ý.
Vừa chống "viêm hầu bao", vừa bảo vệ môi trường
Nhưng đồ đã qua sử dụng đâu chỉ có đồ hiệu. Ở Pháp nơi tôi sống, mặt hàng đã qua sử dụng được mua bán nhiều nhất là đồ nội thất trong nhà, tiếp đó là xe ô-tô, quần áo, sách, và đồ chơi. Nhiều hệ thống siêu thị lớn như Leclerc, Auchan, Carrefour có một quầy thu mua đồ cũ, đổi lại là voucher mua hàng ngay trong siêu thị đó.
Ở nhiều nước châu Âu khác cũng vậy, phần lớn người dân quan niệm rằng việc mua đồ đã qua sử dụng không chỉ vì yếu tố giá cả, mà thêm vào đó là ý thức bảo vệ môi trường, tái sử dụng và không lãng phí.
Một nét văn hóa rất hay ở Pháp là ở bất kỳ phường xã nào, cũng sẽ có những ngày bán đồ cũ trong năm, thường là chuẩn bị vào mùa hè. Các gia đình sẽ dọn dẹp nhà kho, xem lại những món đồ cũ nào còn sử dụng tốt nhưng không có nhu cầu, sẽ đem ra bán.
Dù số tiền thu về không nhiều, nhưng cái đạt được là niềm vui không để lãng phí. Quan trọng hơn, những gia đình có con nhỏ thì đây là một dịp rất tốt để giáo dục con cái về giá trị của đồng tiền, của lao động, của sự gìn giữ đồ đạc cẩn thận vì thông thường trẻ con được dùng số tiền bán đồ cũ để mua món đồ mới khác.
Trong chi tiêu, có một tiêu chí quan trọng là giá cá/chất lượng. Nghĩa là, cũng với mức giá đó, người mua có được hàng hóa hay dịch vụ tốt nhất - hay trong kinh tế học gọi là độ hữu dụng cao nhất. Những người trẻ tuổi, vì muốn cả hai tiêu chí đồ hiệu và giá tốt thì cần phải bỏ thêm thời gian để tìm kiếm, lựa chọn để bù lại.
Những nhu cầu như vậy sẽ tăng mạnh ở những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Người trẻ dùng đồ hiệu đã qua sử dụng, vì vậy là một xu thế cần khuyến khích, nói theo xu hướng thời thượng là kinh tế tuần hoàn.
Chính vì vậy, nhu cầu dùng đồ hiệu chính đáng của người trẻ vẫn có thể đáp ứng được nếu biết cách. Khi đó, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường. Người trẻ mà có cả 2 đức tính này, lại biết dùng đồ hiệu, bảo sao không đáng yêu hơn!