Nỗ lực sẽ trở nên "độc hại" khi bạn có 3 tư duy này | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
23 Thg 04, 2024

Nỗ lực sẽ trở nên "độc hại" khi bạn có 3 tư duy này

Liệu chúng ta có đang đánh giá quá cao sự nỗ lực?
Nỗ lực sẽ trở nên "độc hại" khi bạn có 3 tư duy này

Nguồn: Pexels

Không phải ngẫu nhiên mà văn hoá từ Đông sang Tây đều đề cao sự nỗ lực. Trong thế giới có nhiều biến động, niềm tin “mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng” giúp chúng ta vững tâm để tiếp tục phát triển bản thân.

Nhưng có khi nào niềm tin này cũng trở thành “độc hại”?

Có những cuộc thi dù trước đó bạn có tập trung thế nào thì điểm số cũng không cao. Có những dự án, dù đầu tư tâm huyết thế nào thì đổi lại vẫn là những lời nhận xét không tốt và không suôn sẻ để đi tiếp những giai đoạn tiếp theo.

Những lúc như vậy liệu bạn có giống như mình, thường quay ra tự hỏi: Có phải mình nỗ lực chưa đủ? Hay là, nỗ lực không thực sự mang đến thành công như người ta nói?

Đôi khi vấn đề không nằm ở việc bạn không nỗ lực, hay nỗ lực chưa đủ, mà là nỗ lực quá nhiều với tư duy không phù hợp. Điều này khiến bạn không đạt được kết quả như mong muốn, hay thậm chí còn dẫn tới việc bạn bị kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần.

Trong bài viết này, mình chia sẻ vài quan sát cá nhân về những hiểu lầm thường gặp về sự nỗ lực, thông qua phân tích vài cách hiểu khác nhau cho câu chuyện quen thuộc Rùa và Thỏ.

* Bài viết là phiên bản rút gọn của tập podcast “Nỗ lực sẽ trở nên 'độc hại' khi bạn có 4 tư duy này”, bạn có thể truy cập kênh YouTube @hoangthoughts để nghe nội dung đầy đủ.

Rùa hay thỏ?

Minh hoạ bởi Sasha Kolesnik
Minh hoạ bởi Sasha Kolesnik.

Có thể bạn đã quá quen thuộc với câu chuyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ, nhưng mình sẽ tóm tắt nhanh lại câu chuyện này:

Thỏ thấy rùa đang tập chạy bộ cho khỏe đã buông lời mỉa mai và bỡn cợt. Vì thế cả hai đã có một cuộc thi chạy xem ai là người chạy nhanh hơn. Vốn xem thường rùa là loài chậm chạp, thỏ đã chểnh mảng trong cuộc thi. Rùa thì từng bước chậm rãi nhưng kiên trì nên cuối cùng đã giành được chiến thắng.

Và bài học rút ra là:

  • Nếu bạn không tài năng hơn người thì phải nỗ lực.
  • Nếu bạn có tài năng, mà không nghiêm túc, tận dụng tài năng thì cũng sẽ gặp thất bại.

Hỏi thật điều này nhé, nếu được chọn, bạn sẽ là nhân vật nào trong câu chuyện này?

Bạn có muốn làm rùa không?

Mình thì không. Thành thật mà nói, dù rùa là tấm gương tốt trong câu chuyện này thì mình, và chắc là cả bạn nữa, đều không muốn phải vào vai một nhân vật không có tài năng.

Mà nếu có, thì tại sao chúng ta lại phải chấp nhận tham gia vào một trận đấu hoàn toàn nằm ngoài năng lực của mình? Một trận đấu mà kết quả hoàn toàn nằm vào tay đối thủ, hay nói đúng hơn là chỉ có thể chiến thắng nếu người khác mắc sai lầm.

Bạn có muốn tài năng như thỏ không?

Lúc nhỏ khi được nghe người lớn kể câu chuyện này, mình từng cảm thấy đáng thương cho bạn thỏ nhiều hơn là đáng ghét. Mình đã nhủ thầm, nếu mình là thỏ thì chẳng đời nào lại lơ là như vậy. Mình sẽ thắng thật nhanh, rồi mới đi hái hoa bắt bướm.

Một khi đã có tài năng rồi, thì chiến thắng là do mình quyết định, không cần phải chờ vào may mắn, cầu cho đối thủ của mình gặp phải xui rủi.

Bây giờ khi đã lớn, mình tự có những góc nhìn khác về câu chuyện này. Mình không phủ nhận tầm quan trọng của sự nỗ lực, nhưng đôi khi chính câu chuyện Rùa - Thỏ rất phổ biến này, cũng có thể tạo ra những lầm tưởng biến sự nỗ lực của chúng ta vô tình lại trở thành sự cản trở.

Cùng mình tìm hiểu các lầm tưởng này ngay sau đây nhé.

Lầm tưởng 1: Nỗ lực luôn mang lại kết quả bạn mong muốn

Trong câu chuyện rùa và thỏ, thử giả sử cuộc đua này theo thể thức thi đấu 3 hoặc 5 vòng, giống như các giải đấu game esport hiện giờ, để tăng tính chiến thuật và giảm tối thiểu yếu tố chiến thắng nhờ may mắn. Sau khi thua ở trận đầu tiên, thỏ bắt đầu nghiêm túc, liệu rùa còn có cơ may nào chiến thắng?

Có một sự thật phũ phàng nhưng cần chấp nhận là xã hội của chúng ta có sự phân tầng. Sự bất công luôn tồn tại. Đôi khi thứ bạn mong muốn có thể cách quá xa khả năng và nguồn lực hiện tại. Chỉ nỗ lực tự thân thôi sẽ không đủ để bạn đạt được thứ mình muốn.

Theo Malcolm, tác giả của cuốn sách Những kẻ xuất chúng, những người thành công trông có vẻ đã tự thân làm tất cả mọi thứ để tạo ra sự thành công đó. Nhưng trên thực tế, họ là những người được thụ hưởng những lợi thế ẩn giấu và cơ may phi thường mà người khác khó có được.

Những lợi thế ẩn giấu này có thể đến từ:

  • Thời điểm và nơi chốn họ ra đời
  • Công việc mà cha mẹ họ làm để kiếm sống
  • Truyền thống gia đình, chủng tộc, dân tộc
  • Bối cảnh kinh tế-xã hội trong quá trình họ trưởng thành

Những di sản này cho phép họ học hành, làm việc chăm chỉ và nhìn nhận thế giới bằng cách thức mà người khác không thể.

Trong trường hợp của Steve Jobs và Bill Gates, cả hai đều sinh ra vào năm 1955 và sinh sống trong môi trường cho phép họ tiếp xúc với điện tử từ rất sớm. Khi họ 20 tuổi thì thị trường máy tính cá nhân cũng bắt đầu phát triển. Cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, khả năng, tính cách của bản thân và những yếu tố ngẫu nhiên khác như gặp được những người cộng sự tài ba, hay nhờ mối quan hệ của gia đình, niềm đam mê của họ mới có cơ hội tạo nên kỳ tích.

Tuy nhiên, cả quãng đời dài mấy chục năm của họ (và nhiều danh nhân khác) vẫn thường được gói gọn lại bằng một cuốn sách chỉ vài trăm trang, hoặc được chúng ta nhớ đến chỉ qua vài ba câu nói.

Hoặc như câu chuyện của mình, cứ tưởng rằng thời sinh viên của mình đã là một thử thách ghê gớm lắm rồi, với việc phải tự đi làm thêm thâu đêm để có tiền đóng học phí theo đuổi ngành học mà mình thích.

Cho đến khi sau này câu chuyện về một bạn thuê nhà của mình đã khiến mình có thêm góc nhìn khác về sự nỗ lực.

Sau khi cho bạn ấy khất nhiều tháng tiền nhà, mình phải làm nặng làm nhẹ để đòi tiền, thì lúc đó mới biết hóa ra bạn là trẻ mồ côi. Sau khi đủ 18 tuổi thì bạn rời khỏi trung tâm, đi học và tự mưu sinh hoàn toàn cho cuộc đời của bạn. Và đợt đó bạn bị bệnh nên ngoài việc học ra thì không có việc làm thêm để có tiền nhà, tiền ăn là nhờ tích cóp và được người mẹ nuôi ở trung tâm giúp đỡ, nhưng cũng không được nhiều.

Lần đó, mình nhận ra là hoàn cảnh của mình cũng còn may mắn lắm, vì ít nhất mình vẫn có một mái nhà để ở mà không phải trả tiền, và nền tảng sức khỏe đủ tốt để duy trì sự nỗ lực. Có khi nhờ vậy, mà mình mới có thể vượt qua được 4 năm đại học.

Vậy đó, cuộc sống này vốn dĩ bất công. Dù muốn dù không mỗi người đều sẽ có những xuất phát và hoàn cảnh rất khác nhau.

Vậy rồi chúng ta có thể làm gì?

Bagravei viết lagrave phiecircn bản ruacutet gọn của tập podcast ldquoNỗ lực sẽ trở necircn độc hại khi bạn coacute 4 tư duy nagraveyrdquo bạn coacute thể truy cập kecircnh YouTube hoangthoughts để nghe nội dung đầy đủ
Xã hội thực tế không chỉ có “rùa” và “thỏ”, hay chỉ toàn những cuộc thi đấu tranh giành kẻ thắng người thua.

Chấp nhận giới hạn của bản thân cũng là một bước trong hành trình trưởng thành. Nếu mục tiêu hiện tại đang làm bạn kiệt sức, nặng hơn là gặp vấn đề về tâm lý và ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày, thì hãy thử điều chỉnh lại mục tiêu của bản thân chứ đừng chỉ chăm chăm nỗ lực cho nó.

Xã hội thực tế không chỉ có “rùa” và “thỏ”, hay chỉ toàn những cuộc thi đấu tranh giành kẻ thắng người thua. Hãy xem nó giống như một cuộc leo núi, người khác có thể lên tới đỉnh trước bạn, nhưng đỉnh núi vẫn ở đó, cảnh quan hùng vĩ vẫn ở đó để chờ bạn ngắm nhìn. Sẽ luôn có chỗ đứng cho bạn trên đỉnh núi, bên cạnh những người khác.

Lầm tưởng 2: Nỗ lực chỉ dành cho những người không có năng lực

Lầm tưởng này là một định kiến xấu, xuất phát từ bài học “Người không có năng lực thì phải cố gắng hơn người”.

Trong một lớp học, luôn có một cậu học sinh giỏi luôn tỏ ra lười biếng, không quan tâm tới học hành, nhưng tối nào cũng phải thức khuya học bài.

Trong công ty, luôn có một bạn đồng nghiệp với câu cửa miệng “cái này dễ không ấy mà” cho bất cứ công việc nào, nhưng lại phải mang việc về nhà, cố gắng tìm đủ mọi cách xoay xở để hoàn thành.

Đây là những người đang chịu áp lực chứng minh mình là người có năng lực theo một cách độc hại, thông qua việc thể hiện mình không cần phải nỗ lực nhiều để đạt thứ mình muốn. Việc này vừa tạo ra những áp lực không đáng có lên bản thân, vừa khiến người khác đánh giá sai về họ.

Đây là một vài dấu hiệu cho thấy bạn đang có lầm tưởng này:

  • Bạn có chút vui khi thấy người khác nỗ lực hoàn thành công việc mà bạn có thể làm dễ dàng;
  • Bạn cho rằng nếu một người không thể làm tốt việc mà mình làm tốt, thì người đó năng lực không bằng mình;
  • Luôn tỏ ra thông minh, và tìm cách che giấu sai lầm hay khuyết điểm.

Liên quan đến những biểu hiện này có một thứ gọi là “hội chứng con vịt”. Hội chứng con vịt miêu tả tình trạng một người luôn cố tỏ ra hoàn hảo trong mắt mọi người và lúc nào cũng có vẻ chẳng cần cố gắng gì, nhưng thực chất, họ đang chịu rất nhiều áp lực và nỗ lực trong âm thầm. Tên gọi của hội chứng này xuất phát từ cách loài vịt bơi. Nhìn bên trên thì vịt lướt nhẹ trên mặt nước, nhưng bên dưới thì chân nó phải đạp một cách cật lực.

Lầm tưởng 3: Nếu không có năng lực hơn người thì nỗ lực thành công chẳng qua là do may mắn

Lầm tưởng này xuất phát từ cách hiểu rằng: vì thỏ đã lơ là nên những nỗ lực của rùa mới có thể mang lại chiến thắng. Những người vốn dĩ đã bị cho là không có năng lực, nếu có đạt được thành tựu thì chẳng qua cũng là do may mắn.

Đành rằng, đã nói là “nỗ lực thôi là không đủ”, nhưng không có nghĩa là nỗ lực không quan trọng. Nếu hoàn cảnh của bản thân đã có giới hạn, nhưng lại chỉ ngồi một chỗ than phiền thì thực tế cũng không thay đổi.

Mình có một quan điểm như thế này: Câu nói “thành công này là do may mắn” chỉ nên được nói ra bởi chính chủ nhân của thành công đó, bất kỳ người nào khác đều không nên. Bởi vì vế nào trong câu nói này, nếu khác đi đều sẽ tạo ra những kết quả không hay lắm.

Nếu người thành công luôn cho rằng, thành tựu của mình chỉ do năng lực và nỗ lực, họ sẽ dần đánh mất đi thái độ biết ơn, và nuôi dưỡng cái tôi ngày một lớn.

Còn nếu những người khác, khi cho rằng người đang đạt được thành công kia là do may mắn, thì vô tình không thừa nhận năng lực và sự nỗ lực của người đó. Đồng thời cũng góp phần tạo ra một nền văn hóa mà ai cũng sợ thành công của mình bị coi là do may mắn.

Khi đó, chúng ta thà tìm cách thể hiện mình là người luôn hoàn thành mọi việc một cách nhẹ nhàng, còn hơn bị xem là người không có năng lực, nỗ lực thành công chẳng qua là do may mắn.

Hãy nhớ rằng thành công là tổng hợp của cả sự may mắn, sự nỗ lực, và cả năng lực của bạn nữa. Thiếu đi bất kỳ yếu tố nào, thành công sẽ không thể bền lâu.

Kết

Quay lại câu hỏi ban đầu: Nếu được chọn, bạn sẽ là nhân vật nào trong câu chuyện Rùa và Thỏ?

Hy vọng qua bài viết này, cả bạn và mình đều có cùng câu trả lời, hãy đừng là Rùa, nhưng cũng đừng là Thỏ.

Nếu bạn có tài năng hãy nỗ lực rèn dũa cho tài năng đó trở nên sắc bén. Năng khiếu nếu không có sự đầu tư cùng nỗ lực thực hành, nó sẽ không thể trở thành tài năng. Nếu phải nỗ lực, thì cũng sẽ nỗ lực vì đó là điều mình cần, chứ không phải là để chứng minh cho người khác thấy.

Và luôn hiểu rằng, tài năng hay nỗ lực đều quan trọng, nhưng thành công lại ẩn chứa nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát. Chính vì thế đừng để những định kiến về thành công của xã hội làm cho bạn phải lao vào những cuộc đua không phù hợp với bản thân mình.

Sau cùng, việc phân loại giữa những người nỗ lực và những người không nỗ lực lại không hẳn là điều tốt, vì cuộc đời này không rõ ràng như vậy. Đôi khi ta cũng có thể đầu hàng, ngừng nỗ lực để nghỉ ngơi, để bắt đầu lại từ đầu. Và vì cuộc sống này không nhất thiết phải có nhiều thành công.