Khi còn đi làm ở công ty truyền thông, với một mức lương và chế độ tương đối cao so với các công ty khác, tôi vẫn thường được nghe những lời phàn nàn về tiền bạc của những người đồng nghiệp. Không ít người nguyền rủa đồng tiền, bởi những mặt trái do nó gây ra.
Tiền có thể gây tranh chấp, xung đột giữa những người trong gia đình.
Tiền có thể khiến vợ chồng bất hòa với những cuộc cãi cọ.
Tiền có thể gây tan vỡ tình bạn vì mượn mà không trả đúng hạn.
Tiền có thể khiến đứa con xấu hổ vì bị cô giáo nhắc chưa đóng học phí trên lớp.
Tiền khiến chúng ta trở nên lao đao và biến người tốt thành người ích kỉ, gây bất hòa, xấu tính,…
Chúng ta sẽ ước rằng: Tiền, mày đừng có thì tốt biết mấy!
Nhưng điều đó là không thể.
Tiền có mặt trên cõi đời này từ rất lâu, không biết chính xác từ lúc nào. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những đồng tiền kim loại từ năm 600 trước công nguyên.
Chúng ta không thể tránh được tiền. Vậy làm thế nào để chung sống hòa bình với tiền? Hãy làm bạn với nó. Nó sẽ giúp bạn sống vui vẻ, thoải mái và hạnh phúc hơn.
Tại sao cần làm bạn với tiền?
Đồng tiền có 2 mặt, phải và trái. Bạn thích lựa chọn mặt nào. Bạn hãy thử phân tích những lợi ích mà tiền mang lại thay vì nhìn chằm chằm vào những tiêu cực do nó mang lại. Thực tế, tiền không mang lại điều tồi tệ cho bạn mà do hành động của người cầm tiền.
Một số lợi ích của tiền mà tôi liệt kê dưới đây:
- Tiền giúp tôi mua đồ ăn ngon, quần áo đẹp
- Tiền giúp tôi mua phương tiện đi lại, điện thoại thông minh, laptop
- Tiền giúp tôi đi du lịch khắp nơi trên đất nước Việt Nam và nước ngoài
- Tiền giúp tôi được học hành tử tế
- Tiền mua được nhiều thứ khiến bố mẹ tôi vui mỗi khi về thăm nhà
- Tiền giúp tôi có những buổi cà phê với bạn bè ở những quán view đẹp, chỗ ngồi mát mẻ, nước uống ngon lành
- Tiền còn giúp tôi tự tin hơn khi ra đường
Rõ ràng, việc có tiền giúp chúng ta có nhiều thứ. Bạn hỏi rằng “Tiền có mua được hạnh phúc hay không?” Tôi tin rằng tiền mua được hạnh phúc.
Một ngày cuối tuần, bạn mua một chiếc lọ rất đẹp cùng những bông hoa tươi, bạn sẽ vui hơn ngày thường. Tiền mua những cốc cà phê để bạn cùng bạn bè chém gió xuyên lục địa khiến bạn thoải mái hơn. Tiền mua vé máy bay, vé xe đến những vùng đất mới lạ giúp bạn có thêm hiểu biết, khám phá hoặc nghỉ dưỡng sau những ngày lao động vất vả. Dù bố mẹ bạn không thích bạn mua quà cáp nhiều mỗi khi về nhà nhưng bố mẹ sẽ tự hào khoe với hàng xóm khi bạn nhớ sinh nhật và gửi tặng những hộp thuốc bổ, quần áo, chuyến du lịch hay đồ ăn. Nếu không có tiền, chúng ta không làm được những điều này.
Không phải tiền làm được tất cả mọi việc (ví dụ như bệnh nan y) nhưng chắc chắn tiền làm được nhiều việc khiến chúng ta vui và hạnh phúc. Nếu có nhiều tiên, thậm chí bạn còn có thể du lịch vũ trụ - một điều tưởng chừng như mơ hão khi chúng ta còn bé.
Vậy chẳng có lý do gì để tôi từ chối làm bạn với tiền.
Những vấn đề khiến chúng ta mất kết nối với tiền bạc
Một số thói quen, tâm lý và định kiến về tiền bạc đã khiến chúng ta mất kết nối với chúng.
Bạn có thể hạnh phúc mà chẳng cần tiền
Điều này có thể đúng hoặc không. Bạn cần làm việc để có tiền đáp ứng đủ những nhu cầu cơ bản, trừ phi bạn tự làm ra thực phẩm để ăn và không cần những nhu cầu khác. Nếu bạn được người khác nuôi, bạn có cảm nhận sự hạnh phúc thực sự không? Tùy vào suy nghĩ của mỗi người, bạn sẽ cảm nhận được bạn có cần tiền để hạnh phúc hơn không.
Ghét sự giàu sang và xem những người thích tiền là những kẻ vật chất
Trước đây, nhà tôi rất nghèo. Những buổi sinh hoạt cuối tuần thường là ác mộng đối với tôi. Cô giáo chủ nhiệm thường nhắc tên từng người chưa đóng tiền học phí. Tôi là một học sinh khá giỏi của lớp, thường tham gia trong các đội tuyển học sinh giỏi và cũng hay được nhắc tên nộp học phí chậm. Kể từ đó, tôi có ác cảm với đồng tiền. Tôi không thích giàu có. Tôi chỉ cần một cuộc sống tàm tạm là được. Tôi không làm bạn với những người tính toán, ki bo với tiền bạc. Tôi nghĩ họ là những kẻ ham vật chất. Tất cả điều này dẫn đến thái độ tiêu cực của tôi đối với tiền trong một thời gian dài và kể cả khi đi làm với mức lương tốt, tôi vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống.
Những điều mà tôi nhận ra sau một số những kinh nghiệm xương máu
Không phải tất cả những người thích tiền là ham vật chất. Có nhiều người chỉ thích tiền tự mình kiếm ra, không phải lấy của ai.
Ghét sự giàu sang chỉ khiến bạn có thái độ không tốt với tiền. Bạn sẽ thường đau đầu, căng thẳng vì đồng tiền
Ngại nói về tài chính
Tài chính, cụ thể hơn về tiền bạc, chúng ta ít nói về chúng trong cuộc sống hằng ngày. Điều này thật kì lạ. Tiền là thứ gắn với nhiều hoạt động nhưng chúng ta lại ngại trao đổi với nhau.
Bố mẹ không muốn con cái biết quá sớm về tiền bạc vì sợ chúng hư hỏng. Lý do cũng khá buồn cười mà tôi thường gặp ngày bé.
Tài chính cá nhân là một điều cần thiết và không có trường học nào dạy. Có nhiều thứ chúng ta cần và không được học. Có những thứ chúng ta học và lại chẳng có ích gì ngoài cuộc sống.
Thay vì ngại ngần, bạn hãy chia sẻ với những người xung quanh là bố mẹ, bạn bè, vợ chồng về những vấn đề tài chính, học hỏi nhau cách tiết kiệm, đầu tư,… Khi bạn thoải mái trao đổi những gì mình biết về tiền, bạn sẽ dần kết nối với đồng tiền.
Hãy bắt đầu nuôi dưỡng một mối quan hệ với tiền
Thay đổi những thói quen cũ khó hơn cả việc bắt đầu một thói quen mới. Tiền bạc đã gắn liền với chúng ta từ khi còn bé. Bây giờ, bạn cần thay đổi toàn bộ những gì đã nghĩ về Tiền. Điều này cực kì khó nhưng không phải là không thể.
Định giá những gì mình đang có
Nếu cho bạn 1 tỷ, bạn có đổi lấy niềm tự hào của bố mẹ về mình hay không?
Nếu cho bạn 10 tỷ, bạn có dám đánh đổi hết niềm vui trong cuộc sống này hay không?
Nếu là tôi thì không bao giờ.
Tôi có thể dùng một khoản tiền nhỏ để tạo ra niềm vui cho mình. Nhưng khi tôi có niềm hạnh phúc rồi, với tôi, tất cả là vô giá. Và tôi cũng là một người giàu có.
Tôi tin rằng, bạn cũng là một tỷ phú của chính mình.
Ngừng than vãn về tiền bạc
Bạn hãy giải phóng cảm xúc tiêu cực ra khỏi tâm trí và ngừng than vãn về tiền bạc.
Đặt tên cho mối quan hệ với Tiền bạc
Bạn có thể đặt tên cho mối quan hệ giữa bạn với tiền bạc như: bằng hữu, cộng sinh, tình yêu,…
Nếu bạn bày tỏ việc bạn yêu tiền của chính mình, đó là điều vô cùng bình thường. Yêu bằng hữu thôi mà, có gì đâu mà phải ngại, đúng không nào?
Trên đây là những ý kiến của tôi về việc nuôi dưỡng mối quan hệ với tiền – con đường đến với tự do tài chính. Bạn hãy thử thay đổi tư duy để gắn bó với thứ hằng ngay luôn bên cạnh mình nhé!