Quiet Firing: Sa thải hay không, xin nói một lời! | Vietcetera
Billboard banner

Quiet Firing: Sa thải hay không, xin nói một lời!

Người quản lý không trực tiếp thông báo sa thải mà âm thầm gây khó dễ để nhân viên tự nguyện rời đi.
Quiet Firing: Sa thải hay không, xin nói một lời!

Nguồn: Unsplash

1. Quiet firing là gì?

Quiet firing là một hình thức “đuổi khéo” nhân viên. Người quản lý không trực tiếp thông báo sa thải mà âm thầm gây khó dễ để nhân viên tự nguyện rời đi. Entrepreneur magazine ví đây như một lời chia tay không đủ can đảm để nói.

Quiet firing là một kiểu gây hấn thụ động (passive-aggressive). Bạn sẽ cảm thấy như người thừa khi liên tục bị sếp “bơ,” đứng ngoài những cuộc họp, buổi tụ tập, những dự án mới. Hoặc ngược lại, bạn được giao một lượng công việc quá sức, phải làm quá giờ và nếu mắc lỗi, sếp sẽ “hỏi thăm.”

Tất cả để dẫn đến một lựa chọn duy nhất - thôi việc. Quá trình này có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng thậm chí vài năm.

2. Nguồn gốc của quiet firing

Một trong những ghi nhận đầu tiên về quiet firing là từ bài tweet của người dùng Randy Miller vào tháng 8/2022. Chỉ sau đó vài ngày, thuật ngữ tiếp tục được nhắc đến trong video TikTok của nhà sáng tạo nội dung người Mỹ DeAndre Brown và bài đăng trên LinkedIn của nhà tuyển dụng Bonnie Dilber. Đến tháng 9 cùng năm, từ khóa “quiet firing” đã đạt đỉnh điểm về lượt tìm kiếm trên Google.

Quiet firing là phiên bản “sinh sau đẻ muộn” của quiet quitting - hình thức nghỉ việc trong tư tưởng. Cố vấn kinh doanh Pavel Turner cho rằng nó xuất hiện bởi “sếp âm thầm đuổi thì nhân viên mới âm thầm nghỉ.”

httpsimgvietceteracomuploadsimages04jul2023quietquittingfiringcompjpg
Bài viết gây chú ý của Bonnie Dilber | Nguồn: The New York Post

Nhưng từ trước khi quiet firing phổ biến, luật lao động của Anh Quốc, Canada và Hoa Kỳ đã có thuật ngữ constructive dismissal hay constructive termination. Chúng đều chỉ những hành vi của người sử dụng lao động khiến người lao động phải thôi việc.

3. Vì sao quiet firing trở nên phổ biến?

Vào tháng 6/2022, một đoạn ghi âm cuộc họp nhân sự của Tập đoàn Meta đã hé lộ về những nguyên tắc làm việc và yêu cầu năng suất ngặt nghèo đến mức một số nhân viên phải “dứt áo ra đi.” Điều này cho thấy hiện tượng đuổi việc âm thầm đã bén rễ từ trước khi quiet firing xuất hiện.

Sau đó, LinkedIn cũng đã làm một cuộc khảo sát với hơn 20,000 người dùng về tình trạng này. Và kết quả là gần một nửa trong số họ đã bắt gặp trường hợp tương tự và 35% từng là nạn nhân.

Nhưng vì sao nhiều người quản lý không chọn “nói thẳng nói thật” dù thế nào cũng gây mất lòng?

Đầu tiên, để sa thải một nhân viên, công ty cần phải trình bày lý do, minh chứng và trải qua các thủ tục pháp lý. Điều này được áp dụng với trường hợp nhân viên vi phạm các điều khoản rõ ràng trong hợp đồng.

Nhưng nếu nguyên nhân đến từ những hiềm khích cá nhân thì cấp trên không thể đuổi việc một người vì họ “không làm tăng ca, không bao ăn.” Hơn nữa, nhiều chủ doanh nghiệp cũng tránh hết mức những vụ kiện tụng, bồi thường nhân sự.

Bên cạnh đó, Cố vấn nhân sự Sara Causey cho rằng không công ty nào muốn trở thành kẻ xấu trên truyền thông. Các sự kiện sa thải trước giờ đều mất điểm trong mắt công chúng. Chẳng hạn, vụ sa thải 900 nhân viên của công ty Better.com chỉ qua một cuộc gọi trên Zoom đã khiến CEO của công ty này phải từ chức tạm thời.

Theo Cố vấn kinh doanh công nghệ Pavel Turner, quiet firing còn là tác dụng phụ của hình thức làm việc trực tuyến. Các tương tác từ xa không tạo những gắn kết đồng nghiệp như khi gặp mặt tại văn phòng.

Vì thế, người quản lý có thể sẵn sàng “ghost” nhân viên bằng việc không xem, không trả lời tin nhắn, không thông báo về các cuộc họp.

Đôi khi, chính những nhà quản lý cũng không nhận thức được hành vi của mình. Christopher Kayes, Giáo sư Đại học George Washington, nhiều người không được đào tạo để quản lý những nhân viên kém hiệu quả. Thay vì trao đổi và phát huy khả năng của họ, nhiều cấp trên lại chỉ nhìn họ như “con sâu làm rầu nồi canh.”

Tuy nhiên, những người mất mát nhiều nhất trong môi trường độc hại vẫn là nhân viên. Liên tục trong cảm giác bị loại trừ, từ chối có thể khiến họ đánh mất sự tự tin. Điều này lâu dần thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm (self-fulfilling prophecy), năng suất làm việc của họ càng sụt giảm.

Đến khi các nhân viên chia sẻ trải nghiệm của mình lên mạng xã hội, danh tiếng của công ty cũng khó mà đứng vững. Và một cuộc nghỉ việc “dây chuyền” có thể ngốn đến hàng nghìn đô của công ty để sửa chữa lỗi lầm.

4. Cách dùng quiet firing

Tiếng Anh

A: I can't stand my boss anymore. He didn't reply to my email and then told me off because I didn't ask him beforehand. And whenever I raise new ideas, he's just like "Ok, next!" What’s wrong with him?

B: I had a feeling that your boss is actually quiet-firing you. Don’t you think so?

Tiếng Việt

A: Chị không thể chịu nổi ông sếp nữa. Ổng đã không trả lời email rồi còn mắng chị tại sao không hỏi trước khi làm. Mà mỗi khi chị đề xuất ý tưởng mới thì ông ý lại kiểu “Rồi, lướt!” Ông ý bị gì vậy?

B: Em có cảm giác ông ý đang “đuổi khéo” chị đấy. Chị có nghĩ vậy không?