Vì sao gen Z Việt ngày càng chi mạnh tay cho các trải nghiệm? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
14 Thg 11, 2024

Vì sao gen Z Việt ngày càng chi mạnh tay cho các trải nghiệm?

Thậm chí người trẻ Việt thuộc nhóm “chịu chi” cho các hạng mục ăn uống, du lịch và giải trí nhất Đông Nam Á. Điều gì đã thúc đẩy xu hướng này?
Vì sao gen Z Việt ngày càng chi mạnh tay cho các trải nghiệm?

Nguồn: Baphi @ Pexels

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Mới đây ngân hàng UOB và công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) đã công bố kết quả Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng Đông Nam Á (ACSS). Nghiên cứu được thực hiện trên 5000 người tiêu dùng thuộc các nhóm nhân khẩu học khác nhau đến từ Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia (mỗi nước có 1000 người tham gia).

Theo đó, 42% trong số 1000 người Việt tham gia nghiên cứu đã chi tiêu nhiều hơn cho các trải nghiệm du lịch, giải trí và nghỉ dưỡng so với năm 2023. Trong đó gen Z là nhóm gia tăng mạnh nhất, với 47% người tiêu dùng nhóm này cho biết đã chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động và trải nghiệm. Con số này cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực ASEAN (35%).

Ngoài ra, hơn 70% người Việt Nam tham gia khảo sát bày tỏ tin tưởng vào triển vọng kinh tế đất nước trong 6-12 tháng tới. Con số này cũng cao hơn mức bình quân 54% của khu vực - một lần nữa cho thấy độ “chịu chi” của người Việt cho các trải nghiệm thời gian gần đây.

13nov2024toadamjpg173131698498011731317073jpg
Đại diện UOB chia sẻ kết quả nghiên cứu. | Nguồn: VNExpress

2. Người Việt có xu hướng chi tiêu cho những trải nghiệm nào?

Nghiên cứu của UOB và BSC chỉ ra rằng, tâm lý tích cực, tin tưởng vào triển vọng kinh tế đất nước đã thúc đẩy người Việt chi mạnh hơn cho 3 hạng mục: giáo dục con cái, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ tiện ích. Bên cạnh đó, khi các hình thức làm việc từ xa, digital nomad trở nên phổ biến, nhóm khách gen Z cũng có điều kiện xê dịch nhiều hơn.

Theo số liệu của UOB, tổng doanh số thanh toán qua thẻ cho các chi tiêu trải nghiệm tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay tăng bình quân 48% so với năm 2023. Trong đó, chi tiêu cho du lịch tăng 83%, ăn uống tăng 17%, chủ yếu tập trung ở nhóm khách hàng gen Z.

3nov2024z3874806523197e73f5adf9d7bcac9dd9125dc0329f7d69119jpg
Gen Z Việt chi mạnh tay cho các hạng mục du lịch, ăn uống và concert. | Nguồn: Phạm Thị Hà

Theo bà Vân Đặng, Giám đốc dự án tại BCG, sự thay đổi nhân khẩu học và xu hướng chi tiêu nói trên sẽ định hình tương lai của tiêu dùng Việt Nam.

Cụ thể, gen Z hiện chỉ chiếm 15% dân số Việt Nam, nhưng lại đóng góp đến 40% chi tiêu bên ngoài gia đình như ăn uống tại hàng quán, du lịch, giải trí và đặc biệt là xem concert. Chuyên gia Vân Đặng cũng nhận định, khoảng 60-70% mức tiêu thụ trên thị trường Việt Nam vào năm 2050 sẽ đến từ gen Z và gen Alpha.

“Chúng tôi tin rằng giới trẻ sẽ tiếp tục chi tiêu “mạnh tay” cho các trải nghiệm. Điều này được thúc đẩy bởi mức thu nhập của họ, cũng như sức ảnh hưởng của mạng xã hội khi các chương trình giải trí, dịch vụ quảng bá mạnh mẽ”, ông Paul Kim, Giám đốc khối Dịch vụ Tài chính cá nhân tại UOB Việt Nam đánh giá.

Một báo cáo khác do ngân hàng HSBC thực hiện hồi tháng 6 cũng cho kết quả tương tự về sự thay đổi xu hướng tiêu dùng. Theo đó, hơn 71% gen Z tại Hong Kong và Đông Nam Á coi du lịch là động lực chính để làm việc, vượt xa so với mua nhà (39%) và lập gia đình (34%). Người tiêu dùng gen Z có xu hướng du lịch trung bình 3 lần trong năm, chi tiêu khoảng 114 triệu đồng, tương đương 13% thu nhập.

3. Ngành tài chính đã làm gì để bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới?

Ông Paul Kim cho rằng, các nghệ sĩ quốc tế cũng nhận thấy tiềm năng ngày một lớn mạnh tại thị trường ASEAN, từ đó tổ chức concert, fanmeeting ở khu vực này nhiều hơn. Bản thân UOB cũng đã “đón đầu” xu hướng này, khi hợp tác với ban tổ chức The Eras Tour của Taylor Swift tại Singapore, tour lưu diễn của Ed Sheeran hay chương trình Rap Việt tại Việt Nam.

Có thể thấy khi nhóm khách hàng gen Z tăng lên, xu hướng ngân hàng hợp tác với những sự kiện văn hóa, giải trí lớn cũng ngày một phổ biến. Hai ví dụ điển hình nhất của năm 2024 có thể kể đến Techcombank (nhà tài trợ kim cương của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai), VIB (nhà tài trợ chính của Anh Trai Say Hi). Mới đây nhất, VP Bank cũng trở thành nhà tài trợ của Lễ hội Thiết kế Sáng Tạo - một trong những sự kiện văn hóa lớn nhất Hà Nội quý IV năm 2024.

13nov2024techcombankchinhthuccong384773481731323663jpg
Concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai tại TPHCM vào tháng 10/2024. | Nguồn: Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai

Bên cạnh đó, nhiều chương trình hợp tác với thương hiệu ăn uống, du lịch… cũng được các ngân hàng tích cực triển khai. Chẳng hạn trước đây thẻ tín dụng phần lớn đi kèm các ưu đãi về mua sắm thời trang, mỹ phẩm hay đồ nội thất. Nhưng hầu hết các thẻ phát hành từ năm 2022 trở đi đều có thêm nhiều ưu đãi về ẩm thực, mua vé concert, vé máy bay hay sử dụng phòng chờ VIP ở các sân bay lớn.

Cũng theo nghiên cứu của UOB và BSC, có khoảng 44% khách hàng gen Z của UOB đang sở hữu thẻ tín dụng, cao hơn đáng kể so với các thế hệ trước. Tuy nhiên họ lại không sở hữu nhiều sản phẩm mang tính phòng vệ (như tài khoản tiết kiệm, đầu tư hay bảo hiểm).

Con số này lại chủ yếu tập trung ở nhóm khách gen Y, với gần 50% thường xuyên tiết kiệm ít nhất 1/5 tổng thu nhập hàng tháng. Về khối lượng tài sản đầu tư, nhóm khách gen X hiện đang đứng đầu.