Xem Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, nhớ về V-Pop thập niên 2000 | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
12 Thg 07, 2024
Âm Nhạc

Xem Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, nhớ về V-Pop thập niên 2000

Cùng với Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng, Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai gợi nhớ về một thời kỳ nhạc pop thú vị của Việt Nam cũng như văn hóa thần tượng của “những đứa trẻ” ngày đó.
Xem Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, nhớ về V-Pop thập niên 2000

Từ trái sang phải: Hồng Sơn, Tự Long, Tuấn Hưng, Bằng Kiều

Khi Bằng Kiều, Tuấn Hưng, Mr. Dee (rapper Đinh Tiến Đạt) xuất hiện tại gameshow Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, tôi nghĩ nhiều khán giả yêu thích V-Pop đã được sống lại những cảm xúc “ngày xưa”. Cái thời mà ngày hai bữa cắp sách đến trường; thứ hai đọc Hoa Học Trò, chủ nhật xem MTV Miền Nhiệt Đới, cả tuần đợi chờ Quà Tặng Âm Nhạc, Top40 trên XoneFM...

Cùng với đó, nhiều ngôi sao in đậm trong lòng khán giả cũng bước ra sân khấu, không nhất thiết phải là ca sĩ. Nghệ sĩ Tự Long, MC Thành Trung hay danh thủ Hồng Sơn cũng gợi nhớ về những năm tháng ngồi trước màn ảnh nhỏ, cùng với Tiger Cup 1998 hay SEA Games, Gặp Nhau Cuối Tuần hay Gala Cười.

Những ngôi sao “một thời” lần lượt xuất hiện. Từ ca sĩ nhạc thị trường như Phạm Khánh Hưng đến “hoàng tử” teen pop Đăng Khôi; rocker Hoàng Hiệp (Ngũ Cung), Quốc Thiên, Thanh Duy, bên cạnh những gương mặt trẻ hơn như BinZ hay Soobin Hoàng Sơn.

Nhạc trẻ, nhạc nhẹ, nhạc thị trường, tình ca

Có lẽ, hiếm có đất nước nào như Việt Nam, khi nhạc pop (nhạc phổ thông/đại chúng) tuy ra đời muộn nhưng lại đa dạng tên gọi đến vậy. Trước khi hợp lại dưới chiếc “ô” chung là V-Pop, nhạc pop Việt Nam bao gồm nhạc trẻ, nhạc nhẹ, nhạc thị trường, nhạc tình ca.

Trên thực tế, từ những năm 1930, nền Tân nhạc của Việt Nam đã ra đời với phương thức “Ta theo điệu Tây” - nghĩa là mượn giai điệu của những bài hát thịnh hành phương Tây rồi viết lời Việt để dễ chuyển tải đến khán giả nội địa. Từ những điệu nhạc của Pháp, cho đến rock n' roll của Anh và Mỹ đã du nhập vào Việt Nam và dần dần bám rễ, phát triển.

Sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt là sau thời kỳ Đổi Mới (1985), nhạc pop Việt Nam càng phát triển mạnh mẽ. Tầng lớp trẻ đặc biệt yêu thích thể loại âm nhạc này. Cũng vì thế, thuật ngữ nhạc trẻ ra đời, thay thế cho nhạc đại chúng ở Việt Nam.

alt
Nhóm nhạc Quả Dưa Hấu gồm Bằng Kiều, Tú Dưa, Tường Văn và Tuấn Hưng.

Bên cạnh đó, nhạc trẻ cũng là cách gọi để phân biệt với âm nhạc truyền thống, cũng như các thể loại như nhạc tiền chiến, nhạc đỏ... Các nhạc sĩ như Thanh Tùng, Dương Thụ cho đến những Trần Tiến, Nguyễn Cường… đã được xem là “trẻ” và được công chúng trẻ yêu thích từ những năm cuối thập niên 1980.

Những pop diva thế hệ đầu như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà cũng bắt đầu tỏa sáng giữa thập niên 1990. Ít ai biết rằng, đĩa nhạc cùng bản hit Giã Từ Dĩ Vãng của nữ ca sĩ Phương Thanh là CD (compact disc) đầu tiên của Việt Nam được ghi âm và sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam (theo Popular Music of Vietnam, Dale Olsen).

alt
Single Album Giã Từ Dĩ Vãng của “chị Chanh” Phương Thanh.

Bên cạnh nhạc trẻ, nhạc pop những năm 2000 còn bao gồm cả nhạc thị trường (market music) hay nhạc mì ăn liền. Đó là những bài hát dễ nghe, dễ thuộc và thường được cho rằng là thiếu thẩm mỹ, phục vụ cho thị hiếu khán giả đại chúng. Ngoài ra, nhạc pop còn là nhạc nhẹ (light music), nhạc tình ca (love song), Vina pop (viết tắt của Viet Nam pop).

Ngay trong chính Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, khán giả đã lần lượt được nghe lại những bản nhạc pop nổi tiếng trước đây. Từ Quê Hương Tuổi Thơ Tôi, Đường Đến Đỉnh Vinh Quang cho đến Bởi Vì Anh Yêu Em, Cô Bé Mùa Đông, Chiếc Khăn Gió Ấm… đều là những ca khúc nhạc pop được yêu mến một thời.

alt
Ai còn nhớ những đĩa nhạc tuyển chọn của báo Hoa Học Trò mỗi khi đến số đặc biệt?

Playlist đời đầu là cuốn tập chép lời bài hát

Ngày nay, các dịch vụ streaming phát triển đến mức cá nhân hoá thói quen nghe nhạc của từng người. “Hãy cho tôi biết playlist của bạn, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai.” Thông qua một playlist, chúng ta có thể phác hoạ chân dung của một người. Rằng họ có gu âm nhạc thế nào, thẩm mỹ của họ ra sao? Và qua đó, ta biết được họ thuộc kiểu người hoài cổ hay thịnh hành, hướng nội hay hướng ngoại...

Nhưng chỉ cần quay ngược thời gian khoảng 20 năm trước, mọi chuyện đã khác đi rất nhiều. Trong chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, BB Trần có chia sẻ về những cuốn tập chép kín lời bài hát của Bằng Kiều, Tuấn Hưng. Có lẽ, những cuốn tập chép lời bài hát chính là những playlist đầu đời của một thế hệ nghe nhạc pop Việt Nam.

alt
Vở chép lời bài hát, playlist đời đầu của người yêu nhạc.

Hay như khi Kay Trần thổ lộ, “nhạc của anh (Tuấn Hưng) đến bố mẹ em còn biết nữa.” Điều này cho thấy thói quen nghe nhạc của một thời chưa xa, khi cả gia đình gồm nhiều thế hệ có thể nghe và chia sẻ nhau âm nhạc bởi sự thiếu thốn của phương tiện nghe nhìn.

Bố mẹ tôi yêu thích tiền chiến và nhạc đỏ; anh trai và chị gái tôi nghêu ngao từ Một Mình, Giã Từ Dĩ Vãng, Em Về Tinh Khôi cho đến Kiếp Ve Sầu, Nắng Sân Trường... Hay thời của tôi lại yêu thích những bản nhạc hiphop, urban đến từ những Mr.Dee, hay rock của UnlimiteD, Ngũ Cung, Microwave…

alt
1088, Boyband “cháy” nhất một thời của V-Pop.

Nhưng dù mỗi người có gu và sở thích nghe nhạc khác nhau, chúng tôi, các thành viên trong gia đình thường “thụ động” nghe chung. Vì vậy, bạn thuộc lời bài hát Ướt Mi và bố mẹ bạn biết các diva Thanh Lam, Hồng Nhung, Hà Trần, hay thậm chí là Ưng Hoàng Phúc, H.A.T.

Cứ như thế, chiều dài nhạc phổ thông Việt Nam không có quá nhiều đứt gãy trong các thế hệ thuộc một gia đình. Mọi người đều tôn trọng sở thích nghe nhạc của nhau, không phán xét những người còn lại. Bởi phương tiện nghe nhạc thời đó ngoài TV, radio, chỉ là những chiếc băng cassette và các đĩa CD “in lậu”.

Văn hoá thần tượng ngày ấy chẳng thua gì văn hoá “stan” bây giờ

Chúng tôi không thấy lạ mỗi khi GenZ bàn luận về chuyện nhạc TikTok, nhạc thị trường với nhạc nghệ thuật; nghệ sĩ trình diễn (performer) hay ca sĩ có kỹ thuật thanh nhạc (vocalist). Nhưng sau cùng, những lời chỉ trích về văn hoá thần tượng (idol/stan) của “người lớn” cũng chẳng đáng để tâm, bởi chính “người lớn” chúng tôi đã từng trải qua giai đoạn đó.

Nếu các bạn GenZ đang mua album, sưu tầm thẻ bo góc hay đến các buổi concert để ủng hộ những thần tượng thì thế hệ millennials cũng thế. Họ cắt poster từ các hoạ báo để dán khắp góc học tập; mua đĩa (lậu) để sưu tầm… Mỗi thời tuy khác nhau về cách thể hiện tình cảm với thần tượng nhưng đều chung một tình yêu với các “idol”.

Văn hoá thần tượng ngày ấy chẳng thua gì văn hoá “stan” bây giờ, thậm chí còn gay cấn và đôi khi độc hại hơn. Bản thân chúng tôi cũng là những lực lượng stan khá hùng mạnh một thời với những “cuộc chiến” cam go không ít.

alt
Đã từng có sự cạnh tranh giữa các fan club (FC) giữa “anh Bo” Đan Trường, và “anh Hai” Lam Trường.

Ngày nay, GenZ bận so sánh tài năng hay thành công của Billie Eilish hay Taylor Swift thì ngày xưa chúng tôi tranh luận xem anh Hai (Lam Trường) và anh Bo (Đan Trường) ai nhiều fan hơn. Hay trong “cuộc chiến” giữa hai fandom Hồ Quỳnh Hương và Mỹ Tâm, liệu ai sẽ thắng? Trong khi các bạn GenZ chê Chi Pu hát dở, thì ngày xưa chúng tôi tranh luận về vấn nạn hát nhép (lipsync)...

Ngày nay khán giả “đu idol” bằng cách nhắn tin qua mạng xã hội, thì ngày xưa họ “đu idol” bằng cách viết thư tay. Trong Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, Tuấn Hưng kể về việc tự ký tặng ảnh, tự bỏ vào phong bì, tự ra bưu điện gửi cho người hâm mộ. Ai dám nói rằng, mối liên kết giữa nghệ sĩ - người hâm mộ ngày xưa không khăng khít và mãnh liệt hơn so với bây giờ?

Tạm kết

Tất cả thu gọn vào hai chữ hoài niệm, dù chỉ mới khoảng 20 năm. Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai dù có thể chưa nhiều nét đột phá, nhưng trước hết đã gợi lại những ký ức về thời kỳ nhạc pop đa dạng và sôi động của Việt Nam. Cái thời mà, vì “đói nhạc” nên “nhạc nào cũng nghe”.

Bây giờ nhìn lại, hẳn đó là một thời kỳ nhạc pop bùng nổ và đa dạng bậc nhất của Việt Nam. Có những “đứa trẻ” vì ngồi trước màn hình nhỏ mà nhen nhóm tình yêu âm nhạc, sáng tác và biểu diễn. Lại có những người đơn giản là thích nghe nhạc, và cảm thấy được sẻ chia trước mỗi giờ “ca nhạc văn nghệ” của nhạc trẻ Việt Nam.