Người dân mua sắm Tết tại Estella Place, Thành phố Hồ Chí Minh, không khỏi bị thu hút bởi hai ngọn sóng biển khổng lồ tại sảnh trung tâm thương mại này. Nhìn kỹ hơn một chút, bạn sẽ nhận ra đây là một tác phẩm nghệ thuật được dựng lên từ hằng hà sa số ống hút nhựa đã qua sử dụng (chính xác là 168.000 chiếc). Đó chính là dự án nghệ thuật Strawpocalypse: Rẽ Sóng Biển Nhựa, thực hiện bởi nghệ sĩ thị giác Benjamin Von Wong với sự trợ giúp của Zero Waste Saigon.
Cộng đồng mạng trên toàn thế giới không còn xa lạ với Von Wong. Các tác phẩm siêu thực của anh xoay quanh thảm họa môi trường có sức lan tỏa mạnh mẽ (viral) trên mạng xã hội. Những dự án của Von Wong là tổng hòa của nỗ lực sắp đặt, thiết kế, nhiếp ảnh để kể nên câu chuyện khiến người xem bàng hoàng và chia sẻ.
Parting of the Plastic Sea (Part 2/2)
It's just one straw… said 8 billion people.
Posted by Von Wong on Monday, 28 January 2019
Năm 2018, Von Wong chọn Việt Nam làm một trong những điểm đến của mình. “Strawpocalypse có thể đại diện cho lượng nhựa được tiêu thụ ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi phút,” người nghệ sĩ chia sẻ.
Chúng tôi hội ngộ với Von Wong tại Starbucks Việt Nam, nhà tài trợ của dự án nghệ thuật này. Sau một ngày hối hả chuẩn bị ra mắt tác phẩm, anh kể chúng tôi nghe về hành trình xây dựng nên thông điệp mới nhất của mình.
Với anh, Strawpocalypse là một dự án cá nhân hay thương mại?
Đối với tôi, dự án thương mại là khi mọi người đều được trả mức lương hợp lý để làm việc. Còn dự án cá nhân là khi chúng ta không đặt nặng vấn đề tiền bạc để cùng hướng vào mục tiêu khác.
Strawpocalypse nghiêng về phía dự án cá nhân. Mọi thành viên từ người sáng lập, người làm video lẫn tôi đều không được trả công, thậm chí còn bỏ tiền túi vào nó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẵn lòng vì ý nghĩa lan tỏa đằng sau dự án này.
Cơn gió nào đưa anh đến Việt Nam?
Julia Mesner, người sáng lập Zero Waste Saigon đã theo dõi những dự án trước đó của tôi từ lâu. Vào một ngày tháng 5, 2018, cô ấy bắt chuyện với tôi qua Facebook. Cô ấy ngỏ lời muốn tôi thực hiện một dự án tương tự ở Việt Nam, tuy thời điểm đó chúng tôi còn khá mơ hồ về tác phẩm này.
Sài Gòn là một thành phố nhiệt đới. Cái nóng khiến mọi người mua rất nhiều đồ uống. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao ly nhựa, ống hút, bao ni-lông hay nắp đậy lại rẻ như vậy. Thế là tôi hỏi Julia có thể thu gom khoảng 100,000 ống hút được không. Cô ấy đồng ý, và đó là lý do tôi ở đây.
Tôi thích sự tình cờ. Người Việt Nam gọi đó là “cái duyên.” Hầu hết dự án của tôi thường bắt đầu bằng những cuộc nói chuyện vu vơ. Ai biết được những cuộc chuyện trò sẽ đưa bạn tới đâu chứ?
Anh đã kêu gọi sự hợp tác từ Starbucks và Estella Place như thế nào?
Julia chính là chất keo gắn kết tất cả chúng tôi. Julia từng thảo luận với Starbucks về việc thay thế ống hút nhựa bằng loại dùng nhiều lần. Sau này, Starbucks trở thành nhà tài trợ của Strawpocalypse và hỗ trợ chi phí dự án.
Bên cạnh đó, Julia cũng giúp tôi liên hệ với Keppel Land, nhà đầu tư đằng sau Estella Place – khu trung tâm thương mại đang nổi lên ở quận 2. Ban đầu, Estella Place cho phép chúng tôi sử dụng tầng năm của trung tâm để trưng bày mô hình, tuy nhiên chỗ đó chưa đông đúc lắm. Khi cuộc thảo luận tới tai các sếp lớn, họ quyết định đặt mô hình này ở đại sảnh để mọi người cùng được chiêm ngưỡng.
Starbucks là một thương hiệu đồ uống mang đi (take-away), một đầu mối tiêu thụ ống hút nhựa lớn. Có hợp lý không khi họ tham gia vào dự án kêu gọi nhận thức cộng đồng về vấn đề môi trường này?
Tôi tin vào câu nói “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại.” Trên thực tế, Starbucks đang rất nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường mà họ tạo ra, như cắt giảm nhựa trên 10,000 cửa hàng. Starbucks là một con tàu lớn, để thay đổi cả bộ máy cần phải có thời gian. Sự tài trợ này cho thấy họ nghiêm túc trong việc chia sẻ trách nhiệm cộng đồng.
Dư luận có thể cho rằng việc Starbucks là một đầu mối tiêu thụ nhựa lớn khiến họ mất tư cách tham gia vào những dự án như này. Tuy nhiên, nếu bạn nhìn đủ sâu vào thảm họa môi trường, bạn sẽ nhận ra mỗi cá nhân đều tạo rác thải và làm cho thế giới tồi tệ hơn. Chừng nào bạn còn tồn tại, chừng đó bạn còn tiêu dùng. Liệu việc đôi co ai là kẻ có lỗi còn thiết thực?
Sau cùng, mỗi công ty đều được con người tạo ra và vận hành bởi con người. Lựa chọn là của bạn: ngồi im phê phán khi họ làm điều sai hay khuyến khích cổ vũ khi họ hành động đúng đắn.
Tổ chức Zero Waste Saigon đóng vai trò gì trong dự án?
Họ có vai trò biến mọi thứ không thể thành có thể (cười). Zero Waste Saigon làm tất cả những việc mà tôi không tự làm được. Từ việc thu nhặt, vận chuyển và vệ sinh ống hút nhựa, tới kết nối các bên liên quan và duy trì liên lạc với báo chí.
Những nghệ sĩ thường muốn tự mình xây dựng tác phẩm. Đâu là lý do anh tin tưởng đón chào hàng trăm tình nguyện viên chung tay với mình?
Tôi thích để cộng đồng vun vén vào tác phẩm cùng mình. Người nghệ sĩ hiếm khi đưa công chúng vào quy trình làm việc, vô hình chung tạo ra một bức tường ngăn cách anh ấy với chính khán giả của mình. Tôi muốn phá vỡ bức tường này.
Tôi không nghĩ tác phẩm của mình có gì to tát. Tôi chỉ là một gã trai tầm thường với một ý tưởng kỳ quặc. Bằng một cách kỳ diệu nào đó, ý tưởng này được mọi người chấp nhận và thành hình. Và thế là giờ chúng tôi đều “mắc kẹt” ở đây làm việc cùng nhau.
Tình nguyện viên được chứng kiến cả khó khăn vất vả lẫn những bước giải quyết vấn đề. Sau khi tôi rời khỏi Việt Nam, họ là những người ở lại. Tôi tin họ có những cuộc chiến riêng trong nỗ lực làm cho thế giới tốt đẹp hơn và Strawpocalypse sẽ là một động lực hữu hình thúc đẩy họ.
Anh gặp khó khăn gì trong thời gian thực hiện dự án này?
Chúng tôi đi đến đâu, vấp đến đó. Trên danh nghĩa đây là một dự án nghệ thuật, trên thực tế nó là một dự án giải-quyết-vấn-đề.
Về kỹ thuật, chúng tôi gặp rắc rối trong việc tìm dịch vụ in 3D để dựng mô hình với cái giá chúng tôi có thể trả, hay tìm người thiết kế đèn LED mà tôi có thể giao tiếp bằng tiếng Anh được.
Về chi phí, để cố định từng đó ống hút chúng tôi cần nhiều keo hơn chúng tôi dự trù. Toàn bộ quá trình lắp ráp tốn nhiều thời gian và năng lượng hơn chúng tôi nghĩ. Thậm chí đến khi đã hoàn thành, mô hình lại mong manh hơn chúng tôi hy vọng.
Anh có lạc quan về việc giải quyết thảm họa ô nhiễm nhựa không?
Thú thực, tôi nghĩ chúng ta “tiêu” rồi!
Tôi biết đây là một cuộc chiến khó khăn. Một mặt, bạn thuộc nhóm nhỏ loay hoay từ bỏ những tiện lợi hằng ngày, những thói quen lâu đời vì lý do môi trường. Mặt khác, ngoài kia dân số vẫn bùng nổ và nền kinh tế toàn cầu chi đến gần 550 tỉ đô la Mỹ mỗi năm chỉ để khiến loài người tiếp tục tiêu thụ.
Nhưng rồi mọi thứ chúng ta sở hữu đều biến thành rác. Tôi thật sự không muốn có con và hết sức thương cảm cho thế hệ tương lai. Rác thải nhựa không phân hủy. Con cháu chúng ta sẽ kế thừa đống rác khổng lồ đó cùng hàng tá vấn đề kéo theo.
Mọi người thắc mắc tại sao tôi vẫn đặt hết sức bình sinh vào cuộc chiến này. Tôi nghĩ chiến đấu là cần thiết kể cả khi bạn biết mình sẽ thua. Trái Đất là nhà, bạn mất nhà thì bạn còn gì mà giữ?
Thật ra trong tôi vẫn nhen nhóm một hy vọng nhỏ. Biết đâu Strawpocalypse là bước đầu tiên để thu hút mọi người, khởi động một phong trào và khiến họ nói chuyện về môi trường? Biết đâu những nỗ lực riêng lẻ này chính là thứ keo kết nối và tạo ra sự khác biệt lớn?
Những dự án của anh đã làm dấy lên nhiều cuộc đối thoại về nạn ô nhiễm nhựa. Theo anh người tiêu dùng hay doanh nghiệp có nhiều sức mạnh thay đổi hơn?
Tôi không có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này.
Công bằng mà nói, những công ty lớn có khả năng tạo nhiều thay đổi hơn, và cũng cần nhiều tài nguyên để làm việc đó hơn. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một người mà bạn có thể kiểm soát suy nghĩ và hành động, đó chính là bản thân bạn.
Dù là cuộc đối thoại giữa người kinh doanh và người tiêu dùng, hay giữa các thế hệ và các quốc gia, tôi không muốn khán giả của mình lún sâu vào tư duy chỉ trích. Tôi muốn họ tập trung làm những gì họ có thể làm.
Với mô hình này, anh muốn mang lại sức ảnh hưởng như thế nào?
Làm nghệ sĩ khó khăn ở chỗ bạn gần như không thể biết được chiều sâu ảnh hưởng của tác phẩm mình tạo ra. Bạn có thể đếm lượt xem, nhưng những khán giá đó về sau có thay đổi tích cực hơn thì mãi tôi sẽ không biết.
Tôi có để ý khi Strawpocalypse bắt đầu lên đèn, mọi người bị thu hút và dần dần tụ tập quanh nó. Họ đọc bảng ghi chú và trông có vẻ hứng thú. Ít nhất mô hình này đang kêu gọi sự chú ý và tạo tương tác. Từ đó tôi hy vọng khách thăm quan cảm thấy một mối liên hệ tinh thần. Nếu được, tôi mong nó tạo ảnh hưởng đến lựa chọn của họ. Cuối cùng tôi mong họ chia sẻ sự thay đổi đó với những xung quanh.
Nói là vậy, nhưng vài người vẫn vô tư chụp hình, check-in trước mô hình với ly nhựa và ống hút nhựa trên tay khiến tôi không khỏi hoang mang.
Anh có đề cập đến 10.000 ống hút không sử dụng được, điều gì xảy ra với chúng? Và mô hình này sẽ đi về đâu sau thời gian triển lãm?
Tình nguyện viên đang gấp ống hút không dùng được thành những con cá để tặng cho khách thăm quan với thông điệp hy vọng đây sẽ là ống hút cuối cùng mà họ sử dụng. Ngoài ra, một vài ống hút khác cũng được gấp thành hoa hồng để chuẩn bị cho buổi chụp hình với Anh chàng độc thân Việt Nam – Jean Marc Nguyễn Quốc Trung ngay sau cuộc nói chuyện của tôi với Vietcetera.
Về mô hình Strawpocalypse, chúng tôi thực sự chưa biết làm gì với nó sau triển lãm. Chúng tôi có hai tháng để tìm cách giải quyết. Ngay khi đăng video về dự án, tôi hy vọng có thể tìm một ngôi nhà vĩnh viễn cho nó. Đó có thể là một ngôi trường, công ty hay bảo tàng nơi nó được trưng bày mãi mãi. Ngoài ra, chúng tôi đang tìm cách tiêu hủy ống hút bền vững nhất, nhưng chúng tôi không muốn làm điều đó chút nào.
Dịch bởi Vy DongNh.
Xem thêm
[Bài viết] Lại Đây Refill Station – Trạm nhỏ lan tỏa lối sống xanh
[Bài viết] Cùng Jang Kều bàn về sự bền vững trong phát triển dự án cộng đồng