Cùng Jang Kều bàn về sự bền vững trong phát triển dự án cộng đồng | Vietcetera
Billboard banner

Cùng Jang Kều bàn về sự bền vững trong phát triển dự án cộng đồng

Nhà Chống Lũ, tiền thân của quỹ xã hội Sống Foundation, là một dự án phát triển cộng đồng do Jang Kều sáng lập. Ở đây, chị chia sẻ câu chuyện thành lập Nhà Chống Lũ và ứng dụng sáng tạo trong phát triển bền vững.

Cùng Jang Kều bàn về sự bền vững trong phát triển dự án cộng đồng

Jang Kều (tên thật là Phạm Thị Hương Giang) là chủ tịch của dự án Nhà Chống Lũ, tiền thân của quỹ xã hội Sống Foundation. Lần đầu tiên gặp mặt chị trong buổi trò chuyện của Cà phê thứ bảy trẻ, Jang Kều đã lập tức thu hút tôi bằng ánh mắt đầy tập trung và nụ cười rạng rỡ. Chị say mê nói về những dự án của mình, về sự phát triển quá nhanh trong việc tổ chức các hoạt động thiện nguyện dẫn đến tình trạng rối loạn, cẩu thả trong hoạt động khiến người dân nghèo lười biếng, chỉ mong chờ sự giúp đỡ.

Nhà Chống Lũ – hình thành vào 21/11/2013, là một dự án xã hội kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ người dân nghèo xây nhà an toàn tại các vùng chịu thiên tai, bão lũ trên khắp Việt Nam.

Cùng Jang Kều bàn về sự bền vững trong phát triển dự án cộng đồng0
“Tôi tin rằng một xã hội thực sự sáng tạo chỉ khi xây dựng được giá trị bền vững.” – Jang Kều.

Sau 5 năm hoạt động, dự án Nhà Chống Lũ đã xây dựng thành công hơn 700 căn nhà an toàn. Với Jang Kều, đó chỉ là những thành tựu ban đầu. Nhà Chống Lũ còn cả một chặng đường dài sắp tới. Theo chị, “Nhà Chống Lũ không phải một tổ chức thiện nguyện mà là một dự án phát triển cộng đồng lâu dài.”

Jang Kều tự nhận bản thân mình là một người yêu sáng tạo, một ‘dreamer’ – người vẽ ra những giấc mơ và truyền cảm hứng. Trong vai trò chính là một Chuyên gia Tư vấn Thương hiệu, thành viên sáng lập và Tổng giám đốc GroupG Asia Pacific, chị quan niệm sáng tạo dẫn dắt xã hội phát triển, như vậy mới tạo dựng được giá trị nhân văn và bền vững.

Chào chị, chị có thể chia sẻ từ đâu chị lại có niềm tin vào sự sáng tạo nói chung một cách mạnh mẽ như vậy?

Các bạn có biết chỉ số IQ của Việt Nam ở mức bao nhiêu không? Chúng ta thuộc top 5% những quốc gia có chỉ số thông minh cao nhất thế giới nhưng lại nằm trong top 5% những quốc gia có bằng sáng chế thấp nhất thế giới. Tôi phải nói điều này vì chúng ta có quyền tự hào gọi mình là ‘những kẻ thông minh’, ‘những kẻ khôn ngoan’ tùy ý nhưng không thể nào gọi mình là ‘những kẻ sáng tạo’ được. (cười)

Tôi tâm niệm rằng xã hội chúng ta đang sống như một hình tam giác cân với đỉnh là sự sáng tạo, phần đáy là sự nhân văn – nền tảng của xã hội ấy, còn chiều cao chính là sự phát triển bền vững. Các bạn thấy đấy, một tam giác có đỉnh càng cao thì đáy càng lớn, thế nên giá trị nhân văn càng rộng, được chống đỡ bởi chiều cao của sự bền vững thì xã hội ngày càng sáng tạo hơn.

Đó chính là 3 giá trị cốt lõi tạo nên dự án cộng đồng Nhà Chống Lũ hay dài hơi hơn chính là Quỹ Sống Foundation.

Cùng Jang Kều bàn về sự bền vững trong phát triển dự án cộng đồng1
Giá trị nhân văn càng rộng, được chống đỡ bởi chiều cao của sự bền vững thì xã hội ngày càng sáng tạo hơn.

Vậy “sáng tạo” đóng vai trò như thế nào trong câu chuyện của Nhà Chống Lũ suốt 5 năm qua?

Để tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện này. Có ba đối tượng mà chúng tôi tiếp cận đến trong dự án: những người đóng góp gây quỹ, những người dân mất nhà và cả chính chúng tôi – những người hoạt động trong dự án.

Đầu tiên, để triển khai một dự án, chúng tôi không đơn thuần kêu gọi đóng góp từ nhà tài trợ mà gây quỹ bằng cách bán tranh. Tranh cũng là một loại sản phẩm sáng tạo. Nhằm mang đến những hiểu biết về văn hoá, mỹ thuật thông qua những tác phẩm chứ không đơn thuần gây quỹ, Nhà Chống Lũ rất nghiêm túc trong việc tuyển chọn tranh. Có những năm hàng trăm tác phẩm gửi đến nhưng Hội đồng Nghệ thuật của Dự án chỉ chọn được hơn hai mươi tác phẩm để đấu giá.

Chúng tôi muốn những nhà hảo tâm có cảm giác rằng mình vẫn được nhận lại một điều gì đó chứ không chỉ đơn thuần là ‘làm từ thiện’. Hơn nữa thông qua tranh ảnh và nghệ thuật, họ có thể có thêm đam mê và sở thích mới, cũng có thể là một kênh đầu tư mới. Dần dần họ đã bắt đầu hỏi chúng tôi hay tự tìm hiểu thêm về các họa sĩ, các trường phái nghệ thuật rồi đấy! (cười)

Cùng Jang Kều bàn về sự bền vững trong phát triển dự án cộng đồng2
Thừa nhận mình là một người yêu sáng tạo và nghệ thuật, văn phòng làm việc của Jang Kều luôn đầy ắp tranh ảnh do đích thân chị sưu tập từ những buổi gây quỹ cho Nhà Chống Lũ.

Thứ hai, không có sự sáng tạo nào quan trọng bằng sự sáng tạo từ chính người dân bản địa. Với Nhà Chống Lũ, chúng tôi không cho họ nhà, chúng tôi hỗ trợ họ xây nhà. Điều này đồng nghĩa với việc ngoài nằm trong diện khó khăn, họ cần đóng góp ít nhất 50% số vốn đối ứng. Họ sẽ phải nghĩ cách xoay xở, lo toan tài chính, tham gia từ quá trình thiết kế cho đến lên kế hoạch mua sắm nguyên vật liệu và thuê nhóm thợ thi công.

Vào năm 2013, khi về đến huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), tôi gặp cụ Hồ Thị Nga. Lúc đó trong túi cụ chỉ có 10.000 VND cùng căn nhà gỗ xiêu vẹo có thể sập bất cứ lúc nào. Nhà Chống Lũ phải cần ít nhất 25 triệu vốn đối ứng từ cụ thì mới có thể giúp xây nhà, lấy tiền đâu để làm đây? Thế là sau khi tìm hiểu, chúng tôi động viên cụ dỡ căn nhà, bán đống gỗ được 10 triệu, thuyết phục ba người con gái đi lấy chồng xa của cụ thêm được mỗi người 6 triệu nữa là 28 triệu rồi bắt đầu xây nhà.

Cùng Jang Kều bàn về sự bền vững trong phát triển dự án cộng đồng3
“Sáng tạo có thể không đến từ 1 người mà có thể là sự cộng hưởng của những người có cùng suy nghĩ và hướng đến 1 giá trị như nhau, cũng như hai bàn tay khi vỗ vào nhau mới tạo được âm thanh vậy.”

Các bạn thấy đấy, muốn sáng tạo thì mình phải có sự tò mò và luôn đặt ra những câu hỏi. Một dự án có những tiêu chí giúp đỡ riêng và nếu chúng tôi không cam kết với nó thì chắc chắn không bao giờ làm việc dài hơi nổi. Khi thấy bà Nga nghèo và giúp bà tất tần tật thì xã hội còn bao nhiêu hoàn cảnh như thế, chúng tôi giúp thế nào cho đủ? Sáng tạo đôi khi không đến từ một người mà có thể từ sự cộng hưởng của những người có cùng suy nghĩ và hướng đến một giá trị như nhau, như khi vỗ tay thì cần cả hai bàn tay vỗ vào nhau chứ không thì làm sao phát ra âm thanh được. (cười)

Thế còn về mô hình nhà an toàn, chị lấy ý tưởng từ đâu?

Tôi lấy cảm hứng viết mô hình nhà chống lũ khi thấy bức ảnh chụp một ngôi nhà gỗ cổ được đặt trên 6 cột bê tông trên Facebook vào cuối năm 2013. Tôi nghĩ trước hết phải hỗ trợ người dân nghèo xây nhà an toàn đã, sau đó họ muốn trang trí, thiết kế như thế nào tùy ý.

Các nhóm kiến trúc sư, các kiến trúc sư độc lập hỗ trợ chúng tôi đều rất say mê với kiến trúc cộng đồng như nhóm của anh Hoàng Thúc Hào hay chị Hương Vũ …. Họ đều rất giỏi và cá tính tuy nhiên chỉ có một nhiệm vụ là hỗ trợ về mặt kỹ thuật sao cho căn nhà được xây lên an toàn, tiết kiệm nhất mà vẫn mở rộng được công năng trong tương lai. Tính đến nay, chúng tôi đã có trong tay 11 mô hình nhà ứng với từng điều kiện cụ thể trong từng địa bàn và cứ mỗi năm chúng tôi lại cải tiến một ít cho phù hợp.

Cùng Jang Kều bàn về sự bền vững trong phát triển dự án cộng đồng4
Một mô hình nhà chống lũ ở vùng Quảng Bình

Ví dụ, ở Hương Khê, Hà Tĩnh lũ ngâm và lũ quét khiến cho việc xây nhà 2 tầng vẫn chưa đủ an toàn do mức lũ rất cao, mà người dân ở đó không thích ở nhà sàn hay nhà phao. Thế là chúng tôi phải ‘chế’ ra một mô hình nhà tầng, tầng một là khung bê tông xây gạch, tầng hai là nhà phao. Khi có lũ thì các thành viên trong gia đình có thể lên nhà phao để ở, lũ cao nhà phao sẽ nổi lên, hết lũ lại hạ xuống trên căn nhà khung bê tông. Còn bình thường, căn nhà phao có thể được dùng như phòng ngủ nhỏ hay phòng học cho các bé.(cười)

Vậy đâu là những khó khăn chị vấp phải trong quá trình xây dựng nhà?

Sau khi thỏa hiệp với cái ‘tôi’ của các kiến trúc sư về mặt thẩm mỹ và cái đẹp thì chúng tôi lại tiếp tục thỏa hiệp với cái ‘tôi’ của người dân về cách xây nhà. Nhà Chống Lũ luôn lưu ý đảm bảo người dân cùng tham gia vào quá trình thiết kế, sáng tạo ra ngôi nhà của họ miễn không ảnh hưởng đến kết cấu kỹ thuật.

Thế nhưng ở thời điểm vài năm trước, khi thiếu thành viên giám sát, chúng tôi đã thực sự đau buồn khi có những người dân không hoàn toàn cam kết đúng với biên bản hợp tác và thiết kế. Họ xây nhà hơi to quá, lát đá hơi ‘công nghiệp’ quá, dựng cột bê tông quá lớn không cần thiết và thậm chí không phù hợp với khung cảnh của cuộc sống thôn quê. Chúng tôi khi đó vừa phải thuyết phục, tư vấn và đấu tranh rất nhiều nhằm giúp họ hiểu về sự tiết kiệm trong xây dựng cũng như xây dựng kiến trúc phù hợp với địa phương.

Cùng Jang Kều bàn về sự bền vững trong phát triển dự án cộng đồng5
Sự sáng tạo ở đây chính là sự hài hòa, không phải là về kiến trúc, thẩm mĩ hay vật liệu mà nó còn là câu chuyện giữa con người với con người; giữa con người với thiên nhiên, văn hóa.

Về kết cấu, kỹ thuật chúng tôi đấu tranh, nhưng về sáng tạo, trang trí, chi tiết, chúng tôi lại tùy ý cho chủ hộ được chủ động đấy nhé!(cười) Có những ngôi nhà chúng ta cho là xấu: nhà gì mà cửa lại hình tròn, hay sơn màu tím lòe loẹt,… Nhưng tại sao các bạn lại chê cười? Các bạn có ở trong ngôi nhà đấy đâu chứ! Đó là nhà của họ kia mà.

Một căn nhà khi được dựng lên với sự tham gia từ chính tiền bạc và công sức của chủ nhà thì họ sẽ có đủ cam kết với ngôi nhà ấy. Đồng thời, căn nhà sẽ giúp họ tự tin hơn trong việc phát triển sinh kế trong tương lai. Đó chính là cách chúng tôi hỗ trợ tạo dựng giá trị bền vững.

Phải chăng đó là cốt lõi mà chị theo đuổi – phát triển con người bền vững?

Không sai. Có ba yếu tố bền vững mà tôi tin chúng ta cần lưu ý: cộng đồng bền vững – môi trường bền vững – con người bền vững. Xây dựng môi trường và cộng đồng xung quanh chính là cách gián tiếp để phát triển con người đấy, miễn sao làm thật khéo léo và cụ thể thì con người trong mối tương quan đó sẽ đi lên thôi. Nếu ngay từ đầu tôi bảo các bạn: “Mọi người ơi, đi xây dựng cuộc sống bền vững, con người bền vững đi!” thì các bạn có biết mình sẽ làm gì không?

Hiện nay, ngoài dự án Nhà Chống Lũ, quỹ Sống Foundation còn tổ chức dự án Hạnh Phúc Xanh với ý tưởng mỗi đứa trẻ ra đời, bố mẹ sẽ gieo trồng một cây xanh thay cho lời cảm ơn đến mẹ thiên nhiên. Tất nhiên mục đích không đơn giản chỉ là trồng cây mà về sự kết nối – kết nối con người với chính mình, với cộng đồng và với thiên nhiên.

Cùng Jang Kều bàn về sự bền vững trong phát triển dự án cộng đồng6
Dự án Hạnh Phúc Xanh, nơi mỗi đứa trẻ ra đời, bố mẹ sẽ gieo trồng một cây xanh thay cho lời cảm ơn đến mẹ Trái Đất.

Vậy kế hoạch tiếp theo của quỹ Sống Foundation trong năm tới sẽ như thế nào?

Tôi gọi năm năm vừa qua là những năm tập sự. Đến tháng 11/2018, Quỹ Hỗ trợ & Phát triển Cộng đồng Sống bền vững – Sống Foundation đã chính thức được cấp phép hoạt động bao gồm ba chương trình cụ thể tập trung phát triển ba giá trị bền vững (cộng đồng – môi trường – con người). Do đó chúng tôi sẽ còn chặng đường rất dài phía trước.

Trong năm nay, Nhà Chống Lũ sẽ chỉ xây khoảng 150 căn nhà, giảm 50 căn so với năm 2018. Thay vào đó, chúng tôi phát triển cuốn Cẩm nang nhà an toàn với 11 mô hình nhà được tổng hợp trong suốt những năm vừa qua.

Một tổ chức không bao giờ làm hết được phần việc của cả xã hội. Chúng tôi dự kiến sẽ xuất bản cuốn cẩm nang này và đem tặng cho người dân, các cấp chính quyền, các nhà tài trợ để ai cũng có thể xây dựng nhà chống lũ mà không cần sự can thiệp của chúng tôi. (cười)

Cùng Jang Kều bàn về sự bền vững trong phát triển dự án cộng đồng7
Cẩm nang nhà an toàn. Nguồn: Nhà Chống Lũ.

Hạnh Phúc Xanh cũng là một dự án mà chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong năm nay với việc trồng mới 51.000 cây xanh ở khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ven biển miền Tây.

River Ơi là một dự án ‘lõi’ của Sống Foundation với chức năng truyền thông, sáng tạo tư vấn CSR (Corporate Social Responsibility) – trách nhiệm xã hội cho các doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo, workshop, buổi nói chuyện nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về sống an toàn, sống có trách nhiệm và hài hoà với thiên nhiên thông qua các cách tiếp cận từ góc độ nghệ thuật và cộng đồng.

Cùng Jang Kều bàn về sự bền vững trong phát triển dự án cộng đồng8
Tôi hy vọng River Ơi sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng Nhà Chống Lũ, Hạnh Phúc Xanh và cả các dự án phù hợp do các tổ chức khác tổ chức.

Song song đó, chúng tôi đang thử nghiệm chương trình phát triển Làng Hạnh Phúc ở Hội An (Quảng Nam) và Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Đây là một lát cắt ngang giữa 3 chương trình hành động của chúng tôi: Cộng đồng Bền vững (dự án Nhà Chống Lũ), Môi trường Bền vững (dự án Hạnh Phúc Xanh) và Con người Bền vững (River Ơi).

Không những hỗ trợ người dân nghèo có nhà an toàn, Quỹ muốn giúp đỡ họ phát triển từ sinh kế cho đến nhận thức về trách nhiệm cộng đồng. Từ đó họ sẽ kết nối với nhau, tự hào và gắn bó với quê hương mình cũng như thúc đẩy giá trị nhân văn ở mỗi làng quê Việt Nam. Đó mới chính là cái đích bền vững cuối cùng mà Quỹ Sống theo đuổi.

Cuối cùng, theo chị một nhân vật mà Vietcetera nên trò chuyện tiếp theo là …

Có quá nhiều người tài năng ở xung quanh tôi nhưng tôi muốn dành sự giới thiệu đến một tổ chức khác tên là BFF. Được sáng lập bởi các bạn 9x, đây là một tổ chức rất tài năng và tâm huyết. Mục tiêu của họ là gây quỹ học bổng, xây dựng chương trình phát triển bản thân và tạo điều kiện việc làm cho các bạn sinh viên nghèo. Những người bạn đấy sẽ là đại diện cho những hoạt động xã hội mang tính chuyên nghiệp trong tương lai.

Xem thêm:

[Bài viết] Takashi Niwa: Kiến trúc đồng điệu thiên nhiên

Bài viết] Penta Prosthetics: Đưa chân tay giả giá thành phải chăng đến cho người khuyết tật Việt