4 Yếu tố cơ bản Gen Z cần trang bị để thành công | Vietcetera
Billboard banner

4 Yếu tố cơ bản Gen Z cần trang bị để thành công

Với rất nhiều nguồn lực và mối quan hệ hiện nay, nhưng con người lại đang cô đơn và đứt gãy trong sự kết nối với chính bản thân mình.
4 Yếu tố cơ bản Gen Z cần trang bị để thành công

Cô Tôn Nữ Thị Ninh

Embassy Education - Vietcetera

Theo “The truth about Gen Z” - một báo cáo do McCann Worldgroup thực hiện đã chỉ ra một sự thật rằng, chưa bao giờ Gen Z có nhiều kết nối như thế này so với các thế hệ trước. Nhưng có tới 76% trong số họ có “kết nối cảm xúc yếu hơn” thời cha ông, con số này ở Ấn Độ và Indonesia lần lượt là 86% và 84%.

Một trong những nguyên nhân cốt lõi có thể kể đến là áp lực đồng trang lứa (peer pressure). Chưa bao giờ người trẻ có nhiều nguồn lực và mối quan hệ như hiện nay, nhưng họ lại đang cảm thấy cô đơn và đứt gãy trong chính sự kết nối với bản thân mình.

Triết lý "Lớp học xe điện" năm 1937 là nền tảng của giáo dục mới

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên áp lực đồng trang lứa, một trong những yếu tố cốt lõi đó là không ai trong quá khứ đã dạy chúng ta học cách thấu hiểu về thế giới nội tâm. Cây to thì rễ sâu.

Một cây cổ thụ lâu năm khác với cây ngắn ngày ở chỗ, bộ rễ của nó đã cắm sâu vào lòng đất. Con người cũng như vậy. Muốn vươn cao, rễ phải chắc. Chúng ta dường như thiếu đi một tờ hướng dẫn sử dụng nhằm hiểu rõ bản thân mình.

Nhật Bản năm Chiêu Hoà 12 (1937), người đàn ông tên Kobayashi đã mở ngôi trường tiểu học rất đặc biệt, nổi tiếng với "Lớp học xe điện". Dù chỉ tồn tại thời gian ngắn, trường tiểu học Tomoe với triết lý giáo dục dựa trên nền tảng của tình yêu và sự chân thành vẫn để lại rất nhiều giá trị đáng suy ngẫm cho các bạn trẻ

Theo thầy hiệu trưởng Kobayashi: “Điều đáng sợ là có mắt mà không thấy vẻ đẹp, có tai mà không nghe thấy điều hay, có trái tim mà không thấy chân lý, chưa cảm kích thì chưa cháy hết mình." (Trích cuốn sách "Totto – chan bên cửa sổ")

“Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em nhỏ. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa đấy.” - Thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku còn nói. Bởi vậy giáo trình của trường Tomoe có thể gói gọn trong ba chữ “Thuận tự nhiên”.

Ở đây, mọi đứa trẻ đều được tôn trọng ngang nhau, và ngay cả thầy hiệu trưởng cũng không nhiều “quyền hạn” hơn so với một bạn học sinh. Học sinh sẽ chọn môn học mình muốn tìm hiểu, để bắt đầu một ngày học mới. Giáo viên, ngoài việc tạo động lực học cho các em thì còn truyền cảm hứng, để từng bạn có thể được tham gia đóng góp xây dựng nội dung.

Chính việc được trao quyền ra quyết định ngay từ khi còn nhỏ, các em sẽ tự hình thành được ý thức có trách nhiệm với những lựa chọn của mình. Đồng thời cũng sẽ khám phá ra, đâu là điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, để biết cách phát huy khả năng riêng biệt.

Thế kỉ 21 và ba trụ cột của giáo dục hiện đại

Trong một chia sẻ tại EduStation – Trạm Giáo dục - Nhà giáo dục, Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh đề cao thế kiềng ba chân bao gồm: Khám phá bản thân - Khám phá thế giới - Khám phá căn tính.

Trong giáo dục, theo nghĩa rộng phải có khám phá bản thân, nhưng không nên hiểu theo nghĩa đóng mình lại rồi soi xét, mà cần sống và trải nghiệm. Qua sự giao lưu và tiếp xúc (khám phá thế giới xung quanh), từ đó quay ngược lại hiểu bản thân rõ hơn.

Những điều đó cần được thực hiện song song với nhau. Người trẻ trên hành trình khám phá hiện thực khách quan cần luôn để ý, soi chiếu và chăm sóc một vũ trụ nhỏ quan trọng không kém – thế giới nội tâm của mình.

Cũng theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, để tránh việc bị mất đi căn tính dân tộc trong quá trình trở thành công dân toàn cầu và tự tin hội nhập thế giới, mỗi người trẻ cần trang bị cho mình bốn yếu tố.

Sự hiểu biết

Tự tin mà thiếu đi sự hiểu biết thì ranh giới giữa trí tuệ minh triết và vô duyên rất mong manh. Hiểu biết có được từ việc biết cách bồi đắp cho mình một suy nghĩ tổng quát, óc phê bình, óc tinh nhuệ. Đó là cách giúp ta có cái nhìn tổng quát, không thiên kiến, không bị lôi kéo theo số đông. Từ đó, thấy được chỗ liên kết của sự vật mà phần đông người ta chỉ thấy manh mún, phân mảnh.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, để tránh việc người trẻ bị mất đi căn tính dân tộc trong quá trình trở thành công dân toàn cầu và tự tin hội nhập thế giới, mỗi người cần trang bị cho mình bốn yếu tố.

Tự trọng

Văn hoá Á Đông rất nặng lễ nghĩa. Ở một góc nào đó, lễ nghĩa là tốt, nhưng đừng dùng một cách máy móc như gặp ai cũng dạ, người lớn nói gì cũng vâng, dù biết điều đó sai hoàn toàn. Tuy vậy, chữ “Tự trọng” cũng cần phải dụng thật khéo để không bước lấn sang lằn ranh của sự khoe khoang.

Xưa kia ở Hy Lạp, triết gia Socrates – người thông thái nhất trên thế giới bấy giờ được người đời tán tụng: "Không ai trên mặt đất mà lại thông thái hơn Socrates” nhưng đáp lại ông chỉ vỏn vẹn nói một câu: “Tôi chỉ biết một điều là: Tôi chẳng biết gì cả”.

Tôn trọng

Người biết tôn trọng sự khác biệt của người khác cũng là người biết tôn trọng chính mình. Điều này chỉ có thể xảy ra khi chúng ta đào sâu, trải nghiệm và hiểu chính mình.

Biết điều

Hãy luôn biết cái hay cái dở nơi mình, biết rõ vị trí mình đang ở đâu, và mình đang giao tiếp với ai. Tất cả những điều này có thể tạo ra tính cách khiêm tốn cho người trẻ. Nhưng từ “Khiêm tốn” được dùng ở đây cần hiểu theo nghĩa là hệ quả của toàn bộ giá trị của nền giáo dục đúng cách, để giúp người trẻ vươn ra thế giới và khám phá bản thân.

Bởi vậy, người trẻ ngày nay muốn bay cao cần đảm bảo rễ phải chắc, mà điều đó bắt đầu từ việc mà triết học gia Hy Lạp Socrates từng nói nhiều lần: "Know thyself – Tự biết mình."