6 Hiện tượng thường gặp trong anime: Ngẫu nhiên hay có cả một chiến lược? | Vietcetera
Billboard banner

6 Hiện tượng thường gặp trong anime: Ngẫu nhiên hay có cả một chiến lược?

Có phải những yếu tố đặc trưng trong anime đều được xây dựng một cách hoàn toàn ngẫu nhiên?

6 Hiện tượng thường gặp trong anime: Ngẫu nhiên hay có cả một chiến lược?

Nguồn: Yuru Yuri series

Anime là thể loại phim hoạt hình đặc trưng của Nhật Bản, đặc trưng tới nỗi, một đứa trẻ tiểu học cũng dễ dàng chỉ ra sự khác biệt của anime và hoạt hình phương Tây. 

Các nhân vật trong anime được thiết kế với nhiều đặc điểm nổi bật, họ dễ thương, tràn trề năng lượng, đôi khi “mặn chát” như nước biển Đông. 

Ấy vậy, người mới xem anime có thể thấy một số nhân vật hơi... kỳ kỳ, tại sao mắt to gấp 2,3 lần người bình thường, hay lúc nào cũng phải hét thật lớn khi giao chiến. Thì ra, ngoài mục đích marketing, văn hóa Nhật cũng ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách anime. Thử điểm qua xem một số đặc trưng đó là gì nhé.

1. Chảy máu mũi khi hưng phấn

Một cảnh tượng rất điển hình như sau, nhân vật anime bắt gặp một đối tượng có vẻ ngoài cực hấp dẫn và đúng ý họ, phản ứng sinh lý đầu tiên có thể là chảy máu mũi, nhiều khi tuôn ra như sông suối. 

Đúng là cảm giác hưng phấn tình dục có thể tác động tới nhịp tim hoặc làm tăng huyết áp, nhưng các “nghệ nhân” anime đã vin vào đặc điểm này và “làm lố” một chút để tăng tính hài hước cho nhân vật. Việc thể hiện cảm xúc hưng phấn bằng máu mũi không thô tục và cũng dễ để trẻ em nhận biết.

Nguồn: Yuru Yuri series
Nguồn: Yuru Yuri series 

Hình tượng nhân vật “xịt” máu mũi được cho là xuất hiện đầu tiên trong bộ manga Yasuji no Mettameta Gaki Dou Kouza của tác giả Yasuji Tanioka. 

2. Mắt size XXXL

Quần áo size L, nhưng mắt thì ngoại cỡ, lắm lúc chiếm 1/2 khuôn mặt của nhân vật. Thực tế, mắt của nhân vật anime có nhiều vai trò trong việc giao tiếp, biểu đạt ngôn ngữ cơ thể. 

Các nhà thiết kế anime tin rằng, nếu vẽ mắt đủ khéo, cảm xúc của nhân vật có thể được bộc lộ rõ ràng mà chẳng cần tới lời thoại dông dài. Mắt càng to thì cảm xúc càng rõ. 

Mắt to giúp kích hoạt cơ chế dễ thương | Your Name movie
Mắt to giúp kích hoạt cơ chế dễ thương | Nguồn: Your Name movie

Ngoài ra, mắt to cũng là yếu tố quan trọng để kích hoạt cơ chế dễ thương. Chi tiết này được áp dụng triệt để không chỉ trong anime mà còn trong phim hoạt hình phương Tây.

Nếu nhìn vào phim hoạt hình Disney thời trước, ta thấy các nhân vật như Snow White, Aurora có tỉ lệ cơ thể rất sát với người thật. Dần dần, để thu hút đối tượng khán giả là trẻ em, các nhà sản xuất  “đắp” thêm mắt to tròn, long lanh lên khuôn mặt các nhân vật Disney thế hệ sau, mà rõ nhất là nữ hoàng băng giá Elsa. 

3. Trông không giống người Nhật

Trong một số phim hoạt hình Nhật đời đầu, nhân vật mang đậm vóc dáng châu Á. Về sau, bên cạnh việc được phóng to đôi mắt, nhân vật còn được tặng kèm thêm cái cằm nhọn, da trắng, mắt xanh, tóc đủ sắc màu như cầu vồng. 

Nguồn: Hakujaden
Nguồn: Hakujaden 

Một số người nhận định, sự thay đổi đến từ phong cách thẩm mỹ của người Nhật hiện đại, họ thích theo đuổi vẻ đẹp kiểu phương Tây. Các học giả chỉ ra, từ thời Minh Trị, người Nhật đã mong muốn bản thân họ có thể sở hữu được nét đẹp ngoại hình như người Mỹ, Pháp. 

Nhật Bản thời Minh Trị tiếp thu và bị đồng hóa bởi rất nhiều yếu tố ngoại quốc: thời trang, giáo dục, chính trị đến phong cách nghệ thuật và văn học, thậm chí có nhà tư tưởng Minh Trị ủng hộ việc kết hôn với người da trắng để “cải thiện nòi giống”.  

Blogger Julian Abagond có quan điểm khác một chút, anh nghĩ rằng chỉ có người Mỹ mới thấy anime không giống người Nhật, do họ bị ảnh hưởng bởi định kiến và khuôn mẫu. Hình tượng nhân vật hoạt hình châu Á trong mắt người phương Tây có thể được khắc họa với đôi mắt xếch một chút, da “vàng vàng” một chút. 

Trong mắt người Nhật, nhân vật anime có quốc tịch Nhật, cũng như trong mắt người Mỹ, nhân vật The Simpsons có quốc tịch Mỹ, dù rõ ràng gia đình Simpson chẳng có đặc điểm ngoại hình nào giống người phương Tây.

Nhân vật anime mắt vàng, tóc xanh | Nguồn: Flying Witch series
Nhân vật anime mắt xanh, tóc vàng | Nguồn: Flying Witch series

Sự thay đổi phong cách vẽ anime thời hiện đại có thể đơn giản là vì tác giả muốn vẽ nhân vật phá cách, dễ thương và không cần phải gò mình theo khuôn mẫu châu Á nào.

4. La hét rất nhiều khi chiến đấu 

Trong võ thuật, việc hét to từ kiai được coi là một cách để tập trung ki (năng lượng). Xét theo phương diện khoa học, hét to cũng giúp tăng sức sát thương của nắm đấu hoặc tăng khả năng chịu đòn của người hét.

Rất nhiều anime khai thác yếu tố huyền bí trong võ thuật, họ vay mượn các kỹ thuật khi tập luyện như kiai, rồi dùng đèn pin phóng đại của Doremon để drama-hóa các tình tiết lên, thành ra nhân vật đôi lúc la hét… hơi nhiều.

Naruto là một trong những series có nhiều màn... la hét | Nguồn: Naruto series
Naruto là một trong những series có nhiều màn... la hét | Nguồn: Naruto series

Không chỉ hét to, mà phải hét tên của đối thủ hoặc hét tên chiêu thức chiến đấu như một kiểu dằn mặt. Hóa ra, hành động này cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa Nhật. 

Các samurai thời phong kiến thường gào to tên kẻ thù hoặc hét tên chiêu thức như phim chưởng, họ làm vậy để tự khích lệ bản thân và làm nhụt chí đối thủ. Họ cũng mong  sẽ mang lại vinh quang cho bản thân, cho cả gia đình và vua chúa.

5. Tại sao anime hay lấy chủ đề học đường?

Từ những năm 1980, ngành công nghiệp anime phủ sóng với hàng loạt series xoay quanh chủ đề trung học. Từ những năm 1960 đến 1980, số lượng khán giả xem anime chủ yếu vẫn là học sinh tiểu học và trung học, vì vậy nội dung cần được thiết kế để phù hợp cho cả gia đình cùng xem.

Năm 2017, người trẻ hâm mộ anime vẫn chiếm số lượng rất lớn. Trong nhóm tuổi từ 5 đến 7, cứ 10 bé thì có 7 bé xem anime. Còn trong nhóm 10 đến 19, một nửa trong số đó chọn anime làm thể loại phim hoạt hình yêu thích.

6. Không thay quần áo hoặc có mặt rất giống nhau?

Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi vì sao gương mặt của nhân vật anime thường rất giống nhau, hoặc họ không mấy khi thay đồ? 

Đồng ý là phim hoạt hình có thể chấp nhận các yếu tố phi logic như vậy. Nhưng đằng sau đó là cả một chiến lược xây dựng thương hiệu dài lâu. 

Nhìn vào những bộ phim hoạt hình của Studio Ghibli, không khó để nhận ra các nhân vật thường có chung một kiểu mặt. Thế nhưng, sự tương đồng và nhất quán này đã khiến fan Ghibli ngay lập tức nhìn ra các nhân vật biểu tượng của hãng. Nhờ vậy các sản phẩm đồ chơi, trang sức, quần áo “ăn theo” thương hiệu danh tiếng có khả năng tiêu thụ tốt hơn trên thị trường.

Các nhân vật trong Studio Ghibli có khuôn mặt rất giống nhau 
Các nhân vật trong Studio Ghibli có khuôn mặt rất giống nhau 

Tất nhiên điều này cũng phụ thuộc vào thể loại phim. Trong thể loại phim đời sống (slice of life), sự thay đổi phục trang hay kiểu tóc diễn ra thường xuyên, phong cách sống cũng bám sát đời sống của nhân vật ngoài đời thực. 

Trái lại, trong thể loại hành động, phiêu lưu thì anime tập trung vào các trận đấu kịch tính hơn là thay đổi trang phục xoành xoạch, cho nên xem Pokemon mấy mùa bánh chưng nhưng Ash vẫn cứ mặc hoài một kiểu áo là vậy.

Kết

Có rất nhiều điều làm nên sức hút đặc biệt của anime, đó là lý do vì sao lượng fan của anime có mặt trên khắp thế giới. 

Xem anime có thể là một lựa chọn hay để tìm kiếm cảm giác thoát ly thực tại, vì vậy khi xem phim, hãy bỏ qua những yếu tố phi logic và cứ thoải mái tận hưởng những “tinh hoa” mà anime đem lại nhé.