Bạn nghỉ việc, não nghĩ gì? | Vietcetera
Billboard banner

Bạn nghỉ việc, não nghĩ gì?

Cảm giác mọi thứ rối tung lên khi nghỉ việc thật ra có hệ thống hơn bạn nghĩ.
Bạn nghỉ việc, não nghĩ gì?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Nghỉ việc - một quyết định từ lúc còn là suy nghĩ cân nhắc đến lúc chín muồi thực sự đưa ra quyết định là có biết bao nhiêu trăn trở. Bạn sẽ cảm thấy mọi thứ cứ như rối tung hết cả lên.

Tuy bài viết này không chắc sẽ giúp quá trình nghỉ việc của bạn thoải mái hơn. Thế nhưng bạn sẽ có một góc nhìn đủ khách quan để biết tâm lý đang thực sự diễn biến như thế nào, và lần theo đường dây để tìm được lối ra giữa trăm mối tơ vò trong lòng.

Nghỉ hay không nghỉ, não nghĩ thế nào?

Khi đứng trước quyết định nghỉ việc, cảm xúc đầu tiên ập đến là sự lo lắng. Bởi khi đó trung tâm sợ hãi của não - hạch hạnh nhân được kích hoạt. Nó đóng vai trò như một hệ thống báo động rằng chúng ta sắp không còn ở trong guồng quay quen thuộc hàng ngày của công việc cũ.

Thay vào đó là chuyển qua trạng thái cần thận trọng và phải sẵn sàng ứng phó với hàng tá nỗi lo có thể xảy ra thất nghiệp kéo dài, công việc mới không như ý, tiền tiết kiệm dần cạn kiệt hay một cơn ốm nặng ập đến…

Khi bị đẩy vào tình huống này, theo các nhà nghiên cứu từ tập đoàn Kaiser Permanente và Đại học Oregon, não sẽ bắt đầu dò xét mối nguy này ở hai cấp độ. Đầu tiên là rủi ro cảm giác (risk as feeling), một phản ứng nhanh chóng dựa nhiều vào trực giác và bản năng khi đứng trước nguy hiểm. Chế độ còn lại là phân tích rủi ro (risk as analysis) mang tính lý trí và cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Hai chế độ này sẽ liên tục giằng co qua lại, lúc thì bạn sẽ kiểu bỏ quách đi cho nhanh hoặc là chắc thôi không nghỉ việc đâu, khi lại từ từ ngồi tính toán, phân tích chút đã nào. Não bạn sẽ đóng vai trò là một người hòa giải đứng giữa cố gắng lắng nghe cả hai và không để bên nào quá lấn lướt bên còn lại.

Tin tốt là đến lúc phải thực sự đưa ra quyết định, bộ não của bạn sẽ là cổ động viên siêu nhiệt tình cho bạn. Bởi con người có xu hướng hợp lý hóa các sự kiện theo hướng có lợi nhất cho mình.

Nếu bạn chọn bỏ việc, cơ chế của bộ não sẽ kích thích bạn nghĩ ra tất cả lý do tại sao đó là lựa chọn tốt nhất. Và ngược lại, bạn có thể sẽ điều chỉnh dữ kiện thu nạp để giải thích tại sao ở lại là một quyết định đúng đắn hơn.

Thế nhưng trong quá trình quyết định sẽ ngả theo hướng nào thì theo tiến sĩ R. Douglas Fields trên Psychology Today, bên cạnh những cân nhắc về công việc, còn có một yếu tố khác đầy bất ngờ là quan niệm về thời gian:

  • Những người tập trung vào hiện tại có xu hướng giải thích tích cực hơn về những trải nghiệm diễn ra, vì thế mức độ hài lòng với cuộc sống cũng cao hơn. Vì thế họ ít có khả năng rời bỏ công việc của mình.
  • Những người có xu hướng nghĩ về tương lai thường tưởng tượng và lên kế hoạch cẩn thận cho cuộc sống cá nhân lẫn con đường nghề nghiệp của mình, họ đã tính toán kỹ càng những vấn đề có thể xảy ra với công việc hiện tại. Do đó họ cũng ít có khả năng từ bỏ kế hoạch đã dày công chuẩn bị và bỏ việc.
  • Những người có xu hướng nhìn về quá khứ sẽ hay hồi tưởng lại những trải nghiệm đã xảy ra, và thậm chí làm mới lại những ký ức tồi tệ dù chúng đã qua rất lâu. Cộng thêm, bản chất của con người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những trải nghiệm tiêu cực hơn là trải nghiệm tích cực. Vì thế những người này có thể sẽ phàn nàn về công việc và lựa chọn dứt áo ra đi.

Hậu nghỉ việc, não vẫn không nghỉ

Trải qua giai đoạn đắn đo, cân não, quyết định nghỉ việc rồi không có nghĩa não được nghỉ ngơi, mà sẽ bước tiếp vào một tiến trình tâm lý khác. Theo mô hình của Elisabeth Kübler-Ross chúng ta sẽ đi qua 5 giai đoạn tâm trạng mất mát mà bạn sẽ cảm thấy có rất nhiều điểm tương đồng như chia tay với người yêu vậy.

alt
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

1. Phủ nhận

Đây là giai đoạn chúng ta từ chối sống trong hiện tại có thật và đắm mình trong một hiện tại mà chúng ta cho là nó lý tưởng hơn. Khi cảm giác nằm nhà nghỉ ngơi không sung sướng như ta tưởng hay công việc mới cũng nhiều bất an chẳng kém, chúng ta sẽ dễ rơi vào cái bẫy hồi tưởng lạc quan (rosy retrospection), cảm thấy công việc cũ mới tốt làm sao và hình như ta mới có một bước đi sai lầm.

2. Phẫn nộ

Kế đến bạn sẽ dễ cáu kỉnh và bực dọc thậm chí đối diện với cơn khủng hoảng về danh tính. Suốt một thời gian dài chúng ta ngày ngày đến công ty, giao tiếp với đồng nghiệp, lời giới thiệu về bản thân sẽ luôn đi kèm cùng chức danh công việc. Nhưng giờ thì tất cả biến mất, bạn không biết bấu víu vào đâu và định danh mình như thế nào.

3. Mặc cả

Tới lúc này bạn bắt đầu có xu hướng buông xuôi theo kiểu sao cũng được. Có thể sẽ là nghĩ nhiều mệt quá, hay thôi không nghỉ việc nữa hoặc nháo nhào đâu cũng nộp CV, giờ chỉ cần có việc thôi là được, ở nhà cứ nghĩ linh tinh tới lui.

4. Chán nản

Và giờ là lúc bạn biến thành tiểu thuyết gia bi kịch đại tài, chúng ta sẽ tưởng tượng ra hàng loạt viễn cảnh tăm tối nhất có thể. Nào là mình bị đào thải khỏi thị trường lao động rồi, ngoài kia giờ chẳng còn công ty nào cần mình nữa, hay thế là đi tong ước mơ sự nghiệp rực rỡ huy hoàng rồi.

5. Chấp nhận

Giai đoạn này không phải bất cần mà đúng hơn là dù cho nghỉ việc, nhưng mình sẽ sớm ổn lại thôi. Trong giai đoạn này, cảm xúc của bạn dần bình ổn lại, chúng ta thực sự chấp nhận thực tế mới rằng bản thân đã nghỉ việc dù đó là tình thế chủ động hay bị động. Có thể ở thời điểm này tình hình không thực sự tốt nhưng nó không kéo dài mãi mãi như vậy.

alt
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Giờ ổn rồi, bước tiếp thôi

Câu hỏi đặt ra bây giờ là làm cách nào để chúng ta xây dựng lại sự tự tin vào năng lực của mình, và có động lực tích cực để tiếp tục chinh phục những cơ hội phía trước trên con đường sự nghiệp. Chúng ta cần tái thiết lập lại cuộc sống của mình bằng một mô hình hành động đúng nghĩa mang tên RESET:

  • Relationship - Các mối quan hệ: Hãy nói chuyện với những mối quan hệ nằm trong vòng tròn cá nhân và cả công việc. Việc nghe trải nghiệm của những người xung quanh sẽ giúp bạn bình thường hóa trải nghiệm của bạn, thay vì âu lo thái quá. Đồng thời, việc cập nhật tình hình hiện tại và tăng cường kết nối cũng sẽ giúp bạn mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm hơn.
  • Energy - Năng lượng: Hãy tìm kiếm và nuôi dưỡng nguồn năng lượng cho bạn bằng cách quan sát những điều bạn quan tâm hoặc bạn muốn đóng góp cho xã hội. Đây sẽ là nguồn động lực to lớn không chỉ giúp bạn phục hồi tâm trạng mà còn thôi thúc bạn bước tiếp sau chặng dừng chân nghỉ việc.
  • Strength - Điểm mạnh: Đánh giá những điểm mạnh và kỹ năng nổi trội mà bạn có, đồng thời xem xét cách áp dụng chúng vào những gì bạn thích. Điểm giao giữa hai yếu tố này khả năng cao sẽ là cơ hội việc làm tuyệt vời bạn tìm kiếm.
  • Experience - Trải nghiệm: Nhân cơ hội rảnh rang này hãy thử thực hiện những trải nghiệm mà bạn chưa từng thử, biết đâu lại phát hiện mình còn những sở thích hay năng lực tiềm ẩn chưa được khai phá. Nếu được hãy thử cả công việc mà bạn nghĩ là tiềm năng ở trên để có đáp án rõ ràng nó là mục tiêu mới mình muốn theo đuổi hay chưa.
  • Timeset - Đặt thời gian cụ thể: Và một khi đã chắc chắn muốn làm gì, đừng chỉ để đó và hô hào khẩu hiệu nỗ lực vài ba hôm. Bắt đầu nhẹ nhàng cùng một kế hoạch hành động rõ ràng chẳng hạn trong tuần này kết nối với ba người thuộc lĩnh vực nghề nghiệp mình theo đuổi. Từng bước một, dần dần bạn sẽ định hình được con đường muốn đi trong tương lai.

Hơi sến súa nhưng điều tốt nhất bạn có thể làm chính là kiên nhẫn và bao dung bản thân khi bạn sẽ phải trải qua nhiều biến động cảm xúc trong giai đoạn này. Dù khó khăn nhưng đây là một quá trình hữu ích để bạn tạm dừng, lắng nghe suy tư của mình và bước tiếp vững vàng hơn.