Chuyện gì xảy ra sau khi ước mơ thành sự thật? | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 08, 2022
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Chuyện gì xảy ra sau khi ước mơ thành sự thật?

Có thật là khi đạt được ước mơ rồi, cuộc đời sẽ tự khắc lên chín tầng mây xanh?
Chuyện gì xảy ra sau khi ước mơ thành sự thật?

Chị Chi Nguyễn - The Present Writer.

Mọi người thường nói về giai đoạn hình thành ước mơ và hành trình biến nó thành sự thật, nhưng hiếm ai nói đến những gì xảy ra sau khi đã đạt được ước mơ. Có thật là khi đạt được ước mơ rồi, cuộc đời sẽ tự khắc lên chín tầng mây xanh, mọi việc đều trở nên tốt đẹp, hoàn hảo?

Trong bài viết này mình kể lại những điều đã xảy đến với mình sau khi đạt được ước mơ lớn nhất của bản thân và những gì mình đang và sẽ làm ở giai đoạn tiếp theo.

Chông chênh với câu hỏi “Rồi sao nữa?”

Mục tiêu thì ai cũng có rất nhiều. Tuỳ mỗi giai đoạn mỗi người lại có những mục tiêu khác nhau, như đạt được điểm cao, có công việc nọ tại công ty kia, có người yêu, lập gia đình,... Thậm chí mình có nhiều mục tiêu trong một ngày, một tuần, chứ không chỉ trong một năm hay vài năm.

Ước mơ thì khác, ít nhất là với mình. Ước mơ là một điều gì đó lớn lao, mà để đạt được nó mình phải đi qua rất nhiều mục tiêu. Ước mơ cũng trừu tượng hơn, và có một chút, hoặc nhiều chút “xa vời” để mình mơ về nó.

Mình nhớ thời học phổ thông ở Việt Nam, khi mình mang giấc mơ du học, bản thân đã tưởng tượng hình ảnh mình ra sân bay chào mọi người ra sao, rồi bắt đầu cuộc sống mới thế nào. Thậm chí khi trời đổ mưa ở nhà, mình còn tự hỏi ở nước ngoài trời mưa trông có khác không.

Ước mơ có gì đó lãng mạn, cháy bỏng, thôi thúc bên trong mình. Nhiều năm sau, mình tiếp tục giấc mơ lớn thứ hai là được trở thành giáo sư đại học (college professor) tại Mỹ. Rất may mắn, ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi mình qua tuổi 32.

Ước mơ cháy bỏng đến nhường nào thì cảm giác sung sướng khi đạt được nó càng lớn bấy nhiêu. Nhưng như người lên bục nhận giải nào cũng phải bước xuống, mình hạnh phúc đến tột cùng rồi bỗng cảm giác hụt hẫng, chông chênh, rất kỳ lạ.

Sau khi dành nhiều năm liền, thậm chí cả cuộc đời theo đuổi một điều gì đấy đến mức nó trở thành bản ngã của mình, bây giờ khi đã “cầm” nó trong tay rồi thì mình là ai?

Ước mơ liệu coacute điểm dừng Nguồn Nguyen MinhUnsplash
Có trạm dừng nào cho ước mơ? | Nguồn: Nguyen Minh/Unsplash

Gần đây mình nghe được câu nói thế này trong một podcast về kinh doanh: “What got you here won’t get you there.

Ý nói, những gì giúp cho mình thành công trước đây chưa chắc sẽ giúp cho mình tiếp tục thành công trong tương lai — ở mỗi giai đoạn trong sự nghiệp hay trong cuộc đời, bạn cần một phiên bản khác của bản thân để thực hiện mục tiêu và ước mơ mới.

Nhìn lại mình nhận ra rằng, đúng là khi trở thành giáo sư, mình đã đạt được một ước mơ lớn, nhưng mình chưa hoàn thành nó, cũng giống như mình vừa mở khoá thành công một ván game mới khó hơn, nhưng mình chưa chơi xong.

Như vậy, cảm giác hụt hẫng sau khi đạt được ước mơ của mình phần nào xuất phát từ sự thiếu chuẩn bị. Mình chông chênh ban đầu do chưa xác định được sẽ cần gì để trở thành phiên bản tốt hơn. Bởi vậy, mình đã thực hiện một số bước sau đây để tiếp tục hành trình của mình được vững chắc hơn.

Việc mình làm #1: Đổi “lò lửa”

Ngay sau khi nhận thông báo được trở thành giáo sư đại học, mình đã bị ốm suốt hơn một tuần liền. Khi nằm trên giường nhiều ngày như thế, mình bắt đầu suy nghĩ nhiều về sự nghiệp, cuộc đời và học thuyết Bốn lò lửa.

Nếu bạn chưa biết, học thuyết Bốn lò lửa cho rằng cuộc đời của mỗi người được chia làm bốn “lò lửa”. Thứ nhất là lò công việc. Thứ hai là lò sức khỏe. Thứ ba là lò gia đình và cuối cùng là lò bạn bè. Để thành công, bạn phải tắt đi một trong bốn lò. Và để thành công xuất sắc, bạn phải tắt đi hai trong số bốn lò.

Mình rất thích học thuyết này và nếu các bạn theo dõi mình trên trang The Present Writer, các bạn có lẽ cũng biết rằng trong những năm vừa qua, đặc biệt là hai năm gần nhất, mình chỉ tập trung vào hai lò, là lò công việc và lò gia đình. Mình vừa viết luận văn tốt nghiệp, vừa làm công việc toàn thời gian, vừa chăm sóc con nhỏ cùng chồng, hầu như không có ai khác giúp đỡ.

Mình đã cố gắng làm rất nhiều việc vì mình hạnh phúc khi được làm việc. Do vậy chiếc lò công việc luôn luôn cháy.

Đocirci khi một ước mơ nagraveo đoacute đatilde thagravenh sự thật rồi thigrave noacute cũng lagrave luacutec migravenh đổi quotlograve lửaquot Nguồn Priscilla Du PreezUnsplash
Đôi khi một ước mơ nào đó đã thành sự thật rồi thì nó cũng là lúc mình đổi "lò lửa". | Nguồn: Priscilla Du Preez/Unsplash

Nhưng thành thật mà nói trong suốt nhiều năm qua mình chăm sóc sức khỏe của bản thân chưa đủ tốt. Mình có tập luyện và cố gắng ăn uống đầy đủ dinh dưỡng nhưng để duy trì sự dẻo dai là chủ yếu. Mình đáng lẽ ra có thể làm tốt hơn.

Sau lần bị ốm vừa rồi, mình nhận ra rằng có lẽ đã đến lúc mình phải tạm tắt đi lò lửa công việc và bật lên lò lửa sức khỏe. Vì nếu không có sức khoẻ, mình có lẽ còn chẳng làm được gì, chứ chưa nói đến việc hoàn thành ước mơ.

Do vậy, mình nghĩ rằng đôi khi một ước mơ nào đó đã thành sự thật rồi thì nó cũng là lúc mình có thể “nhấn” một nút chuyển đổi cuộc sống nào đó. Với bạn, nút chuyển đổi này có thể là gia đình hay bạn bè, công việc, tuỳ vào bạn thấy “lò lửa” nào lâu nay mình đốt chưa đượm.

Việc mình làm #2: Dùng ước mơ nâng cấp ước mơ.

The Present Writer là dự án đam mê của mình, và mình hoàn toàn tự làm một mình trong suốt 5 năm đầu. Tuy nhiên, khi có công việc mới với áp lực tăng cao, thời gian hẹp lại, mình đã buộc phải bước ra khỏi vùng an toàn.

Từ một người làm việc độc lập và rất ngại việc phải quản lý ai đó, mình mới có thêm trợ lý, cũng như tuyển thêm một đội hỗ trợ nhau phát triển.

Nói cách khác, khi ước mơ của mình thành sự thật, mình có thêm nguồn lực để đầu tư trở lại vào bản thân, vào dự án, cuộc sống của mình. Đồng thời mình cũng có nguồn lực để xây dựng, chạm đến và hoàn thành ước mơ chung với nhiều người.

Nếu bạn đang là học sinh, sinh viên và bạn vừa đạt được học bổng của nhà trường chẳng hạn, thì bạn có thể cân nhắc làm thế nào đó để đầu tư ngược trở lại cho bản thân. Ví dụ như mua giáo trình, đầu tư thời gian tìm khóa thực tập chất lượng, hay tham gia các khóa học, sự kiện, cuộc thi để mở rộng kiến thức, mối quan hệ,...

Với mình, khi có thời gian tập trung hơn cho bản thân, mình nhận ra ước mơ làm giáo sư đại học đang giúp mình đi đến một ước mơ “nâng cấp” hơn – ước mơ tự do.

Nhiều năm qua mình đã cố gắng học tập, giành học bổng, học thạc sĩ, tiến sĩ, rồi lấy chồng, sinh con và nuôi con nhỏ. Mình đã luôn là một người có mục đích và kế hoạch rõ ràng. Vậy chặng đường tiếp theo có chăng là mình tìm đến một sự linh hoạt hơn?

Điều này nghe qua có vẻ kỳ lạ với hình ảnh hiện tại của The Present Writer. Nhưng nhớ lại ngày xưa, thời mọi người vẫn còn dùng Yahoo, mình đã từng tự đặt nickname là “chifree”, với mong ước tự do.

Điều buồn cười là lúc đó khi nghe mẹ bình luận rằng “free” nghĩa là miễn phí, nghe rẻ tiền, mình đã nghe lời mẹ bỏ nickname, rồi từ đó cũng dần quên đi mình từng muốn bay nhảy thế nào.

Lúc này, khi cuộc sống đã ổn định hơn nhiều, có lẽ mình cũng cần sẵn sàng cho một cơn mơ mới.

The Present Writer
Cùng đi tìm "mình" ở những phiên bản khác nhau.

Những suy nghĩ cuối

Ai cũng có thể bị lạc đường, dù là chưa đạt được ước mơ hay đã làm được. Ai cũng có thể rơi vào trạng thái thất vọng sau khi đạt được ước mơ, dù ước mơ của họ lớn hay nhỏ.

Mình hy vọng rằng là các bạn đang đọc bài viết này ít nhất hãy cho mình một cơ hội được mơ đã. Nếu các bạn chưa có ước mơ hay chưa biết phải làm gì để đạt được ước mơ thì cũng đừng lo.

Ngày xưa, khi có chiếc nickname “chifree” mình cũng không biết rằng tự do có nghĩa là gì. Mình chỉ muốn có sự tự do thôi. Còn bây giờ mình đã có định hình cơ bản rằng cần phải qua những cái bước nào để có được nó, chẳng hạn như trước hết là tự do tài chính.

Do vậy mình nghĩ rằng, nếu mình có thể gieo một ước mơ nào đấy vào trong tiềm thức thì 10 năm, hay 20 năm sau và thậm chí nhiều hơn nữa, mình có thể mới biết cần phải làm gì để đạt được ước mơ đó. Sau một ước mơ sẽ có muôn vàn ước mơ khác.