Điều gì khiến một người khó bị thay thế? | Vietcetera
Billboard banner

Điều gì khiến một người khó bị thay thế?

Có thực sự là năng lực mới là thứ giúp chúng ta khó bị thay thế?
Điều gì khiến một người khó bị thay thế?

Nguồn: Pexels

Có lẽ hầu hết chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác “sợ bị thay thế”.

Chẳng hạn như trong gia đình thì sợ bị anh chị em khác, sinh sau mình dành lấy tình thương của cha mẹ. Trong công việc thì sợ bị sa thải hoặc bị thay thế bởi nhân viên trẻ hơn, người có trình độ cao hơn, sợ bị thay thế bởi công nghệ, bởi AI. Trong các mối quan hệ thì sợ bị lừa dối, bỏ rơi vì người mình yêu gặp được người khác tốt hơn.

Đâu đó sâu thẳm bên trong chúng ta luôn muốn mình là người đặc biệt, quan trọng, không thể thay thế, ít nhất là với một hoặc với một vài người. Đây là một nhu cầu rất bản năng và bình thường của con người, vì chúng ta muốn được xác nhận sự tồn tại và thấy được giá trị của bản thân.

Thế nhưng nếu nỗi sợ bị thay thế này đang ở mức ám ảnh bạn, khiến bạn bồn chồn, khó tập trung thì có lẽ bạn đang cần có thêm vài góc nhìn để gỡ rối vấn đề.

Bài viết này mình sẽ cùng bàn luận về câu hỏi: Những yếu tố nào khiến một người khó bị thay thế? Mình sẽ không nói đến khía cạnh tình cảm, mối quan hệ, mà chỉ riêng trong bối cảnh công việc nha, để giúp bạn có sự chuẩn bị trong bối cảnh thị trường lao động đang có nhiều biến động.

Điều gì khiến một người “khó bị thay thế”?

Khi nói đến nỗi sợ thay thế, chúng ta vẫn thường sợ bị thay thế bởi người có năng lực hơn. Vì năng lực là thứ dễ thấy và dễ đánh giá, đo lường nhất, thông qua kết quả hay thành tựu của một người.

Tuy nhiên, có thực sự là năng lực mới là thứ giúp chúng ta khó bị thay thế?

Trong cuốn sách có tên là Cách sống của tác giả Inamori Kazuo, người được mệnh danh là ông thần kinh doanh của nước Nhật, ông có đưa ra một công thức là:

Cuộc đời và thành quả của công việc
= Tư duy x Nhiệt huyết x Năng lực

Điều đáng chú ý ở đây là công thức này theo phép nhân, chứ không phải phép cộng, vì thiếu bất kỳ 1 trong 3 yếu tố này thì kết quả cũng bằng 0.

Ngoài ra, trong công thức này, yếu tố nhiệt huyết và năng lực có điểm thấp nhất là 0, nhưng điểm tư duy thì có thể là số âm, tương đương với “tư duy xấu”. Chẳng hạn một người có năng lực thuyết phục, lập kế hoạch kinh doanh quy mô, nhưng lại chỉ dùng những điều này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì kết quả cuối cùng lại là thất bại và vướng vòng lao lý.

Điều đó có nghĩa là, trong 3 yếu tố thì yếu tố tư duy được cho là quan trọng nhất. Nếu tư duy không đúng đắn thì năng lực và nhiệt huyết dù có tràn đầy cũng trở nên vô nghĩa.

Vậy nên có thể nói là chúng ta sẽ dễ bị đào thải nhất khi không có tư duy đúng đắn.

Nhưng trong rất nhiều loại tư duy, mình muốn nhấn mạnh đến 2 loại sau: Tư duy sáng tạo và tư duy giá trị.

Nghe thecircm về những niềm tin quyết định goacutec nhigraven về việc quotbị thay thếquot tại tập podcast quotTư duy giaacute trị vagrave điều gigrave khiến một người khoacute bị thay thếquot tại YouTube hoangthoughts Nguồn Pexels
Nghe thêm nội dung về những niềm tin quyết định góc nhìn của bạn về việc "bị thay thế" tại tập podcast "Tư duy giá trị và điều gì khiến một người khó bị thay thế?" tại YouTube @hoangthoughts. | Nguồn: Pexels

Tư duy sáng tạo

Theo báo cáo Tương lai các ngành nghề (Future of Jobs) mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới, thì tư duy sáng tạo đang dần được xem là quan trọng nhất trong bối cảnh thị trường lao động hiện tại và ít nhất là 5 năm nữa, khi mà các công nghệ, đặc biệt là AI đang phát triển mạnh mẽ.

Nhắc đến sáng tạo, có thể bạn đang nghĩ là “Thôi, không cần quan tâm nữa”. Vì bạn đang làm trong những công việc liên quan đến tài chính, nhân sự,… thì chắc cũng không cần quan tâm đến.

Hoặc là “Thôi, không còn hy vọng gì nữa rồi”. Vì nói đến sáng tạo thì nói đến những thứ trừu tượng, bay bổng. Bạn nghĩ rằng nếu không có năng khiếu, thì khó mà tăng giá trị cá nhân theo con đường này lắm.

Tuy nhiên, mình thấy đây là những hiểu lầm lớn nhất về sáng tạo.

Tư duy sáng tạo thực chất là tư duy giải quyết vấn đề. Mà giải quyết vấn đề thì cần cho mọi công việc, và cần cho mọi thời đại, đặc biệt trong thời đại những vấn đề mới xuất hiện nhanh hơn như hiện nay.

Đây là định nghĩa riêng của mình về sáng tạo: Sáng tạo là quá trình tìm ra những ý tưởng khả thi nhất dựa trên nguồn lực hiện có, và hiện thực hóa chúng.

Trong đó:

  • Ý tưởng khả thi: là thứ có thể dùng để phục vụ cho một nhu cầu nào đó, hoặc cụ thể hơn, là giải pháp cho một vấn đề nào đó cần giải quyết.
  • Nguồn lực: là sự hiểu biết về những giới hạn tài nguyên (thời gian, chi phí, năng lực, bối cảnh) để từ đó chọn lọc ý tưởng phù hợp.
  • Hiện thực hoá: là những hành động, cách thức và kế hoạch để thực thi ý tưởng.

Mình sẽ đưa vài ví dụ để bạn dễ hình dung hơn khi áp dụng tư duy sáng tạo này thì sẽ giúp bạn trở nên “khó bị thay thế” như thế nào.

Giả sử bạn là một sinh viên ngành marketing, và đang có công việc làm thêm là nhân viên phục vụ ở nhà hàng. Đây là một công việc có tính thay thế, luân chuyển rất nhanh, nhưng nếu vì một lý do nào đó mà bạn muốn gắn bó với nhà hàng này, muốn thăng tiến hơn, thì bạn có thể tranh thủ thực hành kiến thức marketing bạn học ở trường để thực hiện một ý tưởng bên ngoài yêu cầu công việc phục vụ của bạn.

Chẳng hạn như bạn sẽ tận dụng những khoảng thời gian quán vắng khách quay video giới thiệu về đồ ăn để đăng tải lên mạng xã hội, với nguồn lực hiện có là kết hợp với các bạn nhân viên khác. Bạn có thể xin chủ nhà hàng tài trợ miễn phí để thử nghiệm với một vài món trước, và bắt tay lên kế hoạch, kịch bản thực hiện. Đây là lúc tư duy sáng tạo phát huy tác dụng giúp bạn gia tăng giá trị và trở nên nổi bật hơn.

Dù thành công hay thất bại, thì mình tin là sau lần đó, cái nhìn của chủ nhà hàng đối với bạn cũng đặc biệt hơn so với những bạn phục vụ khác.

Hoặc một ví dụ khác cho công việc có tính giải quyết vấn đề cao hơn như bạn đang làm lĩnh vực nhân sự, xây dựng văn hóa ở công ty.

Thay vì chỉ dừng lại ở những nghiệp vụ cơ bản, bạn có thể thử đề xuất những ý tưởng mới nhằm tăng tính gắn kết, hoặc văn hóa tự phát triển bản thân, như những buổi thảo luận về một cuốn sách hay, những buổi team-building dã ngoại, kết hợp với hoạt động từ thiện. Miễn là chi phí và thời gian phù hợp với quy mô công ty của bạn, và bạn sẽ cùng mọi người bắt tay thực hiện những ý tưởng này.

Hình ảnh năng nổ, nhiệt tình sáng tạo của bạn cũng sẽ là một hình mẫu nhân viên mà bất kỳ người chủ công ty nào cũng muốn có.

Mình cũng có xuất bản một cuốn sách đóng gói nhiều năm kinh nghiệm làm sáng tạo của mình, tựa là Có cách - Nuôi dưỡng sự sáng tạo từ niềm tin có cách. Mình tin là cuốn sách này sẽ cho bạn một cái nhìn tổng thể về kỹ năng sáng tạo, hiểu đúng về nó và cung cấp thêm nhiều phương pháp để bạn có thể nâng cao tư duy sáng tạo của mình.

Tư duy giá trị

Tư duy giá trị nhắc nhở bạn nên song song phát triển ở cả 2 khía cạnh: Khả năng tạo ra giá trị cho người khác và khả năng thuyết phục người khác về tiềm năng tạo ra giá trị của bạn.

Khả năng tạo ra giá trị thì chúng ta đã quá rõ ràng rồi, đó là những thứ như kỹ năng, kiến thức, tài sản,… giúp bạn trực tiếp tạo ra giá trị.

Còn khả năng thuyết phục người khác về tiềm năng tạo ra giá trị của bạn thiên về khía cạnh cách bạn xây dựng hình ảnh, tạo dựng uy tín và đóng gói, truyền tải được những gì bạn làm để người khác dễ tiếp nhận.

Chẳng hạn như khi làm podcast hoặc viết blog, khả năng tạo ra giá trị của mình là những tư duy được đúc kết từ quá trình phát triển bản thân của mình. Trước hết những tư duy đó phải có giá trị thực tế trong đời sống, sau đó mình phải tìm cách chia sẻ bằng những câu chuyện, ví dụ gần gũi để bạn nghe dễ hiểu hơn ý nghĩa của chúng. Cuối cùng mình phải đóng gói những thông tin này bằng bài viết, tập podcast, hoặc bất kỳ hình thức nào dễ tiếp cận tới người đọc, người xem.

Bất kỳ công đoạn nào cũng đều góp phần không nhỏ trong việc tạo ra tính giá trị của những nội dung mà mình đang chia sẻ tới bạn.

Rồi khi đã hiểu được tư duy giá trị, thì bên cạnh phát triển kỹ năng chính, hãy học hỏi, bổ sung thêm các kỹ năng hỗ trợ, liên kết để tăng giá trị cho bạn. Đây là những khái niệm thuộc về hệ sinh thái kỹ năng, như mình từng chia sẻ trong tập podcast Chọn học gì khi có quá nhiều thứ để học? một tập trong series Kỹ năng tự học của mình.

Còn một nỗi sợ khác về thay thế trong công việc mà dạo gần đây cũng được nhắc tới nhiều hơn, đó là: Liệu chúng ta sẽ bị thay thế bởi AI?

Với mình thì hiện tại vẫn còn quá sớm để nói về điều này, dù rằng một số công việc chân tay, hoặc yêu cầu giải quyết những vấn đề đơn giản đã bắt đầu bị thay thế. Nhưng đó có thể cũng là động lực để chúng ta không ngừng học hỏi, nâng cấp năng lực để giải quyết những vấn đề phức tạp hơn. Còn nếu bạn thật sự muốn nghe thêm góc nhìn của mình về AI, thì hãy bình luận cho mình biết nhé.

Kết

Mình nghĩ không ai xuất hiện với mong muốn bị thay thế. Nhưng sự thật là chúng ta có thể giỏi những thứ đang làm nhưng ngoài kia cũng đầy rẫy những người đang làm tốt, hay thậm chí còn làm tốt hơn chúng ta rất nhiều.

Mình từng ở trong một khoảng thời gian lo lắng sẽ bị thay thế trong công ty, nhưng thời gian đó lại không kéo dài, vì mình thấy được có thể sự ra đi của mình sẽ để lại một khoảng trống, nhưng chỉ trong giây lát.

Và thật ra thì tới bây giờ, mình thật sự muốn sự thay thế của mình diễn ra nhanh hơn, dễ chịu hơn, thông qua việc có thể giúp được những đồng đội thế hệ tiếp theo phát triển vững vàng. Tới lúc đó, việc có hay không có mình thì cũng không phải là vấn đề đối với công ty nữa.

Và quá trình biến đổi đó của mình, là quá trình mình thay đổi cách nghĩ từ “Tôi không thể bị thay thế” thành “Tôi cần thiết”.

“Tôi không thể bị thay thế” sẽ nuôi dưỡng cái tôi lớn dần, tự mãn và sợ hãi thất bại. Còn “Tôi cần thiết” sẽ tạo động lực giúp mình luôn cố gắng để hoàn thiện và phát triển bản thân.

Chúng ta không thể biến mình trở thành một cá nhân “không thể bị thay thế”, nhưng có thể cố gắng để trở thành người “cần thiết” hơn cho tổ chức. Và chỉ với động lực đúng đắn đó, mới có thể giúp ta thật sự trở nên tốt đẹp hơn.