Hành trình kết nối của Voltak: Độc thoại để đối thoại | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 10, 2021
Sáng TạoÂm Nhạc

Hành trình kết nối của Voltak: Độc thoại để đối thoại

Voltak chưa bao giờ lên kế hoạch cho sản phẩm của mình, sợi dây kết nối của anh là kết quả đến từ tinh thần tự do có phần nổi loạn.
Hành trình kết nối của Voltak: Độc thoại để đối thoại

Voltak trong MV mới nhất của anh | Nguồn: Voltak

Hằng ngày, khi dạo quanh ở Sydney, có thể bạn sẽ vô tình thấy những nghệ sĩ đường phố biểu diễn, đến từ rất nhiều quốc gia. Và trong hằng trăm nghệ sĩ đường phố đấy, có một chàng trai Việt Nam vẫn thường xuyên thể hiện những màn beatbox của mình.

Qua những video gây bão trên mạng xã hội như 9GAG, AsianCrush, nhiều người gọi anh với cái tên "hệ thống âm thanh sống" hay "festival di động", bởi nguồn năng lượng tỏa vô cùng mãnh liệt. Đã có không ít người nhận ra anh chàng này là quán quân vô địch giải Beatbox tại Hà Nội vào năm 2008. Đó là Voltak, tên thật là Lê Hoàng Nam.

Voltak còn được biết tới dưới vai trò là từng là giám đốc sáng tạo của local brand đình đám: Hanoi Riot. Hiện anh đang là thành viên người Việt Nam duy nhất của Ronin Gang, được thành lập bởi nhóm nhạc Hip Hop nổi tiếng của Úc Deuxronin.

Beatbox là sở thích rẽ ngang, và cũng là chìa khóa kết nối với hành trình nghệ thuật của Voltak. Chàng nghệ sĩ đa năng này gây ấn tượng với bạn bè Việt Nam cũng như quốc tế bởi chất đường phố, thế nhưng đằng sau đó là cả một câu chuyện thú vị mà không phải ai cũng biết.

Sự cô lập khi còn bé

Voltak ngày còn bé là một kẻ cô lập trong thế giới của mình, học hành chểnh mảng. Năng lượng của anh chìm đắm trong những nét vẽ định danh nên cái mác "loser", hay theo như lời anh là "một con cá không thể bay". Danh hiệu đã đóng gói tuổi trẻ và đeo bám anh như một định kiến chắc nịch: "Đây là tất cả những gì mày có thể làm được".

Nhưng, bạn bè đều thích những gì anh vẽ. "Cả mùa hè mình chỉ ngồi vẽ truyện tranh. Không thể giải thích vì sao khác mọi người, nhưng mình cũng không muốn đi đâu cả."

Bức tranh Trước Đêm Giao Thừa được Voltak vẽ khi 6 tuổi | Nguồn: Voltak
Bức tranh Trước Đêm Giao Thừa được Voltak vẽ khi 6 tuổi | Nguồn: Voltak

Voltak "chạm trán" beatbox khi anh lên lớp 9 qua một chương trình trên tivi của một vài "anh thanh niên da màu". Khoảnh khắc đó đã loé lên trong anh suy nghĩ, có chăng mình cũng sẽ kết nối với thế giới bên ngoài bằng loại hình nghệ thuật này? Năm 2008, anh vô địch ở Giải đấu miền Bắc. Sau đó là cú chạm trán tại giải diễn Mobifone, một trong những giải lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ. 

Khi được mọi người hỏi anh đã luyện tập như thế nào, Voltak trả lời: "Toilet là phòng thu cá nhân của mình. Có lần đi đám cưới, mình mặc cả bộ vest đi xem beatbox... xong rồi lên đấu luôn!"

3 năm hỗn loạn trong rừng đối mặt với bóng tối

16 tuổi, Voltak sang Úc du học. Trong gần 3 năm "bị ném" vào rừng, không nghe thấy tiếng, không nhìn thấy người, tất cả những gì anh có được là sự tĩnh lặng và âm thanh từ chim chóc, cây cối. Với anh, đó là khoảng thời gian đối diện với sự hỗn loạn bên trong mình để tự đặt ra câu hỏi: Tại sao mọi người phải lao vào cuộc sống như một cái máy? Tại sao không ai lắng nghe tiếng nói từ mình?

Sự cô lập ở đây đã "tập dượt" cho Voltak một cảm giác đeo đuổi nhiều năm sau này: không được chấp nhận, không được lắng nghe. Thậm chí có những lúc anh đã bị thôi thúc vào cái bẫy đen tối nhất của cơn trầm cảm. "Có những lúc mình thức dậy nửa đêm trong rừng và lang thang như vậy, chỉ một mình mình, đi tìm bản thân mình." Và đó cũng là lúc bức tranh The Fear - Nỗi Sợ ra đời. 

The Fear - Đi qua vùng tối để nhìn thấy một tia sáng | Nguồn: Voltak
The Fear - Đi qua vùng tối để nhìn thấy một tia sáng | Nguồn: Voltak

Trong cuộc độc thoại, những nét vẽ từ từ bóc vẩy sự cô độc. Anh nhiều lần đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để vượt qua được thứ cảm xúc kìm hãm này? Làm thế nào để đánh bại được con quỷ khiến mình phải dừng lại? Sự giải thoát đã đến với anh vào khoảnh khắc cầm trên tay tấm ảnh của gia đình. Và đó là khi ánh sáng cuối đường hầm xuất hiện.

Thời gian sau đó khi trở về Việt Nam, trong một lần ở bệnh viện, anh vô tình chứng kiến những bệnh nhân tâm thần lao đầu vào tường, gào thét với khuôn mặt đờ đẫn. "Có khi nào cái ranh giới giữa người được cho là điên và người bình thường chỉ là một lằn ranh ngôn ngữ. Một tiếng nói khác, một thứ sóng người bình thường không tiếp nhận được, và bản thân mình cũng vậy?" Dù bước ra khỏi vùng tối, anh biết rằng những vết sẹo vẫn còn ở đó và quay lại bất kỳ lúc nào. 

Bắt gặp ánh sáng từ đường phố

Nhưng một lần nữa, niềm tin về tia sáng đã tiếp bước cho Voltak ngay sau khi trở lại Úc hoạt động. Trong một lần đi làm về, thấy một thanh niên người Nhật tóc đỏ, mặc bộ quần áo samurai đang đánh guitar giữa đám đông hò hét đã khiến anh bị hút vào. Beatbox vẫn đã, và luôn mang lại cho anh cảm giác đang tồn tại và tự do.

"Mình nhớ mãi hình ảnh đặc biệt đó, như sự đại diện cho một nền văn hoá pha trộn, bỏ qua tất cả rào cản để kết nối với thế giới bên ngoài. Mình đã xin phép nhảy vào để beatbox cùng". - Voltak chia sẻ

Cảm giác được sống trong sự tự do đường phố mang lại | Nguồn: Voltak
Cảm giác được sống trong sự tự do đường phố mang lại | Nguồn: Voltak

Từ đó, Voltak dành thêm chút thời gian cuối tuần để biểu diễn ở đường phố. Anh đi diễn đến 3-4 giờ sáng, chỉ với một cái loa và một cái mic rất nhỏ, đôi khi chỉ có 1-2 người đứng xem. Nhưng với niềm tin của mình, Voltalk đã từ từ kéo được những đám đông lên đến tận hơn 100-200 người chật kín phố.

Những show diễn sau đó tiếp nối và tiếp nối, anh đứng trước hàng ngàn người. Những rào cản, những ranh giới từ kẻ có tiền đến kẻ ăn mày đều bị đập vỡ. "Trong sự tự do này, họ bước vào bữa tiệc do mình tạo ra, khoảng cách giữa khán giả và nghệ sĩ cũng không còn. Sự kết nối đó là cảm giác thật tuyệt. Mình có được nó, thứ đã thiếu trong một chặng dài cuộc đời trước đó."

Đi ra ánh sáng để kết nối bằng
Đi ra ánh sáng để kết nối bằng "ngôn ngữ" của chính mình | Nguồn: Voltak

Voltak tôn trọng sự thuần khiết và trong sáng trong nghệ thuật, và đường phố cho anh điều anh muốn. Không tranh đua, không ganh đấu, không nỗ lực để trở thành một nhân vật không có thật. Niềm vui khi màn trình diễn của mình trở thành hiện tượng viral trên mạng với hơn 300 triệu lượt view không thể nào bằng niềm vui của cảm giác chứng minh là mình-làm-được. 

Trong hành trình của mình, Voltak cũng đã vô tình trở thành một sứ giả truyền cảm hứng. Đôi khi bất chợt, anh nhận được tin nhắn từ những khán giả xa xôi ở Mỹ gửi đến: "Tôi cũng đang rất cực đoan và có suy nghĩ  tiêu cực, nhưng tôi muốn cảm ơn vì video này của anh, mặc dù không phải là fan beatbox."

Những lời chia sẻ đã mang lại nguồn năng lượng đặc biệt mà anh mô tả là "chuyển động của cảm xúc", nền tảng cho con đường phát triển cá nhân riêng biệt sau này. Đó không phải là một hành trình nghiêng về kỹ năng, đó là hành trình đập tan rào cản lý thuyết để kết nối với mọi người, qua màn trình diễn của mình.

"Là một đứa trẻ thì điều kỳ diệu sẽ xảy ra"

Beatbox đường phố cho Voltak sự tự do, còn anh thì phải luôn chiến đấu để toả sáng trong sự tự do đó. Điều quan trọng với Voltak là chịu lắng nghe tiếng nói bên trong, cả cái xấu và cái tốt của bản thân và phát triển năng lượng của chính mình.

Một hành trình dài đã từng rơi qua những cái hố về mặt tâm thần, với Voltak cũng có thể là một sự may mắn đề gò ép anh lắng nghe mình nhiều hơn. Anh cho rằng, mình là một người nghệ sĩ đi tìm những mảng màu của mình, càng đi thì nó càng hiện ra, và âm thanh là thứ keo dính kết nối chúng.

"Mình tin trong hành trình sáng tạo này, khi giữ cho tầm hồn mình luôn là một đứa trẻ, điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Làm gì cũng phải vui trước đã! Những người tham gia vào dự án của mình, giống như đang dạo chơi cùng mình một đoạn, vậy thôi!"

Voltalk mang tinh thần của một đứa trẻ trong cách anh làm sáng tạo và hoạt động nghệ thuật | Nguồn: Voltak
Voltalk mang tinh thần của một đứa trẻ trong cách anh làm sáng tạo và hoạt động nghệ thuật | Nguồn: Voltak

Luyện tập freestyle mang lại cho anh kinh nghiệm tạo ra những set diễn có sự kết nối với khán giả. Anh cho rằng điều quan trọng khi biểu diễn đường phố là làm gì để điều phối khán giả dừng lại á ố theo mình. Với cá nhân Voltak, đó là cách truyền thông đơn giản và chân thành nhất để đến với trái tim của khán giả. 

Tôn trọng tinh thần thể nghiệm và tự do

Trong hành trình sáng tạo của mình, Linkin Park là nguồn cảm hứng và nhân vật ảnh hưởng rất lớn đến anh, không phải chỉ về âm nhạc mà còn là tư duy về tính thử nghiệm. Anh cho rằng việc phá vỡ những định kiến về thể loại âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung sẽ là một thế giới tương lai, nơi không có rào cản ngôn ngữ. Các show diễn của Voltak luôn là một trải nghiệm về văn hoá, sự kết nối và nghệ thuật, không đơn thuần chỉ là Rap và Hip Hop.

Remy The Rat - Bước ngoặt lớn trong hành trình kết nối để đối thoại của Voltak | Nguồn: Voltak
Remy The Rat - Bước ngoặt lớn trong hành trình kết nối để đối thoại của Voltak | Nguồn: Voltak

Chuột Cống Bò Ra Hang (Remy The Rat) là một chương đặc biệt trong hành trình nghệ thuật của anh. Nó không hề bị gói gọn trong một dạng nghệ thuật riêng biệt mà là sự hoà trộn màu sắc và thể loại trong một sản phẩm sáng tạo.

Voltak chưa bao giờ từ bỏ hành trình đường phố, vì nó mang lại cho anh những gì anh đang có. Nhưng anh cũng không muốn cách làm nghệ thuật của mình bị đóng gói trong một phạm vi giới hạn. "Có thể đó cũng là lý do mình chưa được cộng đồng nào chấp nhận. Sự chắp nhặt chất liệu và trộn lẫn, làm nó liên quan đến nhau là hành trình mình đi, và từ từ trở thành một nghệ sĩ thể nghiệm - experimentalist." - anh chia sẻ thêm.

 

Smoke Town - Một trong những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt của Voltak | Nguồn: Voltak
Smoke Town - Một trong những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt của Voltak | Nguồn: Voltak

Voltak đề cao tính thể nghiệm không chỉ qua tinh thần freestyle mà còn ở cách làm việc. Anh thừa nhận mình chưa bao giờ có kế hoạch khi thực hiện các dự án, ngược lại luôn mở cánh cổng để trở nên tự do nhất có thể. Bất kể cảm xúc nào xuất hiện ở giây phút đầu đều được anh bắt lấy, đón nhận.

Thay vì phải làm một bài nhạc Hip Hop có chất này, chất kia, anh nhắm mắt lại và để mọi thứ "chảy" vào mình. Những âm thanh đầu tiên mà anh nghe được chính là sự rung cảm để viết tiếp, xây dựng hình ảnh, ý tưởng và làm việc với producer. Sản phẩm của Voltak, là kết quả của sự tự do. Và những cuộc độc thoại cuối cùng cũng đã mở ra những cuộc đối thoại.  

"Nghệ thuật là để cho đi và tạo sự kết nối. Từ một người không có bất kỳ sự liên kết nào, bây giờ mình đã đi đủ phần bên trong của mình và đưa mọi người vào thế giới đấy. Đó là một trải nghiệm trưởng thành đặc biệt của mình. Việt Nam đã cho mình quá nhiều thứ để có được ngày hôm nay."