Khi nào nghệ thuật không phải là sáng tạo, và ngược lại? | Vietcetera
Billboard banner

Khi nào nghệ thuật không phải là sáng tạo, và ngược lại?

Sáng tạo là phải "nghệ nghệ"? Ai "nghệ nghệ" cũng là đang sáng tạo? Sáng tạo và nghệ thuật giống mà cũng khác nhau (rất nhiều).
Khi nào nghệ thuật không phải là sáng tạo, và ngược lại?

Nguồn: Pexels

Phần trước: Sáng tạo không phải lúc nào cũng “cao siêu”


Sáng tạo và nghệ thuật đều buộc người thực hành trải qua quá trình nghĩ và hiện thực hóa ý tưởng. Chúng ta vẫn thường nhận xét một tác phẩm nghệ thuật nào đó, chẳng hạn như một bức tranh rằng nó “thật sáng tạo!”, và ngược lại một sản phẩm sáng tạo, chẳng hạn như một công trình kiến trúc rằng nó “thật nghệ thuật!”

Thế nhưng sáng tạo và nghệ thuật thực tế có những độc đáo riêng. Bằng quan sát cá nhân, tôi phân biệt chúng dựa trên mục tiêu trong công việc của những người làm nghề.

Người làm sáng tạo chủ yếu tập trung vào việc tạo ra ý tưởng thực tế, giải pháp để giải quyết vấn đề.

Ở đó một ý tưởng thực tế cần phải thỏa mãn ba điều kiện:

  • Là một giải pháp cho vấn đề thực sự đang tồn tại, nghĩa là giải pháp đó hướng tới một mục tiêu cụ thể, có thể đo lường để đánh giá mức độ hiệu quả.
  • Là một giải pháp phù hợp với những giới hạn của dự án (thời gian, chi phí, năng lực thực thi).
  • Giải pháp này tạo ra giá trị cho hai bên: người sáng tạo và người được giải quyết vấn đề (khách hàng, cộng đồng, xã hội).

Những vấn đề này bao trùm lên mọi khía cạnh, lĩnh vực khác nhau của cuộc sống như: kinh doanh, sinh hoạt, giải trí, sức khỏe,… Cốt lõi của quá trình sáng tạo là việc tìm kiếm và kết hợp các yếu tố có sẵn theo cách mới mẻ, chưa từng thấy để tìm ra các giải pháp phù hợp.

Trong khi đó, người làm nghệ thuật thường được gọi là nghệ sĩ, lại đặt trọng tâm vào việc diễn đạt, truyền đạt cảm xúc, suy nghĩ và những trăn trở đến từ cá nhân.

Hay có thể nói họ thể hiện cái tôi cá nhân thông qua các phương tiện thể hiện như hội họa, âm nhạc, văn chương,...

Chính vì thế, những ý tưởng nảy sinh trong quá trình làm nghệ thuật đôi khi chỉ cần nằm trong năng lực thực thi như trí tưởng tượng, tài năng và kỹ năng sáng tác, ít bị giới hạn về thời gian hay chi phí. Vấn đề mà họ “giải quyết” thông qua tác phẩm có thể chỉ chính họ cảm nhận được.

Việc xác định giá trị của một tác phẩm nghệ thuật cũng vì thế mà thường bị chi phối bởi cảm nhận chủ quan của người xem. Thế nên mới có trường hợp những nghệ sĩ sống cả đời nghèo khó, sau khi qua đời các tác phẩm mới được đón nhận và định giá rất cao, bởi khi đó xã hội mới xuất hiện những người đương thời có thể nắm bắt và hiểu được tư tưởng mà họ truyền tải.

Đúng, nghệ thuật là không gian cho bạn sự tự do, giúp bạn dễ đạt được nồng độ sáng tạo cao nhất. Thế nhưng, bạn không nhất thiết phải biết vẽ, biết hát, biết điêu khắc, chơi nhạc,… hay phải tạo ra được những sản phẩm lay động lòng người thì mới được gọi là người “sáng tạo”. Và bạn cũng không cần phải làm nghệ thuật mới có thể tạo ra một sản phẩm đậm đặc tính sáng tạo.

Nội dung bài viết được trích từ tựa sách “CÓ CÁCH - Nuôi dưỡng sự sáng tạo từ niềm tin có cách” mới phát hành của tác giả Hoàng Nguyễn. Cuốn sách giúp bạn tối ưu cuộc sống để “dễ thở” hơn nhờ kỹ năng và tư duy sáng tạo, hoặc giúp bạn sáng tạo tốt hơn nhờ tìm thấy “đúng cách”. Bạn có thể mua sách tại Tiki | Shopee.