Không phải ngáo ộp: AI thay đổi giáo dục đại học như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
27 Thg 12, 2023
Cuộc SốngChatGPTOpinion

Không phải ngáo ộp: AI thay đổi giáo dục đại học như thế nào?

Trong giáo dục, AI không nên được nhìn như một công cụ toàn năng, hoặc chỉ là một cách gian lận.
Không phải ngáo ộp: AI thay đổi giáo dục đại học như thế nào?

Nguồn: Unsplash

Khi các đại học không còn cấm AI

Tôi được giao nhiệm vụ trợ giảng một trường đại học Bắc Mỹ. Nhiệm vụ đó bao gồm điều phối thảo luận, quan sát sự tham gia vào buổi học và chấm bài cho các lớp với số lượng sinh viên lên tới 400-500 người.

Lớp học tôi điều phối đã được vi tính hoá hoàn toàn. Thay vì gặp nhau ở giảng đường truyền thống, các em sẽ tiếp nhận bài giảng trên diễn đàn ảo, rồi thảo luận với nhau về nội dung học qua mục comment. Căn cứ vào chất lượng của thảo luận, tôi tính điểm.

Tôi và nhiều đồng nghiệp gặp phải một tình trạng: quá nhiều thảo luận của sinh viên có nội dung giống hệt nhau. Nhưng chúng tôi không thể đi đến kết luận rằng sinh viên đang sao chép bài nhau, vì hành văn được thay đổi một cách… hoàn hảo, dù mỗi comment chỉ dài dưới 300 từ.

Qua hội ý với bạn bè học cử nhân, tôi biết hầu hết các bạn có thể tự bỏ tiền mua các phần mềm chỉnh sửa diễn đạt bằng trí tuệ nhân tạo. Khi tiếng Anh là ngôn ngữ chủ yếu trong giáo dục đại học tại phần lớn quốc gia trên thế giới, thật không khó để AI sản sinh nội dung Anh ngữ một cách thượng thừa.

25dec2023pexelsmikhailnilov7777667jpg
Khi giáo dục đã vi tính hóa hoàn toàn, AI khiến người giáo viên và người điều phối lớp học phải làm việc, chấm điểm theo những cách khác xưa. | Nguồn: Pexels

Việc sử dụng công cụ biên tập như Grammarly hay QuillBot cũng không bị cấm, mà thậm chí còn được khuyến khích. Với các sinh viên quốc tế, AI giúp các em hoà nhập nhanh hơn rất nhiều ở môi trường có sử dụng ngữ pháp và các cấu trúc bài luận phức tạp.

Qua hỏi đáp, tôi cũng biết các em không đơn thuần chỉ đặt câu hỏi để huấn luyện AI, mà phải có sẵn rất nhiều kiến thức làm đầu vào. Phần mềm chỉ đóng vai trò đóng gói mọi thứ thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

Còn với các em sử dụng AI để “wording” thảo luận của bạn cùng lớp, chúng tôi thực sự rơi vào vùng xám. Không được cấm đoán, chúng tôi chỉ có cách đọc kỹ, chỉ ra những câu và khái niệm trông có vẻ “trên cơ” so với trình độ cử nhân.

Chúng tôi có thể tham dự trực tiếp vào thảo luận của các em và đặt thêm câu hỏi, yêu cầu các em giải thích thêm về ý tưởng và thuật ngữ. Nếu làm tốt, các em hoàn toàn có quyền đạt điểm cao.

Một đổi mới khác đến từ chương trình học cho phép sinh viên sử dụng AI là, thay vì đòi hỏi các em trả bài chỉ bằng ngôn từ, các giáo sư có thể yêu cầu các sản phẩm có tính chất sáng tạo hơn như tranh vẽ, phim ngắn, phần trình diễn thể nghiệm, v.v.

Qua đó, sinh viên vừa sử dụng tối đa hiệu quả của trí tuệ nhân tạo, vừa tận dụng toàn bộ năng lực sáng tạo của mình. Nhiều tài năng theo cách phi truyền thống được khai quật từ đây.

Phía trên mới chỉ là những sự thích nghi “manh mún.” Trong phần tiếp theo của bài viết, tôi muốn liệt kê những ứng dụng cụ thể đã được các đại học thực hiện với sự trợ giúp của AI.

Tuyển sinh đại học: Bài luận này, AI viết?

Các công cụ AI phổ biến cũng có nghĩa là nhiều học sinh cuối cấp phổ thông sẽ sử dụng AI để viết các bài luận xin vào đại học của mình. Với các trường hợp thí sinh không hề tự viết một dòng nào trong bài luận, nhà trường có quyền được đánh trượt.

Song ngày nay, bộ phận tuyển sinh đại học ngày càng cởi mở hơn với việc học sinh sử dụng AI, bởi nhiều người lập luận rằng năng lực sử dụng và thích nghi với công cụ mới là tự nhiên ở con người. Các em có quyền được sử dụng công cụ biên tập và chỉnh sửa diễn đạt để khiến sản phẩm đầu vào của mình hoàn hảo hơn.

25dec2023pexelspixabay265087jpg
AI viết luận đại học là thực tế đang diễn ra tại nhiều nước. | Nguồn: Pexels

AI đồng thời động não cùng các em, và đánh giá bước đầu ý tưởng học sinh có. Bản thân các trường đại học cũng sử dụng trí tuệ nhân tạo để lọc hồ sơ đầu vào.

Lúc này, chính AI giúp chỉ ra các hồ sơ sử dụng quá nhiều sự trợ giúp của AI thay vì sử dụng năng lực cá nhân, và thậm chí có dấu hiệu đạo văn. Trí tuệ nhân tạo cũng giúp cán bộ tuyển sinh tìm ra các bộ hồ sơ tiềm năng nhất, với chất lượng ý tưởng tốt cùng khả năng phát triển trong tương lai. Những đánh giá định tính như vậy sẽ cần người thật tham dự nhiều hơn, nhưng AI giúp đẩy nhanh quá trình.

Thực ra thì từ trước đến nay, nhiều học sinh vẫn có thể sử dụng dịch vụ tư vấn của các trung tâm du học để làm đẹp hồ sơ. Nếu như nói sử dụng AI là gian lận, thì sử dụng dịch vụ tư vấn cũng là khoảng xám mà các trường đại học sẽ phải đối diện.

Họ sẽ không dễ thắt chặt tầm hoạt động của các “agent” trợ giúp thí sinh vì đó là một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận. Nhìn một cách tích cực, nhờ AI mà nhiều sinh viên được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tuyển sinh đại học như trên.

Có thể nhiều người sẽ nói hệ thống giáo dục sẽ ngày càng khó đánh giá năng lực thực chất của thí sinh hơn do những can thiệp công nghệ lớn. Tôi thấy đây không phải vấn đề vì ngay từ khởi đầu của lịch sử, con người đã tận dụng công cụ thể kiện toàn năng lực của mình.

Nhờ đó, khái niệm năng lực cũng thay đổi theo thời gian. Hãy nhớ, bản thân ngôn ngữ cũng là công cụ, và công cụ đó giúp ta tự hỏi thế nào là “năng lực.”

Nghiên cứu hàn lâm: Đỡ khổ sở nhờ AI

Đây là lĩnh vực dễ gây tranh cãi nhất vì thường các nghiên cứu yêu cầu tính “nguyên bản” (originality) của nhà nghiên cứu nhiều hơn. Hãy cho rằng AI sẽ hoàn toàn không được sử dụng để đạo văn, thì công cụ này thực ra đang cách mạng hoá nghiên cứu.

Ví dụ, AI có thể rút ngắn thời gian tìm kiếm tài liệu về một vấn đề đã có nhiều người bàn luận, trong một thư viện có 10 triệu cuốn sách. Các công cụ như elicit.org và Semantic Scholar có thể giúp nhà nghiên cứu nhanh chóng tìm kiếm các tư liệu có liên quan, đồng thời giúp họ tóm lược nội dung thay vì mất quá nhiều sức lực đọc và lọc từng văn bản một.

25dec2023image20231225163757079png
Semantic Scholar nhanh chóng tổng hợp các thông tin xuất bản của một nhà nghiên cứu. | Nguồn: Sơn Hoàng cho Vietcetera

Các công cụ cũng giúp nhà nghiên cứu không bỏ sót các tác phẩm họ đã trích dẫn, đồng thời giúp tuân thủ các quy định trích dẫn phổ biến như APA, Chicago, v.v. hoàn toàn tự động.

AI cũng là trợ lý viết lách đắc lực. Giống như cách AI giúp học sinh hoàn thiện hồ sơ đại học, chúng có thể giúp nhà nghiên cứu kiểm tra các lỗi logic (một cách tương đối) trong bản thảo của mình, bên cạnh hiệu đính các yếu tố cơ bản như ngữ pháp, chính tả, format bài viết, v.v. Concensus là một công cụ đặc biệt giúp nhà nghiên cứu tìm ra mối quan hệ và thậm chí là tính nhân quả giữa các khái niệm học thuật.

Xin tiền tài trợ cũng là hoạt động quan trọng trong học thuật. Grant.gov là công cụ giúp nhà nghiên cứu tìm kiếm các nguồn quỹ phù hợp nhất với đề cương nghiên cứu của mình.

Trợ thủ đắc lực cả khi trên lớp lẫn lúc tự học

Điều phối học tập

Trong khi những trợ giảng như tôi làm nhiệm vụ duy trì kỷ luật trong cách lớp học bắt buộc, thì AI duy trì kỷ luật đó trong hoạt động tự học, hoặc các hoạt động giáo dục không có sự giám sát từ giáo sư và trợ giảng.

Điều này nghe có vẻ khó hiểu trước dịch Covid-19, khi hầu hết hoạt động giáo dục là bắt buộc. Nhưng trong và sau đại dịch, học sinh có xu hướng chuyển sang tự học bằng cách khám phá tài nguyên tri thức khổng lồ từ internet.

AI giúp học sinh tự duy trì kỷ luật khi không có con người nào khác có thể yêu cầu các em phải làm điều này mà không phải điều khác. AI có thể cá nhân hoá trải nghiệm học bằng cách thu thập dữ liệu từ người dùng, phân tích và chỉ ra thói quen, mong muốn, và các mục đích từng người học hướng tới.

Giống như một chiếc Apple Watch nằm ở cổ tay trợ giúp ta hoạt động thể chất, AI có thể giúp ta về mặt giáo dục tinh thần bằng cách đề ra thời gian biểu phù hợp cùng các deadline mà trước đây ta cảm thấy vô cùng khó khăn để đề ra cho chính mình.

Gỡ băng bài giảng của giáo sư

Đây là tác vụ ta ít nghĩ tới nhất vì nghe có vẻ không quá… thông minh. Nhưng bên cạnh trợ lý soạn thảo thì trợ lý bóc băng đang được sinh viên và các nhà nghiên cứu sử dụng nhiều nhất.

Lý do là bởi không phải sinh viên nào cũng có thể lắng nghe kịp, và đủ tập trung để lắng nghe những gì giáo sư trên giảng đường đang nói. Và không phải giáo sư nào cũng có kỹ năng truyền đạt thông tin hoàn hảo giúp học sinh nào cũng muốn nghe.

Với các nhà nghiên cứu hoặc nhà báo, gỡ băng ghi âm câu trả lời của nhân vật cũng là tác vụ khá gian nan. Lời của người nói có thể khó nghe, có tạp âm, hoặc… chúng quá dài. Với các công cụ có sẵn trên thị trường như Otter.ai, Fireflies.ai và Rev.com, gỡ băng không còn là tác vụ mệt mỏi và khó khăn nữa.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên tôi dạy cũng sử dụng điện thoại Google Pixel, vốn có con chip Tensor giúp xử lý ngôn ngữ tự nhiên một cách vượt bậc, để bắt kịp các bài giảng có tốc độ nhanh, ngôn ngữ phức tạp, hoặc có quá nhiều thảo luận.

Kết

Nhìn chung, sự cấm đoán AI chỉ là một giải pháp tạm thời, khi các cơ sở giáo dục và thị trường chưa có sự điều phối ngành công nghiệp này đủ tốt. Nhưng giống như sự phổ biến của cây bút và máy in, AI dần sẽ thay đổi thực hành giáo dục hiện tại. Việc của người học thế hệ mới không phải là quay lưng với công cụ, mà là học cách sử dụng chúng một cách tối ưu nhất.