Lần đầu mình trò chuyện với mẹ về trầm cảm | Vietcetera
Billboard banner

Lần đầu mình trò chuyện với mẹ về trầm cảm

Một phần vì mình không muốn mẹ lo lắng thêm vì mình, phần vì mình cảm giác thế hệ mẹ không tin vào sức khỏe tinh thần.
Lần đầu mình trò chuyện với mẹ về trầm cảm

Nguồn: H.L cho Vietcetera

Mình được chẩn đoán bị trầm cảm từ cuối năm ngoái. Nhưng mình quyết định giấu không kể cho mẹ biết, mà lặng lẽ đi trị liệu tâm lý 2 tuần/lần. Mỗi lần tới gặp chuyên gia, mình đều nói dối mẹ là đi cafe với bạn.

Mình làm vậy vì không muốn mẹ lo lắng thêm về mình. Bố mình mới mất trước đó không lâu, rồi một loạt biến cố gia đình xảy ra. Mẹ vốn đã nhiều việc phải gồng gánh, và bản thân mẹ cũng có một vài vấn đề sức khỏe. Giờ mà để mẹ biết, sẽ chỉ khiến mẹ thêm rối bời.

Một lý do nữa khiến mình giấu mẹ, đó là mình cảm giác thế hệ của mẹ không tin vào sức khỏe tinh thần. Mình ở trong một cộng đồng Facebook tên là Subtle Asian Mental Health - nơi người trẻ châu Á chia sẻ những vấn đề tâm lý và tìm kiếm sự hỗ trợ.

Đa số những câu chuyện họ kể trong nhóm liên quan đến việc bố mẹ không hiểu và/hoặc không hỗ trợ họ về mặt tinh thần. Họ tâm sự với bố mẹ những vấn đề tâm lý, nhưng chỉ nhận được câu trả lời rằng họ quá yếu đuối, rằng họ sinh ra đã “sướng” nên không biết chịu khổ, rằng họ chỉ biết kêu than mà không chủ động đi tìm giải pháp…

Mẹ mình cùng độ tuổi với những phụ huynh này. Vì vậy mình vô thức cho rằng, có tâm sự với mẹ thì kết quả cũng chỉ như vậy thôi. Mình hiểu rằng thế hệ ấy lớn lên trong chiến tranh, hàng ngày phải lo từng miếng cơm, manh áo thì đâu còn thời gian để nghĩ tới sức khỏe tinh thần. Đối với mình, đó từng là khía cạnh mình với mẹ mãi không thể cùng thuộc về.

Mọi chuyện cứ thế trôi qua cho đến đầu năm nay, khi mình đi khám sức khỏe theo chương trình của công ty. Bác sĩ khuyên mình ăn kiêng để giảm cân - điều mình vốn ngần ngại thực hiện, bởi đồ ăn là thứ mình tìm tới nhiều nhất mỗi khi chán nản. Mình đành phải nói với bác sĩ chuyện bị trầm cảm, và bác đã ghi vào trang khám bệnh tổng quát.

Ngày mình được trả bệnh án về nhà, mẹ đã yêu cầu xem nó. Đến lúc này mình biết mình không thể giấu mẹ thêm nữa. Mình lấy hết can đảm mở lời:

“Có việc này lâu nay con giấu mẹ, mẹ bình tĩnh nghe con nói nhé.”

“Việc gì vậy con?”

“Con bị trầm cảm…”

30may2023anthonytran2iemnmr3mc8unsplashjpg
Mình mất 6 tháng để thông báo với mẹ chuyện bị trầm cảm. | Nguồn: Unsplash

Ngay sau đó là một khoảng lặng kéo dài. Mình đã đoán mẹ hoặc sẽ hoảng loạn, hoặc sẽ cho rằng mình đang “tự kỷ ám thị” như những phụ huynh kể trên.

Nhưng không. Mẹ lật từng trang bệnh án, rồi thở dài bảo mẹ vốn đã nghi ngờ điều này từ khi thấy mình xé quần áo cũ, nhưng rồi bận nhiều việc nên quên mất không hỏi.

Quả thực thời gian gần đây mình hay xé quần áo cũ hoặc nhổ cây dại, bởi nó cho mình cảm giác như “tiêu diệt” được những cảm xúc tệ hại. Lúc này mình cũng nhận ra, mẹ hiểu nhiều về trầm cảm hơn mình nghĩ.

“Mẹ phải nói thật với con là nhiều lúc mẹ cũng nản lắm. Hết chuyện bố con ốm, rồi họ hàng làm khó, lại đến mấy người thuê làm bẩn hết nhà mình. Mà toàn vấn đề chẳng giải quyết nổi, ai giúp được thì họ cũng đã giúp hết cỡ rồi. Nên có thời đêm nào con cũng thấy mẹ gọi điện cho các bác để xả stress là vậy…”.

Hóa ra mẹ con mình gặp những vấn đề khá giống nhau. Mẹ cũng bị dồn dập cùng lúc nhiều vấn đề, và có lẽ ở thời điểm nào đó cũng đã bị trầm cảm mà không biết. Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ là mẹ không thể gọi tên được chúng là trầm cảm hay lo âu, và cách những chứng bệnh ấy biểu hiện ở hai mẹ con.

Một khác biệt lớn nữa nằm ở lối tư duy của mẹ trong cách giải quyết. Việc gọi điện để “xả” có thể là bình thường ở thế hệ mẹ mình. Nhưng đến thế hệ của mình, điều này dễ khiến bạn bè xa lánh nhau thêm, vì người nghe chưa sẵn sàng tiếp nhận cảm xúc tiêu cực từ người nói. Vì vậy mình chọn cách đi tư vấn tâm lý, dù nó chưa hẳn cải thiện được tình trạng của mình hiện tại.

“Con đi tư vấn có thấy hiệu quả không? Cẩn thận gặp phải lừa đảo đó”.

Dường như điều mẹ lo nhất lúc đó là mình bị… lừa, sau khi nghe mức giá tư vấn là 720,000/giờ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi mẹ mình chưa từng trải nghiệm dịch vụ này bao giờ. Mình từ tốn giải thích đây là chỗ được đồng nghiệp giới thiệu, và các nhà tâm lý ở đó đều phải có chứng chỉ mới được phép hành nghề.

“Ừ thôi giờ có bệnh thì chữa thôi con ạ. Cái vấn đề này nó không hết trong một sớm một chiều được đâu. Đành đi từ từ thôi con ạ, không đi vội vàng được”.

Cuộc hội thoại kết thúc nhẹ nhàng hơn mình nghĩ. Mình khá bất ngờ bởi mẹ không hoảng loạn hay phủ nhận vấn đề. Mẹ đã công nhận trầm cảm là một bệnh, một vấn đề tâm lý cần tìm đến chuyên gia để giải quyết.

Không chỉ vậy, ngày hôm sau chị họ mình nhắn tin hỏi thăm. Chị bảo là mẹ đã kể chuyện cho chị, và nhờ chị tâm sự thêm cùng mình, bởi mẹ con mình vốn nói chuyện không hợp nhau. “Thôi thì con bé không có anh chị em ruột, cháu rảnh rỗi lúc nào thì động viên em nó giúp dì”, mẹ mình nhờ chị như thế.

Hóa ra mẹ con mình vẫn có thể tìm ra tiếng nói chung trong chuyện sức khỏe tâm lý, điều quan trọng là cách tiếp cận đúng đắn. Mình đã học được điều này từ mẹ, trong cái cách bà để ý chuyện mình xé quần áo.

Và dù phải giấu một thời gian, mình vẫn tin rằng mình đã cho mẹ biết vào thời điểm thích hợp. Bởi khi đó mẹ không còn phải lo lắng chuẩn bị Tết, và cũng rất muốn biết tình hình sức khỏe tổng quát của mình. Nếu mình kể cho mẹ sớm hơn một vài tháng, chưa chắc mẹ đã đủ bình tĩnh để đón nhận thông tin này.