Mỹ cấm TikTok vì bản thân TikTok hay vì lý do khác? | Vietcetera
Billboard banner

Mỹ cấm TikTok vì bản thân TikTok hay vì lý do khác?

Một dự thảo luật cấm ứng dụng nhưng không đánh thẳng vào ứng dụng, mà lại "chỉ mặt" công ty chủ quản. Có thực là Mỹ muốn cấm TikTok không?
Mỹ cấm TikTok vì bản thân TikTok hay vì lý do khác?

Nguồn: Vietnamnet

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Mới đây, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm TikTok nếu như ByteDance - công ty sở hữu nền tảng này - không thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 6 tháng kể từ khi luật ban hành.

Điều này không có nghĩa là luật đã đi vào hiệu lực tại Mỹ, bởi dự thảo luật này sẽ còn phải trình lên Thượng viện và xem xét kỹ trong ít nhất vài tháng. Kể cả khi Thượng viện Mỹ đồng ý, dự thảo luật cần chữ ký phê duyệt của Tổng thống Mỹ để chính thức thành luật.

2. Mỹ có thực sự muốn cấm TikTok?

Các nhà lập pháp tại Mỹ đã có thể soạn một dự luật nhắm trực tiếp vào TikTok. Tuy nhiên, Hạ viện nước này lại chọn đánh vào công ty chủ quản của TikTok tại Trung Quốc. Điều này phần nào tiết lộ rằng vấn đề chưa chắc đã nằm ở TikTok, mà là ở mối liên hệ của nền tảng này với Trung Quốc.

22mar202437404261658045290jpg
Phiên điều trần của CEO TikTok. | Nguồn: Getty Images

Đây là điều mà giới lập pháp tại Mỹ đã thể hiện ra vào một năm trước, trong phiên điều trần của CEO ByteDance Shou Zi Chew trước Quốc hội Mỹ. Trong sự kiện đó, các chính trị gia Mỹ đã đặt ra nghi vấn về việc TikTok chuyển dữ liệu người dùng Mỹ về Trung Quốc và khiến an ninh quốc gia của Mỹ gặp nguy hiểm.

Cũng trong sự kiện đó, ông Chew đã phủ nhận sự liên hệ của TikTok với công ty mẹ ở Bắc Kinh. Ông nhấn mạnh rằng trụ sở chính của TikTok nằm ở Singapore và Los Angeles.

3. TikTok có thể gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ?

Nhiều người đã chỉ ra vai trò của các mạng xã hội và những nền tảng trực tiếp như Facebook, X, TikTok trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 và 2020, với ví dụ điển hình là sự tích cực của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mạng xã hội X.

Là công cụ để các ứng viên tiếp cận với cử tri, nhưng các mạng xã hội và nền tảng này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lan truyền tin tức sai sự thật, hay là những thông tin mang tính định kiến, thiên vị chính trị. Điều này đã xảy ra trong hai cuộc bầu cử gần nhất tại Mỹ, cũng như trong xung đột giữa Nga và Ukraine.

Việc tin giả gây ảnh hưởng tới những hoạt động chính trị đã được giới chức Mỹ quan tâm từ lâu, tuy nhiên chưa có điều luật nào giải quyết rốt ráo vấn đề này.

Ngược lại, tại châu Âu, dự thảo luật Digital Service Act được soạn để yêu cầu những nền tảng như X, TikTok, hay Facebook phải có biện pháp kiểm soát thông tin và giảm thiểu sự nhiễu loạn trong các cuộc bầu cử.

Nếu không thực hiện, các nền tảng này sẽ phải nộp phạt cho giới chức châu Âu, số tiền phạt có thể lên tới 6% doanh số toàn cầu của nền tảng trong một năm.

4. Nếu bị cấm tại Mỹ, TikTok sẽ thiệt hại ra sao?

Nếu giới chức Mỹ chính thức thông qua lệnh cấm, TikTok sẽ không chỉ mất thị trường có số lượng người dùng lớn nhất, mà còn mất đi lượng lớn các nhà sáng tạo nội dung ở quốc gia này.

Theo Financial Times, TikTok đã thu về 16 tỉ USD doanh thu tại Mỹ trong năm 2023. Đây là mức doanh thu kỷ lục của nền tảng, nhờ vào 170 triệu người dùng ở Hoa Kỳ trong số tổng cộng hơn 1.7 tỉ người dùng toàn cầu.

Con số ấn tượng này đã đẩy doanh thu của công ty ByteDance lên 120 tỉ USD trong năm 2023, không thua kém các công ty truyền thông mạng xã hội tại Mỹ. Để so sánh, doanh thu của Meta trong năm 2023 là 134.9 tỉ USD. Dù doanh thu cao hơn, nhưng mức tăng doanh thu theo năm của Meta lại thấp hơn ByteDance rất nhiều (16% so với 40%).

5. Còn quốc gia nào muốn kiểm soát TikTok?

Sau Mỹ, một số nghị sĩ tại Anh đã bày tỏ lo ngại về quyền sở hữu TikTok tại Anh. Tương tự như Mỹ, những người làm luật ở Anh lo rằng nền tảng này sẽ đánh cắp dữ liệu và có ảnh hưởng tiêu cực tới các cuộc bầu cử. Trong năm 2023, Anh đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ.

Tại Kenya, Bộ trưởng Nội vụ nước này đã cáo buộc TikTok là công cụ thực hiện lừa đảo và tuyên truyền nội dung khiêu dâm. Theo đó, nền tảng này đã lan truyền những thông tin độc hại, tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo lôi kéo người dùng tham gia các giao dịch ngoại hối giả và tuyển dụng việc làm giả.

Tại Việt Nam, chính phủ đã công bố nhiều vi phạm của nền tảng này từ năm ngoái. Trong đó, cáo buộc nghiêm trọng nhất là đưa thông tin gây hại cho trẻ em và không có biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian số.