Nghỉ việc không tùy tiện, hãy làm điều đó thật “ngầu” | Vietcetera
Billboard banner

Nghỉ việc không tùy tiện, hãy làm điều đó thật “ngầu”

Ở đây có bí kíp chống liệt môn nghỉ việc.
 Nghỉ việc không tùy tiện, hãy làm điều đó thật “ngầu”

Nguồn: YourTango

Khoảng thời gian sau Tết được xem là “mùa nhảy việc” khi nhân viên đã nhận đủ lương, thưởng và mong muốn tìm kiếm những cơ hội mới tốt hơn. Tuy nhiên, để đầu xuôi thì đuôi phải lọt. Trước khi có được công việc tốt hơn, chúng ta cần tạm biệt công việc cũ một cách hợp tình hợp lý, nghỉ việc cho thật “ngầu" không có gì để chê.

Ngầu ở đây không phải những cảnh đập bàn và nói “I quit" mạnh bạo giống như trên phim ảnh mà bạn hay xem. Thay vào đó là sự khéo léo và chuyên nghiệp, làm sao để nghỉ việc vẫn để lại một ấn tượng tốt trong mắt người khác, và cả chính bạn sau này khi nhìn lại cũng không có gì thấy hối hận.

Bài viết phía dưới sẽ mách nước cho bạn một danh sách những việc cần làm để bạn tham khảo và đi qua quá trình nghỉ việc êm xuôi hơn.

Thu vén cảm xúc bộn bề: Cách bạn nghỉ việc cũng quan trọng như cách bạn làm việc

Đối với một số người, công việc đã trở thành danh tính, bản thể của họ. Nghỉ việc giống như phải rời bỏ một phần quan trọng, học cách tạm biệt một khoảng thời gian cho ta nhiều trải nghiệm. Nó sẽ không hề dễ dàng nhưng trước hết cứ để mình hoài niệm, nhìn lại cả hành trình với một thái độ tích cực và biết ơn về những bài học, kinh nghiệm mà mình đã có được.

Nhưng nếu trải nghiệm công việc vừa qua thật tồi tệ và bạn thực sự không cảm thấy biết ơn thì sao? Anthony Klotz, một giáo sư và một nhà tâm lý học cho rằng công việc cũng có thể mang lại cảm giác ý nghĩa và gắn kết giống như những mối quan hệ thân cận khác: bạn bè, người yêu,... nhưng nó đa chiều hơn.

Vì trong mối quan hệ với công việc, bạn có nhiều “dây nối" cùng lúc, như mối quan hệ với sếp, đồng nghiệp, văn hoá công ty. Và chỉ cần một mối nối đứt gãy, ví dụ như sếp của bạn không tốt hay môi trường làm việc không phù hợp, toàn bộ trải nghiệm sẽ trở nên khó chịu và khó bền.

Hãy xác định rõ sự thiếu kết nối trong sợi dây quan hệ nào là lý do dẫn đến quyết định nghỉ việc của bạn. Nhìn bao quát vấn đề, liệu bạn có bị ảnh hưởng bởi hai hiệu ứng tâm lý “recency bias” (thiên vị quá khứ gần) hay “peak-end rule” (quy tắc đỉnh - kết) không. Bởi vì trong cả quá trình đi làm, não của bạn sẽ có xu hướng nhớ những khoảnh khắc cao trào, hoặc là gần đây nhất.

Giả sử bạn nghỉ việc vì có một sự kiện nằm ngoài khả năng chịu đựng, bạn có vì quá tức giận với sự kiện đó mà bỏ qua những kỷ niệm vui vẻ trước đó không? Hay vì một người sếp cáu kỉnh mà bạn quên đi những người đồng nghiệp luôn hỗ trợ mình? Hiện giờ khi đã vượt qua được những trải nghiệm đi làm tồi tệ đó, bạn rút ra được bài học gì để có những lựa chọn sáng suốt hơn về sau.

alt
Nguồn: Pexels

Bên cạnh đó, sau giai đoạn dồn toàn lực vào công việc và về nhà trong trạng thái sập nguồn chỉ muốn nằm kềnh ra ngủ hay lướt điện thoại giết thời gian, giờ là lúc bắt đầu dành thời gian để suy nghĩ về danh tính khi ở ngoài công việc và nhìn cuộc sống của bạn bằng một góc nhìn chủ động hơn.

Trước khi chính thức nghỉ việc, bạn có thể trích cho mình một khoảng thời gian nhỏ như dậy sớm hơn 15 phút, từ chối những task ngoài giờ để tìm hiểu những sở thích, đam mê và kết nối với những mối quan hệ đã lâu mình không gặp gỡ.

Sửa soạn tâm lý xong rồi, bây giờ cùng bước vào hành trình nghỉ việc thật “ngầu" theo cách riêng của bạn thôi.

Checklist nghỉ việc sao cho “ngầu"

Chia sẻ cho sếp đầu tiên và chuẩn bị những điều cần nói

Theo Vicki Salemi, chuyên gia về sự nghiệp khuyên rằng chúng ta nên giữ kín chuyện nghỉ việc và chỉ chia sẻ thông tin này cho người đầu tiên là sếp. Việc này trước hết nhằm mục đích giữ phép tắc xã giao chuyên nghiệp, kế đến là giảm thiểu khả năng câu chuyện bị tam sao thất bản, đồn thổi linh tinh.

Khi nói chuyện với sếp, không có một văn mẫu cụ thể nhưng hai tiêu chí hàng đầu là gãy gọn và mềm mỏng. Trước những câu hỏi về chỗ làm mới hoặc những thông tin liên quan, hãy nhớ rằng bạn có quyền giữ im lặng. Dưới đây là bố cục của một đơn nghỉ việc hiệu quả trong năm 2024 (theo Forbes) mà bạn có thể tham khảo:

  • Phần mở đầu nên trực tiếp, vào thẳng vấn đề, bỏ qua những câu xã giao nhằm tạo tông giọng nghiêm túc phù hợp cho một email từ chức.
  • Về lý do nghỉ việc, trung thực là giải pháp tốt nhất để xóa bỏ hiểu lầm ngay từ đầu và giúp việc bàn giao trở nên thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đối với những lý do cá nhân hơn, bạn nên trao đổi trực tiếp với sếp và trình bày ngắn gọn trong email của mình.
  • Cho dù bạn nghỉ việc vì lý do gì, hãy thể hiện sự biết ơn về khoảng thời gian đã đồng hành cùng công ty. Bạn cũng có thể đề nghị hỗ trợ bàn giao công việc nếu cần thiết.
  • Kết thư bạn nên chọn câu chúc ngắn gọn như “chúc team gặt hái được nhiều thành công" đơn giản mà hiệu quả.

Về mặt thời gian, hãy cố gắng chuẩn bị mọi thứ xong trước ít nhất hai tuần hoặc tuỳ theo quy định của công ty. Đồng thời, bạn cũng nên soạn ra một vài những đánh giá và đề xuất có thể giúp công ty hoạt động tốt hơn cũng như phần trả lời cho những câu hỏi thường gặp trong buổi phỏng vấn nghỉ việc (exit interview).

Lên kế hoạch những bước tiếp theo, tận dụng mối quan hệ sẵn có

Theo một khảo sát của FastCompany, 22% người lao động cảm thấy hối hận sau khi nghỉ việc. Nguyên nhân chiếm ưu thế là không tìm được công việc mới hoặc có việc mới nhưng lại không được như ý. Vì vậy, để tránh rơi vào tình huống đó, sau khi nghỉ việc bạn nên dành thời gian suy ngẫm viết ra những điều bạn cần và cả những điều bạn không muốn lặp lại trong công việc sắp tới.

Đồng thời, kết nối với những mối quan hệ xung quanh như người thân, bạn bè sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình thay đổi công việc. Bởi theo Gianpiero Petriglieri, một mentor về mảng doanh nghiệp đã nhận định rằng cộng đồng, kết nối của bạn càng lớn mạnh và đa dạng, lần chuyển đổi việc này càng có khả năng trở thành bước tiến mới mở ra nhiều cơ hội sự nghiệp của bạn.

alt
Nguồn: Pexels

Theo Forbes, những ứng viên được giới thiệu sẽ có khả năng được tuyển dụng cao hơn ít nhất 50%. Đặc biệt với lời giới thiệu của những người ở vai trò cấp cao, tỉ lệ được tuyển là 9 trên 10 gần như tuyệt đối. Vì thế, bạn nên tận dụng tối đa những mối quan hệ quen biết để tìm kiếm công việc phù hợp, hoặc ít nhất cũng sẽ nhận được lời khuyên sự nghiệp từ họ.

Nhưng làm sao biết được người đó có thiện cảm với mình không để ngỏ ý xin lời khuyên từ họ? Câu trả lời là đừng đoán, cứ hỏi rồi sẽ biết. Bởi vì theo hiệu ứng Franklin: đối xử tốt với một người mình không có thiện cảm sẽ dần thay đổi thái độ của chúng ta với người đó.

Nói cách khác, ngay cả khi một người không thích mình, họ vẫn có khả năng sẽ thay đổi sau khi mình nhờ vả họ (nhưng đừng quá lạm dụng điều này nhé). Laura Delgado - chuyên viên tư vấn tại Opny Careers đã chia sẻ 5 bước để có thể xin lời giới thiệu từ bất cứ ai:

  • Bước 1: Tìm điểm chung giữa hai người để khiến việc mở lời dễ dàng hơn.
  • Bước 2: 80% nội dung cuộc trò chuyện nên tập trung vào họ. Hãy lắng nghe con đường sự nghiệp, những thành tựu và khó khăn của họ để tìm kiếm thêm nhiều điểm chung hơn.
  • Bước 3 (quan trọng nhất): Bắt đầu hỏi lời khuyên của họ về một điều gì đó, nhưng hãy nhớ là nhỏ thôi và càng chi tiết càng tốt. Bạn có thể hỏi về quyển sách hay một podcast mà họ hay nghe, nếu có thể thì bạn cũng nên tìm hiểu và đưa ra một vài điều bạn đã học. Nếu họ từ chối ở bước này, hãy cho họ một khoảng nghỉ. Còn nếu bạn đã thành công, hãy tiếp tục ứng dụng hiệu ứng Franklin.
  • Bước 4: Tiếp tục hỏi lời khuyên về CV hay công việc sắp tới của bạn một cách lịch sự, ví dụ “em tìm được một job ở công ty X và rất cần anh/chị xem qua CV của em”
  • Bước 5: Hỏi về lời giới thiệu. Đây là lần thứ 3 bạn xin lời khuyên, vì thế họ cũng đã tin rằng bạn thật lòng muốn ứng tuyển vào vị trí đó và đã biết bạn có phù hợp với công việc không qua bước 4 rồi. Nếu họ chần chừ, bạn cũng có thể hỏi họ có quen biết người nào khác để xin lời giới thiệu từ người đó không.

Lưu ý rằng những người lạ không biết bạn là ai sẽ rất khó để họ dành thời gian giúp đỡ bạn. Vì thế, thay vì tiếp cận trực tiếp hãy đi đường vòng một chút bằng cách tận dụng những mối quan hệ sẵn có của mình có quen biết với người mình muốn làm quen, một mối liên kết trung gian như vậy sẽ giúp việc kết nối dễ dàng hơn nhiều.

Những ngày làm việc cuối cùng

Đừng quên làm rõ với bộ phận nhân sự những khoản tiền liên quan (nếu có), bao gồm: tiền lương chưa được thanh toán, trợ cấp thôi việc, phép năm chưa nghỉ hết, trợ cấp thất nghiệp… Và cả bàn giao lại những vật tư thuộc sở hữu của công ty, các tài khoản công việc bao gồm tên người dùng và mật khẩu nếu có. Đặc biệt là các tài liệu liên quan đến công việc để bàn giao cho người sẽ đảm nhiệm vị trí này sau bạn.

Trong giai đoạn làm việc này, bạn sẽ cần giữ vững hiệu suất làm việc như bình thường nhưng đồng thời cũng cần rút dần khỏi công việc để chuẩn bị cho sự rời đi của mình. Có những mối quan hệ nào bạn để tâm và thực sự quý mến trong công ty đừng ngại ngùng bày tỏ sự cảm ơn chân thành và hãy ngỏ ý tiếp tục giữ liên lạc với họ. Tuỳ thuộc vào phong cách cá nhân, bạn có thể nhắn tin riêng, viết thiệp, gửi quà hoặc tổ chức một buổi đi ăn.

Dù là chỉ còn một vài ngày làm việc cũng đừng lơ là, chểnh mảng, cố gắng lưu lại ấn tượng tốt cho đến những giây phút cuối cùng. Bởi không chỉ có bạn mà mọi người cũng chịu ảnh hưởng của peak-end rule, chẳng may chỉ vì sơ suất phút cuối mà có thể hỏng cả uy tín gây dựng suốt thời gian dài làm việc.

Vì vậy trên chặng hành trình nghỉ việc cần nhiều cẩn trọng này, bất cứ khi nào bạn cần có sự trợ giúp bạn có thể tìm đến một trợ thủ đắc lực là Bamboo Careers. Với tính năng trò chuyện cùng AI, ứng dụng không chỉ giúp bạn viết email nghỉ việc mà còn tiếp tục đồng hành trong quá trình tìm kiếm những cơ hội việc làm mới.

Bài viết được thực hiện bởi Tường Nguyễn.