“Ông nói gà, bà nghe vịt” khi đeo khẩu trang - Làm sao để khắc phục? | Vietcetera
Billboard banner
10 Thg 03, 2022
Cuộc SốngChất Lượng Sống

“Ông nói gà, bà nghe vịt” khi đeo khẩu trang - Làm sao để khắc phục?

Việc đeo khẩu trang tuy cần thiết trong đại dịch nhưng cũng lắm lúc khiến ta gặp khó khăn trong giao tiếp. Vậy phải làm thế nào?
“Ông nói gà, bà nghe vịt” khi đeo khẩu trang - Làm sao để khắc phục?

Nguồn: UBC

Trong đại dịch COVID-19, nhờ có khẩu trang mà chúng ta an tâm phần nào về vấn đề sức khỏe. Nhưng sự xuất hiện của “bạn đồng hành” này lại không ít lần khiến cuộc trò chuyện của ta ú ớ, nghe chữ được chữ mất. Ngoài câu “hở… hả” và tiếng lè nhè thường xảy ra, còn những tác động nào khi giao tiếp qua khẩu trang? Và có giải pháp nào giúp hạn chế những vấn đề đó?

Âm thanh biến đổi qua “màng lọc” khẩu trang

Khẩu trang được nhiều nhà nghiên cứu ví như bộ lọc âm thanh. Nó can thiệp vào cao độ giọng nói và các âm tiết ta phát ra.

Một số người cho rằng cứ nói lớn thì tất thảy sẽ hiểu được. Nhưng Đại học Sydney đã phát hiện, khẩu trang ảnh hưởng chủ yếu đến âm thanh có tần số trên 1000 kHz. Đây là dạng âm dễ bị nhiễu loạn và biến thành tiếng lầm bầm. Hay nói cách khác, càng nói to, giọng ta càng khó nghe và càng tốn năng lượng.

Cách phát âm cũng bị thay đổi ở những mức độ khác nhau. Ví dụ, trong tiếng Anh, âm vô thanh dễ bị "xê dịch" hơn âm hữu thanh. Đó là vì âm vô thanh được phát ra từ hơi trong khoang miệng, có thể thấy ở các phụ âm như /p/, /t/, /k/. Chúng hầu như là hơi gió, tiếng xì hoặc tiếng bật nên thường bị mất đi hoặc biến chuyển trong giao tiếp.

Những tấm che cảm xúc đánh mất kết nối

Giao tiếp phi ngôn ngữ chiếm đến 55% trong các cuộc hội thoại hằng ngày. Phần lớn là từ cử động và biểu cảm trên khuôn mặt. Chúng ta thường đọc vị nét mặt của người khác để đưa ra phản ứng phù hợp. Đây là lý do ta ít khi nhảy cẫng lên trước mặt một người đang buồn và tỏ vẻ ỉu xìu khi thấy người khác vui.

Biểu hiện gương mặt cũng cần thiết trong mối quan hệ giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Nét mặt tích cực có thể giúp bệnh nhân vơi đi nỗi lo và tin tưởng vào quá trình điều trị. Khả năng phục hồi nhờ đó cũng tiến triển tốt hơn. Nhưng dường như, việc đeo khẩu trang đã phần nào tước đi một trong những sợi dây kết nối quan trọng.

alt
Khẩu trang khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc đọc được nét mặt của người đối diện. | Nguồn: Pexels

Theo sơ đồ cảm xúc, các biểu hiện như buồn bã, sợ hãi và tức giận thường được nhận biết qua nửa trên khuôn mặt (vùng quanh mắt). Còn thái độ hạnh phúc và chán ghét được thể hiện ở nửa dưới (vùng quanh môi).

Vì thế, chúng ta sẽ như “thầy bói xem voi” nếu nhận diện sắc thái tổng thể chỉ qua một bộ phận. Xu hướng Tiktok “Sự thật đằng sau lớp khẩu trang” cũng từng “mượn” mâu thuẫn giữa hai nửa khuôn mặt để tạo các tình huống trớ trêu, hài hước.

Hiệu ứng Mcgurk - Bộ ba “tai, mắt, miệng”

Hiệu ứng Mcgurk là một cách để lý giải sự liên kết giữa các giác quan trong giao tiếp. Trong quá trình lớn lên, não chúng ta lưu trữ những thông tin từ thính giác và thị giác như một bộ xếp hình. Khi nghe không rõ, ta thường gán ghép cử động môi người nói với âm thanh ta biết. Hãy thử chơi trò “bịt tai đoán chữ”. Bạn sẽ hiểu âm thanh đang được can thiệp như thế nào.

Hiệu ứng này ám chỉ những gì ta thấy đang đánh lừa những gì chúng ta nghe được. Đây là dạng ảo giác khiến âm thanh bị bóp méo bởi hình ảnh - dẫn đến việc nghe sai lệch.

alt
Khi nghe không rõ, chúng ta thường gán ghép âm thanh dựa trên những gì mình thấy. | Nguồn: Northeastern

Tuy hiệu ứng Mcgurk bị hạn chế khi đeo khẩu trang nhưng nó cũng chứng tỏ, chúng ta thường dùng cả mắt và tai để hiểu người khác đang nói gì. Nếu dấu hiệu hình ảnh và âm thanh đều mù mờ thì cuộc hội thoại sẽ như mớ bòng bong, mỗi người hiểu một ý.

Thách thức với người khiếm thính

Đeo khẩu trang đồng loạt đang tạo rào cản lớn cho Cộng đồng người khiếm thính và lãng tai (DHH, Deaf and Hard of Hearing), những người thường dựa vào khẩu hình để “nghe”. Họ lo ngại việc giao tiếp với người đeo khẩu trang và không tìm được sự trợ giúp tại nơi công cộng.

Theo Giáo sư Laurene Simms, khả năng nghe kém còn cản trở họ tiếp cận thông tin về dịch bệnh một cách chính xác và kịp thời. Số lượng thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu trực tiếp vẫn còn hạn chế. Thêm vào đó, nhiều nhân viên y tế và các nhân viên khác chưa được đào tạo đầy đủ về giao tiếp của DHH. Điều này có thể làm người khiếm thính thấy tách biệt.

Người tiếp xúc với người mắc DHH được khuyến khích áp dụng các giải pháp tạm thời như ghi chú, nhắn tin hoặc sử dụng khẩu trang trong suốt. Tuy nhiên, việc dùng chung bút lại tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao, khẩu trang “xuyên thấu” cũng chưa được sử dụng rộng rãi do giá thành.

Cải thiện giao tiếp qua khẩu trang như thế nào?

Cách dễ nhất để giao tiếp qua khẩu trang hiệu quả là tận dụng những phần cơ thể không bị che như mắt, lông mày, tay, tư thế. Nói ngắn gọn hơn là bạn đang truyền đạt qua ngôn ngữ hình thể. Các bác sĩ cũng được khuyến khích giao tiếp bằng cách này với bệnh nhân tâm thần phân liệt qua khẩu trang.

Theo Verywell Mind, đây là những cách ta có thể áp dụng:

  • Lông mày: Bạn nên nhếch lông mày để thể hiện sự ngạc nhiên hoặc tạo thành chữ "V" khi tức giận. Về khoản này, bạn có thể “học hỏi” emoji. Người khiếm thính thường quan sát lông mày của người khác để suy đoán nội dung.
  • Tay: Sử dụng tay khi bạn muốn diễn đạt một điều gì đó. Ví dụ, chuyển động tay nhanh hơn khi bạn đang hào hứng hoặc làm ký hiệu mà cả hai bên đều nắm rõ.
  • Tư thế: Dáng đứng cũng nói lên cảm xúc của bạn. Việc bạn khom người có thể ám chỉ tâm trạng bạn đang không tốt. Hay nếu bạn đứng thẳng tưng, nghiêm chỉnh, bạn sẽ trông căng thẳng hoặc đang ở tâm thế cảnh giác cao.
  • Ngoài ra, khi giao tiếp với người khiếm thính nên đeo khẩu trang trong suốt hoặc viết, đánh chữ nhưng tránh dùng chung vật dụng.
  • Để phần nào khắc phục vấn đề âm thanh, bạn có thể nói chậm, phát âm rõ ràng các âm tiết và nhấn mạnh những từ khóa quan trọng trong câu.

Dù còn nhiều bất lợi trong giao tiếp nhưng an toàn sức khỏe vẫn được đặt lên hàng đầu. Khẩu trang vẫn phải sử dụng thường xuyên để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy vậy, bạn có thể tham khảo những biện pháp trên nếu gặp các tình huống “khó xử”.