Vì đâu chúng ta yêu thích những cuộc thi nấu ăn? | Vietcetera
Billboard banner

Vì đâu chúng ta yêu thích những cuộc thi nấu ăn?

Cũng như một người thầy tận tâm, một sân chơi phù hợp là điều cần thiết để dung dưỡng những tài năng trẻ, tràn đầy nhiệt huyết.
Vì đâu chúng ta yêu thích những cuộc thi nấu ăn?

Cuộc thi Rising Chef Challenge 2022 tại Hà Nội | Nguồn: Vietcetera

"Lửa đã nổi lên, cả căn bếp tràn đầy sức sống với màu sắc tươi tắn của muôn vàn các loại rau củ, gia vị và lá thơm chất đầy giá kệ trong kho. Người người hối hả chạy qua, chạy lại với bao toan tính cho những món ăn dự kiến sẽ đưa họ lên đỉnh vinh quang..."

Đó là góc nhìn tôi được nghe từ một khán giả khi họ thưởng thức những chương trình thi đấu về ẩm thực. Là một trong những thí sinh từng tham dự Master Chef tại Việt Nam mùa đầu tiên, và sau hơn 10 năm đi trên con đường Food Blogger và làm bếp chuyên nghiệp, tôi đã có nhiều cơ hội để trải nghiệm và nhìn lại những gì tôi học được kể từ cuộc thi năm đó.

Những yếu tố nào làm cuộc thi nấu ăn trở lên hấp dẫn?

Các chương trình nấu ăn trên truyền hình theo format như màn hướng dẫn nấu ăn từ các đầu bếp danh tiếng đã thống trị nhiều chục năm cho đến đầu thập kỷ trước.

Những Masterchef, Hell’s Kitchen, The Final Table… chỉ là một vài cái tên mang tính đại diện cho hiện tượng đã bắt đầu nóng lên từ khi đó. Tôi vẫn nhớ ngày ấy, mình đã ngóng đợi tập mới mỗi tuần trong niềm hân hoan đến nhường nào.

Sự mê đắm nào cũng phải có căn nguyên của nó, và giờ nếu được hỏi điều gì đã khiến mình dành sự yêu thích đặc biệt cho những chương trình này, tôi hoàn toàn có thể điểm mặt gọi tên từng nhân tố.

Bầu không khí ẩm thực sống động của cuộc thi

Đó là khi ta chỉ được nhìn thấy sắc đỏ tươi của quả cà chua chín mọng, nghe tiếng dao nghiến qua lớp vỏ, lớp thịt rồi chạm nhẹ mặt thớt mà vẫn có thể tưởng tượng được lát nhỏ tươi tắn đó sẽ đọng lại vị ngọt và cảm giác man mát trong miệng mình ra sao.

Để thu được sự sống động và chân thực đó chắc chắn không hề đơn giản. Đấy thường là kết quả lao động hăng say của cả một ê-kíp lành nghề, từ khâu lên ý tưởng cho kịch bản cho đến những bước hậu kỳ cuối cùng.

Tính cảm xúc

Đây là điều có thể dễ dàng đạt được qua việc khai thác sự đồng cảm. Khi đó, tôi chủ yếu chỉ theo dõi các sân chơi của các đầu bếp amateur cũng vì lý do này.

Những con người gần giống mình, làm những điều gần giống những gì mình sẽ làm, khi được đặt vào vị trí của họ tạo nên cảm giác nhập vai vô cùng gần gũi và là những trải nghiệm vô giá.

Khi ta vui cho chiến thắng của nhân vật yêu thích, buồn cho những điều không may hay cảm thấy như cứa lòng trước những lời chê bai xéo xắt của những vị giám khảo khó tính, thì đó là lúc cuộc thi đã có được thành công lớn.

alt
Master Chef Việt Nam ừng là một cuộc thi đầu bếp thành công bởi những cảm xúc, không khí sôi động cũng như chuyên môn cao | Nguồn: Master Chef Việt Nam

Tính chuyên môn

Không chỉ bởi đây là yếu tố cốt lõi của chương trình, mà còn vì chơi mà học luôn là cách học thú vị nhất. Một chương trình vừa mang giá trị giải trí, lại đem đến những thông tin chuyên môn hữu ích chính là công thức thành công hoàn hảo cho dạng nội dung truyền hình này.

Kiến thức ẩm thực được tiếp nhận qua những phán xét thuyết phục của ban giám khảo, diễn biến và kết quả của các bài thi hay qua các chia sẻ cá nhân của từng nhân vật, thật dễ để người xem chủ động ghi nhớ tự nhiên, không hề dập khuôn, khô khan.

Sự kịch tính

Đây là yếu tố cơ bản của bất kỳ cuộc thi nào. Nó tạo cảm giác hồi hộp và rồi vỡ òa trong phấn khích hoặc thất vọng đến hụt hẫng, tùy vào diễn biến câu chuyện có đúng ý mỗi người hay không.

Sự kịch tính thường được xây dựng trên nền tảng những hành động, tuyên ngôn gây shock của các nhân vật hay sự oái oăm của những đề bài.

Những cuộc thi đấu ẩm thực đã dựa vào bốn cột trụ đó mà xây dựng nên cả một đế chế, cả một hiện tượng văn hóa đại chúng với quy mô toàn cầu, chinh phục hàng trăm triệu, nếu không muốn nói hàng tỷ khán giả từ rất nhiều nền văn hóa khác nhau.

Vai trò của thí sinh trong cuộc thi đầu bếp quan trọng đến đâu?

Nếu lời dẫn ở phía đầu bài là góc nhìn xuất phát từ phía khán giả, thì ở mặt còn lại của đồng xu – từ phía những người đóng vai trò thí sinh mọi chuyện có thể sẽ diễn ra thế này: Lửa đã nổi lên, bầu không khí trong căn bếp đã đủ nóng để thiêu cháy tất cả những ý tưởng, mà chỉ một phút trước đó bạn còn nghĩ là thiên tài.

Rồi chỉ trong vài tích tắc, ta nhận ra rằng tất cả suy nghĩ trong đầu đã bị nén chặt lại. Đó là lúc bao băn khoăn bỗng nảy nở trong đầu như nấm mọc sau mưa: Nên nấu món Âu hay Á? Mình nên làm theo ý thích hay theo gu của giám khảo? Có nên sử dụng sản phẩm của nhà tài trợ không?

Ngay khi những băn khoăn còn chưa có lời đáp thì mọi việc đều đã như sự đã rồi. Trót lấy thiếu nguyên liệu à? Quên công thức sao? Chưa có kinh nghiệm sơ chế nguyên liệu được giao trong đề bài hả?

alt
Các đầu bếp trong cuộc thi Rising Chef Challenge 2022 tại TP.HCM | Nguồn: Vietcetera

Dù cả thế giới đã đổ sập dưới chân bạn thì cũng đành vậy thôi, đã đâm lao thì đành theo lao vậy, vì trước mắt bạn chỉ còn có thời gian.

Thời gian cứ thế trôi đi vô tình theo tiếng đồng hồ tích tắc, theo những bước chân hối hả của ê-kíp quay, theo những lời nhận xét không đúng lúc của những con người cũng đang mang áp lực phải làm tròn vai giám khảo trong một kịch bản được viết không thể “sượng” hơn.

Trong hoàn cảnh đó, đôi lúc, bạn cảm thấy hừng hực ý chí chiến đấu, sẵn sàng vượt qua tất cả do Adrenaline đã được bơm đầy huyết quản từ bao giờ không hay. Và cũng sẽ có những lúc cảm thấy mình vô năng, bất lực đến thảm hại.

Những diễn biến cảm xúc nghe hoàn toàn bi quan đó là sự thật xấu xí mà thí sinh nào cũng có khả năng gặp phải, khi tham gia những cuộc thi nấu nướng, dù là một sân chơi cho dân amateur như tôi đã từng góp mặt, hay là nơi các đầu bếp chuyên nghiệp so tài.

Điều tôi muốn nói tới ở đây là có tồn tại ở đó một bức tranh u ám hơn, đầy thử thách, đẫm mồ hôi và nước mắt chứ không hề hoa mỹ như những gì thường được đưa lên hình. Ở ngay đó, có những chiến thắng mang ý nghĩa to lớn với một ai đó, nhưng lại chẳng có nổi một phút vinh danh.

Có những điều tưởng chừng bất công, phi lý nhưng lại tồn tại nghiễm nhiên như một luật chơi ngầm, tất cả đều vì những ý đồ đặc biệt của chương trình. Và thực ra mỗi người đã được ngầm gắn cho một vai diễn cần được làm tròn, ngay từ khi đúp quay đầu tiên bắt đầu.

Đó là khi tính giải trí, sự kịch tính được đưa cao lên trên hết trong một cuộc thi đáng nhẽ ra phải tôn vinh ẩm thực, cùng tri thức và kỹ năng để tạo ra những món ăn tuyệt vời.

Kỳ vọng gì khi tham gia thi đấu như một đầu bếp?

Bạn thân mến, không biết bạn thấy sao còn theo tôi thì yếu tố kịch tính trong những cuộc thi kiểu này giống như việc dùng hạt tiêu trong nấu ăn vậy. Nếu không có thì hơi nhạt nhẽo, nhưng nếu quá nhiều sẽ khiến cho món ăn trở thành một thứ hỗn độn chẳng thể nuốt trôi.

Thật thú vị khi xuất phát từ việc yêu thích một cuộc thi đấu ẩm thực, cụ thể là Masterchef, tôi đã có động lực để tham gia với tư cách thí sinh khi format chương trình đó được Việt hóa. Vì vậy tôi đã có được trải nghiệm kỳ vọng từ cả hai phía: khi là một khán giả và khi là người trong cuộc.

Vậy người trong cuộc kỳ vọng điều gì khi tham gia thi đấu như một đầu bếp? Đó là phần thưởng, nhưng chẳng hiện kim hay hiện vật nào là đủ. Điểm thú vị là khi nhìn quanh, tôi nhận ra rằng với mỗi người thì phần thưởng xứng đáng lại khác nhau rất nhiều.

alt
Rising Chef Challenge 2022 đã mang đến rất nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm cho các đầu bếp tham gia cuộc thi | Nguồn: Vietcetera

Có người không có quá nhiều tham vọng, chỉ cần có một môi trường để học hỏi, nơi ngay cả những thành tựu nhỏ nhất cũng được ghi nhận và từng chút công sức bỏ ra đều nhận được sự trân trọng.

Có những người đang ở tuổi trẻ muốn nhân đây như một "bệ phóng sự nghiệp" có tiềm năng, đưa tên tuổi cá nhân đến hàng vạn người.

Có những người lại sống trong hoàn cảnh buộc sự thực tế phải được đưa lên hàng đầu, đồng nghĩa với việc nhờ vào cuộc chơi mà có được cơ hội việc làm trong mơ. Tựu chung lại từ cổ chí kim, có mấy ai dùi mài kinh sử mà không có cái chí "phải có danh gì với núi sông."

Vậy nên, khi tham gia một cuộc thi nấu ăn mà không ít nhiều có tham vọng lưu lại tên tuổi xem chừng cũng là điều vô lý.

Thất bại đôi khi dạy ta nhiều bài học hơn sự thành công

Dù có bao người đã từng tham gia vào những cuộc đấu ẩm thực, sẽ chỉ một số ít thí sinh có thể thực sự "cưỡi sóng lớn" mà gặt hái được thành công thực sự. Với trường hợp của tôi, có thể coi là đã thất bại trong cuộc thi năm ấy, khi hành trình dừng lại khá sớm và dấu ấn để lại cũng thật mờ nhạt.

Thất bại kiểu này thường chỉ có hai nguyên nhân do mình làm chưa đủ tốt và do bản thân ngộ nhận rằng mình phù hợp với sân chơi đó. Chỉ khi thực sự nhìn lại được thất bại của mình, dám thay đổi để tiếp tục bước đi trên con đường đó, bất kể hoàn cảnh thế nào mới thực sự là chiến thắng cuối cùng.

Có lẽ tôi không có được phần thưởng lớn nhất của chương trình khi ấy là một khoản tiền mặt và sự hỗ trợ cần thiết để xuất bản một cuốn sách nấu ăn, cùng bao cơ hội để thành danh trong phút chốc. Thế nhưng nếu không có thất bại này, có thể tôi đã mất nhiều hơn.

Cho đến cùng, sự thất bại trong cuộc thi giống như một khoản đầu tư lâu dài sẽ đơm hoa kết trái ở tương lai. Không cần trở thành quán quân, khoản tiền kia rồi cũng có lúc tôi đã kiếm được. Cuốn sách nấu ăn trong mơ rồi cũng trở thành hiện thực.

Quan trọng hơn cả, tôi nghĩ rằng cái được lớn nhất mà cuộc thi đã cho mình là cơ hội để soi xét lại và dần có nhận thức sâu sắc hơn về chính bản thân mình.

Sau đó, tiếp tục tiến bước dựa trên thực tế, chứ không dựa dẫm vào danh vọng hão huyền mà mình đã từng kỳ vọng có được, nhờ những "bệ phóng" hay những con đường tắt.

Con đường đó có thể dài hơn, vất vả hơn, nhưng mỗi dặm đường mà bạn đi qua sẽ đều xứng đáng, đều đáng nhớ. Chỉ cần bạn trưởng thành hơn sau mỗi trải nghiệm, đó đã thực sự là một thành tựu đáng trân trọng.

alt
Rising Chef Challenge 2023 hứa hẹn là một hành trình đầy cảm hứng sáng tạo của các đầu bếp triển vọng | Nguồn: Vietcetera

Thử thách Đầu bếp Tiềm Năng

Người ta bảo không có học trò dốt, chỉ có người thầy chưa đủ giỏi. Cũng như một người thầy tận tâm, một sân chơi phù hợp là điều cần thiết để dung dưỡng những tài năng trẻ, tràn đầy nhiệt huyết.

Cũng vì thế mà nó cũng rất quan trọng để mài giũa chuyên môn, đặc biệt là với một ngành nghề đậm chất thủ công như nghề bếp.

Tháng 4/ 2023, hãy đồng hành cùng Mastercard và Vietcetera trong Thử thách Đầu bếp Tiềm Năng năm 2023 để theo dõi một hành trình đầy cảm hứng sáng tạo của các đầu bếp triển vọng, đang trên đà ghi dấu ấn cá nhân lên nền ẩm thực hiện đại của Việt Nam.

Tìm hiểu thêm về cuộc thi Rising Chef Challenge và đăng ký dự thi tại đây.

Flavors Vietnam là chuỗi sự kiện hợp tác thường niên giữa Vietcetera và Mastercard, từng bước ghi dấu ấn riêng của mình sau mỗi mùa hoạt động, trở thành một nền tảng văn hoá và kinh doanh F&B uy tín và bền vững.

Cùng những doanh nghiệp F&B hàng đầu, những tài năng ẩm thực đầy hứa hẹn, và các đối tác có chung tầm nhìn khai phá tiềm năng to lớn của ngành F&B trong nước, Vietcetera hướng đến mục tiêu phát triển Flavors Vietnam trở thành sự kiện quy mô khu vực và toàn cầu trong những năm tới.

Trải qua 3 mùa, Flavors Vietnam không ngừng nỗ lực mang đến nhiều nội dung và hoạt động F&B đa dạng hơn mùa trước. Ngoài lễ trao giải Nhà hàng & Quán Bar Việt Nam (Bánh Mì Awards), Hội thảo Ẩm thực và Đồ uống Việt Nam, Thử Thách Đầu Bếp Tiềm Năng, Tuần lễ Nhà hàng và Quán bar - những sự kiện cốt lõi được đón nhận nồng nhiệt của Flavors Vietnam, chương trình năm nay hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội, trải nghiệm ẩm thực thú vị hơn, nhiều chương trình ưu đãi độc quyền hấp dẫn hơn cho người tham gia.