Vì sao có người lên xe gặp “chị Huệ”, người thì không? | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 05, 2023
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Vì sao có người lên xe gặp “chị Huệ”, người thì không?

Do đường xóc, mùi xe, ăn quá no hoặc quá ít… Những giả thuyết này không sai, nhưng chưa phải nguyên nhân gốc rễ của tình trạng say xe.
Vì sao có người lên xe gặp “chị Huệ”, người thì không?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Mùa hè khiến nhiều người háo hức với những chuyến đi xa, nhưng bạn thì không. Bởi xe cứ lăn bánh được một lúc là bụng bạn lạo xạo, đầu óc nhưng nhức, mắt lờ mờ. Bạn chực trào điều gì đó trong họng và một… hai… ba… bạn gọi tên chị “Huệ”.

Tuy nhiên bạn không cô đơn trong tình cảnh này. Theo tiến sĩ Spencer Salter, ước tính 1/3 thế giới đã từng bị say xe ít nhất một lần trong đời.

Tình trạng này phổ biến như vậy, song vẫn đi kèm nhiều hiểu lầm chưa được giải thích đầy đủ. Vì sao ngồi ghế trước lại đỡ say hơn? Vì sao không nên bấm điện thoại trên xe? Vấn đề có thực sự nằm ở việc ăn no hay ăn ít? Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân thực sự đằng sau chứng say xe.

Mỗi giác quan một ý

Não nhận biết chuyển động của cơ thể nhờ vào các tín hiệu từ tai trong, mắt, các mô trên bề mặt và các khớp cơ. Khi những bộ phận này “phối hợp” ăn ý để cùng báo hiệu cho não rằng bạn đang di chuyển, bạn sẽ có một chuyến đi thuận buồm xuôi gió.

Tai trong là một phần của hệ thống tiền đình, nơi cảm nhận chuyển động và thăng bằng của cơ thể. Hệ thống này gồm ba cặp ống bán khuyên, mỗi cặp cảm nhận một chiều không gian. Nối với chúng là xoang nang và cầu nang - chứa dịch và tế bào lông giúp xác định hướng lên xuống hoặc tiến lùi.

Khi ta di chuyển, khối chất lỏng và các sợi lông sẽ đung đưa theo, báo hiệu cơ thể chuyển động theo phương ngang hay dọc. Kết hợp với thông tin từ các giác quan khác, não có thể đánh giá được cả phương hướng, gia tốc và góc của chuyển động. Tuy nhiên khi bạn ngồi im trong xe đang chạy, một cuộc xung đột nội bộ có thể xảy ra.

Tai trong cảm nhận được xe rẽ trái phải, lên xuống dốc nên cho rằng bạn “đang đi”. Nhưng mắt nhìn vào một chỗ và các cơ yên vị lại nói “không, cơ thể đang đứng yên”. Điều này làm não rối loạn, gây ức chế cơ thể và dẫn đến phản ứng nôn nao, chực trào. Đây là lý do việc đọc sách hay chơi game giết thời gian thường không được khuyến khích ở người chơi hệ say xe.

25may2023sayxeintext2jpg
“Mắt nói gà, tai nói vịt” là nguyên nhân gốc rễ khiến bạn bị say xe.

Não bộ tưởng cơ thể bị nhiễm độc

Vào thời tiền sử, những hoạt động đi lại của con người đều chủ động và có kiểm soát. Nhà thần kinh học Michel Treisman cho rằng, không có nhiều thứ có thể gây ra những xáo trộn cảm nhận như vậy trong lịch sử loài người, ngoại trừ chất độc.

Theo giả thuyết của ông, say xe là kết quả của quá trình thích nghi tiến hóa. Nhiều chất độc khi người xưa ăn vào đã gây rối loạn hệ thống tiền đình, khiến cơ thể phản ứng bằng cách đào thải những thứ đã ăn. Do đó, những dấu hiệu trục trặc trong tai khi di chuyển sẽ làm não bộ lầm tưởng cơ thể bị nhiễm độc và sẵn sàng thanh lọc.

Cơ chế bảo vệ cũng được kích hoạt dựa vào những dấu hiệu bên ngoài. Người xưa nhận biết hoa quả độc bằng cách xem người đã ăn chúng trước đó. Điều này giải thích cho tình trạng “lây” say xe giữa các hành khách. Hình ảnh người khác xây xẩm hoặc mùi hương khó chịu sẽ báo nguy cho não để chuẩn bị phản ứng.

Có người say, người tỉnh

Trong khi bạn vật vã suốt chuyến đi, người kế bên lại “bình chân như vại” và đọc sách, xem phim đủ kiểu. Sự khác biệt này đến nay vẫn đang được tranh luận giữa các học giả.

Theo nhà thần kinh học Timothy Hain, nguyên nhân có thể là do gen di truyền. Giáo sư vận động học Tom Stoffregen lại cho rằng, vấn đề nằm ở sự khác biệt trong cách chuyển động của mỗi người. Kết luận này dựa trên thuyết ổn định tư thế (postural stability theory) - cơ thể không bao giờ bất động.

Bên cạnh đó, trẻ nhỏ từ 2-12 tuổi thường bị say xe do tầm nhìn hạn chế khi ngồi ghế người lớn, khiến những mâu thuẫn giác quan dễ xảy ra. Phản ứng này biến mất khi trẻ lớn lên, cơ thể thích nghi dần với việc di chuyển. Một số người khác lại ngủ gục do nhạy cảm với tiếng ồn trắng và rung động mà chiếc xe tạo ra, từ đó thoát được “lời nguyền” say xe.

Một nghiên cứu trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (NLM) cũng chỉ ra rằng, nồng độ estrogen tăng cao cũng có thể dẫn đến say tàu xe. Đây là nguyên nhân phụ nữ mang thai, đang trong ngày “đèn đỏ” hoặc uống thuốc có chứa estrogen có khả năng say xe cao hơn.

Ngoài ra, trong cùng một xe, vị trí ngồi cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ say xe. Bác tài thường là người tỉnh táo nhất, do tiểu não phải hoạt động mạnh để dự đoán chuyển động. Ở vị trí này, mắt cũng có tầm nhìn bao quát hơn, có thể phối hợp nhịp nhàng với chất dịch trong tai. Ngược lại, càng ngồi gần cuối xe, khả năng “ngây ngất” càng cao.

Làm thế nào để có những chuyến đi “tỉnh táo”?

Tạm thời “tắt bớt” một giác quan: Đây là cách hữu hiệu để giảm bớt xung đột giác quan khi di chuyển. Bạn có thể nhắm mắt ngủ hoặc nghe nhạc, tránh đọc sách, trò chuyện hoặc sử dụng các thiết bị điện tử.

25may2023sayxeintext1jpg
Để giúp các giác quan không còn xung đột, bạn có thể nhắm mắt để tạm “tắt” thị giác.

Tăng sự phối hợp giữa các giác quan: Bạn nên ngồi ghế trước xe hơi, ngồi ghế sát cửa sổ máy bay hoặc ngồi trên boong tàu thủy. Những vị trí này giúp bạn nhìn được cảnh vật bên ngoài, thống nhất tín hiệu với tai là mình đang di chuyển.

Tập cho cơ thể thích nghi dần: NASA đã huấn luyện các phi hành gia quen dần với tàu vũ trụ bằng tàu bay và các chương trình mô phỏng. Tương tự, nếu bạn say sóng, bạn có thể chèo thuyền để làm quen dần với sóng và chuyển động trên mặt nước.

Dùng thuốc khi cần thiết: Các thuốc chống say như thuốc kháng histamin hay thuốc kháng đối giao cảm được khuyến khích sử dụng ít nhất 30 phút trước khi lên xe. Tuy nhiên, cần lưu ý tác dụng phụ và tham khảo phần chống chỉ định trước khi uống.