Jul 18, 2022Fashion ForumLOCO

5 Thương hiệu thời trang Việt bền bỉ theo đuổi sự bền vững

Thời trang bền vững là chất liệu tái chế, là cho những tấm vải cũ một đời sống mới. Còn gì nữa?
Nhi Nguyen
Nguồn: Yen Tong cho Vietcetera

Nguồn: Yen Tong cho Vietcetera

6 tỷ lượt xem video có hashtag #Sheinhaul hay 3,1 tỷ lượt xem với hashtag #Zarahaul trên TikTok là những con số biết nói, thể hiện chúng ta vẫn rất yêu thích những video khoe chiến tích mua sắm từ những hãng thời trang nhanh như Shein, Zara hay H&M. Bỏ qua ưu điểm "đẹp mà rẻ", những hãng thời trang này thường sẽ chỉ quan tâm đến một điều là lợi nhuận, mà phớt lờ những yếu tố quan trọng liên quan đến nhân công và môi trường.

Chính vì vậy, làm thời trang bền vững là một hành trình gian nan vì phải cân bằng 3 yếu tố - lợi nhuận, con người, môi trường. Ở Việt Nam, chúng ta có những hãng thời trang như vậy - luôn theo đuổi giá trị thẩm mỹ và nhân văn từ buổi đầu thành lập. Tuy có khó khăn, nhưng họ đã dần tạo được tiếng nói riêng trong cộng đồng của mình nhờ những nỗ lực bền bỉ. Vậy hành trình của họ bắt đầu như thế nào?

Fashion4Freedom - Bền vững là bảo tồn làng nghề thủ công

  • Ngay từ cái tên, Fashion4Freedom (F4F - Thời trang vì tự do), đã thể hiện mong muốn dùng thời trang để giải phóng và phát triển. Vào năm 2010, khi nhận thấy phát triển kinh tế đã và đang vắt kiệt nguồn sống của các làng nghề thủ công, Nguyễn Lan Vy đã thành lập F4F nhằm trực tiếp liên kết khách hàng với nghệ nhân, giảm thiểu số lượng trung gian và tình trạng bóc lột lao động.
  • Mỗi sản phẩm của F4F đều là những tác phẩm nghệ thuật đích thực nhờ vào sự độc đáo trong ý tưởng và gia công. Giày Rồng (Dragon Shoes) là một ví dụ. Phần đế giày “tận dụng" gỗ mít thu mua từ những gia đình địa phương, được chạm khắc tinh xảo.
  • Trong hành trình “Tái định nghĩa sự sang trọng” (Redefining Luxury), suốt những năm đầu tiên bán Giày Rồng, chị Lan Vy không ghi tên thương hiệu, buộc người tiêu dùng phải tò mò, tìm hiểu và tự đánh giá. Giờ thì, ai cũng biết Giầy Rồng xuất phát từ xứ Huế. Giày Rồng cũng được trao giải dành cho thiết kế ấn tượng tại Cuộc thi thiết kế của Đức (German Design Awards) năm 2018.

  • Kể cả rác thải công nghệ cũng có thể biến thành thời trang. F4F còn nhiều sản phẩm ấn tượng như trang phục hoạ tiết của người Tà Ôi, BST trang sức từ điện thoại, máy tính và tablet hỏng, trang sức gỗ... Dù với sản phẩm nào, F4F luôn giữ một thái độ minh bạch, về chất liệu, về ý tưởng, và về người làm ra nó.
  • Khi nhìn những sản phẩm từ F4F, ta có quyền tự hào về một nền văn hoá chạm khắc đi ra từ các làng nghề truyền thống. Nó không chỉ huy hoàng trong quá khứ, mà sẽ còn trường tồn với thời gian nếu được ủng hộ và phát triển đúng hướng.

Metiseko: Bền vững là kiên trì quảng bá văn hoá Việt

  • Metiseko được thành lập vào năm 2011 bởi Perzo và Florence Musso, cặp đôi người Pháp say đắm văn hoá Việt Nam. Metiseko có thể không có một cái tên Việt hay nhà sáng lập người Việt, nhưng vẫn là thương hiệu thời trang “proudly made in Vietnam” nhờ vào việc tôn vinh chất liệu Việt trong thiết kế.
  • Cái tên Metiseko là sự kết hợp giữa từ “métis”, hay “métisser” và từ “eko”: một hệ sinh thái kết hợp tinh hoa của phương pháp thiết kế Pháp và chất liệu cao cấp đến từ Việt Nam.
  • Ngoại trừ vải cotton của Ấn Độ (được chứng nhận hữu cơ toàn cầu), tất cả trang phục của Metiseko sử dụng hoàn toàn nguồn vải lụa từ Bảo Lộc, Lâm Đồng (bao gồm Habutai, Crepe, Satin, Santung, và Twill).
  • Thiết kế dệt may của Metiseko đơn giản nhưng rất đỗi thanh lịch, vinh danh phong cảnh, văn hoá Việt Nam - những con đường lát đá cuội ở Hội An, những chiếc đèn lồng cùng những con thuyền nhẹ trôi dọc sông Thu Bồn, ...
  • Nếu yêu thích khám phá những truyền thuyết cổ xưa của Việt Nam, những biểu tượng mạnh mẽ trong văn hoá địa phương, không hề bị rập khuôn, hãy tìm đến những BST như “Sống", “Cội", “Red Dao", “A Journey to the Temple"...

Môi Điên - Bền vững là sản phẩm chất lượng

  • Môi Điên được thành lập vào năm 2016 bởi Tom Trandt (Trần Minh Đạo). Anh đã tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế Thời trang tại trường Đại học danh giá Parsons, New York, Mỹ. Cái tên “Môi Điên" (Crazy Lips) mang ý nghĩa truyền tải thông điệp “tự do thể hiện" - đây cũng là sứ mệnh của thương hiệu.
  • Những sản phẩm của Môi Điên đều lấy nguồn cảm hứng bất tận từ kho tàng các câu chuyện Việt Nam, với những tên gọi dí dỏm và cũng rất dễ liên hệ như áo “Đường Vào Tim Em", quần “Gái Cào", hay túi “Ba Gang".
  • Cuối tháng 4/2022, Môi Điên cho ra mắt BST số 10 “Làng Chơi", lấy cảm hứng từ Logo đầu tiên người Pháp làm cho Sài Gòn với dòng chữ la-tinh “Paulatim Crescam" (Cứ từ từ, tôi sẽ phát triển). Sài Gòn hiện lên phóng khoáng qua thiết kế mang phom dáng Á Đông đi kèm hoạ tiết với sắc màu của rừng cây lá cọ, vệt thêu mờ ảo man mác như bề mặt sông nước, và kỹ thuật xử lý chất liệu như vết cào của cọp Đông Dương.
  • Theo Tom Trandt, nếu bỏ một mức giá cao hơn để sở hữu sản phẩm thời trang chất lượng tốt, khách hàng sẽ có thái độ nâng niu, trân trọng và gìn giữ chúng hơn. Đây cũng là cốt lõi bền vững của Môi Điên - kiên tâm với việc thiết kế những sản phẩm chất lượng.

TimTay - Bền vững là theo đuổi tinh thần “zero-waste”

  • TimTay - mọi sản phẩm đều xuất phát từ trái tim, thành hình nhờ đôi bàn tay yêu nghề.
  • TimTay được sáng lập bởi hai chị em Hoàng Tú và Hoàng Anh vào năm 2014. TimTay ưu tiên chất lượng, sự chỉn chu, sử dụng những nguyên liệu tự nhiên như sợi lanh, sợi bông, tơ tằm nguyên chất,... để thân thiện hơn với môi trường, và thân thiện với chính bản thân người mặc để hạn chế tối đa việc kích ứng da.
  • BST Lụa 1 đánh dấu lần đầu tiên TimTay áp dụng kỹ thuật cắt không vải thừa (zero waste). “Zero-waste” thách thức sự sáng tạo và tay nghề của người thiết kế để đảm bảo tỷ lệ vải thừa bằng 0%, thay vì 15-20% như một sản phẩm thời trang thông thường.
  • TimTay không chạy theo trend, sản phẩm vì thế cũng không hướng đến giới tính và độ tuổi cụ thể, mà thiên về giải phóng cơ thể bằng những sản phẩm thoải mái, mềm mại.
  • Dù bạn mua sản phẩm từ bao giờ, TimTay cũng sẵn sàng sửa đồ vô thời hạn cho bạn.

Archive Sashiko- Bền vững là “vá chằng vá đụp”

  • Anh Thành - Chủ thương hiệu Archive Sashiko có lẽ là người duy nhất thực hành Boro tại Việt Nam. Đây là kỹ thuật thêu vá truyền thống của Nhật Bản tận dụng vải vụn, vải thừa. Boro tôn vinh tinh thần tiết kiệm, sáng tạo khi bạn không có quá nhiều của cải.
  • Anh Thành tự học kỹ thuật may Boro bằng tiếng Nhật qua… Google dịch, tự mua vải chàm trên Sapa, từ những kiện đồ si Nhật và miệt mài thực hành, phá ra và tìm cách tái chế lại rồi khai sinh thương hiệu vào cuối năm 2020 tại Đà Lạt.
  • Ở Archive Sashiko, mỗi ngày anh Thành chỉ làm được 1-2 món đồ, và mỗi tháng bán được 7-8 món. Tinh thần “thời trang chậm” này lại giúp cho mỗi món đồ sở hữu một câu chuyện riêng, chứa đựng niềm đam mê và tình yêu của người làm ra nó.
  • Những sản phẩm của Archive Sashiko đều được “vá chằng vá đụp" nhưng bạn sẽ không nghĩ đây là những sản phẩm cũ. Ngược lại, nhìn quen mắt ta sẽ có cảm giác nó vốn là vậy từ khi sinh ra. Dù thích thẩm mỹ này hay không, bạn cũng sẽ công nhận đây là cách hoàn hảo để tôn vinh tính tiết kiệm, đồng thời thể hiện cảm hứng sáng tạo bất tận của người làm ra nó.

Cảm ơn Dentsu Redder đã đồng hành cùng chương trình, cùng góp sức thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu Việt.


Read full article

Most viewed